Nguồn: Báo Điện tử Dân Trí
Nếu quả đúng như thông tin mà cơ quan điều tra đã đưa ra thì kế hoạch lừa đảo rất bài bản và vị Giám đốc Sở Tư pháp Lâm Đồng, trước hết, cần phải bị xử lý về mặt Đảng trước khi bị xem xét về pháp luật
Vụ việc bà Bùi Thị Mai Liên - Trưởng phòng Hành chính Tư pháp thuộc Sở Tư pháp Lâm Đồng (nơi ông Sơn là Giám đốc) bị bắt tạm giam trong tối ngày 15/6 để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền hàng trăm tỷ đồng là thông tin thực sự “gây sốc” trong những ngày gần đây.
Đáng nói, bà Liên lại còn là vợ của ông Đoàn Xuân Sơn, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng.
Với chức vụ của bản thân, với đặc thù nghề nghiệp và hoàn cảnh gia đình, thật khó tưởng tượng người phụ nữ này lại có thể vướng vào hành vi “lừa đảo”.
Số tiền mà bà Bùi Thị Mai Liên rủ hợp tác làm ăn, dùng hành vi gian dối, vay mượn của nhiều người, theo xác định bước đầu của cơ quan điều tra, lên tới khoảng 500 tỷ đồng. Còn theo nguồn tin ngoài xã hội, số tiền mà bà này giao dịch với các chủ nợ lên tới cả ngàn tỷ đồng (Báo CAND ngày 16/6). Những con số lớn quá sức tưởng tượng!
Nếu không phải là thông tin mà cơ quan điều tra cung cấp, có lẽ không ít người còn nghi ngờ về đơn vị tính là “tỷ đồng” hay “triệu đồng”!
Bản thân người viết cũng phải xem đi xem lại về số liệu, tự hỏi vì sao một cá nhân có thể huy động được số tiền lớn đến nhường vậy.
Nạn nhân của bà Liên phần lớn là cán bộ, công chức, viên chức... đang công tác tại cơ quan nhà nước như UBND tỉnh Lâm Đồng, Tỉnh ủy, các sở, ngành...
Họ chắc chắn không thể là những người thiếu hiểu biết để dễ dàng bị lừa. Nên nhớ đây là hàng tỷ đồng chứ không phải chỉ là vài triệu, vài chục triệu đồng.
Mấu chốt nằm ở “chức vụ” của bà này và “tấm khiên” chức vụ của đức ông chồng.
Có thể nói, vị trí chức vụ của người chồng và của bà Liên có giá trị “tín chấp” rất lớn, là yếu tố chính khiến rất nhiều người bị “mắc bẫy”.
Rất nhiều người đã cho đối tượng này vay tiền, người nhiều nhất trên 53 tỷ đồng, ít cũng vài ba tỷ. Có trường hợp một lô đất nhưng bà Liên đã ký công chứng thế chấp vay tiền của hai người.
Nếu quả đúng như thông tin mà cơ quan điều tra đã đưa ra (thông thường có tính chính xác rất cao) thì rõ ràng là người phụ nữ này đã có sự dụng tâm không hề nhỏ, có đầu tư, tính toán rất bài bản.
Nói thẳng ra là lừa đảo có kế hoạch.
Một chi tiết không thể bỏ qua, đó là, tài sản mà bà Liên đưa ra để chủ nợ tin tưởng là 51 lô đất nền tại dự án quy hoạch khu Măng Lin, phường 7, TP Đà Lạt. Để vay được tiền, bà này còn thế chấp căn nhà đang ở và một số tài sản là bất động sản khác.
Cứ cho là cả hai vợ chồng bà Liên đều giữ chức vụ cao trong ngành tư pháp ở Lâm Đồng, song, khối tài sản bất động sản lên tới 51 lô đất và những tài sản khác mà bà này dùng “làm tin” từ đâu mà có?
Hiện tại, vợ Giám đốc Sở Tư pháp Lâm Đồng đã bị bắt tạm giam để điều tra, kết quả thế nào còn chờ kết luận. Tuy nhiên, vai trò của người chồng là ông Giám đốc Sở đến đâu trong vụ việc này? Một vị Giám đốc Sở Tư pháp lại có thể để cho vợ làm những việc tày đình như thế mà không biết hay sao?
Ông Sơn còn phải giải thích thế nào khi bị cho là trực tiếp ký ít nhất 2 giấy vay nợ cùng vợ?
Chưa hết, nhiều nạn nhân còn tố cáo ông Đoàn Xuân Sơn cùng vợ đã trực tiếp hỏi vay tiền, dùng uy tín nghề nghiệp “lôi kéo” khiến các bị hại tin tưởng, giao tiền.
Có những khoản vay nợ, bà Liên giao dịch ngay tại cơ quan. Nhiều người đang làm việc tại Sở Tư pháp Lâm Đồng cũng trở thành nạn nhân của bà Liên khi giao tiền cho bà này.
Xưa nay câu chuyện “lệnh ông”, “cồng bà” không phải hiếm. Nhưng, những người dám dùng chức vụ trong lĩnh vực tư pháp để lừa đảo tới hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng, chắc hẳn chỉ có bà Bùi Thị Mai Liên!
Trước khi bị xem xét trách nhiệm trước pháp luật, với việc vi phạm nghiêm trọng những điều mà Đảng viên không được làm (trong đó có huy động vốn và cho vay vốn tín dụng; tạo điều kiện cho vợ lợi dụng chức vụ, vị trí công tác của mình nhằm trục lợi…), gây tổn hại đến uy tín của tổ chức, thiết nghĩ, ông Sơn và bà Liên phải chịu các hình thức kỷ luật xác đáng, cụ thể trước mắt, ít nhất là khai trừ khỏi Đảng.
( C. H sưu tầm)