Trung Quốc trước ngã ba đường
Nguồn: Báo Điện tử TuanVietnamnet
Trong phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội khóa 13 gần đây, lãnh đạo Trung Quốc đã bỏ qua chỉ tiêu tăng trưởng GDP trong năm 2020 do những khó khăn và tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19
Viễn cảnh kinh tế thật khó tươi sáng và khó đoán định của Trung Quốc. Ảnh: Reuters |
Thay vào đó, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đặc biệt tập trung vào công tác đảm bảo việc làm với tỷ lệ thất nghiệp mục tiêu ở mức 6% và tạo ra hơn 9 triệu việc làm mới trong năm 2020, thấp hơn nhiều so với con số 11 triệu việc làm được Chính phủ Trung Quốc đề ra trong năm 2019.
Trong năm 2019, tăng trưởng GDP của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, chỉ đạt 6,1% - mức thấp nhất trong vòng 30 năm trở lại đây - trước các tác động tiêu cực từ cuộc chiến thương mại. Tốc độ tăng trưởng của nước này đã sụt giảm âm 6,8% trong quý I cho thấy Trung Quốc đang đối mặt với những thách thức kinh tế chưa từng có và lần đầu tiên sau nhiều thập niên tăng trưởng cao liên tục đã xuất hiện nguy cơ sụt giảm tăng trưởng sâu.
Bạo loạn ở Hồng Kong, bầu cử ở Đài Loan và những phản ứng trên thế giới, đặc biệt là Mỹ và EU, với nước này liên quan đến minh bạch thông tin về dịch bệnh cho thấy viễn cảnh kinh tế thật khó tươi sáng và khó đoán định của Trung Quốc.
Trong bối cảnh đó, một số học giả của Việt Nam đã có cuộc trao đổi trực tuyến với các học giả hàng đầu của Nhật Bản về chủ đề biến đổi về kinh tế và chính trị ở khu vực Đông Á, và liệu Việt Nam sẽ chịu tác động như thế nào trong các trào lưu đó.
|
Dòng người biểu tình trên đường phố Hồng Kông ngày 9/6/2019- Ảnh: Reuters. |
Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung đặt câu hỏi: Một số chính phủ đang yêu cầu doanh nghiệp của họ rút đầu tư khỏi Trung Quốc. Những chính sách như vậy có hiệu lực hay không, nếu có thì nó ở mức độ nào? Quá trình dịch chuyển thì sẽ diễn ra trong bao lâu?
Giáo sư Ken Long trả lời từ đầu cầu Tokyo: “Chính phủ Trung Quốc cực kỳ quan tâm đến các trào lưu các công ty đa quốc gia di rời nhà máy sang Indonesia, Malaysia, Việt Nam và các quốc gia Asean”.
Ông Long kể, gần đây, ông viết một bài trên báo Nhật Bản đề cập đến chuỗi cung ứng toàn cầu mới và liệu doanh nghiệp Nhật Bản có di rời nhà máy của họ khỏi Trung Quốc hay không. Sau khi bài báo đăng, có rất nhiều quan chức và học giả Trung Quốc tiếp cận ông để hỏi thêm, liệu doanh nghiệp Nhật Bản có thực sự muốn di dời nhà máy sang các quốc gia khác? Ông nói, câu chuyện khá là tương phản. Các công ty đa quốc gia chỉ muốn tối đa hóa lợi ích kinh tế và nâng cao vị thế cạnh tranh trong khi Chính phủ Trung Quốc chỉ quan tâm đến tỷ lệ thất nghiệp sẽ ảnh hưởng đến ổn định xã hội của Trung Quốc.
|
Thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc đã đạt hơn 10.000 USD, có nghĩa Trung Quốc là thị trường rất thu hút và rất hấp dẫn với công ty đa quốc gia. |
Vì thế Chính phủ Trung Quốc đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo với các doanh nghiệp nước ngoài thảo luận về sức thu hút của nền kinh tế Trung Quốc. Dự kiến, Chủ tịch Trung Quốc sẽ thăm Nhật Bản vào mùa Thu tới và sẽ đối thoại với doanh nhân Nhật Bản và đề nghị tăng họ cường đầu tư vào Trung Quốc chứ không di rời nhà máy sang quốc gia khác.
