Tỷ phú Trịnh Văn Quyết: Chưa bao giờ kêu ca khó khăn, quyết làm lớn
Tỷ phú Trịnh Văn Quyết: Chưa bao giờ kêu ca khó khăn, quyết làm lớn
Nguồn: Báo Điện tử Vietnamnet
Ông Trịnh Văn Quyết cho hay chưa bao giờ nói tài chính của Bamboo khó khăn. Tỷ phú Phạm Nhật Vượng xuất khẩu ô tô vào thị trường Mỹ trong khi đó ông Nguyễn Đăng Quang, Trần Bá Dương lại chọn nông nghiệp.
Ông Trịnh Văn Quyết: "Tôi chưa bao giờ nói tài chính của Bamboo khó khăn"
“Tôi chưa bao giờ nói tài chính của Bamboo Airways khó khăn. Tất cả những gì tôi trả lời trước đây cũng đều khẳng định điều này. Bamboo đang triển khai bình thường các hoạt động, thậm chí còn nhanh chóng, bài bản hơn trước khi có dịch”, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC và hãng hàng không Bamboo Airways, khẳng định với báo giới chiều 30/5.
Ông Trịnh Văn Quyết cho hay, đỉnh điểm của khó khăn với thị trường hàng không đã qua. Hiện, các hãng đã bay nội địa bình thường trở lại.
Tuy nhiên, hiệu quả cụ thể ra sao hay khả năng có lãi hay không sẽ phải đợi đến cuối năm mới có con số chính xác.Hiện Bamboo Airways đã mở lại tới 90% đường bay. Tuy nhiên, nếu trước Covid-19, hãng bay 150 chuyến một ngày thì hiện tại mới đạt 50%.
Dự kiến, sau khi hết dịch, hãng sẽ mở lại một số đường bay quốc tế như Hà Nội - Incheon (Hàn Quốc), Hà Nội - Đài Loan. Kế hoạch của Bamboo Airways là sau đó mở đường bay từ Hà Nội đi Australia, Singapore, Nhật Bản và TP.HCM đi Nhật Bản.
|
Ông Trịnh Văn Quyết |
Kế hoạch mở đường bay Praha (Séc) của hãng bị hoãn do dịch bệnh vào tháng 3-4, giấy phép bay và các điều kiện bay của nhà chức trách đã hoàn tất do Bamboo Airways là hãng hàng không tiên phong mở đường bay này. Vì vậy, hãng sẽ mở lại sau khi hết dịch.
Ông Quyết cũng khẳng định Bamboo Airways vẫn giữ kế hoạch niêm yết trên thị trường chứng khoán trong năm nay. Hãng đang nộp hồ sơ xin phép mở rộng đội máy bay lên 40-45 chiếc.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng xuất khẩu vào thị trường Mỹ
Ông Phạm Nhật Vượng cho biết, VinFast đang nghiên cứu các thị trường để xuất khẩu, còn Vinsmart đã xuất khẩu đi một số nước. Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại, chiến lược của tập đoàn là cả VinFast và VinSmart ngoài Việt Nam thì chỉ tập trung vào 1 thị trường, đó là thị trường Mỹ.
Vingroup coi Mỹ là một thị trường trọng điểm và là thị trường rất khó, bởi nếu làm được ở thị trường khó nhất, thì câu chuyện vào các thị trường khác sẽ đơn giản, dễ dàng hơn. Sau khi làm thành công, đạt đến sản lượng nhất định ở thị trường Mỹ mới triển khai tiếp các thị trường khác.
Ông Vượng cho biết, đây là phép thử cho toàn bộ hệ thống vì nếu sản phẩm làm ra không tốt, giá cả không cạnh tranh, thì đương nhiên sẽ không có logic để tồn tại.
|
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng |
Do tác động của dịch Covid-19, người đứng đầu Vingroup cho biết năm nay là năm rất khó khăn đối với mảng du lịch - vui chơi giải trí của Vinpearl. Trong bối cảnh này, tập đoàn vẫn kiên trì đi theo hướng kêu gọi, thúc đẩy kích cầu du lịch nội địa. Chủ tịch Vingroup cho biết nếu dịch bệnh trong nước vẫn được kiểm soát tốt và người dân không được đi du lịch nước ngoài thì du lịch trong nước sẽ rất phát triển.
