Cách nào để hóa đơn tiền điện bớt 'nóng' theo thời tiết?
Nguồn: Báo Điện tử Vietnamnet
Trước những phản ứng của nhiều khách hàng liên quan đến hóa đơn tiền điện tăng cao, một đoàn kiểm tra đã được thành lập và đi kiểm tra ở 5 đơn vị điện lực.
6 ngày kiểm tra, nhiều vấn đề đã được tường minh hơn.
Sai sót ở nhóm công tơ cơ khí
6 ngày làm việc (kể từ ngày 26/6, trừ thứ 7 và chủ nhật), đoàn kiểm tra hóa đơn tiền điện, ghi chỉ số công tơ gồm đại diện Cục Điều tiết điện lực, Hội Tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, EVN… đã kiểm tra công tác lập hóa đơn tiền điện, ghi chỉ số công tơ tại 5 Tổng công ty Điện lực.
|
Điện lực Thanh Xuân, Hà Nội lắp đặt đồng hồ mới. Ảnh: Phạm Hải |
5 tổng công ty này nằm trên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam: Tổng công ty Điện lực Hà Nội, Điện lực miền Bắc, Điện lực miền Trung, Điện lực miền Nam và Điện lực TP.HCM.
Những con số được điện lực địa phương đưa ra cho thấy, lượng tiêu thụ điện liên tục tăng cao do nắng nóng. Hóa đơn tiền điện của nhiều khách hàng cũng tăng mạnh. Mức tăng của không ít hộ tăng gấp nhiều lần khiến nhiều người bức xúc và phản ánh với điện lực.
Đơn cử, tại Tổng công ty Điện lực Hà Nội, số khách hàng sinh hoạt có sản lượng tăng từ 30% trở lên chiếm tới 66% tổng số khách hàng sinh hoạt có phát sinh hóa đơn trong tháng 6. Trong đó, có tới hơn 97 nghìn khách hàng có sản lượng tăng 200-300%, có tới 110 nghìn khách hàng có sản lượng tăng từ 300% trở lên.
Tình hình tương tự cũng diễn ra tại 4 Tổng công ty điện lực còn lại.
Kết quả kiểm tra cho thấy, về cơ bản các đơn vị điện lực đã tuân thủ quy trình về lập hóa đơn tiền điện, ghi chỉ số công tơ. Tuy nhiên, có những sai sót trong quá trình ghi chỉ số, lập hóa đơn tiền điện. Nhiều khiếu nại của khách hàng được đánh giá là thỏa đáng. Điều này cũng được lãnh đạo các đơn vị điện lực thừa nhận.
Từ tháng 4 đến tháng 6, công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai đã tiếp nhận gần 15.000 kiến nghị, phản ánh của khách hàng liên quan đến chỉ số công tơ, hóa đơn tiền điện qua tổng đài chăm sóc khách hàng của Tổng công ty Điện lực miền Nam. Trong đó, có 5 trường hợp được điều chỉnh hóa đơn tiền điện sau kiểm tra. Điện lực đã đến xác minh, xin lỗi khách hàng và điều chỉnh hóa đơn.
Tổng công ty điện lực TP.HCM cho biết qua phúc tra đã phát hiện và điều chỉnh sửa sai chỉ số, hoá đơn cho 13 trường hợp ghi điện viên ghi sai chủ quan.
Tại Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), báo cáo cũng xác nhận nhiều trường hợp ghi nhầm chỉ số công tơ. Hầu hết các trường hợp đã được phát hiện, sửa chỉ số trước khi phát hành hóa đơn.
Điểm chung của những sai sót về việc ghi chỉ số, hóa đơn tiền điện là đều xuất hiện ở nhóm công tơ cơ khí, nhân viên điện lực phải ghi số thủ công, tức đến tận nơi đọc bằng mắt, nhập dữ liệu bằng tay.
"Những trường hợp sai sót hầu hết các đơn vị điện lực đều sửa hóa đơn từ trước khi phát hành, chủ yếu rơi vào nhóm công tơ cơ. Việc ghi chỉ số thủ công, đứng trên cột, nhìn máy tính bảng trong điều kiện nắng chói vẫn bị nhầm, hoặc đọc và ghi chỉ số là nhầm nên đã phúc tra và phát hiện" - đại diện Tổng công ty điện lực miền Bắc nói.
