"Ngày đặc biệt - Việc đặc biệt". Bài của Thiếu tướng Hoàng Kiền
-----------------------------------------------------------------------------------
NGÀY ĐẶC BIỆT - VIỆC ĐẶC BIỆT
Hôm nay ngày 2 tháng 9, kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2 Tháng 9, trùng với ngày Rằm tháng bẩy ngày xá tội vong nhân. Tôi về quê, thắp hương trong đền thờ Bác Hồ tại Bảo Tàng Đồng Quê một ngày đặc biệt, dương lịch là ngày Bác đọc Tuyên ngôn độc lập, là ngày Bác ra đi, âm lịch là ngày Rằm tháng bẩy. Lời khấn từ sâu thẳm trong tâm dâng lên Bác cả ba sự kiện trong một ngày hôm nay.
Những năm qua, từ quan điểm của Giáo sư Phan Huy Lê đưa ra là bỏ cụm từ nguỵ quân nguỵ quyền, thay bằng chính quyền Việt Nam cộng hoà, quân đội Việt Nam cộng hoà, rồi một số nhà sử học là học trò trung thành của ông ấy tiếp tục đi theo để đưa vào bộ sử 15 tập và đang muốn đưa vào bộ Quốc sử đang biên tập.
Đã có sự đấu tranh của lực lượng đông đảo những người phản đối việc này, trong đó có các cựu chiến binh, đứng đầu là Thượng tướng - Tiến sĩ Võ Tiến Trung, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - Nguyên: Uỷ viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Quốc phòng, tiếp theo là Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn - Dũng sĩ diệt Mỹ, nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn - TCCT QĐNDVN. Các anh đã gặp báo cáo với các đồng chí: Vũ Đức Đam - Phó thủ tướng,Trần Quốc Vượng - UVBCT, Thường trực Ban bí thư; Nguyễn Phú Trọng - TBT, CTN về vấn đề bỏ cụm từ nguỵ quân nguỵ quyền. Các đồng chí lãnh đạo đều nói lịch sử diễn ra như thế nào thì sử viết như thế.
Thời gian vừa qua, trên VTV đã chiếu các tập phim : Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, Biên niên sử truyền hình. Bộ phim xây dựng với rất nhiều nội dung thiết thực, tuy vậy hầu hết đã bỏ cụm từ nguỵ quân, ngụy quyền mà thay bằng cụm từ : chính quyền Việt Nam cộng hoà, quân đội Việt Nam cộng hoà. Đã có nhiều ý kiến phê phán mạnh mẽ trên mạng xã hội.
Trong tạp chí của Ban tuyên giáo Trung ương đã có bài viết: "Những thành tựu nổi bật 75 năm nước Cộng hòa XHCN Việt Nam" (TG)-Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành Tài liệu tuyên truyền những thành tựu nổi bật 75 năm nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2020).
...
"Giai đoạn từ cuối năm 1973 đến ngày 30/4/1975: Sau khi ký Hiệp định Pari, mặc dù buộc phải rút hết quân nhưng đế quốc Mỹ vẫn tiếp tục âm mưu dùng ngụy quân, ngụy quyền làm công cụ để thực hiện chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam Việt Nam. Phong trào cách mạng phát triển mạnh trên khắp miền Nam. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 là trận quyết chiến, chiến lược vĩ đại của quân và dân ta, với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng đã kết thúc 21 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược của nhân dân Việt Nam, đất nước ta sạch bóng quân xâm lược, non sông thống nhất".
Đây là một nội dung chỉ đạo quan trọng.
Vấn đề bỏ cụm từ nguỵ quân nguỵ quyền trong các bộ sử đang đến hồi kết, sẽ không diễn ra như ông Phan Huy Lê và các nhà sử học đề xuất.
Chương trình thời sự trên VTV1 hôm nay nói rất nhiều về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Vừa xem xong chương trình Truyền hình về kỷ niệm 75 năm ngày Quốc khánh 2/9 do Ban tuyên giáo Trung ương và Đài truyền hình Việt Nam tổ chức, " LỜI THỀ ĐỘC LẬP ", rất ấn tượng.
Nhân dịp này, xin đăng lại vấn đề
CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH NÓI VỀ NGỤY
( Bài viết dài, ai thật sự quan tâm thông tin, chống lật sử xin mời đọc )
Năm nay trong các hoạt động kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc Khánh 2 tháng 9 do có dịch covid nên không tổ chức các hoạt động sôi nổi , nhưng các chương trình trên Truyền hình vẫn diễn ra rất nhiều và thiết thực.
Từ nhận thức và trách nhiệm của mình , tôi viết bài này với nội dung: Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về "nguỵ".
Có thể nói từ "nguỵ" đã được chủ tịch Hồ Chí Minh nói xuyên suốt trong hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc ta cho đến khi Người qua đời. Điều đó không có gì thay đổi.
1. THƯ CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH GỬI CÁC NGỤY BINH
Đã đăng trên Báo Cứu quốc, số 1915, ngày 28-9-1951.
NỘI DUNG THƯ
Tôi đã nhận được thư 300 nguỵ binh công giáo bị bắt trước mặt trận, xin tha.
Tôi cũng đã nhận được thư của những nhóm nguỵ binh khác, hứa hẹn.
Tôi trả lời như sau:
– Một mặt, vì các người chưa hiểu rằng: giặc Pháp đương mưu mô cướp nước ta, bù nhìn Bảo Đại đang mưu bán nước ta. Kháng chiến là cốt làm cho nước ta được độc lập thực sự, cho nhân dân được tự do, đồng thời cho đồng bào công giáo được tự do thờ Chúa.
– Một mặt khác, các người hoặc bị giặc Pháp và bù nhìn ép buộc, hoặc bị chúng lừa phỉnh mà đi lính cho chúng, chống lại Tổ quốc. Nhưng các người cũng là máu đỏ da vàng, khi đã hiểu thì chắc không ai nỡ lòng làm nanh vuốt cho giặc, chống lại Tổ quốc, để mang tiếng xấu muôn đời.
Tuy các người đã phạm tội nặng là cầm súng chống lại Tổ quốc, song Chính phủ kháng chiến độ lượng khoan hồng, thương hại các người như những đứa con lầm đường, cho nên nặng về giáo dục nhẹ tay xử phạt, để dìu dắt các người bỏ đường tà, theo đường chính.
Vì lẽ đó, đối với những nguỵ binh đã bị bắt và đã biết tội, thì Chính phủ sẽ dần dần tha thứ cho về với cha mẹ, vợ con.
Đối với những nhóm nguỵ binh có thư hứa hẹn, thì tôi có lời khuyên rǎn và dặn dò: anh em phải cẩn thận, sẽ có cán bộ kháng chiến liên lạc và hướng dẫn anh em.
Đối với tất cả nguỵ binh, thì Chính phủ sẽ khoan hồng những người sớm quay về với Tổ quốc, sẽ trọng thưởng những người và những nhóm đái tội lập công lớn (1) .
