Vạch mặt thói đạo đức giả
Nguồn: Báo Điện tử Thời Mới
Mấy ngày nay dư luận trong nước ồn ào về cái tin một ông Nghị ở Việt Nam mang hai quốc tịch Việt Nam và Síp. Đã gọi là dư luận thì cũng có năm bảy đường, người nói ngược, kẻ nói xuôi. Nhưng đáng chú ý là có người nói huỵch toẹt: chưa biết sai đúng thế nào, nhưng ông Nghị này đúng là đồ đạo đức giả!
Nói đúng theo văn bản là đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc- Đoàn đại biểu TP Hồ Chí Minh- 52 tuổi, là người có hai quốc tịch. Vì sao ông này bị lộ? Số là mới đây hãng tin Al Jazeera (Qatar) bất ngờ công bố tài liệu về chương trình hộ chiếu của Cộng hòa Síp. Nước này cho phép các chính trị gia “mua” hộ chiếu châu Âu. Trong số người đã “mua” có ông Phạm Phú Quốc bị Al Jazeera nhắc đến. Kể ra ở một nước nghèo mà một ông đại biểu cho dân bỏ ra gần 60 tỷ đồng để mua hộ chiếu cũng là điều đáng giật mình.
Nói cụ thể thêm, Chương trình hộ chiếu của Síp cho phép những ai đầu tư ít nhất 2,15 triệu Euro (khoảng 2,5 triệu USD) sẽ được sở hữu hộ chiếu nước này. Có được hộ chiếu thì cá nhân đó trở thành công dân EU, được đi lại, làm việc tự do ở 27 nước thành viên EU và có thể nhập cảnh vào 174 quốc gia mà không cần visa. Quyền lợi mênh mông như thế, hèn chi mà ông Quốc không mua hộ chiếu?
Những người “bênh” ông Quốc cho rằng, Luật ở ta cho phép một số công dân có thể có hai hộ chiếu cơ mà. Ông này là ông nghị, có tiền thì ông ấy mua thôi, can cớ chi mà làm ầm lên?
Phải nói ngay rằng, điều này đúng, nhưng lại là ngụy biện. Bởi vì ông Quốc đã mua hộ chiếu từ hai năm nay (giữa năm 2018) mà không hề báo cáo tổ chức. Nếu không có hãng Al Jazeera đưa tin chắc là cái kim này còn nằm lâu trong bọc. Còn nhớ, vào đầu nhiệm kỳ, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường không được công nhận tư cách ĐBQH khoá 14 khi có quốc tịch Malta, nhưng đã không khai báo trong hồ sơ ứng cử.
Vậy thì phải “xử” nghiêm ông Quốc chứ còn băn khoăn chi nữa?
Chưa bàn đến chuyện khai báo không nghiêm túc, trung thực của ông Nghị lắm mĩ kim này, xin nói tới một khía cạnh mất lòng dân nhất trong lúc này, đó là thói đạo đức giả trong xã hội ta đang loang nhanh như váng mỡ cầu ao ngày có đám. Ông Quốc là một trong những quan chức nhiều lần nói về lòng yêu Tổ quốc, phụng sự nhân dân, về sự trung thực, khiêm tốn, về cán bộ phải nêu gương. Ông Nghị này cũng liên hệ, phân tích rất hùng hồn về tương lai của chủ nghĩa xa hội, về “cái chết” trong tương lai của các mô hình tư bản chủ nghĩa. Vậy nhưng ông đã làm hoàn toàn ngược lại.
Cần phải gọi đúng bản chất của việc này là: Thói đạo đức giả.
Không chỉ có ông Quốc. Trong cơ chế thị trường hiện nay, khá nhiều mặt còn nhá nhem, tranh tối tranh sáng, khá nhiều vấn đề còn khoảng trống về pháp luật, đạo đức. Vì thế có “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên ta suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, trong đó biểu hiện dễ thấy là thói đạo đức giả.
