Suy nghĩ của một người lính về những “ ồn ào” xoay quanh vụ án Hồ Duy Hải. Tác giả Hoàng Văn Kính
Suy nghĩ của một người lính
về những “ ồn ào” xoay quanh vụ án Hồ Duy Hải.
Hoàng Văn Kính
Vụ án Hồ Duy Hải và cái chết của 2 nữ nhân viên ở Bưu điện Cầu Voi xẩy ra vào tối ngày 13 tháng 01 năm 2008 kéo dài đã hơn 10 năm. Đã qua 2 lần xét xử, sơ thẩm ( 2008) và phúc thẩm (2009) Hồ Duy Hải bị kết án tử hình về tội giết người, 5 năm tù về tội cướp tài sản, tổng hợp hình phạt là tử hình. Sau khi gia đình Hải liên tục kêu oan, năm 2011 Viện trưởng VKS nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình quyết định không kháng nghị vụ án. Năm 2012, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bác đơn xin ân xá của Hồ Duy Hải. Sau đó đến năm 2014 trước dư luận và ý kiến của một số vị đại biểu Quốc hội Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ra lệnh tạm dừng thi hành án tử hình với Hồ Duy Hải. Ngày 22/11/2019 Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí kháng nghị giám đốc thẩm. Ngày 8/5/2020 Hội đồng thẩm phán nhân dân tối cao sau 3 ngày xét xử giám đốc thẩm không chấp nhận kháng nghị của VKS và giữ nguyên bản án sơ thẩm. Mọi việc tưởng đã an bài bỗng lại rộ lên, một bộ phận dư luận đòi phải xem xét lại vụ án, cho rằng Hồ Duy Hải bị oan, vụ án được đẩy lên Ủy ban thường vụ Quốc Hội và được giao cho Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nghiên cứu, đề xuất xử lí.
Bài viết này không có ý định xăm soi vào những tình tiết cụ thể của vụ án, cũng không có ý phán xử bản luận tội và mức án mà tòa đã tuyên, càng không tham gia vào cuộc tranh cãi đúng sai. Nhưng xoay quanh nó có vấn đề cần phải thể hiện thái độ.
Phải khẳng định: Trải qua 75 năm ( từ 28/8/1945 đến nay ) hoạt động Tư pháp ở nước ta đã có nhiều đổi mới, tiến bộ cùng với công cuộc đổi mới và xu hướng phát triển chung của cả nước. Báo cáo trước Quốc hội, chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết: Chỉ tính từ 01/10/2018 đến 30/9/2019 các Tòa án đã thụ lí 625.979 vụ việc. Giải quyết được 500.361 vụ việc ( đạt tỷ lệ 80%). Tỷ lệ các bản án, quyết định bị sửa do lỗi chủ qua của Tòa án là 1,09%.
Hoạt động Tư pháp đã góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và củng cố thể chế Chính trị ở nước ta, cùng cả nước đấu tranh có hiệu quả với các hoạt động chống phá của các thế lực phản động; sự suy đồi về đạo đức và lối sống của một bộ phận cán bộ, công chức; sự coi thường kỉ cương phép nước của một bộ phận dân chúng. Cũng nhờ có sự nghiêm minh của luật pháp mà một loạt các quan chức cao cấp thuộc diện BCT, BBT quản lý phải hầu tòa và lĩnh những bản án thích đáng. Được dư luận cả nước hoan nghênh và đồng tình.
Ấy vậy mà, chỉ vì vụ án của Hồ Duy Hai ( chưa biết có oan hay không) mà một số thế lực đã lợi dụng tung tin thất thiệt nhằm kích động sự chống đối, trong đó có cả những người một thời vốn được công chúng ngưỡng mộ, có chút ít danh tiếng và địa vị xã hội. Họ nhân danh “ công lí” để phán xử một cách tùy tiện với một thái độ hằn học và có những lời lẽ không chuẩn mực, xúc phạm, phỉ báng cả nền Tư pháp nước nhà. Họ viết bài, chen nhau lên mạng xã hội, trả lời phỏng vấn, đi gặp đương sự, tiếp cận hiện trường với mục đích “ tìm sự thật” mặc dù có hàng đống sự thật được các cơ quan tố tụng đưa ra thì họ lại coi là sự dối trá, thiếu tin cậy.
Tự do cá nhân là một đặc ân của mỗi chế độ xã hội nhưng dù ở đâu nó cũng phải nằm trong khuân khổ của luật pháp nước sở tại, không loại trừ ở Việt Nam chúng ta. Đảng và Nhà nước ta không những không ngăn cản, cấm đoán mà còn luôn khuyến khích mọi công dân phản biện xã hội, góp ý kiến xây dựng vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, của Nhà nước với mong muốn không ngừng hoàn thiện thể chế chính trị xã hội, xây dựng đất nước: dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Nhưng cái cách mà một số kẻ nhân danh “ tự do”, nhân danh ‘công lí” với động cơ vụ lợi, xuyên tạc sự thật, tụ tập, kích động, xúi giục phá hoại…thì không thể chấp nhận được và cần phải bị luật pháp nghiêm trị, dư luận lên án mạnh mẽ.
