Từ bài viết của Tổng bí thư - Chủ tịch nước, nghĩ về thương hiệu Việt Nam

Ngày đăng: 02:33 07/09/2020 Lượt xem: 293

Từ bài viết của Tổng bí thư - Chủ tịch nước, nghĩ về thương hiệu Việt Nam


                                               Nguồn: Báo Điện tử TuanVietnamnet

Một trong những quyết sách quan trọng được nhiều nước triển khai là tiến hành một chiến lược bài bản để xây dựng và quảng bá về Thương hiệu quốc gia. 


 

Ngày 31/8, Tổng bí thư, Chủ tịch nước đã có bài viết quan trọng với nhan đề “Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội 13 của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới". Bài viết đã nêu bật những thành tựu đã đạt được, những khó khăn đã vượt qua, những thách thức ở phía trước, và đặc biệt là một tầm nhìn nhất quán về mục tiêu phát triển của đất nước. 

Trong bài viết, nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước nhấn mạnh: “Động lực và nguồn lực cho phát triển đất nước trong giai đoạn mới là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hoá, con người Việt Nam…”. Nói cách khác, sự tin tưởng và đồng lòng của toàn thể nhân dân đối với các quyết sách và hành động của Chính phủ chính là chìa khóa cho sự phát triển.

Điều này đã được minh chứng trong suốt chiều dài lịch sử, từ những cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, đến gần đây nhất là cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Vậy làm thế nào để phát huy và duy trì sự tin tưởng, sự đồng lòng của người dân đối với những đường lối và hành động của Chính phủ trong mọi hoàn cảnh, không chỉ là trong những tình huống mà vận nước khó khăn? 

Thương hiệu quốc gia - ngọn cờ dẫn dắt cho sự phát triển

Sự đồng lòng chỉ có thể có được khi mà người dân nhìn thấy mình, nhìn thấy những lợi ích, vai trò của mình trong các hoạt động của Chính phủ. Và một trong những quyết sách quan trọng đã và đang được nhiều nước triển khai là tiến hành một chiến lược bài bản để xây dựng và quảng bá về Thương hiệu quốc gia.  

Hãy nhìn cách Israel sử dụng Thương hiệu quốc gia như là kim chỉ nam cho sự phát triển. Trước năm 2007, người ta chủ yếu biết đến Israel là một quốc gia của xung đột và chiến tranh. Ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề, các viện nghiên cứu trong nước mặc dù rất mạnh nhưng ít thu hút được chuyên gia và hợp tác từ các nước khác (trừ một số đối tác truyền thống từ Mỹ). 

 
Từ bài viết của Tổng bí thư - Chủ tịch nước, nghĩ về thương hiệu Việt Nam
 Kỹ sư nông nghiệp Israel áp dụng công nghệ cao trong trồng trọt

Chiến dịch Thương hiệu đã giúp họ thay đổi toàn diện cái nhìn của bên ngoài, những xung đột và mâu thuẫn với các nước Ảrập mặc dù vẫn luôn tồn tại, nhưng phần nhiều bị lu mờ bởi hình ảnh thành công của một “quốc gia khởi nghiệp” (Startup Nation). 

Họ bắt đầu đón tiếp các phái đoàn từ các nước đến viếng thăm học tập kinh nghiệm, Thành phố Tel Aviv trở thành cái nôi của khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, thu hút đầu tư và nhân tài trên khắp thế giới.

Thành công của Israel có được là do họ đã biết biến Thương hiệu quốc gia trở thành động lực, thành mục tiêu của mỗi doanh nghiệp, mỗi người dân. Trong cuốn Quốc gia khởi nghiệp, tác giả Dan Senor có đề cập: Thay vì tập trung giới thiệu về công ty hay cá nhân, mỗi doanh nhân Israel chủ động tìm cách "chào bán cả nền kinh tế" với nhà đầu tư, đối tác. Và như vậy, sự đồng lòng đã biến mỗi người dân Israel trở thành một “đại sứ thương hiệu” cho quốc gia của họ. 

Hành trình đưa Singapore trở thành một đất nước minh bạch và thịnh vượng cũng luôn là một bài học cho nhiều nước. Để có được sự ủng hộ của người dân, ngay ở giai đoạn đầu độc lập, Thủ tướng Lý Quang Diệu đã đề ra mục tiêu đưa Singapore trở thành một quốc gia thịnh vượng. Chỉ khi kinh tế cải thiện, chất lượng cuộc sống được nâng cao, thì sẽ dẫn đến sự hài lòng và hạnh phúc cho người dân và nhà đầu tư. Cả quốc gia trao cho chính phủ sự tin tưởng và tự do để tập hợp các nguồn lực cho các mục tiêu phát triển. 

