Bí ẩn cơ quan tình báo hàng đầu của Trung Quốc

Ngày đăng: 03:43 27/07/2020 Lượt xem: 286


             Bí ẩn cơ quan tình báo hàng đầu của Trung Quốc


                                                           Nguồn: Báo Điện tử Vietnamnet

Đó là Cục Tình báo quân sự, thường gọi là Cục II. Hiện nay, dù gặp nhiều khó khăn, song cơ quan này vẫn có khả năng tiến hành các chiến dịch tình báo lợi hại khắp toàn cầu.

 

Với phương thức chủ yếu là sử dụng điệp viên ở cả trong và ngoài nước, Cục II duy trì một mạng lưới các trung tâm theo dõi và thu thập tin tức ở khắp nơi.

Chức năng, nhiệm vụ

Cục II có nhiệm vụ thu thập các tin tức quân sự, gồm cả tin tức chiến lược, chiến dịch, chiến thuật. Theo đó, cơ quan này tiến hành tìm kiếm các tin tình báo về mục tiêu, chủ trương, học thuyết quân sự của các quốc gia khác, nguy cơ có thể xảy ra xung đột và chiến tranh, nắm các liên minh quân sự, trình độ cũng như khả năng tác chiến của lực lượng vũ trang đối phương...

bi an co quan tinh bao hang dau cua trung quoc
Tòa nhà cơ quan tình báo Trung Quốc. Ảnh: SCMP

Cơ quan này cũng tiến hành thu thập các công nghệ quân sự và dân sự phục vụ cho việc hiện đại hoá quân đội. Để làm được điều này, Cục II phải nắm được các trung tâm khoa học, hệ thống công nghiệp quốc phòng, khả năng sản xuất các loại vũ khí hiện đại của các nước.

Một nhiệm vụ khác là thu thập tin tức chiến lược về chính trị để giúp các nhà lãnh đạo Trung Quốc hoạch định đường lối đối nội, đối ngoại. Các tin tức ở mảng này gồm: tình hình chính trị nội bộ của các quốc gia, tổ chức quốc tế và các nước láng giềng, quan điểm của họ về Trung Quốc, hồ sơ nhân vật cao cấp trong chính quyền và đảng phái ở các nước đối tượng...

Nhiệm vụ cuối cùng là thu thập các tin tức liên quan đến âm mưu và hoạt động chống phá của các nước thù địch bao gồm âm mưu phá hoại kinh tế, giúp đỡ và chỉ đạo các tổ chức phản động ở nội địa và hải ngoại, hoạt động của tình báo nước ngoài tại Trung Quốc...

Cơ cấu tổ chức

Về cơ cấu tổ chức, Phòng 1 (Phòng tình báo vùng) của Cục II có nhiệm vụ thu thập tin tức theo 5 vùng khác nhau: Bắc Kinh, Thẩm Dương, Thượng Hải, Quảng Châu và Nam Kinh. Mỗi vùng được một ban tình báo đảm nhiệm. Các ban này không chỉ hoạt động tại nội địa mà còn phái khiển nhân viên ra nước ngoài công tác. Trong đó, ban Bắc Kinh lớn nhất.

Phòng 2 (Phòng trinh sát), có nhiệm vụ chỉ đạo hoạt động của các phòng tình báo quân khu và các phòng trinh sát của quân binh chủng, cảnh vũ.

Phòng 3 (Phòng tuỳ viên quân sự), tổ chức mạng lưới tuỳ viên quân sự ở các nước để thu tin qua con đường bình phong công khai. Các tuỳ viên và trợ lý tuỳ viên quân sự Trung Quốc có nhiệm vụ thu thập tin tức về các loại vũ khí, cơ cấu và bố trí các đơn vị quân đội, học thuyết quân sự, kinh tế...

Họ vừa thu thập tin tức qua các nguồn công khai, vừa tiến hành hoạt động bí mật để thu thập tin tức nhạy cảm, thường là thông qua quan hệ thiện chí mà họ xây dựng được hoặc nói chuyện moi tin. Các vị tùy viên còn có nhiệm vụ tìm đầu mối để mua các loại vũ khí mới trang bị cho quân đội Trung Quốc. Tuỳ viên quân sự trước khi được phái ra nước ngoài đều phải trải qua các lớp đào tạo nghiệp vụ và ngoại ngữ. Nhiệm kỳ công tác ở địa bàn từ 3-5 năm.

Thời gian đầu, họ chỉ thu thập tin tức công khai bằng cách đặt mua các loại ấn phẩm hoặc tài liệu tham khảo đặc biệt tại địa bàn để phục vụ cho công tác nghiên cứu sau đó chuyển về nước khi có điều kiện. Sau khi đã quen với dân cư, phong tục tập quán, giao tiếp trôi chảy bằng ngôn ngữ bản địa, họ sẽ tìm kiếm các đối tượng để mở quan hệ thu thập tin tức.

Cục II còn có phòng nghiên cứu và xử lý tin, có chức năng từ các bản tin riêng lẻ cho ra báo cáo tổng hợp để báo cáo cấp trên. Báo cáo đó sau khi được Cục trưởng phê duyệt sẽ được trình lên Bộ trưởng Quốc phòng và Chủ tịch Quân uỷ TW. Cán bộ phân tích của Phòng đều phải là những người lâu năm trong nghề và phải thành thạo ngôn ngữ của địa bàn đảm trách.

Các phòng nghiên cứu tin không chỉ làm nhiệm vụ nghiên cứu, xử lý, báo cáo mà còn tham mưu cho chỉ huy các phòng nghiệp vụ và cơ quan cấp trên trong việc tổ chức và hoạt động các phòng sao cho có hiệu quả nhất.

Ngoài ra, Cục II còn có các phòng chuyên nghiên cứu về một địa bàn cụ thể. Như Phòng 4 có nhiệm vụ nắm bắt chủ trương, đường lối ngoại giao và quân sự của Cộng đồng các quốc gia độc lập và Tây Âu. Phòng 5 phụ trách Mỹ. Phòng 6 phụ trách Đông Nam Á. Phòng 7, phòng khoa học kỹ thuật và công nghệ, chuyên nghiên cứu, chế tạo, phát triển, ứng dụng công nghệ.

Điều đáng chú ý là nguồn tin của các Phòng này không chỉ do mạng lưới điệp viên và cộng tác viên cung cấp, mà các chuyên gia tại đây còn sử dụng các nguồn tin công khai để bổ trợ và kiểm chứng.

Cục II xây dựng mạng lưới điệp viên và cộng tác viên rộng khắp để thu thập mọi tin tức có thể được với phương châm sử dụng người Hoa là chủ yếu, thu hút người nước ngoài là quan trọng. Họ cũng xây dựng các bình phong để hoạt động tại nước ngoài như đại diện kinh tế, chính trị, phóng viên báo chí...

Theo đánh giá, hiện nay, dù có những khó khăn nhất định, Cục Tình báo quân sự Trung Quốc vẫn có khả năng tiến hành các chiến dịch tình báo lợi hại trên khắp toàn cầu.

( C. H sưu tầm)

tin tức liên quan