Họ là ai: Đấy là một số kẻ bán nước sống lưu vong ở hải ngoại. Mặc dù chiến tranh đã kết thúc, đất nước đã thống nhất từ lâu nhưng họ vẫn hằn học với quá khứ thân phận của những kẻ làm tôi tớ cho ngoại bang, nuôi hận thù, cay cú trước sự phát triển và uy tín của đất nước trên trường quốc tế. Trước mỗi sự kiện xẩy ra ở trong nước dù to hay nhỏ, không cần biết đúng sai họ đều vơ lấy, biến nó thành một thứ công cụ để chống phá.
Họ là ai? Đấy là những kẻ cơ hội chính trị, dù được học hành tử tế, được xã hội ưu ái ít nhiều có chút địa vị, có chút “ vai vế” ấy vậy mà chỉ vì “ cái tôi” quá lớn, cứ ngỡ nhờ tiếng gáy của mình mới có bình minh nên vỗ ngực ngạo mạn, phát ngôn bừa bãi, phán xử tùy tiện.
Họ là ai? Là những phần tử bất mãn với gia đình với xã hội. Không được giáo dục, quản lí chặt chẽ. Quen với lối sống buông thả, lười lao động, thích đàn đúm ăn chơi đua đòi dễ bị kích động.
Việc làm của tất cả bọn họ chỉ vì 3 mục đích.
-Thứ nhất vì tiền. Họ coi sự chống đối, phá hoại cũng là một cái nghề vậy nên cứ ai cho tiền là nhắm mắt lao vào như một con thiêu thân, bất chấp tất cả, không cần biết đúng sai. Người không có tiền thì cần tiền để sống, để ăn chơi trác táng. Người đã có tiền muốn có nhiều hơn thành tỷ phú, tỷ tỷ phú. Bởi vì theo họ cứ có tiền là thành đế vương, là có tất cả, nên bất chấp tất cả chỉ để có tiền dù phải làm những việc đê hèn cấu kết với lũ bọn phản động phá hoại, bôi nhọ Tổ quốc.
-Thứ hai vì sự ngộ nhận. Có một chút công danh, một chút tiếng tăm họ cứ nghĩ mình là “ bề trên”. Nói gì cũng được, ai cũng phải nghe. Làm gì cũng được, chẳng ai dám động vào cái lông chân. Cứ thử động vào họ xem, cả “ thế giới” sẽ đứng về phía họ, sẽ bênh vực họ. Thực ra đấy chỉ là những kẻ háo danh, hám lợi. Họ quên mất một sự thật họ là công dân Việt Nam, họ đang sống trong một xã hội có kỉ cương, được quản lí và điều hành bằng luật pháp. Đại bộ phận người dân Việt Nam sẽ không tha thứ cho những hành vi cơ hội, láo xược, phản bội, nói xấu, bôi nhọ Tổ quốc, dù họ là ai: một chính trị gia, một công thần, một Văn sỹ hay một tên lưu manh. Và một khi họ đã tự nguyện bán mình cho qủy dữ thì dù là “ thần” hay “thánh” cái mặt họ cũng chỉ đáng để úp lá nho.
-Thứ ba để đánh bóng tên tuổi. Dĩ nhiên họ vẫn vì tiền nhưng có lẽ cái họ thấy chưa đủ là danh vọng. Có chút danh tiếng nhờ vài cái chuyện ngắn, một vài cái tiểu thuyết; dăm bài hát; mấy bộ phim; một vài tập thơ từ thủa còn đi mò cua bắt ốc. “ Nhà nọ nhà kia” đã chìm vào dĩ vãng, khi cái “ thần”, cái “ thánh” của họ bị lu mờ theo năm tháng nay chẳng được mấy ai suy tôn, nhắc đến, họ chợt nhận ra trong con mắt của thiên hạ họ chẳng còn là “ cái đinh rỉ” gì cả, thế là cuống cuồng lên tìm mọi thủ đoạn kể cả đê hèn nhất bắt tay, chơi với một lũ sâu bọ, a dua với những kẻ chống đối để khơi lại, nhắc nhở mọi người đừng quên tôi. Thế là nhắm mắt bẻ lái, đổi trắng thành đen, từ đúng thành sai…để hy vọng lại nổi như cồn, có ta, còn ta, đừng ai quên ta cả.