Nguỵ binh cũng là con dân nước Việt, nhưng vì dại mà đi lầm đường, cho nên tôi và Chính phủ sẵn sàng tha thứ những người sớm biết lỗi và quay về với đại gia đình kháng chiến.
2. THƯ CHÚC TẾT XUÂN KỶ DẬU 1969 CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
Năm qua thắng lợi vẻ vang
Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to
Vì độc lập, vì tự do
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào
Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào.
Bắc – Nam sum họp xuân nào vui hơn.
Đây là bài thơ chúc tết cuối cùng của Người, cũng là tư tưởng chỉ đạo cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Đảng ta và chủ tịch Hồ Chí Minh.
3. CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH NÓI VỀ BẢN CHẤT CỦA NGỤY QUÂN, NGỤY QUYỀN
Về bản chất của nguỵ quân và ngụy quyền tay sai thì Bác Hồ đã nhiều lần đề cập trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ bằng những câu như: "Chúng dựng lên ngụy quân, ngụy quyền dùng làm công cụ phản quốc hại dân.", "Chúng nuôi dưỡng ngụy quyền, ngụy quân làm công cụ hại dân phản nước." v.v
4. NHỮNG BỨC THƯ GỬI VÀO MIỀN NAM CHỈ ĐẠO CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP VÀ CHỐNG MỸ CỦA BÁC HỒ
Trong những năm chỉ đạo kháng chiến đánh Pháp và Chống Mỹ, Bác đã viết rất nhiều lá thư gửi vào miền Nam và giao cho các tổ chức binh vận, ngụy vận, tìm cách đưa những lá thư này đến tay đồng bào lính ngụy trong vùng tạm chiếm: "Thư gửi các ngụy binh" (thập niên 50), "Vận động ngụy binh" (thập niên 50), "Lời kêu gọi ngụy binh quay về với Tổ quốc" (thập niên 50), "Ngụy binh giác ngộ" (thập niên 60) v.v.
5. VỀ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG LAO ĐỘNG VIỆT NAM ( NAY LÀ CỘNG SẢN VIỆT NAM ) VỚI NGỤY BINH
Đảng ta đã nhiều lần ra Nghị quyết và có nhiều văn kiện yêu cầu đẩy mạnh công tác “ngụy vận" và luôn luôn coi công tác ngụy vận là một phần của công tác dân vận, chứ không xem là địch, công tác "ngụy vận" là một phần của công tác binh vận, nhưng lại có khác biệt với công tác địch vận (đối tượng là người Pháp và người Mỹ).
Các văn kiện của BCH trung ương Đảng Lao Động Việt Nam (nay là Đảng Cộng Sản Việt Nam) khóa III và các nghị quyết của Trung ương cục Miền Nam cũng dùng từ "ngụy quyền", "ngụy quân" để chỉ bọn tay sai bán nước:
- Nghị quyết hội nghị lần thứ 14 BCH Trung ương 1/1968;
- ngày10/3/1970 hội nghị BCH trung ương lần thứ 18 ra nghị quyết số 196 NQ/TW.
- 1/3/1971 hội nghị BCH trung ương lần thứ 19 ra nghị quyết số 214 NQ/TW,
- 4/4/1972 hội nghị BCH trung ương lần thứ 20 ra nghị quyết số 219 NQ/TW;
- 13/10/1973 hội nghị BCH trung ương lần thứ 21 ra nghị quyết số 227 NQ/TƯ.
Các văn bản của Đảng đều nói " nguỵ quân", "nguỵ quyền" không thay đổi.
ĐÔI ĐIỀU PHÂN TÍCH VỀ CHẾ ĐỘ VIỆT NAM CỘNG HOÀ, NGỤY QUYỀN, NGỤY QUÂN
Chế độ Việt Nam cộng hoà, về nguỵ quân nguỵ quyền đang được đề cập mấy năm nay khi viết các bộ sử mới, đang diễn ra sự đấu tranh quyết liệt.
Bản chất các tổ chức ngụy quân - ngụy quyền và khái niệm "bán nước" trong lịch sử đã được chủ tịch Hồ Chí Minh nói rất nhiều và rất rõ ràng. Bác Hồ đã nhiều lần đề cập trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ bằng những câu như: "Chúng dựng lên ngụy quân, ngụy quyền dùng làm công cụ phản quốc hại dân.", "Chúng nuôi dưỡng ngụy quyền, ngụy quân làm công cụ hại dân phản nước." v.v
Bác Hồ không nói những người trong hàng ngũ ngụy quân, ngụy quyền đều là những kẻ phản nước, hại dân, mà Bác luôn nhận định họ đã bị Pháp, Mỹ sử dụng làm công cụ phản nước hại dân. Như vậy, có những người tốt nhưng do hoàn cảnh cụ thể, bị thời thế đẩy đưa thì vẫn có thể bị giặc lợi dụng làm công cụ hại dân, phản nước, những người bị bắt đi lính cho Pháp, cho nguỵ quân cũng rơi vào hoàn cảnh này. Từ đó cho thấy việc những cá nhân lính ngụy, sĩ quan ngụy tốt hay xấu, bản thân có yêu nước hay không, là vấn đề cần nhìn nhận khách quan từng cá nhân cụ thể, có người bị bắt buộc, có người rắp tâm làm tay sai hại nước hại dân.
Hồ Chí Minh là Danh nhân văn hoá thế giới, người nổi tiếng về khả năng nói rất lâu mà không vấp hay hớ 1 chữ, nhận thức sự việc tuyệt đối chính xác. Xa Tổ quốc ba mươi năm, nhưng khi về nói chuyện với nhân dân, phát biểu trước hội nghị, mít tinh, Bác luôn là hình mẫu chuẩn về ngôn ngữ tiếng Việt. Câu "làm công cụ hại dân phản nước" của Bác cho thấy cách dùng từ của Người rất tỉ mỉ và thật chính xác.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định về ngụy quyền - ngụy quân như thế cũng không phải là Bác ghét bỏ, thù hận gì họ, trái lại Người vẫn xem họ là đồng bào bình thường, chỉ vì tình thế bắt buộc, bị bắt lính, gia cảnh cơ hàn, cuộc sống khó khăn, hoặc bị giặc tẩy não, nhồi sọ v.v. thì mới đi lính cho giặc, trừ những kẻ cố tình, ác ôn, nợ máu với nhân dân.
Nói về bán nước, đây là một cụm từ để chỉ những kẻ tay sai phản động do ngoại bang dựng lên, hoặc theo ngoại bang phản nước hại dân. "Bán nước" chỉ là một cách lên án của dân gian và sự phán xét nghiêm khắc của lịch sử, nhằm giáo dục cho các thế hệ sau không để lâm vào tình cảnh tương tự.
Trên thế giới này có ai bán được nước lấy tiền đâu. Bán hòn đảo, cho thuê đảo hoặc một vùng lãnh thổ thì có. Bán nước là vấn đề thuộc về văn hóa suy nghĩ, tư duy, tâm tư tình cảm của dân tộc, và đó cũng là nhân sinh quan của dân tộc Việt Nam, nhưng người Việt Nam có truyền thống khoan dung, độ lượng và vị tha.
