Mỹ tung cặp đôi "sát thủ" chống lại tham vọng Trung Quốc ở Biển Đông
Mỹ tung cặp đôi "sát thủ" chống lại tham vọng Trung Quốc ở Biển Đông
Nguồn: Báo Điện tử VTC
Mỹ kết hợp vũ khí lâu đời và tối tân nhất là oanh tạc cơ từ Chiến tranh Lạnh và tên lửa tàng hình tiên tiến để đối phó với sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Hôm 21/7, 2 máy bay ném bom B-1B của không quân Mỹ cất cánh từ đảo Guam, di chuyển về phía tây qua Thái Bình Dương tới Biển Đông. Hội ngộ cùng nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan, 2 chiếc B-1B tham gia vào cuộc tập trận gần Biển Philippines.
Hoạt động này là một phần trong thách thức ngày càng tăng của chính quyền Trump đối với Trung Quốc trước các yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Trong khi các quan chức cấp cao Mỹ đưa ra hàng loạt các tuyên bố chỉ trích gay gắt Trung Quốc, Bộ quốc phòng nước này sử dụng tới hỏa lực mạnh mẽ của máy bay ném bom tầm xa để cảnh báo Bắc Kinh.
|
Một chiếc B-52 của không quân Mỹ. (Ảnh: Bloomberg) |
Kể từ cuối tháng 1, các oanh tạc cơ B-1B và B-52 của Mỹ thực hiện khoảng 20 nhiệm vụ trên các tuyến đường thủy quan trọng, bao gồm Biển Đông, Biển Hoa Đông…
Giới phân tích quân sự nhận định, các sứ mệnh này nhằm gửi đi một tín hiệu rõ ràng: Mỹ có thể đe dọa hạm đội của Trung Quốc và các mục tiêu trên bộ của Trung Quốc bất cứ lúc nào và từ các căn cứ ở xa mà không cần di chuyển hàng không mẫu hạm, tàu chiến nằm trong tầm ngắm tên lửa của Bắc Kinh.
Để đối phó với sức mạnh ngày càng tăng của quân đội Trung Quốc, Lầu Năm Góc kết hợp một số vũ khí lâu đời nhất và các vũ khí tối tân nhất là máy bay ném bom từ thời Chiến tranh Lạnh là tên lửa tàng hình tiên tiến.
B1-B siêu thanh lần đầu tiên được đưa vào hoạt động từ năm 1986 còn chiếc máy bay mới nhất trong khi đội B-52 được chế tạo dưới thời chính quyền Kennedy.
Nhưng những "con chim sắt" này có thể mang theo một khối lượng lớn vũ khí chính xác.
Theo các quan chức Mỹ, một chiếc B-1B có thể mang theo 24 tên lửa chống hạm tàng hình mới của quân đội Mỹ. Tên lửa này được đưa vào trang bị từ năm 2018, có thể tấn công các mục tiêu ở khoảng cách lên tới 600 km.
“Một chiếc B-1 có thể mang tải trọng tương đương với tải trọng toàn bộ nhóm tàu chiếc tàu sân bay có thể mang trong 1 ngày. Trong một cuộc khủng hoảng, máy bay có thể được triển khai nhanh chóng”, Tướng không quân về hưu David Deptula - Viện trưởng Viện Nghiên cứu hàng không vũ trụ Mitchell (Mỹ) phân tích.
Trong khi đó, với tàu sân bay và nhóm tàu hộ tống nó, sẽ phải mất vài tuần để di chuyển.
“Việc sử dụng máy bay ném bom có thể giúp đáp trả trong vài giờ”, ông này nói.
Tuy nhiên, vị tướng không quân Mỹ khẳng định mục tiêu của Mỹ là ngăn chặn chiến tranh và không ai muốn tham gia vào xung đột với Trung Quốc.
Dù vậy, các nhà chiến lược quân sự của Trung Quốc và phương Tây cảnh báo trong bối cảnh căng thẳng leo thang như hiện nay, rất khó để kiềm chế một cuộc xung đột giữa 2 cường quốc.
Trong trường hợp nổ ra đụng độ, phản ứng nhanh từ các phi đội oanh tạc cơ có thể rất quan trọng khi Mỹ tìm cách điều quân tiếp viện tới để củng cố lực lượng đồn trú tại Thái Bình Dương.