Trong khi đó, công tơ cơ khí vẫn chiếm tỷ lệ đáng kể tại nhiều đơn vị điện lực. Toàn Tập đoàn Điện lực Việt Nam hiện vẫn sử dụng tới 48% công tơ cơ khí, 52% công tơ điện tử.
|
Ghi chỉ số tại điện lực Tân Phú, TP.HCM. Ảnh: Lương Bằng |
Thay công tơ cơ khí, cải tiến biểu giá điện sinh hoạt
Một trong những giải pháp để việc ghi chỉ số chính xác, hạn chế sai sót là áp dụng công tơ điện tử. Các đơn vị đang khẩn trương thay thế công tơ cơ khí bằng công tơ điện tử có chức năng đo xa. Tuy nhiên, thiếu kinh phí vẫn là vấn đề khiến lộ trình này chưa thể thực hiện trong một sớm một chiều. Do vậy, Nhà nước cần có cơ chế chung tay với ngành điện đẩy nhanh việc thay thế công tơ cơ khí bằng công tơ điện tử có chức năng đo xa.
Cùng với việc thay thế dần công tơ cơ bằng công tơ điện tử, các đơn vị điện lực đã áp dụng công nghệ trong quản lý việc ghi chỉ số, lập hóa đơn để người dân tiện giám sát. Việc này được triển khai thông qua website trung tâm chăm sóc khách hàng, các ứng dụng (app) điện lực. Qua đó, người dân có thể theo dõi, giám sát lượng điện tiêu thụ của gia đình từng ngày (chỉ áp dụng được với công tơ điện tử). Song, ít người dân biết đến các ứng dụng này của ngành điện.
Vì thế, ngành điện cần tuyên truyền sâu rộng hơn đến các khách hàng, để nhiều người biết đến các công cụ giám sát này, tránh để người dân cho rằng không giám sát được công tơ, số điện tiêu thụ.
Về phía người tiêu dùng, nắng nóng khiến các việc sử dụng các thiết bị điện có chức năng làm mát như điều hòa tăng cao. Đây là các thiết bị tiêu tốn điện năng rất lớn nên cần có sự kiểm soát phù hợp để tránh hóa đơn “nhảy vọt”.
Ngoài ra, trong quá trình kiểm tra, tiếp xúc với khách hàng, nhiều người dân cũng bày tỏ bức xúc với việc biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang. Bởi các bậc trong biểu giá đã không còn phù hợp với thực tế đời sống, khiến người dân phải dùng điện giá cao. Hiện nay, Bộ Công thương lấy ý kiến biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt mới với 5 bậc thang (giảm 1 bậc so với biểu giá hiện hành). Trong đó, hộ nào sử dụng trên 700 số điện/tháng mới phải chịu mức giá cao nhất, thay vì chỉ từ mức trên 400 kWh/tháng như biểu giá điện hiện hành.
Với phương án này, Bộ Công thương tính toán chỉ có khoảng gần 500 nghìn hộ (chiếm 1,8% tổng số hộ) dùng 701 số/tháng trở lên phải trả tăng thêm 29.000 đồng/hộ/tháng. Còn lại là không tăng hoặc giảm tiền điện phải trả.
Song, gần đây, nhiều người dân kiến nghị được áp dụng giá điện 1 bậc, không đồng ý với giá điện nhiều bậc.
Trước những luồng ý kiến này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang đề xuất, kiến nghị cơ quan nhà nước xem xét áp dụng đồng thời giá điện 1 bậc và giá điện nhiều bậc, để người dân lựa chọn. Khách hàng được tùy ý lựa chọn sử dụng giá điện 1 bậc hay nhiều bậc.
Việc chấp thuận phương án này hay không lại thuộc thẩm quyền của Bộ Công thương. Thực tế, khi lên kế hoạch thay đổi biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt, Bộ cũng đã tính tới phương án áp dụng giá điện 1 bậc với mức giá điện đồng giá là 1.897 đồng/số. Nếu theo phương án này, với 18,6 triệu hộ sử dụng từ 0-200 kWh/tháng, tiền điện bị tăng từ 17.000 đến 36.000 đồng/hộ/tháng.
Do đó, nếu phương án áp dụng 1 bậc và nhiều bậc được áp dụng cùng lúc, những hộ dân dùng điện ít cũng phải đặc biệt lưu ý đến các con số tính toán kể trên để lựa chọn gói điện phù hợp, tránh việc phải trả tiền điện cao hơn.
Giải quyết được những vấn đề nói ở trên, lùm xùm liên quan đến hóa đơn tiền điện có thể được giảm bớt, không để chuyện hóa đơn tiền điện trở thành vấn đề gây bức xúc xã hội như lâu nay.
( C. H sưu tầm)