"Ông hoàng nhạc đỏ" bỏ công việc giảng viên để về quê giờ ra sao?

Ngày đăng: 05:50 07/06/2020 Lượt xem: 305

"Ông hoàng nhạc đỏ" bỏ công việc giảng viên để về quê giờ ra sao?

Chủ Nhật, ngày 07/06/2020 04:00 AM (GMT+7)

Sau hơn 24 năm hoạt động nghệ thuật, nam ca sĩ xứ Thanh đã có nhiều thay đổi trong cuộc sống và sự nghiệp.

Mới đây, trong chương trình "Những mảng màu cuộc sống", ca sĩ Trọng Tấn đã xuất hiện với tư cách khách mời, chia sẻ nhiều điều về cuộc sống cũng như sự nghiệp trong suốt thời gian qua.

"Ông hoàng nhạc đỏ" bỏ công việc giảng viên để về quê giờ ra sao? - 1

Trọng Tấn xuất hiện trong chương trình "Những mảnh màu cuộc sống"

Trưởng thành từ Liên hoan truyền hình toàn quốc năm 1999, Trọng Tấn là ca sĩ hát nhạc đỏ nổi tiếng nhất Việt Nam. Trong "Những mảng màu cuộc sống", ca sĩ Trọng Tấn cho biết đã qua 24 năm kể từ ngày đoạt giải nhất Liên hoan tiếng hát truyền hình toàn quốc năm 1999, anh đã có phần "già hơn" cũng như "lực hát có phần giảm hơn". Tuy nhiên, anh cho biết kinh nghiệm xử lý bài hát thì Trọng Tấn đã hơn ngày xưa rất nhiều.

"Tôi từ nhỏ đã thích hát. Vào dịp đêm Trung thu ai xung phong lên hát thì sẽ được phát kẹo nên tôi cũng thường là người lên đầu tiên. Hồi đó chỉ mới lớp 1, lớp 2 gì đó. Đến năm lớp 6 tôi chính thức tiếp cận âm nhạc, mê tiếng đàn guitar. May mắn tôi gặp được một anh bộ đội và được chỉ cho cách chơi vài gam, hè năm đó tôi thật sự đam mê mẩn chơi đàn. Khi đó còn phải trông em, nấu đồ ăn cho lợn nhưng vì quá say sưa học đàn nên bị mẹ mắng", Trọng Tấn chia sẻ về những ngày đầu tiên tiếp cận với âm nhạc.

Nói về bước ngoặt của cuộc đời để đến với âm nhạc, Trọng Tấn tiết lộ trước 19 tuổi chưa hề đi ra khỏi Thanh Hóa: "Đó thật sự là bước ngoặt, lần đầu tiên đi tàu ra Hà Nội để đi thi. Tất cả mọi thứ ở thế giới bên ngoài đều lạ lẫm khiến tôi vừa muốn khám phá vừa lo lắng, run rẩy. Lúc đi xe ôm về Nhạc viện, tôi còn đi nhầm. Đến Nhạc viện, tôi thấy ngôi trường không lộng lẫy giống như mình nghĩ, hồi đó chỉ là những khu tập thể cũ, sân bóng thì ngập cỏ".

"Ông hoàng nhạc đỏ" bỏ công việc giảng viên để về quê giờ ra sao? - 2

Trọng Tấn trưởng thành từ Liên hoan truyền hình toàn quốc năm 1999 và gặt hái được nhiều thành công trong sự nghiệp

Tuy nhiên, anh cho biết điều may mắn là gặp những người cô, người thầy dìu dắt từ ngày đầu tiên: "Rất may mắn là từ bước đường đó đã có những người thầy đã nâng bước cho tôi như cô Minh Huệ, thầy Trần Hiếu. Nếu như không có những người thầy như vậy, có thể tôi đã trượt năm đó".

Ca sĩ Trọng Tấn cũng thừa nhận rằng "là nghề chọn người" và âm nhạc đã chọn anh. Trước khi đến với âm nhạc, anh biết vẽ từ rất sớm và song hành cả nhạc lẫn họa. Đến năm lớp 11, một số bạn bè rủ đi học vẽ để thi vào trường Kiến trúc. Vì không có tiền để đi học nên anh chỉ nhờ bạn bè chỉ lại cho một số cách để vẽ. Khi nghe bạn bè chia sẻ về việc học Kiến trúc, anh đã lựa chọn từ bỏ và chuyển hướng sang thi Lục quân: "Tôi thấy hình ảnh của người lính đẹp lắm. Khi đó, tôi cũng thấy học Lục quân rất tốt vì ra trường có việc ngay".

"Âm nhạc là lựa chọn cuối cùng vì khi đó tôi không nghĩ nó là nghề để mình theo đuổi đến cuối cùng. Cơ duyên là có một người anh học ở Nhạc viện về chơi thấy tôi chơi đàn và hát thì liền khuyên tôi thi vào Nhạc viện. Sau khi thi phổ thông xong, tôi ra Hà Nội để thi vào Nhạc viện. Trong khi các bạn đã luyện tập khoảng 3-5 tháng thì tôi chỉ có 12 ngày để luyện tập. Tôi không biết là phải học những gì để đi thi. May mắn tôi gặp cô Huệ thì cô không nhận tôi luyện giọng vì quá muộn. Sau đó, anh bạn giúp tôi luyện tập ở phòng bên cạnh thì cô Minh Huệ nghe được giọng hát của tôi. Cô đã kiểm tra và cho tôi học luyện thanh, bất ngờ là tôi đã thực hiện được luôn bài đó", Trọng Tấn kể về những ngày đầu tiên đến với Nhạc viện và mối cơ duyên cùng những người thầy cô đầy tâm huyết.

