Mỹ đáp trả tham vọng của Trung Quốc trên Biển Đông

Ngày đăng: 07:22 14/07/2020 Lượt xem: 278

            Mỹ đáp trả tham vọng của Trung Quốc trên Biển Đông


                                                       Nguồn: Báo Điện tử Vietnamnet

Đã có nhiều lo ngại về khả năng Trung Quốc tuyên bố Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông và vì mục tiêu này, Bắc Kinh tiến hành tập trận, tuần tra để chống lại bất kỳ thách thức nào trong khu vực.

 

Các cuộc tập trận gần đây nhất của Hải quân Trung Quốc diễn ra trong khoảng thời gian từ 1 - 5/7, nhằm thể hiện sự linh hoạt cũng cách tiếp cận của họ đối với việc kiểm soát toàn bộ Biển Đông. Vị trí các cuộc tập trận rất gần với quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
 

 
Mỹ đáp trả tham vọng của Trung Quốc trên Biển Đông
Mỹ điều các tàu chiến đến tập trận ở Biển Đông cùng lúc quân đội Trung Quốc đang diễn tập quân sự ở đây hồi đầu tháng 7/2020. Ảnh: Modern Diplomacy

Mỹ đã lập tức triển khai hai nhóm tàu sân bay tấn công USS Nimitz và USS Ronald Reagan, mang theo theo 60 máy bay chiến đấu đến diễn tập quân sự ở Biển Đông, nhằm đáp trả tham vọng của Trung Quốc. Sự xuất hiện của Mỹ cho thấy, ngay cả khi Trung Quốc có ý định công bố ADIZ, nước này sẽ vấp phải sự chống đối mạnh mẽ.

Điều chỉnh sự quả quyết

Giữa Trung Quốc và Mỹ đã nổ ra một cuộc chiến trên mạng xã hội Twitter liên quan đến sự kiện trên. Trung Quốc tuyên bố có thể ứng phó 2 tàu sân bay Mỹ bằng các tên lửa diệt hạm DF-21D hoặc DF-26. Tuy nhiên, sự phô diễn binh lực hùng hậu của Mỹ đã buộc Trung Quốc phải hòa giải và cố gắng điều chỉnh sự quả quyết của mình trong khu vực.

Trong khi đó, từ góc nhìn của Mỹ, việc triển khai quy mô lớn các tàu ngầm, tàu khu trục, máy bay giám sát và máy bay chiến đấu hiện đại là cách để cảnh cáo Trung Quốc. Rằng Bắc Kinh hiện có thể hiểu đây là màn thị uy sức mạnh và nhằm bác bỏ các đồn đoán rằng Hải quân Mỹ đang điêu đứng vì sự tấn công của đại dịch Covid-19.

Trên trang Modern Diplomacy, giáo sư Pankaj Jha thuộc Trường Đối ngoại Jindal, Đại học Toàn cầu O P Jindal (Ấn Độ) viết rằng, Hải quân Mỹ đáng lẽ nên thực thi các biện pháp đối phó này sớm hơn để Trung Quốc không thể lấn át ở Biển Đông.

Sự quả quyết của Trung Quốc, trong đó có cả việc đơn phương cấm đánh bắt cá và khai thác năng lượng trong khu vực đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các ngư dân của những quốc gia ven biển cũng như các hoạt động khai thác dầu mỏ, khí đốt của những nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, đặc biệt là Việt Nam và Malaysia. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang đẩy nhanh hoạt động quân sự hóa khu vực tranh chấp.

Mỹ đã điều động các tàu sân bay và khí tài hải quân khác ngay sau tuyên bố của Ngoại trưởng Mike Pompeo rằng, nước này cần bố trí lại lực lượng từ châu Âu tới khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Tất cả diễn ra trong bối cảnh leo thang căng thẳng biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc ở Ladakh và những động thái của Trung Quốc ở Biển Đông khiến các nước láng giềng đều lên án.

Thúc đẩy tự do hàng hải

Trong các tuyên bố suốt một thập kỷ qua, Mỹ bày tỏ mong muốn phát triển chính sách "xoay trục châu Á" và tiếp đó là chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương cũng như tái triển khai lực lượng tới khu vực. Điều đó ám chỉ, Trung Quốc không thể "tự tung, tự tác" ở những vùng biển có tranh chấp này. Mỹ sẽ thúc đẩy khái niệm tự do hàng hải và thách thức yêu sách của Trung Quốc quanh các thực thể chiếm đóng trái phép ở Biển Đông.

Theo giáo sư Pankaj Jha, Trung Quốc thực tế đã dự tính tuyên bố thiết lập ADIZ ở Biển Đông và tiến hành do thám để xác định tính khả thi cũng như khả năng tuân thủ. Dẫu vậy, bất kỳ động thái nào như thế đều sẽ làm cạn kiệt các tài nguyên của quân đội Trung Quốc, đặc biệt là việc điều động các máy bay chiến đấu trinh sát. Xây dựng một cơ chế tuân thủ để buộc các chiến đấu cơ cũng như các hãng hàng không dân dụng tuân thủ lệnh của Bắc Kinh cũng tạo nên một thách thức khác.

Động thái mới của Trung Quốc có thể một phần bắt nguồn từ thực tế rằng, trong một cuộc họp trực tuyến gần đây của ASEAN, các nước tham gia đã nhấn mạnh nhiều đến việc tuân thủ Công ước LHQ về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) trong giải quyết tranh chấp Biển Đông và quan điểm này củng cố một phán quyết cách đây tròn 4 năm của Tòa trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague, Hà Lan, vốn bác bỏ các yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc trong khu vực.

Phán quyết của PCA đã nêu bật tầm quan trọng của tự do hàng hải cũng như phủ nhận quyền về vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) đối với những thực thể ở Biển Đông không có khả năng cho con người cư trú. Sức ép cũng như việc lên án công khai của cộng đồng quốc tế được tin là biện pháp ứng phó hiệu quả với Bắc Kinh trong trường hợp này.

Sự hiện diện ngày càng tăng của Mỹ ở vùng biển tranh chấp đã gây áp lực buộc Trung Quốc phải chấp nhận chuẩn mực toàn cầu về các vùng biển mở. Sự thống nhất của các nước thành viên ASEAN liên quan đến thềm lục địa mở rộng cũng như dự kiến lập trường thống nhất của họ tại LHQ cũng cho thấy, các xu hướng chia rẽ bên trong khối dường như đã trở thành vấn đề quá khứ.

Tóm lại, giới quan sát nhận ra 3 khía cạnh quan trọng được nêu bật trong năm nay. 

Thứ nhất, sự thống nhất cũng như phản bác mạnh mẽ của ASEAN trước những yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông là tín hiệu tốt về sự đồng thuận và tập trung của các nước thành viên. 

Thứ hai, việc tăng cường hiện diện của Hải quân Mỹ cùng các tuyên bố đanh thép ủng hộ những nước ven biển và các màn phô diễn sức mạnh trong khu vực đã xóa tan đồn đoán về sự bất khả chiến bại của Trung Quốc. 

Cuối cùng, các đối tác đối thoại của ASEAN cũng có lập trường phản đối mạnh mẽ đối với sự gây hấn của Trung Quốc. Sự chú ý cũng như áp lực quốc tế này cần được ủng hộ lâu dài.

( C. H sưu tầm)

tin tức liên quan