Lịch sử dân tộc ta kết tội những nhân vật đứng đầu như Kiều Công Tiễn, Trần Ích Tắc, Trần Kiện, Lê Chiêu Thống, Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu và kể cả Bảo Đại nữa vào tội danh bán nước là để ghi danh những nhân vật phản quốc, để cho các thế hệ mai sau biết mà tránh lặp lại, mang tính chất răn đe cho người đời sau. Ta chỉ kết tội tướng lĩnh, sĩ quan, binh lính nguỵ tàn ác, dã man, theo giặc giết dân hại nước chứ không kết tội hết cả, thậm chí có người còn được hoan nghênh, khen thưởng. Như những gì chúng ta đã biết, lúc 11h30' ngày 30/3/1972, Bộ Tư lệnh Chiến dịch Trị-Thiên đã phát lệnh tấn công vào các căn cứ hỏa lực của quân nguỵ Sài Gòn đóng dọc theo vùng giới tuyến nằm trên địa bàn của tỉnh Quảng Trị. Bằng những đợt tấn công dồn dập, trúng mục tiêu của Quân giải phóng, chỉ trong một thời gian ngắn giao tranh đã làm tê liệt hoàn toàn những cứ điểm của địch...Lúc 14h30' ngày 2/4/1972, trước cơn mưa pháo kích như bão lửa của Trung đoàn Pháo binh 38 (Đoàn Bông Lau) và sự tấn công bằng bộ binh của Sư đoàn 304 chủ lực của Đại tá Hoàng Đan. Vòng vây ở căn cứ Carroll của địch đã bị siết chặt, Trung tá Phạm Văn Đính - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 56 của Sư đoàn 3 Bộ binh quân nguỵ Sài Gòn đã lên hệ thống truyền tin để xin được gặp người chỉ huy cao nhất của Đoàn Bông Lau, xin ngưng bắn để treo cờ trắng dẫn binh sĩ của mình trở về với Cách mạng. Ông ta được hoan nghênh, cách mạng bổ nhiệm ông làm Tỉnh đội phó, phụ trách mảng địch vận của tỉnh Quảng Trị.
Từ thực tiễn với cách nhìn đúng đắn là: Ngụy quyền và ngụy quân đúng là do giặc dựng lên để mị dân, hợp thức hóa cuộc xâm lược, và phục vụ cho cuộc xâm lược. Còn riêng những cá nhân trong bộ máy đó, nếu không còn liên quan gì nữa, không còn gây ra hậu quả gì nữa, và chiến tranh đã qua lâu, họ đã được cải tạo rồi về gia đình, xã hội ổn định, không khí đoàn kết thanh bình, chúng ta vẫn coi họ là những người dân bình thường, đó là chính sách hoà hợp, hoà giải dân tộc của Đảng, Nhà nước ta.
Lịch sử đã sang trang mới, và thực tế cũng cho thấy những sĩ quan, binh sĩ ngụy như các ông Trần Chung Ngọc, Nguyễn Hữu Hạnh, Dương Văn Minh, Nguyễn Cao Kỳ, Đỗ Mậu, và nhiều người khác, người còn, người đã mất, trong lúc này vẫn đáng tôn trọng hơn những người từng là "Bộ đội cụ Hồ" là cán bộ cao cấp trong bộ máy của Đảng, nhà nước mà đã thoái hóa, biến chất, đón gió trở cờ, trở thành kẻ phản bội, theo ngoại bang chống phá đất nước, hay những kẻ tha hóa biến chất, trở thành sâu bọ tham nhũng, lũng đoạn, chống phá đất nước và chế độ.
Từ thực tiễn cho thấy: Lịch sử thì phải nhận thức đúng. Những cá nhân trong quá khứ là nguỵ quân, nguỵ quyền thì thông cảm, nhân dân ta vẫn bỏ qua và tôn trọng như một công dân bình thường trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Chúng ta tôn trọng cá nhân các ông Dương Văn Minh, Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Hữu Hạnh..., nhưng trong lịch sử Việt Nam vẫn phải ghi vào lý lịch là các ông từng làm tướng cho Pháp, Mỹ, trong thời Pháp thuộc các ông có Pháp tịch, là công dân Pháp và đi lính cho Pháp, đeo huân chương Pháp, được Pháp phong cấp hàm, giao chức vụ, được Pháp rồi Mỹ trả lương. Bỏ qua, gác lại quá khứ, tha thứ ... không có nghĩa là quên lãng, từ bỏ. Khép lại quá khứ không có nghĩa là đóng lại, khóa lại quá khứ. Lịch sử và trong tiểu sử của mỗi người, trong đó có những giai đoạn lầm lạc của một số nhân vật vẫn được ghi nhận chính xác. Xem như đó là một bài học lịch sử để răn dạy con người đời sau. Bên cạnh đó có những người đến nay vẫn cay cú, hận thù chống phá đất nước thì bản chất nguỵ của họ không thay đổi, cần phê phán, xử lý.
Tôi đã kết bạn với hai cựu sĩ quan nguỵ định cư bên Hoa Kỳ, giao lưu trên facebook rất nhiều, rồi hẹn gặp nhau.
Năm 2017 ông Hoàng Trọng, cựu sỹ quan quân nguỵ Sài Gòn, người cùng họ Hoàng từ Califoocnia Hoa kỳ về nước, tôi mời về thăm nhà thờ Tổ của tôi ở quê, thăm Bảo Tàng Đồng Quê, giao lưu với các cựu chiến binh quê tôi. Buổi giao lưu chân thực và thẳng thắn. Nhưng quan điểm vẫn khác biệt. Ông ấy nói: miền Bắc của các ông, miền nam của chúng tôi, tôi đã phải bỏ quê chạy vào Nam sao các ông còn vượt Trường Sơn vào xâm lược miền Nam, các ông là những người sinh Bắc, tử Nam...Chúng tôi chiến đấu vì quốc gia dân tộc, chúng tôi mất nước nên bây giờ phải sống nơi đất khách quê người. Các ông còn gọi miệt thị chúng tôi là nguỵ...
Tôi đã tranh luận với ông ấy trên facebook rất nhiều, các ông đã bị lừa gạt đi lính cho chế độ tay sai bán nước. Chính Ngô Đình Diệm được người Mỹ dựng lên, ông ta phá bỏ tổng tuyển cử, rước Mỹ vào xâm lược miền Nam Việt Nam.
