Từ chuyện lãnh đạo tỉnh xin thôi chức, nghĩ về tâm thế “từ quan“

Ngày đăng: 09:41 25/06/2020 Lượt xem: 289


  Từ chuyện lãnh đạo tỉnh xin thôi chức, nghĩ về tâm thế “từ quan“

                                             Nguồn: Báo Điện tử VOV

Tâm thế của họ có gì na ná. Xin từ chức, từ bỏ nhiệm vụ sau khi đã để lại những điều tiếng xấu trong dư luận xã hội.

 


Mới đây, hai lãnh đạo cao nhất của tỉnh Quảng Ngãi là ông Lê Viết Chữ - Bí thư Tỉnh ủy và ông Trần Ngọc Căng - Chủ tịch UBND tỉnh đã có đơn gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư xin thôi giữ chức vụ. Điều đáng nói là việc xin thôi chức của hai vị lãnh đạo này lại không làm ai bất ngờ, nhất là những cán bộ hưu trí ở Quảng Ngãi. Động thái trên cũng chẳng làm dư luận xôn xao bởi trước đó, hai vị cán bộ này được kết luận liên quan đến hàng loạt sai phạm tại địa phương sau khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc.

tu chuyen lanh dao tinh xin thoi chuc nghi ve tam the tu quan

Ông Lê Viết Chữ và ông Trần Ngọc Căng

Xin thôi chức trong tình thế đó là việc làm cực chẳng đã!

Xin thôi chức trong tình thế đó là không còn lựa chọn nào khác.

Dù đưa ra bất cứ lý do gì thì dư luận cũng chẳng mấy quan tâm bởi nhiệm kỳ mới sắp bắt đầu và không có lý do gì để giữ lại những người không đủ uy tín.

Cũng có người bình luận rằng “treo ấn từ quan” để “hạ cánh an toàn” nhưng chuyện đó lại càng không thể khi hai vị lãnh đạo này “vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước” như Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã chỉ ra. Việc xử lý họ chỉ là vấn đề thời gian mà thôi, giống như nhiều vị lãnh đạo và cựu lãnh đạo đã từng nếm trải!

Cách đây 2 năm, bà Phan Thị Mỹ Thanh – Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai cũng có đơn xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội. Lá đơn được đưa ra khi Ban Bí thư đã quyết định cách tất cả các chức vụ trong Đảng của bà Thanh, đồng thời đề nghị Đảng đoàn Quốc hội có chỉ đạo thực hiện các quy trình, thủ tục xem xét bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với bà Thanh.

Tâm thế của họ có gì na ná. Xin từ chức, từ bỏ nhiệm vụ trong cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất (Quốc hội) sau khi đã để lại những điều tiếng xấu trong dư luận xã hội. Nó dường như không xuất phát từ sự xấu hổ và lòng tự trọng như những quan chức trên thế giới vẫn thường làm.

Còn nhớ, 5 năm trước, khi ông Nguyễn Sự - Bí thư Thành ủy Hội An (Quảng Nam) xin nghỉ hưu trước 2 năm để “nhường ghế cho lớp trẻ”, dư luận không khỏi nuối tiếc về một vị công bộc gần dân và tràn đầy năng lực. Trước khi xin nghỉ, ông Sự đã có hai nhiệm kỳ ấn tượng trên cương vị Bí thư Thành uỷ Hội An và được ghi nhận có những đóng góp lớn đối với sự phát triển của đô thị cổ này. Ông được dân tín, dân mến. Và khi xin về nghỉ sớm, tâm thế của ông rất khác. Nó nhẹ nhõm, thanh thản chứ không ngổn ngang, bộn bề.

Tiếc rằng, những vị cán bộ như ông Nguyễn Sự không phải là nhiều.

Đại hội Đảng các cấp đang diễn ra rộng khắp trên toàn quốc. Đâu đó vẫn còn những cán bộ không đủ uy tín nhưng “cố đấm ăn xôi” vào cấp ủy, đâu đó có tình trạng cán bộ ngay khi vừa trúng cử đã vấp phải sự phản ứng của chính những người “đồng chí” thân quen. Nào phải chúng ta thiếu cán bộ. Cái thiếu ở đây chính là lòng tự trọng.

Dũng cảm nhìn vào uy tín, dũng cảm soi vào năng lực để biết mình có nên tiếp tục một nhiệm kỳ mới hay không? Đừng để đến lúc, không còn lựa chọn nào khác mới “mạnh dạn” đệ đơn xin thôi chức. Tâm thế đó chẳng được nhân dân nể phục mà có khi lại thêm bẽ bàng!./.

( C. H sưu tầm)

tin tức liên quan