Ông Ken Long kể, một báo cáo điều tra của ngân hàng JBIC gần đây nghiên cứu về xu hướng đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản cho biết, khoảng 50% doanh nghiệp Nhật Bản sẽ tăng cường đầu tư, kinh doanh tại Trung Quốc thay vì rút đi. Số doanh nghiệp này đã đầu tư hệ thống tự động hóa để giải quyết chi phí lao động tăng cao ở Trung Quốc, có nghĩa 50% doanh nghiệp Nhật Bản vẫn muốn ở lại Trung Quốc vì đó là thị trường hấp dẫn.
Tuy nhiên, khảo sát cho biết, 50% doanh nghiệp Nhật Bản còn lại đang nghĩ tới di dời nhà máy sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Ông nói: “Diễn biến đó cũng là hợp lý thôi vì các doanh nghiệp vẫn thấy hiệu quả thì họ ở lại, còn những doanh nghiệp sản xuất hàng công nghệ cao ở mức trung bình trở lên thì họ cần di chuyển tài sản sang các nước khác”.
Ông cho biết, các doanh nghiệp công nghệ cao Nhật Bản không muốn ở lại Trung Quốc vì quyền sở hữu trí tuệ không được bảo vệ tốt. Ví dụ hãng Toyota có nhà máy ở Trung Quốc nhưng không bao giờ sản xuất động cơ hybrid tại Trung Quốc, họ sản xuất tại Nhật Bản và xuất khẩu sang Trung Quốc để lắp ráp và bán xe tại thị trường Trung Quốc. “Phần lớn các doanh nghiệp công nghệ lớn của Nhật Bản cũng làm thế, họ không sản xuất các cấu kiện chính tại Trung Quốc vì quyền sở hữu trí tuệ không được bảo vệ”.
Ông nói, dù chi phí lao động Trung Quốc tăng lên nhanh, nhưng các doanh nghiệp nước ngoài sẽ khó khăn khi quyết định rời khỏi Trung Quốc để sang các nước khác. Lý do, thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc đã đạt hơn 10.000 USD, có nghĩa Trung Quốc là thị trường rất thu hút và hấp dẫn với công ty đa quốc gia.
|
"Tỷ lệ thất nghiệp ở Trung Quốc khoảng 6% nhưng theo các nguồn khác như các viện nghiên cứu, thì tỷ lệ thất nghiệp thực sự có thể lên tới 20,5%. “Nếu vậy thì tỷ lệ thất nghiệp rất nghiêm trọng, đe dọa ổn định xã hội và từ giờ trở đi thì lãnh đạo Trung Quốc sẽ đối mặt thách thức xã hội rất lớn”, GS Ken Long. |
Vì thế, các doanh nghiệp FDI sẽ phân bổ lại các tài sản của họ tại Trung Quốc, một số dời đi nhưng một số vẫn sẽ đến và một số vẫn ở lại Trung Quốc. Bên cạnh đó, hạ tầng đường xá và hạ tầng số của Trung Quốc rất tốt và tác động đến các doanh nghiệp đa quốc gia muốn rời khỏi thị trường này.
Tuy nhiên, trong bối cảnh các quan hệ quốc tế đang thay đổi nhanh chóng, các doanh nghiệp Nhật Bản, Hoa Kỳ và EU vẫn muốn di rời các cơ sở sản xuất sang Việt Nam, Asean, Ấn Độ để định vị lại chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Ken Long cho rằng, Việt Nam và các quốc gia Asean với dân số đông, hạ tầng tốt sẽ đón nhận được dòng đầu tư rút từ đó. Đây là cơ chội lớn cho Việt Nam và Asean.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho biết, trong hơn 2000 năm nay, Việt Nam đã có 17 cuộc chiến đấu với Trung Quốc và lần nào Việt Nam cũng đẩy lùi Trung Quốc khỏi bờ cõi. Có những giai đoạn Việt Nam ngây thơ tin vào họ nhưng giờ đây Việt Nam vừa hợp tác, vừa tự bảo vệ và đóng góp vào hòa bình thế giới. Ông đặt câu hỏi, liệu Trung Quốc sẽ đối diện với những khó khăn nào về kinh tế, về quản trị quốc gia?
