Cái tài của người lãnh đạo là quy tụ nhân tài
Nguồn: Báo Điện tử TuanVietnamnet
Người có đức mà không có tài thì dễ trì trệ; người có tài mà không có đức thì dễ hỗn loạn. Ở đời hỗn loạn còn khổ hơn trì trệ - nguyên Bộ trưởng TT&TT Lê Doãn Hợp viết.
Chúng ta đang tiến dần đến Đại hội 13 của Đảng, chưa bao giờ hai chữ đức tài của cán bộ được bàn luận nhiều như hiện nay. Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết của nguyên Bộ trưởng TT&TT Lê Doãn Hợp.
Đức là sự tín nhiệm, tài là sự kính trọng của dân
Thời đại nào cán bộ cũng cần có đủ đức và tài. Nhà vua Lê Thánh Tông (1460-1497) đã xác định 4 tiêu chuẩn (2 tài, 2 đức) để chọn lý trưởng (cấp gần dân nhất) là: “Học lực sinh đồ. Gia tư hảo túc. Đức hạnh ôn hòa. Ngôn ngữ khả tín”. Ngày xưa triều đình rất quan tâm đến cán bộ cơ sở, cấp thay mặt vua hành xử với dân. Cán bộ sai là làm mất uy tín của vua - đúng như Lênin đã nói: “UBND các cấp là cơ quan trung ương đóng tại địa phương”.
Nhưng nội hàm của hai chữ đức và tài mỗi thời đại có thể có nội dung khác nhau. Thời đại ngày nay, theo tôi đức và tài phải được coi trọng như nhau. Làm người thì phải có đức, làm cán bộ thì phải thêm có tài. Bởi vì người có đức mà không có tài thì dễ trì trệ; người có tài mà không có đức thì dễ hỗn loạn. Ở đời hỗn loạn còn khổ hơn trì trệ.
|
Các đại biểu đạt đồng thuận cao tại đại hội đại biểu lần thứ 22 Đảng bộ huyện Gia Lâm, Hà Nội. Ảnh: Tổ Quốc |
Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó. Có tài mà không có đức thì làm việc gì cũng rối. Đức là điều kiện cần, tài là điều kiện đủ. Đức là vùng đất tốt, tài là hạt giống tốt. Hạt giống tốt gieo trên vùng đất tốt sẽ cho năng suất cao nhất. Đức là sự tín nhiệm của dân. Tài là sự kính trọng của dân. Cha ông ta đã dạy: “Quan đần dân khổ”. Sẽ rất khó để tìm ra một mô hình quan dốt mà dân sướng.
Không gương mẫu coi như không có đạo đức
Nội hàm của đạo đức cán bộ hiện nay có 3 thước đo quan trọng:
Thứ nhất, đạo đức của cán bộ là gương mẫu, không gương mẫu coi như không có đạo đức. Gương mẫu là tiêu chuẩn khó nhất, cần nhất của cán bộ lãnh đạo. Cán bộ nêu gương là cách tốt nhất để dẫn dắt cả xã hội tiến bộ.
Thứ hai, đạo đức của cán bộ là dân chủ - dân chủ là cách tốt nhất để tập hợp nhân tài. Dân chủ là cách tốt nhất để cán bộ không phạm sai lầm. Dân chủ là cách tốt nhất để đoàn kết và thông thoáng tư tưởng nội bộ.
Thứ ba, đạo đức của cán bộ là có nếp sống văn hóa. Người có đạo đức sẽ tỏa sáng ra bên ngoài bằng văn hóa. Người có văn hóa là người có cốt cách bên trong là đạo đức. Có thể coi văn hóa là tinh hoa của đạo đức.
Tầm nhìn và bản lĩnh cán bộ
Nội hàm của một cán bộ có tài cũng được đo bằng 3 tiêu chuẩn:
Thứ nhất, người có tài là người biết nhìn xa trông rộng, bởi chỗ đang đứng rất quan trọng nhưng không quan trọng bằng hướng đang đi.