Bên cạnh đó, các hành động biểu tượng, như xử lý nhanh và phạt nặng các quan chức tham nhũng, đã có giá trị lan tỏa rất lớn, giúp người dân và quốc tế cảm nhận được cam kết của chính phủ Singapore trong các chính sách mà họ đưa ra, từ đó tạo được niềm tin với người dân, du khách và nhà đầu tư. 

Như vậy có thể thấy, sự tin tưởng và đồng lòng của người dân được kích hoạt khi họ nhìn thấy một quyết tâm chính trị, một lời hứa về hình ảnh quốc gia mà chính phủ muốn định vị đất nước mình. Khi mà lời hứa thương hiệu được xây dựng trong sự đồng thuận với người dân, coi người dân làm trung tâm của sự phát triển, chắc chắn sẽ nhận được sự hưởng ứng cao nhất. Thương hiệu quốc gia khi đó sẽ trở thành ngọn cờ dẫn dắt cho sự phát triển của đất nước. 

 
 
Từ bài viết của Tổng bí thư - Chủ tịch nước, nghĩ về thương hiệu Việt Nam
 Thương hiệu quốc gia mạnh giống như một thỏi nam châm, sẽ tạo ra một mục tiêu chung cho các doanh nghiệp và con người trong nước, giúp họ cùng hướng về thương hiệu và chuẩn hóa sản phẩm của mình theo thương hiệu

Việt Nam, do đó, không thể không tận dụng sức mạnh to lớn của một chiến lược thương hiệu bài bản, tạo động lực bứt phá trong giai đoạn phát triển bước ngoặt quan trọng này. 

Tầm nhìn Việt Nam 2045 - Lời hiệu triệu vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng

Nhìn về cuộc chiến chống Covid-19 của Việt Nam, những hành động nhanh chóng và quyết liệt để bảo vệ sức khỏe của người dân, bảo vệ kinh tế, đã góp phần cải thiện rất lớn niềm tin của người dân đối với Chính phủ. Trên trường quốc tế, những thành công ban đầu của cuộc chiến này cũng đã góp phần quảng bá hình ảnh và vị thế Việt Nam, biến Việt Nam trở thành một điểm đến đầu tư ổn định và an toàn. 

Tuy nhiên, có một thực tế cần phải nhìn nhận để hành động. Theo một nghiên cứu của TS Lương Hà, người Việt Nam ở trong nước lại đang có cái nhìn bi quan hơn về hình ảnh thương hiệu đất nước so với người nước ngoài khi nhìn về Việt Nam. Các chiến dịch truyền thông về Thương hiệu Việt Nam hiện tại chủ yếu tập chung vào quảng bá sản phẩm và du lịch ra quốc tế, mà bỏ quên đối tượng chính, những người trực tiếp góp phần xây dựng và thụ hưởng những giá trị hướng tới của Thương hiệu.

Nói như bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Bỉ và Luxembourg, “chúng ta (mới) chỉ nhìn nhận việc đây là một phương pháp tiếp thị hình ảnh đất nước ra bên ngoài đơn thuần…”. 

Simon Anholt, người đầu tiên đưa ra khái niệm về Thương hiệu quốc gia, ví một thương hiệu quốc gia mạnh giống như một thỏi nam châm, sẽ tạo ra một mục tiêu chung cho các doanh nghiệp và con người trong nước, giúp họ cùng hướng về thương hiệu và chuẩn hóa sản phẩm, dịch vụ của mình theo thương hiệu. Trên trường quốc tế, thương hiệu sẽ giúp phá bỏ những hiểu lầm, những nhìn nhận không tốt, lôi kéo các nhà đầu tư, các cơ quan tổ chức cùng giúp đất nước hướng đến mục tiêu chung. 

Trong bài viết của mình, Tổng bí thư, Chủ tịch nước có đưa ra tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam “trở thành nước phát triển, thu nhập cao”. Ở đây, đời sống của người dân đã được đặt ở trung tâm, không chỉ là vấn đề thu nhập mà còn là cải thiện chất lượng cuộc sống, an sinh xã hội. Để tận dụng tối đa sức mạnh của toàn dân tộc, cũng như sự ủng hộ của quốc tế, cần có một quyết sách và quyết tâm chính trị để đưa tầm nhìn này vào một chiến lược xây dựng Thương hiệu Việt Nam bài bản và nhất quán, tạo nên một lời hiệu triệu mạnh mẽ cho sự phát triển. 

Vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng! 

Trần Văn Hinh - Lê Thị Thu Hằng (AVSE Global)

Bài viết nằm trong khuôn khổ Diễn đàn báo chí "Định hình thương hiệu Việt Nam", do VietNamNet và Tổ chức Khoa học và chuyên gia Việt Nam - AVSE Global phối hợp thực hiện.

( C. H sưu tầm)

tin tức liên quan