Ông Ken Long nói, Trung Quốc đã công bố thành công khống chế virus, và GDP quý đầu tiên giảm âm 6.8% là rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, từ giờ trở đi, GDP Trung Quốc sẽ phục hồi dần và sẽ tăng lại vì Chính phủ Trung Quốc tăng đầu tư rất mạnh vào cơ sở hạ tầng và thúc đẩy tiêu dùng nội địa.
|
“Tôi không nghĩ một ai đó, một chính quyền nào đó có thể duy trì mãi mãi được việc kiểm soát và
thống trị nếu không có sự ủng hộ của nhân dân, không có lòng tin của nhân dân”,GS Ken Long. |
Ông Ken Long cho biết, thống kê chính thức cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp ở Trung Quốc khoảng 6% nhưng theo các nguồn khác như các viện nghiên cứu, tỷ lệ thất nghiệp thực sự có thể lên tới 20,5%. “Nếu vậy thì tỷ lệ thất nghiệp rất nghiêm trọng, đe dọa ổn định xã hội và từ giờ trở đi thì lãnh đạo Trung Quốc sẽ đối mặt thách thức xã hội rất lớn.
Ông cho rằng, cần thực hiện một số giải pháp tự do hóa xã hội, giảm nhẹ kiểm soát của Chính phủ và tiếp tục tư nhân hóa Doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, có vẻ lãnh đạo nước này đang làm ngược lại như dưới thời Mao. Sau hơn bốn thập kỷ cải cách và mở cửa, người dân Trung Quốc đã có dần quen với tự do, nhưng nay chính quyền đang muốn kiểm soát lại. Đó là hành động không khôn ngoan.
Ông nói, tôi không nghĩ một ai đó, một chính quyền nào đó có thể duy trì mãi mãi được việc kiểm soát và thống trị nếu không có sự ủng hộ của nhân dân, không có lòng tin của nhân dân.
Trả lời tiếp câu hỏi, Giáo sư Kenzo Hamada nhận xét, lãnh đạo Trung Quốc đang thúc đẩy phát triển kinh tế trở lại do lo ngại thất nghiệp tăng cao. Tỷ lệ thất nghiệp 20,5% gây lên bất ổn xã hội nặng nền. Được biết, có thể một lượng tiền 1400 tỷ đô được dùng để giải quyết các vấn đề thất nghiệp, kinh tế, nhưng vì thế mà Trung Quốc lại đối diện với nợ công. “Thực tế đó có thể dẫn đến vấn đề biển Đông sẽ khủng hoảng nghiêm trọng hơn nữa…”, ông Hamada nói.
Ông Trần Quốc Toản, nguyên trợ lý Thủ tướng Phan Văn Khải nêu vấn đề: Sự phát triển của thế giới ngày nay chứa đựng nhiều bất ổn. Đại dịch Covid-19 làm bộc lộ nhiều hơn sự bất ổn trong phát triển của thế giới, của từng quốc gia, tác động đến toàn nhân loại, từng gia đình, từng cá nhân. Đến nay, loài người cần cần nhận thức lại về các giá trị phát triển, văn hóa, xã hội, cộng động, quốc gia. Ông Toản nhận xét, dường như có 3 xu hướng toàn cầu hóa. Một là toàn cầu hóa theo hướng WTO đặt ra nhưng đang chững lại; hai là toàn cầu hóa theo ‘vành đai con đường’ của Trung Quốc và ba là toàn cầu hóa theo giá trị riêng của Mỹ. Ông đặt câu hỏi: “Vậy xu hướng toàn cầu hóa sẽ như thế nào tới đây?”
Ông Ken Long đáp: “Xác định toàn cầu hóa mới bao gồm 2 điểm. Thứ nhất, cải thiện chia sẻ thông tin công bằng trên toàn cầu giữa quốc gia phát triển và các nền kinh tế mới nổi; hai là toàn cầu hóa phải đóng vai trò trong cải thiện chia sẻ nguồn lực và tài nguyên năng lượng hiệu quả”.
Để thực hiện điều này cần tăng cường chức năng quản trị xã hội và cộng đồng toàn cầu. Trung Quốc đã hưởng lợi từ toàn cầu hóa khi tham gia WTO từ 2001 và cam kết mở của thị trường trong nước cho các nhà đầu tư nước ngoài nhưng đến nay họ không mở thị trường tài chính. Đây là nền tảng cho thương chiến.
|
Nền kinh tế Mỹ chịu tác động lớn sau đại dịch. Ảnh: Reuters |
Ông Trần Quốc Toản đặt thêm câu hỏi: “Quan hệ Mỹ - Trung sẽ theo kịch bản nào trong 5 năm tới đây?”.
Ông Hamada cho rằng, Mỹ và Trung Quốc hiện nay đối mặt với tình huống rất khó khăn “tiến thoái lưỡng nan” vì lòng tin bị hủy hoại, nhất là trong chính quyền của Trump. Thoạt nhìn, chính quyền Trump muốn có quan hệ tốt với Trung Quốc, ví dụ tái cân bằng thương mại, hợp tác phát triển công nghệ 5G, nhưng rồi cuối cùng họ nhận ra không thể và rồi năng thuế, trừng phạt Trung Quốc.