Cũng không chỉ có quan chức, có cả doanh nhân, công chức,viên chức bình thường cũng khoác áo đạo đức giả. Họ rao giảng rất trơn tru về đạo đức kinh doanh, về mối quan hệ giữa kinh doanh và phục vụ. Có doanh nghiệp hàng năm tài trợ tiền tỷ cho các việc làm từ thiện. Nhưng tiếc thay, khi pháp luật sờ đến thì một số giám đốc, thủ trưởng đơn vị đã phải hầu tòa vì làm hàng giả, vì lừa đảo, vì liên doanh ma quỷ giữa quan chức và doanh nghiệp. Khi đã xuất hiện maphia trong sản xuất, kinh doanh với cụm từ làm lá chắn “định hướng xã hội chủ nghĩa” thì làm gì còn có… đạo đức thật!
Vì sao thói đạo đức giả lại nảy nòi nhanh và nhiều đến thế? Xin thưa gốc rễ vẫn là do lối sống ích kỉ cá nhân mà ra cả. Ca dao cũ, ca dao mới đã nói nhiều về hiện tượng này. Nào là: “Khôn ăn người, dại thì người ăn”; “Thẳng thắn, thật thà thường thua thiệt/ Lỗi lầm luồn lọt lại lên lương”, v.v.. Theo “triết lý” sống giả dối mà không ít kẻ khôn giả dại, lươn lẹo giả vờ ngay thẳng. Họ đeo một chiếc mặt nạ, tô vẽ vào đấy cơ man nào cảm xúc yêu thương, đồng cảm, khiến nhiều người lầm tưởng. Đến mức một giáo viên trong vụ gian lận thi cử ở Hòa Bình phải chua xót nói rằng: Ở một nơi mà hầu hết mọi người đều gù lưng, chỉ có một người thẳng lưng thì người đó sẽ thành khuyết tật (!)
|
|
Bây giờ đang kỳ đại hội đảng các cấp, thói đạo đức giả xuất hiện càng nhiều. Họ cần làm giả vì họ cần phiếu. Mười năm phấn đấu không bằng cơ cấu một giờ. Đại hội bầu cấp ủy mà trượt thì chỉ còn nước về nhà đuổi gà. Tất nhiên nhiều quan chức không chịu về vườn, có trượt cũng về… trang trại ven đô mà thôi. Nhưng mà đứt gánh giữa đường, nhục lắm. Thế là tìm đủ cách để chạy phiếu. Cả năm trời đi nhẹ nói khẽ, thấy sai không đấu tranh, thấy đúng không bảo vệ. Nhưng khi có trường hợp nào đó ngã ngựa thì anh ta lập tức tham gia “đá gà chết”, lên giọng phê phán, rút ra bài học này bài học nọ về công tác cán bộ, về tu dưỡng đạo đức cách mạng. Bản thân anh ta thì tìm cách trốn nhậu nhẹt, tránh xa những nơi ồn ào. Gặp ai cũng nhã nhặn, lịch sự, cũng khen anh hay, chị giỏi. Thậm chí trong năm sắp bước vào đại hội vô số người được đề bạt, bổ nhiệm, lên lương. Ai cũng khen thủ trưởng của mình thật là nhân hậu, thật là hết lòng vì anh em.
Thói đạo đức giả còn có thể dẫn ra nhiều khúc, nhiều đoạn trong dòng sông ô nhiễm, ồn ào, tạp nham. Có cách gì để vạch mặt, chỉ tên và loại nó ra khỏi đời sống. Rất mong được mọi người hiến kế. Người viết bài này nghĩ, kế nào thì cũng phải bắt đầu từ mỗi người. Hãy sống trung thực. Hãy tin ở con người, hết lòng tin yêu con người. Hãy bớt lòng ham muốn về vật chất như Bác Hồ căn dặn. Chỉ có như thế thì cái thật sẽ thắng cái giả. Nhưng nói như thế cũng chỉ là đạo lý thôi. Vẫn cần phải luật hóa những gì có thể làm luật./.
( C. H sưu tầm)