Tiến tới Đại hội Đảng XIII: Những bài học cảnh tỉnh từ gần 100 cán bộ cấp cao bị xử lý

Ngày đăng: 02:53 13/09/2020 Lượt xem: 362
Tiến tới Đại hội Đảng XIII: Những bài học cảnh tỉnh từ gần 100 cán bộ cấp cao bị xử lý

                                            Nguồn: Báo Điện tử Dân Việt

Chỉ ra con số gần 100 cán bộ thuộc diện T.Ư, Ban Bí thư quản lý bị xử lý, kỷ luật trong thời gian vừa qua, ông Nguyễn Túc khẳng định điều này chứng tỏ quyết tâm của Bộ Chính trị rất cao, làm đến nơi đến chốn.


Trong bài viết, "Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới" của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nêu rất rõ những phương hướng, nhiệm vụ cụ thể cần thực hiện trong thời gian tới, trong đó nhấn mạnh việc cần tăng cường xây dựng và chỉnh đốn Đảng, đặc biệt cần xử lý nghiêm minh, đồng bộ cả kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính và xử lý bằng pháp luật cán bộ vi phạm.

Quyết tâm làm đến nơi đến chốn

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam nhấn mạnh: "Tôi đọc rất kỹ bài viết "Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới" của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng, và nhận thấy đây là một sự tổng kết thực tiễn trong thời gian vừa qua trong công tác xây dựng đảng của chúng ta".

Gần 100 cán bộ cấp cao bị xử lý: Bài học cảnh tỉnh nhưng "ông vua con" lầm đường lạc lối - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam. (ảnh: Thành An).

Ông Nguyễn Túc nhìn nhận, có thể nói, từ ngày đổi mới đến nay, chúng ta có nhiều Nghị quyết về vấn đề xây dựng đảng và chỉnh đốn đảng, song, chỉ đến Đại hội XII – tức là sau Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII, Đảng mới làm một cách quyết liệt.

"Tuy nhiên, những kết quả đã đạt được mới là bước đầu góp phần ngăn chặn được thoái hóa, biến chất trong đội ngũ cán bộ đảng viên của chúng ta, nhất là những đảng viên có chức có quyền" – ông Nguyễn Túc nói.

Chỉ ra con số gần 100 cán bộ thuộc diện T.Ư, Ban Bí thư quản lý bị xử lý, kỷ luật trong thời gian vừa qua, ông Nguyễn Túc khẳng định điều này chứng tỏ quyết tâm của Bộ Chính trị rất cao, làm đến nơi đến chốn.

Song, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam nêu rõ: "Chúng ta phải thấy rất rõ rằng một thời gian công tác quản lý cán bộ - khâu then chốt nhất trong các khâu then chốt" của chúng ta làm chưa đến nơi đến chốn, bị buông lỏng. Ví dụ, riêng con số hơn 20 đồng chí cấp tướng của quân đội và công an – hai lực lượng quan trọng nhất trong bảo vệ tổ quốc trong thời gian vừa qua bị xử lý, kỷ luật chứng tỏ chúng ta còn coi nhẹ công tác quản lý cán bộ để dẫn đến nhiều đồng chí cao cấp như vậy bị kỷ luật, thậm chí bị xử lý theo pháp luật".

Ông Nguyễn Túc thẳng thắn chỉ ra rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến những sai phạm của các "cán bộ cấp chiến lược" vừa qua bị xử lý là không thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ dẫn đến một số đồng chí ở một ngành, lĩnh vực, hoặc địa phương biến mình thành một ông "vua con" không tuân thủ tập thể lãnh đạo và cá nhân phụ trách.

"Trong bài mà Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng vừa rồi viết, tôi rất chú ý đến vấn đề đoàn kết trong Đảng. Phải thừa nhận rằng, qua những năm đổi mới, có những  lúc trong Đảng bộc lộ rõ có sự không đồng thuận, mất đoàn kết trong các cơ quan lãnh đạo ở T.Ư" – ông Nguyễn Túc nói và nhấn mạnh: "Trong thời gian chuẩn bị cho Đại hội XIII, tôi nghĩ rằng đoàn kết trong Đảng phải coi như cốt yếu, hạt nhân cho vấn đề đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng. Nếu trong Đảng mà không đoàn kết thì nhất định xã hội không ổn định được".

Ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - cho hay, qua cả nhiệm kỳ khoá XII và đặc biệt một số năm gần đây, việc xử lý cán bộ có vi phạm được thực hiện thường xuyên, liên tục và rất quyết liệt. Phạm vi rất rộng, trong cả nước, từ T.Ư tới địa phương, từ cán bộ cấp cao có vi phạm đều bị xử lý. "Việc xử lý cán bộ sai phạm không có vùng cấm, không có ngoại lệ - câu nói này không phải chỉ là khẩu hiệu mà đã được tiến hành một cách rất quyết liệt" - ông Tiến nhấn mạnh.r B. Helland - Dance of Life

Bài học thức tỉnh ngăn cán bộ "lầm đường lạc lối"!

Nhìn nhận thực tế trong thời gian vừa qua, chúng ta thấy có rất nhiều vụ xử lý cán bộ cấp cao có sai phạm. Trong, nhiệm kỳ này chúng ta đã xử lý gần 100 cán bộ có sai phạm thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Kể cả Uỷ viên Bộ Chính trị như ông Đinh La Thăng có sai phạm cũng đã bị xử lý, nhiều Uỷ viên Trung ương, nguyên Uỷ viên T.Ư, lãnh đạo các thành phố lớn như: TP.HCM, TP.Đà Nẵng… và mới nhất là việc khởi tố, bắt tạm giam Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung, ông Lê Như Tiến khẳng định: "Điều đó càng khẳng định việc xử lý cán bộ có sai phạm không có vùng cấm, không có ngoại lệ dù bất kỳ người đó là ai".

Gần 100 cán bộ cấp cao bị xử lý: Bài học cảnh tỉnh nhưng "ông vua con" lầm đường lạc lối - Ảnh 4.

Hàng loạt cán bộ thuộc diện T.Ư quản lý đã bị xử lý kỷ luật từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay (Ảnh: IT)

Theo ông Tiến, việc xử lý nghiêm minh cán bộ có vi phạm, trong đó có nhiều vụ việc rất phức tạp góp phần cảnh tỉnh, răn đe, là bài học cho người khác nhìn thấy để tránh mắc phải sai lầm, tránh vấp ngã. Việc này cũng nhằm làm trong sạch đội ngũ, xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, xây dựng Đảng vững mạnh. Không chỉ vậy, việc này còn mang lại niềm tin rất lớn của nhân dân vào quyết tâm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Và càng khẳng định quyết tâm phòng, chống tham nhũng của chúng ta là làm thực sự và niềm tin của nhân dân, của cán bộ Đảng viên ngày càng cao hơn.

Cũng theo ông Tiến, trong thời gian tới, để công tác PCTN ngày càng đạt hiệu quả cao, cùng với Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN, các cơ quan khác như Uỷ ban Kiểm tra T.Ư, các cơ quan thanh tra, điều tra và các đơn vị liên quan cần phải tiếp tục vào cuộc một cách mạnh mẽ, quyết liệt để ngăn ngừa tình trạng tham nhũng. Đồng thời, cần hoàn thiện thể chế, chính sách, khắc phục những sơ hở, những lỗ hổng phát sinh để tránh bị lợi dụng để xảy ra tham nhũng.

Đưa quan điểm, ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Uỷ ban Kiểm tra T.Ư khẳng định: Việc xử lý kỷ luật cán bộ được thực hiện một cách trung thực, khách quan, đúng người, đúng sai phạm để giáo dục, để răn đe và củng cố sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, đưa Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh. Chúng ta chỉ ra cho cán bộ của mình thấy sai phạm, ngăn chặn sai phạm chính là cứu cả tổ chức, thoát khỏi những hiểm hoạ do những sai phạm gây ra…

Ông Phạm Văn Hoà - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh: "Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nói, trong công cuộc đổi mới, Đảng ta xác định xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, cán bộ là vấn đề then chốt của then chốt. Qua những sự việc vừa qua, chúng ta cần coi trọng và ngày càng hoàn thiện tất cả các khâu của công tác cán bộ, từ khâu phát hiện, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và kể cả chính sách đối với đội ngũ cán bộ".

( C. H sưu tầm)

tin tức liên quan