Ông Hamada nói, lẽ ra lãnh đạo Trung Quốc nên xây dựng quan hệ thân thiện hơn với Hòa Kỳ, nhưng họ đã từ chối và chống lại. Tôi không cho rằng trong 10 năm tới họ có thể tạo dựng lại lòng tin. Phải mất nhiều thời gian hơn”.
Ông nhận xét, Nhật Bản và ASEAN cần nỗ lực hơn nữa, phối hợp với nhau chặt chẽ hơn nữa để tạo thị trường chung ổn định kinh tế khu vực như đã từng làm trong khủng hoảng tài chính năm 1997. “Chúng ta đã có thỏa thuận chung giữa các quốc gia châu Á, lúc đó Nhật Bản dẫn dắt, ASEAN cũng hợp tác tốt với Nhật Bản. Trong toàn cầu hóa, sự lãnh đạo mạnh mẽ đóng vai trò rất quan trọng. Ngày nay, chúng ta gặp khó khăn trong toàn cầu hóa, sự lãnh đạo yếu đi. Vì thế, cần tăng cường lãnh đạo trong toàn cầu hóa”, ông nói.
Ông Hamada nói, Việt Nam cần thúc đẩy quan hệ với cả Trung Quốc và Hòa Kỳ vì đây là chủ đề rất quan trọng. Việt Nam đang là Chủ tịch của ASEAN, là thành viên không chính thức của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc. Việt Nam nên mời các quốc gia liên quan thảo luận về biển Đông vì biển Đông là kho báu của tự nhiên cho nhân loại.
|
Người dân di chuyển trên một đường phố ở Tokyo, Nhật Bản, ngày 15/5/2020. Ảnh: TTXVN |
Ông Ken Long nói, các quốc gia G7 sẽ phải đóng vai trò tích cực hơn trong hợp tác quốc tế, tuy nhiên, một số thành viên đang đồng sàng dị mộng. Ví dụ Anh có Brexit, Đức không muốn hợp tác với Trung Quốc. Nếu ông Trump tái cử cuối năm nay tất cả sẽ đối mặt với tình huống quốc tế hoàn toàn khác. Nếu ông Biden trở thành tổng thống, Hoa Kỳ và Trung Quốc lại có thể có mối quan hệ mới. Tuy nhiên, không khả năng nào là chắc chắn và đều có rủi ro.
|
“Thực tế đó có thể dẫn đến vấn đề biển Đông sẽ khủng hoảng nghiêm trọng hơn nữa…”, ông Hamada nói. |
Cả hai chuyên gia đều nhận định về tình huống có thể chiến tranh lạnh sẽ xảy ra như nhiều học giả quốc tế khác đã dự báo. Ông Ken Long nói: “Tôi không biết có chiến tranh lạnh hay không nhưng tôi cho rằng, chiến tranh lạnh mới sẽ liên quan đến khả năng về hợp tác giũa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Đến giờ đây, cả hai quốc gia rất khó tái hợp với nhau. Cả về địa chính trị thì khó hợp tác để tái thiết, về lòng tin thì đã bị hủy hoại trong thương chiến và trong đại dịch Covid-19. Vì sao Trung Quốc lại hoen ố lòng tin với Hoa Kỳ? Vì nhiều đảng viên ở Trung Quốc được đào tạo trong Cách mạng Văn hóa hơn 50 năm trước. Triết lý của họ thu nhận được dưới thời Mao, rất khó đòi hỏi họ có thay đổi về tư duy vì họ bị tri phối bởi triết lý của Mao sâu sắc rồi”.
Ngay cả ở khu vực Đông Á cũng chứa đầy rủi ro về địa-chính trị như vấn đề Hồng Kong, Đài Loan, biển Đông và Triều Tiên. Trong bối cảnh đó, Nhật Bản cần có đối thoại tích cực và chủ động hơn nữa để để kiểm soát rủi ro vì Nhật Bản là quốc gia dân chủ lớn nhất, là cường quốc kinh tế ở khu vực. Với vị thế của mình, Việt Nam đóng vai trò quan trọng hơn trong cải thiện quan hệ hợp tác giữa các quốc gia khu vực, giữa Đông Á và ASEAN.
( C. H sưu tầm)