Hồ Chí Minh nói: Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn song chân lý đó không bao giờ thay đổi. Trước sự đau khổ và lời kêu gọi của đồng bào miền Nam, miền Bắc đã chi viện cho miền Nam chống Mỹ cứu nước. Ngày 19/5/1959 đoàn 559 được thành lập để bắt nối liên lạc và chi viện cho nhân dân miền Nam đánh Mỹ chứ không phải năm 1960 . Đoàn 559 sau này phát triển thành Bộ Tư lệnh Trường Sơn, tôi có 6 năm chiến đấu ở đây nên hiểu rõ vấn đề này. Tôi đã hành quân bộ hai tháng vượt Trường Sơn vào chiến trường chiến đấu, có người đi bộ 6 tháng mới vào đến chiến trường Nam Bộ. Vô cùng khó khăn gian khổ ác liệt nhưng vẫn hăng hái lên đường. Trường Sơn là một chiến trường mà Mỹ đã huy động lực lượng không quân đánh phá bom đạn với quy mô và mức độ ác liệt nhất trong lịch sử chiến tranh của nhân loại. Trong cuộc chiến chống Mỹ cứu nước hơn một triệu chiến sỹ đã hy sinh trên chiến trường miền Nam vì sự nghiệp giải phóng miền Nam thốmg nhất đất nước. Không như ông nói chúng tôi là SINH BẮC TỬ NAM, mà phải nói là sinh ra từ miền Bắc vào chiến đấu giải phóng miền Nam hy sinh vì Tổ quốc. Nếu không có Ngô Đình Diệm cùng bè lũ tay sai bán nước phá hoại hiệp định Giơ-Ne-Vơ thì không có sự hy sinh xương máu này.
Vấn đề thứ hai ông nói " Đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào" là miệt thị chế độ Việt Nam cộng hoà.
Tôi xin nói về từ ngụy
Ngụy là một từ gốc Hán trong tiếng Việt có nhiều nghĩa tùy thuộc vào văn cảnh và từ ghép với nó.
Tại Việt Nam, Trong chính trị, từ này được dùng để chỉ một triều đình hoặc chính quyền do soán đoạt mà có, hoặc do quân xâm lược nước ngoài dựng lên để hợp thức hóa sự xâm lược, đô hộ và phục vụ cho sự đô hộ, xâm lược đó. Còn bản thân chính quyền đó không có thực quyền, thực lực, hữu danh vô thực , không đủ tiêu chuẩn, phẩm chất của một chính quyền hay triều đình đúng nghĩa, mang tính chất bất hợp pháp và không chính danh.
Theo Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam (2007) thì: "Ngụy quyền là chính quyền bản xứ do thế lực nước ngoài dựng lên, nuôi dưỡng, sử dụng làm công cụ xâm lược, nô dịch của họ. Ở Việt Nam, chính quyền Bảo Đại (1949-1954) và chính quyền Sài Gòn (1954-1975) đều là ngụy quyền (do Pháp và Mỹ dựng lên)"
Với phân tích như trên, chính quyền Sài Gòn là ngụy quyền, quân đội Sài Gòn là ngụy quân hoàn toàn chính xác.
Trong bài thơ chúc tết Kỷ Dậu năm 1969 của Hồ Chí Minh đối với toàn thể dân tộc Việt Nam, có câu
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào.
Đánh cho Mỹ cút: Người Mỹ đã thua, hiệp định Pa Ri được ký kết . Mỹ đã rút quân khỏi Việt Nam vì họ sang xâm lược.
Đánh cho nguỵ nhào: Quân ngụy Sài Gòn đã sụp đổ tan rã, Đại tướng Dương Văn Minh tổng thống Nguỵ quyền Sài Gòn đã tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Nhưng chúng tôi chỉ đánh cho nhào thôi tức là tan rã tuỳ nghi di tản, tháo chạy. Quân đội nhân dân Việt Nam theo lời dạy của lãnh tụ Hồ Chí Minh rất nhân nghĩa, không sát hại những người thua cuộc. Không có sự trả thù đẫm máu sau chiến thắng. Đại tướng Dương Văn Minh đã được thả tự do cùng với tất cả sỹ quan binh lính ngụy quân sau khi được cải tạo giáo dục. Chưa có nơi nào trên thế giới đối xử nhân đạo văn minh như vậy. Về tổng thể là như thế, tuy vậy cũng có thể có nơi có chỗ có vấn đề thực hiện chưa hoàn chỉnh.
Ông nói tương lai của dân tộc Việt Nam nằm trong tay những người ở quốc nội, nhận định của anh là hoàn toàn đúng, chỉ có người Việt Nam mới quyết định được tương lai của mình, không ai có thể can thiệp được. Đảng và nhà nước Việt Nam khuyến khích đồng bào ta ở nước ngoài hướng về xây dựng đất nước với các chính sách thông thoáng bình đẳng tạo điều kiện thuận lợi trong sản xuất kinh doanh. Người Việt Nam ở nước ngoài có quyền tham gia xây dựng đất nước như ông Nguyễn Cao kỳ đã từng là trung tướng - phó tổng thống Việt Nam cộng hoà là một ví dụ. Còn về tình hình đất nước sau 44 năm thống nhất đã đạt được những thành tựu quan trọng, được quốc tế thừa nhận và đánh giá cao. Tuy vậy cũng còn nhiều vấn đề phải giải quyết nhất là tham nhũng tiêu cực lãng phí có nơi có chỗ nghiêm trọng. Đảng Cộng sản, chính phủ và toàn thể nhân dân Việt Nam đang quyết tâm khắc phục để xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh văn minh.
Chiến tranh đã kết thúc, cả thế giới đều có đánh giá tốt về Việt Nam. Hồ Chí Minh được UNESCO tôn vinh là Danh nhân văn hoá thế giới, Võ Nguyên Giáp được xếp vào một trong những vị tướng tài hàng đầu trong lịch sử chiến tranh của nhân loại. Phía ngụy quyền, ngụy quân ông xem được thế giới đánh giá các tổng thống các tướng lĩnh như thế nào.?...
Tại buổi gặp trực tiếp hôm ấy để các cựu chiến binh phát biểu. Các cựu chiến binh đều nói do đế quốc xâm lược, do hững người cầm đầu chính phủ nguỵ quyền gây ra chiến tranh nên chúng ta phải cầm súng hai phía nhằm bắn nhau, nay hoà bình thống nhất rồi, hai bên cùng hoà giải, hoà hợp dân tộc.
Ông Trọng nói, tôi chỉ có hoà hợp chứ không bao giờ có hoà giải, vì lý tưởng của tôi khác các ông.
Những lời tranh luận hai bên rất căng thẳng...
Tôi phát biểu khép lại tranh luận, bắt tay nhau, giao lưu, cùng là đồng bào, tôi và ông cùng hướng về xây dựng dòng họ Hoàng Huỳnh Việt Nam. Cùng nâng ly chúc sức khoẻ nhau trên tinh thần hoà hợp.
Tiếp theo tôi kết bạn với ông Võ Đông , một cựu sỹ quan quân đội Nguỵ cũng từ Califoocnia - Hoa Kỳ, khi về Việt Nam tôi mời về thăm Bảo Tàng Đồng Quê và giao lưu với các cựu chiến binh Trường Sơn của địa phương. Quan điểm của ông cung hoàn toàn khác ông Trọng. Ông Đông bác bỏ việc công nhận chế độ Việt Nam cộng hoà và bỏ cụm từ nguỵ quân, nguỵ quyền trong bộ sử mới. Ông nói : Việt Nam cộng hoà do Mỹ lập ra, là tay sai của Mỹ. Lý lịch của ông là sĩ quan nguỵ ông không thay đổi, nhưng ông bị ép buộc đi lính cho chế độ nguỵ. Ông cho là cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta là chính nghĩa. Ông Đông nói : Các ông là bên thắng cuộc không cần hoà giải, bên nguỵ quân nguỵ quyền thua cuộc mới là người cần hoà giải. Chúng tôi hoan nghênh và trân trọng ý kiến của ông.
