Một ngư dân đứng bên bờ sông Mekong.
Trợ lý ngoại trưởng Mỹ David Stilwell phụ trách các vấn đề Đông Á, cảnh báo việc Trung Quốc tác động đến dòng chảy sông Mekong là một "thách thức khẩn cấp". Tuyên bố của ông Stilwell cho thấy sông Mekong là mặt trận mới trong cuộc đối đầu Mỹ-Trung, theo SCMP.
“Trung Quốc thao túng dòng chảy trên sông Mekong là thách thức khẩn cấp, vì lợi ích riêng mà khiến các quốc gia ở vùng hạ lưu trả giá đắt”, ông Stilwell nói tại một hội nghị do Viện Hòa bình Mỹ và Đại học chính sách công Lý Quang Diệu của Singapore thực hiện.
Ông Stilwell dẫn một báo cáo gần đây, cho rằng Trung Quốc "thao túng dòng chảy dọc sông Mekong trong 25 năm, trong đó sự gián đoạn dòng chảy tự nhiên nghiêm trọng nhất xảy ra đồng thời với việc xây dựng và hoạt động đập lớn".
Kể từ đầu năm nay, những báo cáo và nghiên cứu khoa học của Mỹ và Trung Quốc về dòng sông Mekong liên tục có những kết quả trái ngược nhau. Nghiên cứu của Mỹ cáo buộc các đập thủy điện Trung Quốc gây hạn hán nặng ở vùng hạ lưu. Ngược lại, nghiên cứu của Trung Quốc nói các đập thủy điện ở thượng nguồn còn giúp cấp một lượng nước lớn vào mùa khô.
Tháng 4.2020, báo cáo của tổ chức Eyes on Earth, có trụ sở ở Mỹ, cho rằng các con đập của Trung Quốc đã giữ lại khoảng 47 tỉ m3 nước sông Mekong. Nghiên cứu của Đại học Tsinghua và Viện tài nguyên nước Trung Quốc lại khẳng định các con đập giúp điều tiết hạn hán ở khu vực sông Mekong.
Trợ lý ngoại trưởng Mỹ David Stilwell.
Trợ lý ngoại trưởng Mỹ David Stilwell nói cuộc khủng hoảng ở Mekong đe dọa an ninh lương thực và nguồn nước trong khu vực.
"Vấn đề hạn hán có khả năng gây bất ổn nghiêm trọng hơn. Mỹ đang làm việc với các nước sông Mekong, Ủy hội sông Mekong và các đối tác quốc tế để đảm bảo tuyên bố minh bạch dữ liệu nước của Trung Quốc không chỉ là nói suông", quan chức ngoại giao Mỹ nói.
Theo SCMP, Nhiều khả năng vấn đề nguồn nước sông Mekong sẽ được đưa ra thảo luận tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF). Diễn đàn dự kiến diễn ra vào tuần tới với sự tham dự của ngoại trưởng 10 nước ASEAN và ngoại trưởng Mỹ, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ. Sự kiện diễn ra dưới hình thức họp trực tuyến do ảnh hưởng của dịch Covid-19.