Năm 1945, dù đang ốm nặng, Bác Hồ vẫn nói với Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Dù đốt cháy dãy Trường Sơn cũng quyết tâm giành độc lập dân tộc”. Năm 1967, khi đến thăm Bộ Tư Lệnh Phòng không - Không quân, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Mỹ có chịu thua Việt Nam, cũng sẽ thua trên bầu trời Hà Nội”... đó là tầm nhìn của Bác.
Quốc vương Maktoum của Dubai nói: “Dầu mỏ là của trời cho, không phải là mãi mãi; phải biến cái trời cho có giới hạn thành một ngành kinh tế mũi nhọn không có niên hạn (đó là ngành du lịch). Chúng ta lấy gì trong lòng đất phải trả lại bằng công trình trên mặt đất. Chúng ta dùng tiền của Dubai, cộng với trí tuệ của nhân loại để tạo ra những công trình hiện đại nhất của thời đại trên đất Dubai”. Đó là tầm nhìn của nhà vua Dubai.
Thứ hai, cái tài của người lãnh đạo là biết tập hợp mọi cái tài của người khác dưới quyền. Làm lãnh đạo mà không tập hợp được nhân tài cũng đồng nghĩa là bất tài. Tóm lại cái tài của người lãnh đạo là tài biết tập hợp, quy tụ nhân tài để thực thi nhiệm vụ tốt nhất.
Thứ ba, một cán bộ có tài là phải có sản phẩm cụ thể được đo đếm qua từng chức danh lãnh đạo của mình. Đảng ta có một số cán bộ đi qua khá nhiều chức danh nhưng chưa rõ sản phẩm, thành quả được tạo ra như: mức tăng thu ngân sách, giá trị sản xuất tăng thêm, công trình phúc lợi công cộng để lại, đội ngũ cán bộ trưởng thành được dân tín nhiệm cao v.v...
Trong tình hình hiện nay, ngoài đức và tài, cán bộ lãnh đạo rất cần thêm một tiêu chuẩn nữa là bản lĩnh. Thực tiễn hiện nay có việc, có lúc, có nơi số người tích cực chưa đủ tỷ lệ áp đảo người tiêu cực, nên rất cần một cán bộ có bản lĩnh để áp đặt nhanh trật tự xã hội có lợi cho người tích cực, ngăn chặn được mọi hành vi của người tiêu cực.
Dám nói để bảo vệ người tốt
Nội hàm của một cán bộ có bản lĩnh được đo bằng 3 tiêu chí:
Thứ nhất là dám nghĩ, để làm những việc đột phá, tăng tốc, phát triển nhanh phù hợp thời đại công nghệ 4.0
Thứ hai là dám làm để đưa cái mới đúng đắn vào cuộc sống, lấy thành quả trong tương lai để bảo vệ mình và chứng minh tài đức của mình qua thực tiễn.
Thứ ba là dám nói để bảo vệ người tốt, việc tốt; ngăn chặn người xấu, việc xấu. Thực trạng ngày nay nhiều cán bộ thấy người tốt không dám bảo vệ, thấy việc xấu không dám nói để ngăn chặn cũng là tiếp tay, dung dưỡng cho cái xấu hình thành và phát triển.
Có một thực tế là: Một số sai phạm của cán bộ dân đều biết mà các cơ quan công quyền của chúng ta lại biết quá muộn, đến lúc đổ vỡ buộc phải xử lý thì tổn thất quá lớn cả thiệt hại về kinh tế, mất cán bộ và suy giảm niềm tin của dân với Đảng. Tất cả đều do bệnh né tránh hữu khuynh của cán bộ không dám nói vì thiếu dũng khí và bản lĩnh.
Trên đây là một số ý kiến cá nhân, xin được trao đổi trước thềm Đại hội 13 của Đảng.
Lê Doãn Hợp (Nguyên Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông)
( C. H sưu tầm)