Hòa hợp, hòa giải dân tộc là chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta, thể hiện ý nghĩa nhân văn cao cả, sâu sắc trong truyền thống văn hóa hàng nghìn năm văn hiến của dân tộc Việt Nam. Điều này, bác bỏ mọi xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Lịch sử luôn được người Việt Nam hàng nghìn năm nay sử dụng như một phương tiện để đề cao, ca ngợi những hành động oanh liệt, làm tấm gương sáng cho các thế hệ mai sau noi theo và răn đe những người xấu phản dân hại nước, rước giặc vào nhà. Đó là một cách thức truyền lửa của dân ta hàng nghìn năm nay từ thời dựng nước và trong suốt những thời kỳ giữ nước, đời sau noi theo gương tốt của đời trước, thế hệ trước truyền lại ngọn đuốc cho thế hệ sau. Đánh giặc là đúng, chống ngoại xâm là đúng, theo giặc là sai, bán nước là sai. Với tinh thần “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Bất cứ ai “rước voi về giày mả tổ”, “cõng rắn cắn gà nhà” đều bị lịch sử chê trách, lên án. Cái tốt của Nhà Nguyễn cần được tôn vinh, cái xấu của Nhà Nguyễn mãi mãi được ghi đi vào sử sách như nó đã diễn ra. Hiện nay đang có các quan điểm rửa tội cho Phan Thanh Giản, cho Gia Long, cần phải xem xét nghiêm túc đúng lịch sử.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, những trận chiến xảy ra giữa quân giải phóng miền Nam Việt Nam và quân ngụy là vì lính ngụy bị giặc Mỹ đẩy ra đánh thay họ, chết thay họ, tránh thương vong cho quân đội của họ. Việt Nam chỉ đánh giặc xâm lược Mỹ, không coi ngụy là một nước, không công nhận cái gọi là “nước Việt Nam Cộng hòa” và chưa bao giờ tuyên bố chiến tranh với ngụy. Việt Nam chỉ tiến hành chiến tranh với Mỹ. Đây là cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước chứ không phải là “chống ngụy cứu nước”.
Cộng nhận Việt Nam cộng hoà là một chế độ tồn tại trong lịch sử là một sai lầm. Nếu nói như vậy thì biến cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thành cuộc nội chiến, Việt Nam dân chủ cộng hoà xâm lược Việt Nam cộng hoà, biến Mỹ từ kẻ xâm lược thành người giúp Việt Nam cộng hoà chống xâm lược.
Việt Nam muốn kết thúc chiến tranh thì phải đánh thắng Mỹ, muốn giải quyết chiến tranh thì phải nói chuyện với Mỹ, với chủ thể, Mỹ là nước xâm lược. Trong suốt cuộc chiến này, Việt Nam không chú trọng đánh ngụy và chỉ chú trọng đánh Mỹ với cả 3 mũi giáp công: Chính trị, quân sự, ngoại giao. Chúng ta đều biết dù có diệt được ngụy mà Mỹ vẫn còn đó thì họ chỉ việc dựng lên một ngụy quyền khác và bắt thanh niên miền Nam đi lính bằng các đợt cưỡng bức quân dịch quy mô lớn.
Không đánh bại được Mỹ thì không diệt được ngụy, chém đầu này sẽ mọc đầu khác. Muốn chấm dứt chiến tranh thì phải đánh thẳng vào cái gốc, cái nguồn đang tiến hành xâm lược, cái cỗ máy chiến tranh đang điều hành cuộc chiến. Đánh cho “Mỹ cút” rồi mới đến “ngụy nhào” như câu thơ chúc Tết mà Bác Hồ đã đọc vào tết Kỷ Hợi năm 1969. Bác đã tài tình lồng vào 2 giai đoạn chiến lược “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” vào câu thơ của mình ngay trong lúc Mỹ đang mạnh, chưa cút, và ngụy chưa nhào.
Việt Nam cũng chưa bao giờ đàm phán, nói chuyện với ngụy, vì biết có nói chuyện với ngụy thì cũng vô ích, không giải quyết được gì. Việt Nam muốn gì thì tìm Mỹ mà nói, đối thoại v.v. Trong cuốn hồi ký của Giôn Xơn, tổng thống Mỹ, ông ta muốn chấm dứt chiến tranh muốn đàm phán với Việt Nam dân chủ cộng hoà, với Hồ Chí Minh, chính quyền nguỵ Sài Gòn không có vai trò gì cả.
Mục tiêu của cuộc kháng chiến là: Quét sách tên giặc xâm lược cuối cùng và tất cả các ngụy quyền của giặc xâm lược ra khỏi miền Nam của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà quân đội Mỹ đang chiếm đóng bất hợp pháp (Miền Nam của Việt Nam DCCH quy định rõ ràng trong hiến pháp 1946, 12 khu hành chính và quân sự tháng 11 năm 1946, bao gồm cả miền Nam Việt Nam, Hiệp định Genève về Đông Dương, Hiến pháp 1959).
Bà Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng Bộ ngoại giao của Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hoà miền Nam Việt Nam đã phát biểu trước thế giới răng: Chúng tôi không đàm phán với nguỵ quyền Sài Gòn vì họ là chế độ tay sai bán nước.
Trong hội nghị Pari đàm phán về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam, cả trong nước và nước ngoài đều không để ý nhiều đến vai trò của ngụy quyền trong cuộc chiến Việt - Mỹ. Người ta đề cập nhiều đến vai trò của Hà Nội và Washington nhiều hơn. Lý do rất đơn giản là vì đây là cuộc đụng độ lịch sử giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, một bên có sức mạnh con người, một bên có sức mạnh khoa học kỹ thuật. Đây mới là hai nhân vật chính cần đề cập tới. Ngụy Sài Gòn, mờ nhạt phá rối , không đáng phải đề cập và vì thế người ta thấy không cần nhắc nhiều đến.
Nhìn lại thì thấy quả thật là vai trò của chế độ nguỵ Sài Gòn, quân đội nguỵ Sài Gòn rất mờ nhạt trên các phương tiện truyền thông quốc tế. Các tài liệu đa chiều trên thế giới rất ít nói về ngụy Sài Gòn. Họ chú trọng đến vai trò của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (họ gọi là “Việt Cộng”), và phía bên kia là Hoa Kỳ. Không có nhà nghiên cứu, nhà sử học, nhà báo nào tốn nhiều giấy mực, thời gian, công sức để viết về những chư hầu của Mỹ.
