Giải quyết vấn đề Biển Đông không phải chỉ dựa vào quyền của kẻ mạnh
Giải quyết vấn đề Biển Đông không phải chỉ dựa vào quyền của kẻ mạnh
Nguồn: Báo Điện tử VOV
Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 là cơ sở pháp lý quan trọng để giải quyết tình huống xung đột trên Biển Đông.
Tạp chí điện tử “Thế giới đa cực” mới đây đăng bài viết “Vùng biển bất đồng”của tác giả Alexander Molotnikov, trong đó phân tích một loạt hành động của Trung Quốc thời gian gần đây trên Biển Đông, gây căng thẳng cho khu vực và quan ngại trong cộng đồng quốc tế.
Phóng viên VOV thường trú tại Liên bang Nga lược dịch bài viết.
|
Các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông làm cho tình hình khu vực trở nên căng thẳng hơn. Ảnh: AP |
|
Bắt đầu từ tháng 1/2020, tin tức được bàn luận nhiều nhất trên phạm vi quốc tế là đại dịch Covid-19: nguyên nhân khiến virus lây lan nhanh chóng, phương pháp nào được các nước châu Âu và châu Á áp dụng, người thì phủ nhận sự nguy hiểm của căn bệnh mới, người thì lại phóng đại về căn bệnh này. Trong nhiều tháng, chủ đề này đã trở thành trọng tâm của chương trình nghị sự quốc tế, che khuất nhiều vấn đề quan ngại khác ở các khu vực trên thế giới.
Vào cuối tháng 4, những tin tức đáng lo ngại bắt đầu đến từ khu vực Biển Đông. Tất cả bắt đầu với việc chính quyền Trung Quốc tuyên bố thành lập cái gọi là "khu Tây Sa" và "khu Nam Sa", trực thuộc chính quyền thành phố “Tam Sa”, trên đảo Hải Nam. Đến tháng 5, Trung Quốc tiếp tục gây tranh cãi khi ban bố lệnh cấm tàu đánh cá từ các quốc gia khác đánh bắt cá ở Biển Đông, mà nước này tự tuyên bố thuộc quyền tài phán của mình.
Chỉ trong một tháng, tình hình trong khu vực Biển Đông bắt đầu vượt ra ngoài phạm vi tranh chấp lãnh thổ thông thường. Tất cả những gì diễn ra cho thấy rằng một trong những bên xung đột, vốn âm ỉ trong một thời gian dài, đột nhiên có những hành động làm cho tình hình căng thẳng hơn.
Vậy có thể đánh giá như thế nào về các quyết định đã được Trung Quốc đưa ra? Một chi tiết quan trọng là sau khi tuyên bố thành lập cái gọi là “khu Tây Sa" và " khu Nam Sa", Trung Quốc tiếp tục ban hành lệnh cấm đánh bắt cá. Điều này có thể dẫn đến sự gia tăng các tình huống gây tranh cãi, khi ngư dân các nước không thực sự hiểu được những rắc rối của tranh chấp lãnh thổ và trở thành nạn nhân. Dường như Trung Quốc không thể không hình dung đến các tình huống như vậy.
Thật khó để hình dung tại sao Trung Quốc lại đưa ra các quyết định gây tranh cãi như vậy vào thời điểm hiện nay. Có thể một trong những động lực thúc đẩy hành động như vậy là do thời điểm này cộng đồng quốc tế đang dành sự chú ý đối với các vấn đề liên quan đến đại dịch Covid-19.
Những hành động như vậy là cực kỳ nguy hiểm cho toàn bộ khu vực, ảnh hưởng đến lợi ích của không chỉ Trung Quốc và Việt Nam, mà còn nhiều quốc gia khác, bao gồm Malaysia, Singapore, Philippines... Hy vọng rằng các bên liên quan sẽ tìm cách giải quyết các vấn đề gây tranh cãi bằng biện pháp hòa bình, bao gồm biện pháp pháp lý, tránh tình huống nguy hiểm như vụ tàu hải cảnh của Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam.
Có nhiều quốc gia trong khu vực Biển Đông quan tâm đến việc sớm giải quyết vấn đề căng thẳng hiện nay. Rõ ràng, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 mà cả Việt Nam và Trung Quốc tham gia, là cơ sở pháp lý quan trọng để giải quyết tình huống.
Ngoài ra, từ ngày 1/1/2020, Việt Nam là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và rõ ràng là Việt Nam có thể nêu ra vấn đề phân định lãnh thổ trong vùng Biển Đông tại một cuộc họp của Hội đồng Bảo an. Điều này là dễ hiểu, vì Việt Nam luôn chủ trương giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.
Như chúng ta thấy, có nhiều cách văn minh để giải quyết những vấn đề tranh cãi. Chúng ta hy vọng rằng cộng đồng quốc tế sẽ không thờ ơ trước tình hình căng thẳng ở Biển Đông, đồng thời những tranh cãi sẽ được giải quyết bằng biện pháp hoà bình và công lý, chứ không phải chỉ dựa vào quyền của kẻ mạnh./.
( C. H sưu tầm)