"Ông hoàng nhạc đỏ" bỏ công việc giảng viên để về quê giờ ra sao? - 3

Anh là ca sĩ nhạc đỏ nổi tiếng nhất Việt Nam

Khi đã vào trở thành sinh viên của Nhạc viện và học hệ Trung cấp vì không phải mất học phí, Trọng Tấn tiết lộ anh không biết học về gì: "Lúc vào học, tôi chưa có ý tưởng gì về việc mình sẽ kiếm tiền như thế nào, cứ học thôi đã. Tôi thấy các anh chị đi trước như chị Mỹ Linh, anh Tấn Minh... cũng có cuộc sống khá tốt bên cạnh việc được hàng triệu khán giả yêu mến.

Lúc đầu tôi không biết mình học nhạc gì, về sau vào học mới biết được đào tạo bài bản của kỹ thuật âm nhạc phương Tây, đa phần là cổ điển và nhạc cách mạng Việt Nam. Nhưng lúc đi hát tôi hát nhạc Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên..."

Tuy nhiên, vốn là người có khả năng tốt nên anh nhận được học bổng phụ giúp gia đình, hơn nữa học năm thứ 2 Trọng Tấn đã bắt đầu đi học ở những sân khấu nhỏ: "Đó thật sự là những năm tháng rất vui mà không thể nào quên".

Tâm sự về những năm tháng ấy, ca sĩ Trọng Tấn cho biết: "Những lần đi diễn đạp xe qua Cung Việt Xô - với tôi đó là sân khấu lớn nhất Hà Nội, đó là cả sự mơ ước của tôi, Nhà Hát Lớn tôi còn không dám nghĩ đến. Chỉ có những nghệ sĩ lớn, tên tuổi mới được diễn trong Cung Việt Xô.

Lần đầu tiên tôi đến sân khấu Cung Việt Xô là khi dự thi vòng Chung kết của Giọng hát hay Hà Nội năm 1997. Thật sự tôi choáng ngợp vì trước đó chỉ đứng ở sân khấu bé xíu, chưa đến 100 người thôi. Giờ tôi đứng ở sân khấu hàng nghìn người, gấp 10 lần, tôi lọt thỏm giữa sân khấu, tự nhiên tay chân cứng đờ, không biết nên làm gì.

Tôi mới tự hỏi vì sao nghệ sĩ lại có sự tự tin như thế và biết rằng, để trở thành một nghệ sĩ lớn là vô cùng khó. Về sau tôi phải tự trấn an, tập tành rất nhiều trước gương, tập phong thái và những điều đang thiếu sót".

"Ông hoàng nhạc đỏ" bỏ công việc giảng viên để về quê giờ ra sao? - 4

Ít ai biết trước khi đến với âm nhạc, Trọng Tấn từng có dự định thi Kiến trúc và Lục quân

Nam ca sĩ cho biết để thật sự đến gần hơn với khán giả phải gửi lời cảm ơn đến VTV3, ngay sau ca khúc “Tiếng đàn bầu”: “Sau hơn 20 năm, khi tôi đi diễn khán giả vẫn luôn muốn tôi hát “Tiếng đàn bầu”. Đó thật sự là niềm hạnh phúc của một nghệ sĩ”.

Trọng Tấn là một trong những ca sĩ đình đám của Việt Nam. Hồi 2013, Trọng Tấn quyết định từ bỏ công việc giảng viên ở Học viện Âm nhạc Quốc gia và trở về quê nhà Thanh Hóa. Anh tiết lộ việc này là lý do cá nhân, muốn chủ động hơn trong cuộc sống, công việc: "Dù là công chức ở trường hay nghệ sĩ tự do thì tôi vẫn dạy học, kể cả dạy ở nhà. Sẽ không có gì thay đổi cả. Có thể vài năm nữa sắp xếp tốt công việc riêng, cống hiến tốt hơn cho sự nghiệp ca sĩ thì tôi lại quay lại giảng dạy" - ca sĩ Trọng Tấn chia sẻ.

"Ông hoàng nhạc đỏ" bỏ công việc giảng viên để về quê giờ ra sao? - 5

Sau nhiều năm hoạt động nghệ thuật, anh sở hữu khối tài sản khiến nhiều người mơ ước

Hiện tại, anh cùng vợ con sống trong căn nhà rộng rãi ở Hà Nội. Ngoài ra gia đình Trọng Tấn còn có một biệt thự ở Thanh Hoá và đây cũng là nơi bố mẹ đẻ nam ca sĩ đang sinh sống. Nhiều người đồn rằng biệt thự của Trọng Tấn có giá trị lên tới hàng triệu USD. Tuy nhiên, Trọng Tấn cho biết vợ chồng anh xây dựng cơ ngơi này với số tiền ít hơn nhiều sự phỏng đoán của mọi người. Bên cạnh đó,"Ông hoàng nhạc đỏ" còn có thêm 2 nhà hàng và một công ty giải trí.

Theo Đoàn Hòa (Dân Việt)
(PS sưu tầm)

tin tức liên quan