Reuters dẫn số liệu của tổ chức Niesel cho biết, khoảng 23,8 triệu người Mỹ đã theo dõi qua truyền hình bài phát biểu của Tổng thống Trump trong đêm bế mạc đại hội toàn quốc đảng Cộng hòa hôm 27/8, sự kiện đánh dấu ông Trump chính thức chấp nhận đề cử ứng viên tổng thống trong khuôn viên Nhà Trắng. Đây là tổng hợp số người xem qua 13 mạng truyền hình trong khung giờ phát biểu của ông Trump, song không bao gồm người xem trực tuyến.
Con số trên thấp hơn so với 24,6 triệu người xem bài phát biểu chấp nhận đề cử của ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden hồi tuần trước. Lượng người xem này cũng giảm 25% so với 32,2 triệu người xem bài phát biểu của ông Trump năm 2016 khi ông chấp nhận đề cử của đảng Cộng hòa trong chiến dịch tranh cử đầu tiên.
Sự suy giảm này một phần phản ánh lượng người xem qua truyền hình tại Mỹ giảm trong những năm gần đây và một thực tế rằng cả hai đại hội của đảng Dân chủ và Cộng hòa đều tiến hành phần lớn theo hình thức trực tuyến do ảnh hưởng của Covid-19. Bốn đêm đại hội của đảng Dân chủ đều thu hút nhiều người xem hơn so với của đảng Cộng hòa, ngoại trừ đêm thứ hai (hôm 25/8) khi Đệ nhất phu nhân Melania Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo phát biểu.
Cuộc chạy đua vào Nhà Trắng đang nóng dần lên khi ứng viên tổng thống của hai đảng kịch liệt công kích lẫn nhau. Các kết quả thăm dò dư luận cho thấy, ông Biden hiện vẫn dẫn trước ông Trump nhưng cách biệt đang thu hẹp dần. Đảng Dân chủ từng đưa ra giả thuyết rằng, ông Trump có thể không công nhận kết quả bầu cử vào tháng 11 tới nếu thất bại. Về phần mình, ông Trump nhiều lần cáo buộc gian lận bầu cử có thể xảy ra, nhưng từ chối bình luận liệu ông có chấp nhận kết quả nếu thất bại hay không.
Trong một diễn biến liên quan khác, Reuters dẫn một tài liệu công bố ngày 28/8 cho biết, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng quân đội Mỹ Mark Milley đã nói với các nhà làm luật nước này rằng, ông nhận thấy không có vai trò của quân đội trong tiến trình bầu cử hay giải quyết tranh cãi nếu xảy ra trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới.
"Trong trường hợp xảy ra tranh cãi về một số khía cạnh của bầu cử, các tòa án và quốc hội Mỹ sẽ có vai trò giải quyết, mà không phải là quân đội. Tôi không thấy vai trò nào của quân đội Mỹ trong tiến trình này... Chúng tôi sẽ không quay lưng lại với hiến pháp của nước Mỹ", ông Milley nói.
Đầu tháng này, Lầu Năm Góc cũng nhấn mạnh rằng, hiến pháp Mỹ không cho phép quân đội đóng vai trò “trọng tài cho một tranh cãi bầu cử hay chính trị”.
Khẳng định được đưa ra giữa lúc có những lo ngại rằng, ông Trump tìm cách “chính trị hóa” quân đội Mỹ. Tháng trước, ông Trump dọa triển khai binh sĩ để giải tán các cuộc biểu tình sắc tộc sau vụ cảnh sát ghì cổ người da màu George Floyd đến chết.