Vận dụng câu 'đừng thấy đỏ mà tưởng chín' vào công tác cán bộ
Nguồn: Báo Điện tử TuanVietnamnet
Phát biểu về công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội 13 của Đảng tại hội nghị cán bộ toàn quốc diễn ra cuối tháng 4, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói "đừng thấy đỏ mà tưởng đã chín".
Ngày 13/6, diễn đàn Quốc hội sôi động phần tranh luận khi một đại biểu của tỉnh Quảng Trị bày tỏ quan ngại của cử tri về hoạt động của ngành Tư pháp thời gian qua thì một đại biểu đương nhiệm Phó Chánh tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM nhắc nhở: "Hiện nay nhiều thế lực phản động đang chống phá Đảng, Nhà nước đòi tam quyền phân lập, nên phải hết sức cảnh giác"... khiến một đại biểu của TP.HCM phản biện, vị này đã trích dẫn câu nói trên của Tổng bí thư, Chủ tịch nước để kết thúc phát biểu của mình.
Bằng chứng "đỏ mà không chín"
Thời gian qua, trước những phản ứng không thuận lợi của dư luận về một vài sự kiện chính trị, xã hội thì có những cán bộ đảng viên liên đới "đăng đàn" phân bua giải thích...
Có người thể hiện lòng cầu thị nhận trách nhiệm thì được dư luận thừa nhận, nhưng có không ít trường hợp quanh co ngụy biện, đổ lỗi hoàn cảnh, họ càng bị sa lầy trước sự phản biện trăm tay ngàn mắt của nhân dân.
Gần đây thấy có khuynh hướng đề cao tính Đảng, lên án thế lực thù địch xuyên tạc quấy phá nhằm mục đích hạ bệ lòng tin nhân dân vào thể chế để đánh lạc hướng dư luận, làm nhẹ đi khuyết điểm, trách nhiệm cá nhân... Không lâu sau thì báo đài đưa tin một số người trong đó bị sa cơ phải ra trước vành móng ngựa vì phạm pháp, vi phạm quy định của tổ chức... gây đau đớn cho Đảng, khiến lòng tin của nhân dân bị phụ bạc. Họ là những kẻ cơ hội, thùng rỗng kêu to, là bằng chứng "đỏ mà không chín".
Nhà tôi có "hai nhân dân nhỏ tuổi", trong sinh hoạt gia đình nếu tôi nói hay làm gì không đúng thì bị chúng vặn vẹo, phản biện, "nhây"... cho đến lúc tôi xin lỗi nhận sai mới thôi! Vậy khi bị phản ứng vì những hành xử kém thuyết phục thậm chí lạm quyền, phạm luật khi thi hành công vụ thì quanh co theo kiểu "nhân dân bị bọn xấu dụ dỗ lôi kéo"... phải chăng là chưa đánh giá đúng về trình độ nhận thức của nhân dân, vô hình trung đề cao, quảng cáo cho những tổ chức mà theo tìm hiểu là tự phát, nhỏ, hạng tép riu.
Cảnh giác thế lực thù địch chống phá chính quyền là việc cần làm nhưng cần nói đúng trọng tâm, liều lượng phù hợp thực tế mới có tác dụng. Hiệu quả nhất vẫn là phải tự kiểm điểm mình, rà soát lại bộ máy của mình có thực sự trong sạch vững mạnh hay chưa, có tâm và tầm trong việc quản lý điều hành việc dân việc nước hay chưa, khi có vi phạm thì đã trung thực cầu thị nhận khuyết điểm để sửa chữa tu chính bản thân hay chưa... Nếu tổ chức chính quyền đã trong sạch vững mạnh rồi, cán bộ bản lĩnh đạo đức rồi, việc làm đã công tư minh bạch rồi thì "bọn xấu" tuổi gì?
Theo logic thông thường, đỏ và chín là biểu hiện có tính đồng thuận, nghĩa ẩn dụ màu đỏ cũng thể hiện cái mạnh mẽ chín chắn của người trưởng thành. Nhưng vũ trụ tự nhiên là đa dạng sinh học, muôn hồng ngàn tía. Đã đành có loài đỏ là chín nhưng cũng có loài đỏ mà chưa chín, có thứ chín mà không đỏ... Tính đa dạng này phải được chiêm nghiệm thấu đáo trong công tác nhân sự, bổ nhiệm đề đạt cán bộ, không thể đồng hoá cặp phạm trù "đỏ - chín" một cách máy móc được.
