Cơ hội cầm quyền trọn đời của Putin
Nguồn: Báo Điện tử Vietnamnet
Người Nga vừa bỏ phiếu với tỷ lệ áp đảo nhất trí với những thay đổi hiến pháp, cho phép Tổng thống Vladimir Putin tái lập thêm hai nhiệm kỳ 6 năm nữa.
Với nhiệm kỳ hiện tại kết thúc vào năm 2024, Tổng thống Nga đương nhiệm có cơ hội cầm quyền đến 2036 nhờ những sửa đổi hiến pháp mới. Trước đó, ông đã lãnh đạo nước Nga hơn 2 thập niên, trong vai trò Tổng thống hoặc Thủ tướng.
|
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AP |
Putin nói ông chưa quyết định có ứng cử nữa hay không. Tuy nhiên, nếu Putin lại chạy đua vào Kremlin và giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử tiếp theo, vào năm 2024 và năm 2030, thì ông sẽ nắm quyền lâu hơn so với bất kỳ người đứng đầu nước Nga nào từ thời Peter Đại đế, theo tạp chí Mỹ Politico. Vào thời điểm năm 2036, Putin 83 tuổi.
Cuộc trưng cầu dân ý ở Nga về 206 đề xuất sửa đổi hiến pháp được tổ chức ngày 1/7 sau khi danh sách đề xuất này đã được quốc hội thông qua. Tỷ lệ cử tri tham gia đạt 65% và kết quả sơ bộ chính thức được Ủy ban Bầu cử Nga công bố cho thấy, khoảng 78% ý kiến tán thành và 21% phản đối.
Sau khi kết quả bỏ phiếu được Ủy ban Bầu cử phê duyệt, các sửa đổi hiến pháp Nga sẽ chính thức có hiệu lực. Cụ thể, ngoài những cải cách cho phép Tổng thống Putin có thể cầm quyền thêm 2 nhiệm kỳ nữa còn có nhiều thay đổi mạnh mẽ về luật cơ bản.
Chẳng hạn, những ai từng có quốc tịch nước ngoài và sinh sống ở Nga dưới 25 năm sẽ không được ra tranh cử tổng thống hoặc nắm giữ hầu hết các chính vụ trong chính phủ. Riêng người dân Crưm, vùng lãnh thổ sáp nhập vào Nga năm 2014, được miễn trừ quy định này.
Cuộc trưng cầu về sửa đổi hiến pháp Nga lẽ ra được thực hiện hồi tháng 4 vừa qua nhưng bị hoãn do đại dịch Covid-19.
Hồi tháng 3, trước khi Hạ viện Nga bỏ phiếu nhất trí những sửa đổi này, hãng tin RT dẫn lời ông Putin mô tả đề xuất về nhiệm kỳ tổng thống là có thể chấp nhận được, nếu được người dân ủng hộ và được Toà án Hiến pháp thông qua. Ông thậm chí chỉ ra rằng, Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt phục vụ 4 nhiệm kỳ vì những biến động của đất nước vào thời điểm lúc đó, là một ví dụ cho thấy tại sao đôi khi giới hạn nhiệm kỳ là điều không cần thiết.
Vladimir Putin lần đầu tiên trở thành Tổng thống Nga vào ngày 31/12/1999, sau khi tổng thống đầu tiên của Nga là Boris Yeltsin bất ngờ tuyên bố từ chức và trao quyền lại cho ông. Khi đó, Putin đang là Thủ tướng Nga. Ba tháng sau, ông chính thức đắc cử tổng thống và tiếp tục giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu năm 2004.
Putin không thể ra tranh cử tổng thống vào năm 2008, do Hiến pháp Nga khi đó không cho phép một vị tổng thống tại vị 3 nhiệm kỳ liên tiếp. Ông đảm nhận cương vị Thủ tướng trong chính quyền của Tổng thống Dmitry Medvedev, và sau đó trở lại Kremlin vào tháng 3/2012, bắt đầu nhiệm kỳ thứ 3 khi nhiệm kỳ tổng thống Nga lúc này được kéo dài thành 6 năm.
Chiến thắng năm 2018 lại giúp ông Putin tại vị thêm 6 năm nữa, đến năm 2024.
( C. H sưu tầm)