Trong lịch sử mấy nghìn năm của dân tộc Việt Nam. Giặc ngoại xâm nào vào bờ cõi nước Việt thì cũng tạo ra một đội quân người bản xứ để cho quân ngoại xâm đỡ tốn xương máu, đỡ hao binh tổn tướng. Trong chiến tranh chống Việt Nam cũng vậy, lính Pháp, lính Mỹ đáng lẽ còn hao tổn hơn nhiều nếu không nhờ lực lượng ngụy quân đỡ đạn cho lính Pháp, lính Mỹ, giúp quân đội Pháp - Mỹ giảm thương vong.
Có người nói rằng Hiệp định Pa ri do 4 bên ký kết trong đó có bộ trưởng bộ ngoại giao Việt Nam cộng hoà là Trần Văn Lắm. Nói như vạy là thiển cận. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói tức là chỉ đạo: Đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào. Phải ký hiệp định để người Mỹ rút quân. Đó là sách lược tài tình của Đảng lao động Việt Nam do Hồ Chí Minh sáng lập và lãnh đạo.
Sau khi Mỹ rút quân, chính Nguyễn Văn Thiệu đã phá bỏ hiệp định Pari, bản thân ông ta chống lại cuộc đàm phán và hiệp đinh Pari.
Khi hiệp định chưa ráo mực, ông ta đã mở chiến dịch hô quân tiến công lấn chiếm vùng giải phóng với chiến dịch "tràn ngập lãnh thổ". Buộc ta phải đánh cho nguỵ nhào kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Cũng đúng với tư tưởng chỉ đạo của Đảng ta, đứng đầu là chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tại sao cuộc kháng chiến chống Mỹ dễ xuyên tạc hơn các cuộc chiến chống xâm lược khác trong Lịch sử Việt Nam?
Về kháng chiến chống Pháp, hầu hết đều thống nhất rằng đây là cuộc chiến chống ngoại xâm của dân tộc. Ngay cả những kẻ chống Cộng cực đoan cũng không thể phủ nhận nổi điều này, ngay cả sách giáo khoa ở miền Nam dưới thời Mỹ cũng phải ghi đây là cuộc chiến giữa "nhân dân Việt Nam" và thực dân Pháp ( tuy họ lờ đi vai trò lãnh đạo của Đảng lao động Việt Nam và chủ tịch Hồ Chí Minh). Cuộc kháng chiến chống Pháp khó xuyên tạc là vì thực dân Pháp đã đô hộ, bóc lột, nô dịch dân ta trong suốt gần 1 thế kỷ Pháp thuộc, và khái niệm "trăm năm nô lệ giặc Tây" đã in sâu dấu ấn, khắc cốt ghi tâm trong lòng mỗi người dân Việt Nam ở mọi thời đại.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước có tính chất khác hoàn toàn. Đây cuộc chiến tranh chống xâm lược kiểu mới, trong thời đại mới, thông qua ngụy quyền mà nó dựng lên để kiểm soát miền Nam Việt Nam, khống chế khu vực và chiếm đoạt tài nguyên, trên danh nghĩa "tham chiến giúp đỡ đồng minh". Họ thực hiện chính sách thực dân kiểu mới, danh nghĩa họ không trực tiếp trắng trợn gọi miền Nam Việt Nam là thuộc địa như thực dân Pháp trong thời Pháp thuộc, và cũng không chính thức sát nhập miền Nam Việt Nam vào lãnh thổ chính quốc như phong kiến Trung Hoa trong thời Bắc thuộc, mặc dù Ngô Đình Diệm muốn miền Nam Việt Nam thành bang thứ 51 của Hoa Kỳ.
Đây là một hình thức xâm lược "văn minh" và tinh vi xảo quyệt.
Do tính chất cuộc xâm lược mới, nhân dân ta chưa có kinh nghiệm chống lại nó nên thường dễ gây nhiễu nhân tâm hơn.
Đó cũng là lý do vì sao mà trong thời Pháp thuộc suốt gần 100 năm, Việt Nam lại có nhiều Việt gian cam tâm làm tay sai đắc lực cho Pháp đến như vậy, nhiều hơn gấp trăm lần so với các cuộc chiến chống xâm lược phương Bắc. Đó là vì hình thức xâm lược của thực dân Pháp khác với hình thức xâm lược, đô hộ kiểu cũ của phong kiến Trung Hoa. Pháp không chính thức sát nhập Đại Nam vào lãnh thổ Pháp, mà sử dụng Đại Nam làm một thuộc địa, làm một nơi để khai thác, vơ vét, bóc lột, trên danh nghĩa “bảo hộ” triều đình An Nam, An Nam vẫn có vua, nhà Nguyễn vẫn còn đó. Trước thời Pháp thuộc thì dân ta lại chưa kinh qua cách thức xâm lược và đô hộ như thế này, nên cũng có nhiều người mơ hồ về việc Pháp xâm lược Đại Nam, họ coi mình là đang phục vụ triều đình, chỉ huy lính Nam triều, chứ không nghĩ mình đang phục vụ cho Pháp, họ cho rằng Pháp đã đem ánh sáng văn minh phương Tây vào Đại Nam, giúp khai hóa dân tộc Việt, giúp Đại Nam có tự do tôn giáo, tự do truyền đạo, bảo hộ và giúp đỡ triều đình và đất nước ta, giúp người Việt chống Trung Hoa (quân Thanh, quân Cờ Đen, quân Cờ Vàng, quân Cờ Trắng v.v.).
Họ tự lừa dối bản thân, họ cố nghĩ như vậy, nhiều khi cũng chỉ để cho lương tâm không bị cắn rứt, tự an ủi bản thân, tương tự như nhiều người trong thời Mỹ sau này.
Thậm chí có người trong giới sử học, nhân dịp hội thảo 160 năm Pháp đánh chiếm Đà Nẵng đã phát biểu là: Pháp chiếm Việt Nam không phải xâm lược, mà dùng Việt Nam làm bàn đạp tiến công Trung quốc, nghe thật là lạ lùng, lố bịch.
Trong lịch sử các nước, phía xâm lược luôn có những chiêu bài chính trị để hợp thức hóa hành động xâm lược, xâm phạm chủ quyền. Chiêu thức dựng lên một "đối tượng để giúp đỡ" là chiêu bài đã được dùng đi dùng lại từ ngàn xưa.
Trong lịch sử Việt Nam, mỗi thời kỳ giặc xâm lược đều có những hình thức xâm lược khác nhau, và ngày càng tinh vi hơn. Mục tiêu xâm lược cũng có những khác biệt nhất định. Phong kiến Trung Hoa xâm lược Đại Việt, chiếm đất đai, sát nhập lãnh thổ Đại Việt vào Trung Hoa, biến đất Việt thành đất Trung Hoa, biến Đại Việt thành một châu của họ. Và trong thời gian đô hộ thì không tồn tại triều đình người Việt.
