‘Vaccine’ cho vùng dịch Thứ tư, 26/8/2020, 09:14 (GMT+7) Giữa tâm dịch, bà cụ Hái hơn 70 tuổi vẫn ra khỏi nhà. Bà kéo rê cái bao bố trên mặt đường, rong bộ khắp các ngõ, sà vào lục lọi từng thùng rác. Tôi thấy bà cụ thấp bé như đứa trẻ, lưng gù gấp khúc, ăn mặc luộm thuộm, chân thấp chân cao. Tôi hỏi chuyện, thực ra là để quay một phóng sự. Bà sống một mình ở khu tái định cư phía đông cầu Tiên Sơn, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng. Khuôn mặt bà lệch đi, một bên mắt bị kéo xuống, môi trề ra khiến bọn trẻ không dám tới gần. Bà nói "biết là dịch, đã ở nhà cả tuần rồi, có thùng mỳ tôm từ thiện ăn hết rồi". "Dịch giã hay trời sập cũng phải đi, còn hơn ở nhà chết đói", bà bảo, "chỉ mong tìm được cái gì có thể bán". Gần nhà bà, người đàn ông chừng 40 tuổi, mặt có vài cái bớt trắng do chất độc da cam, sau vài ngày nghỉ dịch cũng tái xuất trở lại. Lúc chiều tối, khi rác ở các gia đình bắt đầu được đưa ra ngoài, tôi thấy chiếc xe đạp quen thuộc dừng trước cửa nhà. Dáng anh khẳng khiu, mang đôi dép nhựa, anh kẹp hai chân để giữ xe, cánh tay run run thò thanh sắt vào từng thùng rác. Chiếc xe đạp móc theo mấy cái bao dù của anh len lỏi khắp các khu dân cư. Anh bảo, số tiền thu được từ ít vỏ lon, thùng giấy và mấy thứ vặt vặt, không nhiều nhặn gì nhưng "để sống". Không chỉ có bà Hái hay anh "da cam", số người nghèo, người lay lắt sống qua ngày ở Đà Nẵng đang tăng lên. Bài toán giữa chống dịch và miếng cơm hàng ngày thật sự đang diễn ra ở nhiều ngôi nhà nơi tâm dịch. Đà Nẵng thực hiện giãn cách xã hội đã gần một tháng, nhiều người có hợp đồng lao động đã mất việc, những người làm công việc tay chân, nghề tự phát khó khăn thật sự. Chúng tôi gặp không ít người yếu thế hay buôn gánh bán bưng, những người nghỉ việc không lương, phải ở nhà hơn ba tuần qua, các câu chuyện đều hao hao một nỗi lo cơm áo phía trước. Covid-19 ập đến khiến 514 doanh nghiệp trong khu công nghệ cao và khu công nghiệp Đà Nẵng bị ảnh hưởng, trên 2.800 lao động phải nghỉ việc tạm thời trên 14 ngày. Thống kê của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho thấy, từ khi dịch bùng phát vào ngày 25/7 đến nay, ngành du lịch thành phố về 0, dịch vụ thiệt hại nặng nề, hàng nghìn lao động trong hệ thống hàng quán, vận tải, du lịch đều mất thu nhập. Các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn, lưu trú hiển nhiên đối mặt với sức ép khủng khiếp về tài chính. Nhiều người vay vốn làm ăn trằn trọc vì nỗi lo lãi suất trả ngân hàng. Diện mạo Đà Nẵng lúc này, ngoài hình ảnh nhân viên y tế căng mình suốt ngày đêm, khắp thành phố đâu đâu cũng thấy hàng rào cách ly. Đội quân áo bảo hộ phòng dịch hiện diện khắp nơi, những khu vực phong tỏa bằng dây đỏ - trắng chăng ngang dọc với biển báo phòng dịch. Nhưng đó chưa phải là tất cả, chìm khuất sâu hơn, ngấm ngầm hơn là sự đứt gãy về kinh tế, là nỗi lo cuộc sống của tầng lớp dân nghèo, là sức ép về an sinh xã hội mà chính quyền phải đối mặt. Thống kê sơ bộ của Sở Lao động thương binh và xã