Tỷ phú Việt bỏ ngàn tỷ lập trại nuôi heo
CTCP Thuỷ sản Hùng Vương (HVG) của ông Dương Ngọc Minh vừa thông qua việc góp vốn thành lập Công ty TNHH Sản xuất Heo giống và Thức ăn chăn nuôi Việt Đan với vốn điều lệ là 556 tỷ đồng.
Đây là động thái mới nhất sau khi đại gia thủy sản miền Tây hợp tác với ông lớn trong ngành ô tô - Thaco Trường Hải của tỷ phú USD Trần Bá Dương. Theo đó, HVG góp 25% vốn và Công ty sản xuất chế biến và phân phối nông nghiệp Thadi (Thadi) - một công ty con của Thaco sẽ góp 75% vốn còn lại.
Mặt khác, Thadi cũng sẽ đầu tư 65% vào liên doanh THADI - HVG trong sản xuất heo giống với quy mô 45.000 con trong năm 2020 với tổng giá trị đầu tư 2.000 tỷ đồng, triển khai tại An Giang, Bình Định.
Theo kế hoạch kinh doanh, Thadi của ông Trần Bá Dương sẽ đầu tư chăn nuôi lợn thịt theo tiêu chuẩn EFSA với quy mô 1,2 triệu con/năm nhằm cung cấp sản phẩm sạch cho thị trường trong ngoài nước.
Sự nhập cuộc của các tỷ phú Việt như ông Nguyễn Đăng Quang, Trần Bá Dương có thể sẽ phá vỡ sự thống trị của người Thái trên thị trường nông nghiệp và thực phẩm Việt.
Thi trường cho thấy sự phân đôi, các tỷ phú Thái Lan và Việt Nam tiếp tục thống trị thị trường chăn nuôi lợn của Việt Nam.
Ông Hồ Xuân Năng: Hòa Phát từng muốn hợp tác
Ông Hồ Xuân Năng, Chủ tịch HĐQT Vicostone cho biết, câu chuyện Vicostone kinh doanh đá ở thị trường này rất hiệu quả nên nhiều công ty mong muốn từ lâu. Ví dụ như Tập đoàn Hòa Phát từng có ý định đầu tư vào lĩnh vực này, "tôi đã từng gặp con trai anh Long (Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long- PV).
Chủ tịch Vicostone cũng giải thích sở dĩ không để cho Vicostone trực tiếp đầu tư nhà máy nhựa polieste là nhằm tránh việc xử lý các thủ tục của công ty niêm yết và quá trình triển khai nhanh chóng.
Năm trước, tập đoàn mẹ cũng đã chuyển giao Phenikaa Huế cho Vicostone. Doanh nghiệp này năm trước có lãi 50 tỷ đồng.
Ông Năng cũng cho biết nguồn vốn nhận chuyển giao dự án đầu tư mới sẽ không huy động thêm từ cổ đông. Vicostone nếu có chỉ chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, không phát hành mới. Năm 2019, công ty chia cổ tức tỷ lệ 60%, theo 3 đợt bằng tiền mặt.
|
Bầu Đức hứa với cổ đông |
Bầu Đức hứa với cổ đông sẽ hết lỗ
Trong báo cáo thường niên của Hoàng Anh Gia Lai, “tâm thư” của ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) cho biết, về kết quả hoạt động kinh doanh, do Hoàng Anh Gia Lai đang trong giai đoạn đầu tư chuyển đổi ngành nghề, cơ cấu cây trồng nên phát sinh các khoản lỗ do chi phí chuyển đổi vườn cây và chi phí thanh lý các tài sản gắn liền với vườn cây cũ, trong khi hơn một nửa diện tích cây ăn trái đang trong giai đoạn đầu tư kiến thiết cơ bản.