Vấn đề đặt ra là hiện nay thành phần đảng viên ưu tú về tài và đức còn thiếu hoặc rất thiếu trong khi yêu cầu quản lý và phát triển của đất nước đòi hỏi cán bộ những phẩm chất vượt trội thì công tác cán bộ cần phải có sự thay đổi.
"Đỏ" mà không "chín" đích thị là kẻ cơ hội, kém cỏi... nếu để họ luồn lách rồi leo cao thì chỉ có một con đường đưa đất nước vào chỗ lụn bại nên phải kiên quyết thanh lọc, loại bỏ. Nhiều hạn chế, sai phạm của cán bộ thi hành công vụ xảy ra nhiều thời gian qua cho thấy cách làm nhân sự cũ có những bất cập, phải gấp rút có bộ quy chuẩn cán bộ phù hợp, hiện đại hơn. "Quý hồ tinh bất quý hồ đa", đảng viên dù ít mà "chất" sẽ được nhân dân tin tưởng đồng lòng thì việc lớn mới được thực thi.
|
Đại hội đại biểu Đảng bộ thị trấn Phố Ràng, huyện Bảo Yên, Lào Cai nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: Báo Lào Cai |
Điểm hội tụ quy phục nhân tài
Song song, phải có cơ chế đột phá, không gian tự do, chân thành cầu thị đón mời người tài đức ngoài Đảng cùng chung vai đấu cật gánh vác việc nước.
Người tài đức có đặc điểm giàu lòng tự trọng, nhưng trung thực thủy chung... trong hoàn cảnh nào cũng lấy đất nước, dân tộc, quê hương làm mục đích cống hiến phục vụ cho nên làm nhân sự mà có trong tay những người tài đức thì xét góc độ khía cạnh nào cũng là điều tốt cho dân cho nước. Là người ngoài Đảng, việc họ có quan điểm việc này việc kia khác biệt là điều bình thường. Người tài đức ngoài Đảng mặt khác là động lực cạnh tranh để cán bộ đảng viên nhìn vào mà phấn đấu rèn luyện.
Giở lại lịch sử chúng ta thấy cái tâm cái đức bỏ qua những dị biệt chính kiến, trọng dụng người hiền tài của Bác Hồ. Bài đăng trên báo Cứu Quốc năm 1946 Bác trải lòng: “Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận”.
Trong những chuyến công tác nước ngoài lịch làm việc kín, Bác vẫn dành thời gian tiếp xúc với những trí thức Tây học mời họ về nước làm việc, đóng góp cho quê hương. Nhiều nhà khoa học, trí thức không được nuôi dưỡng trong cái nôi của Đảng đã thành những cánh tay đắc lực của Bác trong phát triển xây dựng chính quyền thời sơ khai.
Bác đã từng trao quyền Chủ tịch nước cho một người ngoài Đảng là cụ Huỳnh Thúc Kháng trong một lần bận đi công tác nước ngoài năm 1946! Sau ngày hòa bình lập lại, ngày 20/9/1955 Chính phủ được bổ sung và thay đổi nhân sự thì Chính phủ vẫn còn 8 vị bộ trưởng là người ngoài Đảng. Cái tâm lớn vì dân vì nước, nhân cách liêm chính của Bác là điểm hội tụ quy phục nhân tài.
Chưa bao giờ câu nói "đừng thấy đỏ mà tưởng chín" vận vào tình hình đất nước hợp như bây giờ. Nhiều văn kiện chính trị đã khẳng định lợi ích cốt lõi của Đảng đồng hành với lợi ích của dân tộc và đất nước, vì vậy không có lý do gì ngần ngại việc thanh lọc những kẻ cơ hội lợi dụng tổ chức để tham nhũng, hưởng thụ, đánh bóng cá nhân.
Câu nói "đừng thấy đỏ mà tưởng chín" của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng bối cảnh bây giờ còn mang ngữ nghĩa là một lời cảnh báo: Đừng nhân danh Đảng, nhân danh chế độ mà làm việc phạm pháp rồi nghĩ là được bao che... Cái lò chống tham nhũng đã, đang và sẽ tiếp tục nóng thời gian qua và sắp tới sẽ minh chứng nhận định này.
( C. H sưu tầm)