Pháp bắt đầu xâm lược Đại Nam năm 1858, ép nhà Nguyễn ký hiệp ước dâng Nam Kỳ Lục tỉnh cho họ, rồi lần lượt “bảo hộ” Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Họ chiếm hữu và trục lợi ở Việt Nam và Đông Dương như một thuộc địa, nhưng trên danh nghĩa thì vẫn có vương quốc An Nam “độc lập”. Vẫn có triều đình Huế với các “hoàng đế” có ngai nhưng không quyền, thực chất là bù nhìn. Họ trực tiếp quản lý VN bằng Toàn quyền Đông Dương, và dưới trướng có rất nhiều cộng sự người Việt mà dân gian gọi là “chó săn” của Pháp. Họ thiết lập một hệ thống ngụy quyền quy mô, rộng lớn, bao gồm những lực lượng ngụy quân (lính Nam triều, lính khố xanh, khố đỏ, khố vàng) được huấn luyện chu đáo và chuyên nghiệp.
Lịch sử cho thấy rằng Pháp cũng xâm lược, nhưng về các hình thức xâm lược, chiếm đóng, trục lợi là khác với phong kiến Trung Hoa. Pháp không chủ trương sát nhập Đông Dương vào “nước mẹ Đại Pháp”, mà chỉ muốn kiếm chác, khai thác, bóc lột, vơ vét những lợi ích tài nguyên màu mỡ, bóc lột người dân với sức lao công phong phú ở đây. Tóm lại là hút cạn kiệt thuộc địa để làm giàu cho mẫu quốc.
Pháp không cần Việt Nam thành một phần của nước Pháp. Không coi Đông Dương là nước Pháp, mà họ coi Việt Nam cũng như toàn Đông Dương là một vùng thuộc địa để họ khai thác, họ coi họ là “nước mẹ” của thuộc địa này với vai trò bảo hộ. Ngụy triều của người Việt được phép tồn tại và làm vật trang trí. Ngụy quân người Việt được xây dựng, trang bị, huấn luyện, và trả lương. Đây gọi là chủ nghĩa thực dân kiểu cũ, khi mà tên giặc không cần sát nhập lãnh thổ, cướp đất đai trên danh nghĩa, thay vào đó, họ mị dân bằng những tuyên bố “bảo hộ” sự “độc lập” của vương quốc An Nam trên danh nghĩa. Họ cho người Pháp vào trực tiếp quản lý, trực tiếp nắm lấy, đứng đầu là viên Toàn quyền Đông Dương. Các cộng sự người Việt chỉ là loại thừa hành cấp thấp. Người Pháp tha hồ bóc lột và nô dịch nhân dân bản xứ.
Với người Mỹ thì khác.Hoa Kỳ đã có âm mưu ngăn cản Việt Nam giải phóng từ rất lâu. Năm 1953 Ních Xơn - Phó tổng thống Mỹ đã sang Việt Nam, đến Sài Gòn, Hà Nội ủng hộ quân đội Pháp về tinh thần, viện trợ và giúp đỡ Pháp trong trận chiến Điện Biên Phủ, nhằm tái chiếm các vùng giải phóng của Việt Nam, nhưng bị thất bại. Sau đó họ trực tiếp nhảy vào rồi từng bước hất cẳng Pháp, thu nhận và nuôi dưỡng ngụy quyền và ngụy quân mà Pháp đã sử dụng và để lại. Thay tên đổi họ lại cho ngụy quân, ngụy quyền, tổ chức lại, xây dựng lại, vá lại, thay đổi tay sai, chỉ giữ “quốc kỳ” và “quốc ca”.
Mỹ dựng lên chính quyền Việt Nam cộng hoà như thế nào?
Sau cách mạng tháng 8, ngày 2 tháng 9 năm 1945 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Hồ Chí Minh, chủ tịch chính phủ lâm thời đọc tuyên ngôn độc lập, nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời. Năm 1946 Pháp quay lại cướp nước ta một lần nữa, sau khi chiếm được Sài Gòn - Gia Định, để hợp pháp hoá cho sự xâm lược, Pháp lập ra Quốc gia Việt Nam, đưa Bảo Đại lên làm quốc trưởng.
Ngày 7 tháng 5 năm 1954 chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, tạo thuận lợi cho việc ký kết hiệp định Gionevo. Việt Nam đấu tranh đòi giới tuyến tạm thời đến vĩ tuyến 13, rồi 16 nhưng không được Trung Quốc và Liên Xô ủng hộ mạnh mẽ. Cuối cùng lấy vĩ tuyến 17 theo sông Bến Hải làm ranh giới quân sự tạm thời. ( Mỹ tham gia hội nghị nhưng không ký vào hiệp định). Theo hiệp định Gionevo tháng 7 năm1956 tiến hành tổng tuyển cử thống nhất đất nước.
Khi ấy dân số miền Bắc 17 triệu người cao hơn miền Nam 3 triệu người. CIA của Mỹ đã lập âm mưu và cưỡng ép đồng bào miền Bắc di cư vào Nam để làm suy yếu Việt Nam dân chủ cộng hoà, tạo lợi thế cho cuộc tổng tuyển cử. Ta đã đưa các sư đoàn chủ lực ra ngăn chặn quyết liệt ở vùng ven biển ba tỉnh : Nam Định, Thanh Hoá, Ninh Bình, cuối cùng họ cũng đưa một triệu người miền Bắc Vào miền Nam, trong đó có 80% là đồng bào Thiên chúa giáo. Tháng 6 năm 1955 Ngô Đình Diệm từ Mỹ về Việt Nam, dưới sức ép của Mỹ, Bảo Đại bổ nhiệm Ngô Đình Diệm làm thủ tướng Quốc gia Việt Nam
Mỹ, Diệm âm mưu hất cẳng Pháp, phá hoại tổng tuyển cử. Diệm đã tổ chức cuộc bầu cử thử, kết quả Hồ Chí Minh được 80% số phiếu, Bảo Đại được 20% số phiếu. Sau đó Diệm có mưu đồ, đã tổ chức cuộc trưng cầu ý dân, phế truất Bảo Đại. Ngày 26 tháng 12 năm 1955 Ngô Đình Diệm lên nắm quyền, tự xưng là tổng thống, đổi tên Quốc gia Việt Nam thành Việt Nam cộng hoà. Từ đây Diệm thực hiện âm mưu điên cuồng chống phá cách mạng Miền Nam. Ông ta tuyên bố xoá bỏ tổng tuyển cử, hô "lấp sông Bến Hải" Bắc tiến. Ngô Đình Diệm lê máy chém đi khắp miền Nam để sát hại đồng bào và chiến sĩ yêu nước. Lực lượng cán bộ cũ còn lại ở miền Nam khi tập kết là 50.000 người, sau mấy năm khủng bố của Ngô Đình Diệm đến năm 1959 chỉ còn lại 5 nghìn, cứ 10 người thì 9 người bị sát hại. Ngày 29 tháng 5 năm 1959 Ngô Đình Diệm ban hành đạo luật mang số 10/59 để xét xử sát hại những người yêu nước và đồng bào miền Nam với chủ trương : "giết nhầm hơn bỏ sót". Gần hai mươi vạn đồng bào chiến sỹ Miền Nam đã bị giết hại trong những năm Ngô Định Diệm làm tổng thống Việt Nam cộng hoà
Cách thức xâm lược của giặc ngoại xâm theo tiến trình lịch sử, theo sự tiến hóa của văn minh nhân loại, cũng thay đổi và “nâng cấp” theo thời gian, càng lúc càng mị dân và được ngụy trang tinh vi hơn.