Theo Đại úy Veronica Perez - phát ngôn viên lực lượng Không quân Thái Bình Dương của Mỹ, việc không quân Mỹ tăng cường các nhiệm vụ của máy bay ném bom là để đảm bảo với các đồng minh và đối tác về cam kết của Washington với an ninh toàn cầu và một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
“Mặc dù tần suất và phạm vi của các nhiệm vụ là khác nhau tùy theo môi trường hoạt động hiện tại, nhưng Mỹ sẽ hiện diện bền bỉ và hoạt động thường xuyên trên khắp Ấn Độ - Thái Bình Dương”, bà này cho hay.
Các chuyên gia nhận định máy bay ném bom giúp lấp đầy khoảng trống hỏa lực trong hạm đội mặt nước của Mỹ trong khi Lầu Năm Góc đang tái sử dụng các tên lửa hiện có và giới thiệu phiên bản mới cho các tàu khu trục và tuần dương hạm.
Điểm yếu của Trung Quốc
Trong hơn 2 thập kỷ, Trung Quốc đã tập hợp một lực lượng tên lửa phóng từ mặt đất, trên biển, trên không đủ sức đe dọa các tàu chiến Hải quân Mỹ các đồng minh muốn tiếp cận bờ biển của Trung Quốc trong trường hợp xảy ra xung đột.
Chiến lược này của Trung Quốc nhằm răn đe tàu sân bay Mỹ và mạng lưới các căn cứ tạo thành xương sống cho sức mạnh của Washington ở châu Á.
|
Tên lửa diệt tàu sân bay DF-26 của không quân Trung Quốc. (Ảnh: FAS) |
Để chứng minh khả năng này, Trung Quốc phóng thử nghiệm tên lửa diệt tàu sân bay DF-26 trong cuộc tập trận ở Biển Đông hồi tháng 7. Động thái này diễn ra sau khi 2 hàng không mẫu hạm Mỹ tới Biển Đông tập trận.
Mới đây hôm 26/8, Trung Quốc tiếp tục phóng 4 tên lửa đạn đạo tầm trung ra Biển Đông, dường như để gửi thông điệp thách thức tới Mỹ.
Tuy nhiên ngược lại, hạm đội khổng lồ của hải quân Trung Quốc cũng dễ bị các tên lửa tầm xa tấn công. Mạng lưới các căn cứ và hải cảng rộng lớn của quân đội nước này cũng vậy.
Trong một cuộc xung đột, máy bay của Mỹ trên Tây Thái Bình Dương có thể nhắm mục tiêu vào các tàu chiến của Trung Quốc tại các căn cứ trên bờ biển nước này hoặc ở chuỗi đảo thứ nhất (xuất phát từ cực nam đảo Kyushu, chạy qua các quần đảo Okinawa và Lưu Cầu tới phía bắc đảo Luzon của Philippines).
Các tàu Trung Quốc sẽ càng dễ bị tổn thương nếu di chuyển khỏi chuỗi đảo này để tiến vào Tây Thái Bình Dương bởi khi đó chúng nằm ngoài tầm bảo vệ của lực lượng phòng không và máy bay tấn công của Trung Quốc.
Chưa kể, các loại vũ khí đang được đưa vào trang bị của Mỹ có thể cung cấp hỏa lực để tấn công tàu chiến của Trung Quốc và các mục tiêu khác trong một cuộc xung đột.
Trong một cuộc hội thảo trực tuyến hồi cuối tháng 7, Tổng tham mưu trưởng Lục quân Mỹ James McConville cho biết Mỹ đang phát triển một tên lửa siêu thanh tầm xa và các cuộc thử nghiệm rất thành công.
“Chúng tôi sẽ có những tên lửa tầm trung có thể đánh chìm tàu chiến”, ông này khẳng định.
Thủy quân lục chiến Mỹ cũng đang có kế hoạch phân tán các đơn vị nhỏ hơn được trang bị tên lửa chống hạm và tên lửa công kích các mục tiêu đất liền qua chuỗi đảo đầu tiên. Đây là nơi có thể de dọa hải quân Trung Quốc và các mục tiêu trên đất liền của Trung Quốc.
Washington và các đồng minh cũng có ý định liên kết tất cả các hệ thống giám sát và vũ khí của họ với nhau để tạo thành một mạng lưới theo dõi mục tiêu và chia sẻ nó giữa giữa các trạm radar, vệ tinh, tàu chiến mặt nước, tàu ngầm, máy bay và lực lượng trên bộ. Đây chắc chắn không phải là điều Trung Quốc mong muốn.
( C. H sưu tầm)