Thực ra ba cái trò ảo thuật ấy ngoại trừ một số ít người còn u u, mê mê thích xem, còn lại đã bị đại đa số người dân bóc mẽ. Chính họ đã tự đánh mất mình, tự vùi đạp thể diện của mình.
Dù muốn hay không chúng ta cũng phải thừa nhận một số khâu trong các hoạt động Tư pháp còn bộc lộ một số yếu kém dẫn đến những vụ án oan sai, bỏ lọt tội phạm...Từ đó họ đã “ vơ đũa cả nắm” bám vào đấy la lối với một mớ rẻ rách những luận điệu xuyên tạc, những đòi hỏi phi lí, xúc phạm cả nền Tư pháp nước nhà, thậm chí họ còn lợi dụng “ mượn gió bẻ măng” để xuyên tạc, nói xấu chế độ xã hội.
Không phải chỉ riêng ở nước ta, hoạt động Tư pháp ở các nước phát triển có bề dầy hàng trăm năm cũng vẫn đang tiếp tục hoàn thiện trước những biến động và sự phát triển của xã hội để từ đó loại bỏ những sai sót nếu có. Theo báo Huflington Post ( Mỹ) dẫn nguồn tin từ NRE ( Cơ quan Đăng kí Giải oan Quốc gia) công bố ngày 3/2 cho thấy riêng năm 2015 ở Mỹ có đến 149 người được giải oan. Trung bình họ phải ở tù trước khi được giải oan là 14,5 năm. 40% bị oan là do vi phạm các thủ tục, quy định trong quá trình điều tra. 20% được giải oan là do nhận tội giả. Hơn 40% được giải oan là do nhận tội sai trước tòa. Còn một tỷ lệ nữa cũng được giải oan vì: lời khai dối của người khác. Theo tổ chức: Innocence Project có khoảng 2-5% người phải ngồi tù ở Mỹ mà không hề phạm tội.
Nếu dẫn chứng ở nước Mỹ để thấy: Nước nào cũng vậy,Tư pháp là một hoạt động vô cùng phức tạp bởi vậy không loại trừ có trường hợp oan sai, mặc dù không ai muốn và chắc chắn ngành Tư pháp lại càng không muốn điều ấy xẩy ra. Nhưng một khi nó đã xẩy ra như trường hợp của ông Nguyên Thanh Chấn, ông Huỳnh Văn Nén… Hoặc đang trong quá trình xem xét lại như vụ Hồ Duy Hai thì có 2 vấn đề:1) Ngành Tư pháp cùng các cơ quan chức năng có liên quan phải thật sự cầu thị, lắng nghe và tiếp nhận các ý kiến phản biện, đánh giá xem xét một cách thật cẩn trọng để không xẩy ra oan sai và nếu có thì phải kịp thời khắc phục, rút kinh nghiệm để tự hoàn thiện. 2) Dư luận cũng phải có một cái nhìn thật sự công tâm, khách quan bình tĩnh để phân biệt đúng sai, phải trái, đóng góp ý kiến một cách xây dựng trong khuôn khổ của luật pháp không để một số kẻ xấu lợi dụng kích động, có hành vi ứng xử thiếu văn hóa, phá hoại. Kể cả những ý kiến chính thống trên các diễn đàn khi phản biện cũng cần phải “ uốn ba tấc lưỡi” cân nhắc khi sử dụng ngôn từ, lời lẽ, cách hành văn, thái độ và cử chỉ để tránh tạo sự hiểu lầm trong công chúng, tránh để kẻ xấu lợi dụng.
Ở nước Mỹ người dân họ cũng đòi công lí cho những người mà họ cho là bị oan sai, họ cũng đòi phải xét sử những người thực thi công lí nhưng vì một lí do nào đấy dẫn đến oan sai nhưng tuyệt nhiên họ không nghi ngờ, công khai thóa mạ ngành Tư pháp.
Có lẽ chỉ trong một thời gian ngắn nữa Hồ Duy Hải có bị oan hay không sẽ được Ủy ban Tư pháp của Quốc hội làm sáng tỏ. Nhưng chắc chắn có một điều trong xã hội vẫn tồn tại 2 luồng dư luận: đồng tình và không đồng tình. Với những kẻ cơ hội, có mưu đồ xấu xa, có dã tâm đen tối thì dù kết luận như thế nào họ vẫn tìm mọi cách để xuyên tạc, kích động. Là công dân yêu nước và có trách nhiệm mỗi người hãy gạt bỏ cảm tính cá nhân đặt trọn niềm tin vào công lí và phải thật sự tỉnh táo đừng để các thế lực phản động, cơ hội lôi kéo vào những việc làm xấu, tiếp tay cho những hành vi phá hoại đất nước.
Hoàng Văn Kính
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn VN
CTV Trang TT&BT Trường Sơn