Mỹ xâm lược Việt Nam là xâm lược kiểu thực dân mới. Theo đó, ông chủ đứng ngoài thu lợi, quan sát, kiểm soát. Còn phần quản lý thuộc trách nhiệm của ngụy quyền bản địa, giặc xâm lược không trực tiếp bắt tay vào làm như thực dân cũ. Nhưng chế độ tay sai bù nhìn không đảm đương được, Mỹ đã nhảy vào với 58 vạn quân Mỹ, trong giai đoạn 1964-1973, đã tiến vào tham chiến trực tiếp như bọn thực dân cũ, như xâm lăng thời phong kiến. Chính người Mỹ đã gây ra cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và Hải quân vô cùng khốc liệt, tàn phá miền Bắc Việt Nam và càn quét phá hoại, giết hại dã man nhân dân miền Nam Việt Nam. Đây là một cuộc chiến tranh xâm lược vô cùng tàn bạo dã man .
Giặc Pháp, giặc Mỹ và tay sai trong suốt hơn 30 năm chiến tranh, thắng bao nhiêu lần, nhưng dù có tuyên truyền đến mức độ nào thì cũng không biến được cuộc kháng chiến chống Mỹ thành cuộc "nội chiến", "ý thức hệ", "cuộc chiến quốc tế", "cuộc chiến ủy nhiệm". Thực tế lịch sử đã cho thấy: Chân lý không phải lúc nào cũng thuộc về kẻ chiến thắng, mà thuộc về nhân dân, thuộc về chính nghĩa dân tộc.
Chân lý chỉ thuộc về kẻ chiến thắng với điều kiện kẻ chiến thắng đó chính là nhân dân, là dân tộc, và lực lượng quân sự, chính trị mà dân tộc đó, nhân dân đó ủng hộ. Thực tế lịch sử khách quan thì không thể phủ nhận được.
Các triều đình Huế thời Pháp thuộc, ngụy quyền Bảo Đại, Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu thời kỳ Mỹ xâm lược v.v. thì dân ta đã gọi họ là ngụy, là giặc ngay trong lúc chưa chiến thắng, ngay trong lúc giặc chưa thua. Trước 1975, khi Mỹ - Việt chưa thấy rõ thắng-thua thì nhân dân miền Nam đã gọi ngụy quyền là “ngụy” rồi.
Giặc, ngụy, chính, tà, chính nghĩa, phi nghĩa, tự vệ, xâm lược, chống ngoại xâm ... đều rất cụ thể rõ ràng, không thể lẫn lộn. Những điều này không phụ thuộc vào sự duy ý chí của con người, cảm tính, cảm nghĩ của cá nhân, niềm tin cá nhân của con người, mà nó phụ thuộc vào thực tế lịch sử khách quan và bản chất của các đối tượng đấu tranh trong cuộc chiến đó. Dù ai đó có nghĩ, tin, tuyên truyền con cá bay trên ngọn cây thì con cá vẫn bơi dưới nước.
Tuy nhiên trong khoa học lịch sử, gọi thế nào ít nhiều có phụ thuộc phần nào đó vào góc độ lợi ích của quốc gia dân tộc liên quan, trong trường hợp của Đại Việt - Việt Nam hàng nghìn năm nay thì đều có những tiêu chí rất rõ ràng, khó nhầm lẫn, để đánh giá, nhận định ai là giặc, ai là ngụy. Không thể chỉ vin vào kết quả thắng – thua hay thực lực yếu - mạnh rồi đánh đồng tất cả, đánh tráo khái niệm, cào bằng giá trị, vàng thau lẫn lộn, thiện ác bất phân.
Tại miền Nam Việt Nam trong khi cuộc chiến vẫn đang diễn ra thì đại đa số nhân dân miền Nam từ những cụ già đến trẻ em, từ thôn quê đến thành phố đã gọi Mỹ-ngụy là giặc, họ gọi thế ngay dưới mạng lưới thông tin, sách báo, hệ thống tuyên truyền, và bộ máy trấn áp khổng lồ và tinh vi của giặc Mỹ và tay sai. Họ thấy khắp miền Nam đều dày đặc người Mỹ, lính Mỹ, “Tây ba lô” da trắng, mắt xanh mũi lõ. Những kẻ mà họ gọi là “chó săn” kia thì khúm núm trước quan thầy Hoa Kỳ, ai được chụp hình chung với người Mỹ là mặt mày tươi rói, kênh kiệu, vênh váo, rạng rỡ hẳn lên, rồi dựa thế của Mỹ lên mặt với đồng bào, cướp bóc, vơ vét, xách nhiễu, quấy rối, gây khó dễ, đàn áp, bắn giết dã man. Dân ta coi Mỹ-ngụy là giặc là chuyện tất nhiên.
Nhân dân ta thấy bọn Việt gian chỉ đường và thông ngôn, cho quân Mỹ đi càn quét khắp miền quê miền Nam, đi càn hết làng này sang thôn khác thì không gọi là giặc thì gọi là gì? Liên quan gì đến kết quả ai thắng, ai bại?
Thực dân Pháp đã từng thắng hàng trăm cuộc chiến trong thời Pháp thuộc, từng tiêu diệt hàng trăm lực lượng nghĩa quân, lê máy chém trên khắp đất Việt chặt đầu hàng chục nghìn thủ lĩnh, lãnh tụ, tướng lĩnh của nghĩa quân. Nhưng thực dân Pháp mãi mãi là giặc, các ngụy triều ở Huế thời Pháp thuộc mãi mãi là ngụy, lính khố xanh, khố đỏ là ngụy, bọn tay sai đắc lực của Pháp như Trần Tiễn Thành, Hoàng Cao Khải, Trần Bá Lộc, Nguyễn Thân, Bảo Đại; Thời Mỹ xâm lược là Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu.. luôn luôn là ngụy, chắc chắn là ngụy. Dù bên nào thắng, bên nào thua thì lịch sử vẫn không thay đổi.
Bộ sử 15 tập có tập, có nội dung công nhận chế độ Việt Nam cộng hoà, bỏ cụm từ nguỵ quân nguỵ quyền là một sai lầm lịch sử. VTV1 đã đưa nội dung chống lật sử lên sóng là hoàn toàn chính xác. Cuộc đấu tranh chống lật sử còn diễn ra rất phức tạp, nhưng nhất định chính nghĩa sẽ thắng. Tư tưởng Hồ Chí Minh mãi mãi sáng ngời.
Hà Nội ngày 2/9/2020
Thiếu tướng Hoàng Kiền
(Bài viết có tham khảo ý kiến của một số Cựu chiến binh và những người cùng quan điểm chống lật sử, tham khảo các thông tin trên mạng xã hội).
KIEN 02-9