hội Đà Nẵng, hiện tại hơn 20.000 hộ nghèo, cận nghèo với trên 50.000 khẩu và khoảng 30.000 trường hợp đang thật sự khó khăn. Ngoài ra, khoảng 16.000 lao động ngoại tỉnh đang mắc kẹt tại Đà Nẵng cũng rất cần hỗ trợ. Tiền tích lũy của nhóm này hầu như đã cạn. Những khu chợ 0 đồng, siêu thị di động miễn phí đã xuất hiện ở Thanh Khê, Sơn Trà do các mạnh thường quân mở ra. Những chuyến hàng hỗ trợ cũng bắt đầu chuyển hướng từ các bệnh viện, khu cách ly, các chốt kiểm dịch sang đối tượng người nghèo, người yếu thế. Nhìn người dân cầm những phần quà, mì tôm, gạo, nước chấm, tôi thấy chúng thật sự quan trọng với họ, không kém các thiết bị y tế với bệnh viện tuyến đầu. Sau ba tháng dừng hoạt động, những cây ATM gạo đã vận hành trở lại ở Hội chữ thập đỏ thành phố. Sáu cây ATM khác đang được lắp đặt ở các quận trung tâm. Ủy ban mặt trận Tổ quốc thành phố Đà Nẵng cũng đã chuyển 200 tấn gạo xuống các quận để hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo và những người khó khăn trong vùng cách ly y tế. Nhưng không phải tất cả người nghèo đều nhận được gạo, bởi một số phường cho biết "vẫn đang rà soát", mặc dù về lý thuyết thì hộ nghèo, người khó khăn đã được thống kê từ trước để phục vụ công tác an sinh xã hội. Khi tìm đề tài cho các bản tin mỗi ngày, chúng tôi nhận ra mỗi ngày lại thêm những người khó khăn ở tâm dịch. Một số hộ nghèo cho biết "gạo đã về đến quận, phường, nhưng đợi mãi vẫn chưa thấy phát". Rất nhiều người đã chủ động nhắn tin vào số điện thoại hay trang cá nhân của các mạnh thường quân để xin giúp đỡ. Băn khoăn về các gói cứu trợ chưa hoàn tất giải ngân trên cả nước vẫn còn đó, và lúc này, hàng nghìn người nghèo ở Đà Nẵng vẫn đang chờ các gói an sinh mùa dịch. Sự chung tay từ các tổ chức từ thiện dù có nhưng không hứa hẹn mãi khi mà diễn biến dịch bệnh ở Đà Nẵng chưa thật sự ổn, giãn cách xã hội có thể phải kéo dài thêm. Một số mạnh thường quân cũng đã phải quay về lo cho doanh nghiệp và gia đình của họ. Bà cụ Hái và những người lượm ve chai không dám đòi hỏi nhiều. Họ bảo cố gắng tự kiếm ăn chứ đâu muốn làm gánh nặng cho ai. Ta biết họ luôn tự trọng, nhưng ta cũng biết nếu để người dân phải ra đường kiếm sinh kế lúc này có thể bất lợi cho công tác phòng dịch, nhất là hàng ngày Đà Nẵng vẫn đang phải ghi nhận thêm ca bệnh ngoài cộng đồng. Thành phố đang tính toán đến phương án sẽ tháo lệnh giãn cách cục bộ ở một số khu vực an toàn để xã hội vận hành trở lại, cũng là cách để người dân có việc làm, sức ép sinh kế được giảm bớt. Tuy nhiên, trong khi chờ đến ngày đó, làm sao để bổ sung liều "vaccine an sinh" kịp thời cho những người đang lay lắt ngoài kia? Những hộ nghèo, cận nghèo đã có trong danh sách thống kê mong được "giải ngân" gạo và nhu yếu phẩm thật nhanh. Chính quyền, nếu thông qua các tổ trưởng dân phố, có thể rà soát nhanh để bổ sung các nhóm đối tượng khác vào danh mục cứu trợ. Tôi luôn tin người nghèo. Họ chỉ đưa tay nhận hỗ trợ khi thực sự khó khăn. Đào Phan Anh Tuấn (PS st Theo VnExpress.net)