Sửa mặt cầu Thăng Long không có chuyên gia Trung Quốc

Ngày đăng: 08:18 04/09/2020 Lượt xem: 394

Sửa mặt cầu Thăng Long không có chuyên gia Trung Quốc

Đại diện Tổng cục Đường bộ VN khẳng định chúng ta làm chủ được công nghệ sửa mặt cầu Thăng Long, hoàn toàn tự thi công, không phụ thuộc chuyên gia Trung Quốc.

Để sửa chữa mặt cầu, đơn vị thi công sẽ cào bóc sạch lớp bê tông nhựa hiện hữu, làm sạch bản mặt thép rồi hàn các đinh neo, lắp đặt lưới thép và đổ một lớp bê tông siêu tính năng (UHPC).

Ông Lê Cảnh Hiền, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư & Xây dựng Thành Hưng -  đại diện nhà thầu thi công cho biết, công nghệ UHPC xuất phát ở châu Âu, đã được ứng dụng tại nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và một số nước ở Đông Nam Á.

Tại Việt Nam công nghệ này được nghiên cứu nhiều năm tại Tuyên Quang và được kiểm nghiệm trước khi được đồng ý đưa vào sửa chữa mặt cầu Thăng Long. 

Sửa mặt cầu Thăng Long không có chuyên gia Trung Quốc
Toàn bộ lớp bê tông nhựa hư hỏng của mặt cầu Thăng Long đã được cào bóc.

Khi được hỏi vì sao việc sửa mặt cầu Thăng Long phải đợi chuyên gia Trung Quốc sang để thi công, ông Hiền cho biết, máy rải bê tông siêu tính năng tại VN chưa có. Thiết bị dù có ở nhiều nước nhưng tại Trung Quốc là rẻ nhất nên đơn vị đã đặt hàng mua của đối tác Trung Quốc 1 máy rải thảm và 10 nồi hơi hấp nhiệt.

Theo hợp đồng, đối tác từ Trung Quốc phải đưa máy sang lắp đặt và cử nhân viên kỹ thuật sang vận hành chuyển giao cho công nhân Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay 2 công nhân kỹ thuật vận hành máy chưa thể sang Việt Nam do ảnh hưởng dịch Covid-19.
 
“Đây chỉ là 2 nhân viên kỹ thuật vận hành máy rải thảm, không liên quan đến công nghệ sửa mặt cầu Thăng Long”, ông  Hiền nói rõ.

Ông này cũng cho biết, bột bê tông cường độ cao hiện nay được các tập đoàn vật liệu xây dựng của Pháp và một số nước sản xuất theo dạng bột, vận chuyển bằng đường biển.

Tại dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long, nguyên liệu phụ gia nhập của Đức, sử dụng xi măng Nghi Sơn (Thanh Hoá), cát lấy từ Cam Ranh (Khánh Hoà).

“Tất cả các công đoạn sửa mặt cầu Thăng Long Việt Nam đã làm được hết. Có 5 chuyên gia người Việt Nam tham gia đánh giá công nghệ sửa mặt cầu Thăng Long. Hiện chúng tôi đang làm thủ tục để đón 2 kỹ thuật viên sang lắp đặt thiết bị vận hành chuyển giao.

Sau khi tiếp nhận công nghệ máy thảm, việc sửa mặt cầu Thăng Long sẽ do người Việt Nam thực hiện 100%”, ông Hiền nói.

Nhiều lần hư hỏng

Cầu Thăng Long được khởi công xây dựng ngày 26/11/1974, tới tháng 5/1985 thông xe và đưa vào sử dụng. Từ đó đến nay, mặt cầu xuất hiện các hư hỏng và đã phải sửa chữa một số lần.

 

Đơn cử, năm 1999 cào bóc 3cm lớp trên và thảm phủ lớp bê tông nhựa mới. Năm 2009 thay thế lớp phủ mặt cầu cũ bằng công nghệ vật liệu SMA. Tuy nhiên, sau 1 - 2 tháng lại xuất hiện hư hỏng như mặt đường rạn nứt, bê tông nhựa không dính bám với bản mặt thép, trồi lún bê tông nhựa, hư hỏng khe con giãn... 

Sửa mặt cầu Thăng Long không có chuyên gia Trung Quốc
Mặt cầu Thăng Long được sửa chữa nhiều lần.

Nguyên nhân mặt cầu Thăng Long hư hỏng được các chuyên gia giao thông đánh giá do mật độ xe và tải trọng trục các xe lớn. Kết cấu cầu Thăng Long bản thép tương đối mỏng, bản mặt cầu chịu kéo theo cả phương dọc và ngang, bị võng cục bộ.

Dù được sửa chữa nhiều lần nhưng chất lượng lớp phủ mặt cầu bê tông ASPHALT không đáp ứng được yêu cầu chịu tải, dính bám giữa lớp phủ mặt cầu với mặt cầu thép kém, nhiều vị trí không có dính bám, lớp phủ rộng, đọng nước...

Cục trưởng Quản lý xây dựng (Tổng cục Đường bộ VN) Nguyễn Trung Sỹ cho biết, công nghệ hàn đinh neo lên bản thép (để kết dính bản mặt thép với lớp bê tông bên trên) được áp dụng lần này sẽ không làm thay đổi kết cấu chịu lực của bản thép đã lâu năm của cầu.

"Công nghệ này được áp dụng ở nhiều nước như Hà Lan, Bỉ, Đức, Pháp, Mỹ, Trung Quốc. Chúng tôi tin rằng việc sửa chữa cầu Thăng Long lần này sẽ thành công với độ bền trên 10 năm", ông Sỹ nói.

Dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long do Tổng cục Đường bộ VN làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 269 tỷ đồng.

Dự án được đấu thầu qua mạng, đơn vị trúng thầu là liên danh Công ty CP Thương mại, Tư vấn và Xây dựng Vĩnh Hưng - Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Thành Hưng - Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành - Công ty CP Phát triển Xây dựng và Thương mại Thuận An.

Thời gian thực hiện hợp đồng là 150 ngày.


tin tức liên quan