Ông Đức khẳng định, các khoản lỗ này sẽ giảm dần và Hoàng Anh Gia Lai sẽ nỗ lực để chuyển sang trạng thái có lợi nhuận trong thời gian sớm nhất.
Cặp cổ phiếu HAG và HNG cùng tăng trần. HAG tăng trần lên 4.560 đồng còn HNG tăng trần 1.000 đồng lên 15.350 đồng. Sức mua ở cả hai mã này đều lớn, không còn dư bán, trong khi vẫn dư mua giá trần.
HAG xuống đáy vào thời điểm cuối tháng 3 về mức giá 2.550 đồng/cổ phiếu và hiện tại đang hồi phục rất mạnh. Tính đến nay, cổ phiếu của Hoàng Anh Gia Lai đã tăng 78,82% từ đáy.
Tương tự, HNG của Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) cũng hồi phục 25,82% so với mức đáy 12.200 đồng hồi cuối tháng 3 năm nay.
Không ngờ có thời thê thảm
Đế chế dịch vụ hàng không của nhà ông Johnathan Hạnh Nguyễn - CTCP Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất - Sasco (SAS) cũng lao dốc vì Covid-19. Doanh thu quý 1 giảm 29% so với cùng kỳ xuống chỉ còn 523 tỷ đồng, lợi nhuận giảm hơn 80% xuống còn 16 tỷ đồng. Dự báo doanh thu và lợi nhuận trong quý 2 còn giảm mạnh hơn do đây là cao điểm chống Covid-19 với lượng khách sụt giảm.
Chủ chuỗi cửa hàng đồ ăn Lucky và miễn thuế Jalux ở sân bay của CTCP Dịch vụ Hàng không Taseco (Taseco Airs) cũng gặp khó với doanh thu quý 1 giảm 21%, lợi nhuận sau thuế giảm 70% xuống còn 16 tỷ đồng.
Dịch bệnh đã khiến doanh nghiệp này giảm mạnh các chỉ tiêu kinh doanh trong năm 2020 với doanh thu kế hoạch giảm 41% xuống còn 670 tỷ và lợi nhuận trước thuế giảm 90% xuống chỉ còn gần 27 tỷ.
Kế hoạch này được xây dựng trên giả định dịch Covid-19 sẽ kết thúc vào tháng 7 và thị trường trở lại bình thường từ tháng 9. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư lo ngại lượng khách quốc tế nhiều khả năng sẽ hồi phục chậm.
Ông Đào Ngọc Thanh: không ai đặt là Tí, là Tèo
Chủ tịch HĐQT Vinaconex Đào Ngọc Thanh chia sẻ: Không có cô hoa hậu nào tên là Nguyễn Thị Tèo, Nguyễn Thị Tí, mà đều là những cái tên rất mỹ miều. Bất động sản cũng vậy. Các khu dự án cũng như những người đẹp, được tô điểm quần áo, trang sức bằng cảnh quan, tiện ích
Thay vì xây nhà quay ra mặt đường như thị hiếu thông thường, tất cả các biệt thự của dự án đều quay mặt vào khuôn viên bên trong. Đồng thời, thay vì quy hoạch 100 căn thì dự án này chỉ để 99 căn và làm một nhà câu lạc bộ cho cư dân với tên gọi là 99 Club House. Mặc dù sau đó dự án "bị cắt" chỉ còn 94 căn, nhưng nhà câu lạc bộ vẫn giữ con số 99.
"Tại sao là 99 chứ không phải 94 hay 100? Hãy thử tưởng tượng, khi có người hỏi bạn ở đâu, bạn trả lời rằng bạn ở "khu 99 căn". Nghe như vậy rõ ràng rất "oách" - ông Thanh nói. Và đó là sự khác biệt của dự án, hay nói "văn vẻ" là một câu chuyện hay để kể về dự án.
( C. H sưu tầm)