12 người đứng đầu bị xử lý hình sự vì để xảy ra tham nhũng

Ngày đăng: 01:58 14/09/2020 Lượt xem: 277

       12 người đứng đầu bị xử lý hình sự vì để xảy ra tham nhũng


                                       Nguồn: Báo Điện tử Vietnamnet

Nhiều cán bộ bị tạm đình chỉ để điều tra các vụ án, trong đó có cả cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý như ông Nguyễn Đức Chung, ông Trần Vĩnh Tuyến…


Sáng 14/9, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái đại diện cho Chính phủ báo cáo UB Thường vụ Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng 2020.

Ba trường hợp nộp lại quà tặng trị giá 31,8 triệu đồng

Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, kết quả thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng cho thấy, có 2 người bị tạm đình chỉ thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao và 1 người bị đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao do có xung đột lợi ích.

12 người đứng đầu bị xử lý hình sự vì để xảy ra tham nhũng
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái

Đồng thời, các cơ quan chức năng đã xử lý kỷ luật 56 người, xử lý hình sự 64 người vi phạm về định mức, tiêu chuẩn, chế độ; kiến nghị thu hồi và bồi thường gần 43 tỷ đồng, đã được thu hồi và bồi thường gần 23 tỷ đồng.

Ngoài ra, các cấp, các ngành đã tiến hành chuyển đổi vị trí công tác 26.732 lượt cán bộ, công chức, viên chức nhằm phòng ngừa tham nhũng (tăng 34% so với năm 2019). Năm 2020, có 3 trường hợp nộp lại quà tặng trị giá 31,8 triệu đồng.

Liên quan đến kê khai tài sản, Thanh tra Chính phủ cho biết do Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết về kiểm soát tài sản, thu nhập chưa được ban hành nên chưa thực hiện được. Tuy nhiên, việc kê khai tài sản, thu nhập liên quan đến nhân sự chủ chốt phục vụ Đại hội đảng bộ các cấp đã được tiến hành nghiêm túc.

Về kết thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, các cơ quan chức năng kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính hàng ngàn tập thể, cá nhân, ngành thanh tra còn chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 124 vụ, 118 đối tượng. Riêng Thanh tra Chính phủ, chuyển cơ quan điều tra 14 vụ việc.  

Ngoài ra, qua giải quyết khiếu nại, tố cáo, các cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã kiến nghị xử lý vi phạm 541 người (đã xử lý 386 người), chuyển cơ quan điều tra 12 vụ, 13 đối tượng.

Kiểm toán Nhà nước cũng chuyển hồ sơ 4 vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện sang Cơ quan Cảnh sát điều tra; 2 vụ việc báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra, xử lý; cung cấp 101 báo cáo kiểm toán và các tài liệu có liên quan theo yêu cầu của các cơ quan chức năng để phục vụ điều tra, kiểm tra, giám sát và thực hiện tố tụng.

Báo cáo của Thanh tra Chính phủ cũng cho hay, nhiều trường hợp cán bộ đã được tạm đình chỉ kịp thời để phục vụ việc điều tra các vụ án, trong đó có cả cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Cụ thể là Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến…

Trong năm, có 81 trường hợp người đứng đầu bị kết luận thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng; đã xử lý kỷ luật 62 người (tăng 66,1% so với năm 2019). Trong đó, 12 người bị xử lý hình sự khi để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.

Không “chững lại” hay “chùng xuống” 

Điểm mới trong báo cáo lần này là kết quả phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước. Cụ thể, các cơ quan chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính số tiền 25,56 tỷ đồng, số tiền đã thu nộp ngân sách nhà nước 4,679 tỷ đồng. 

Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương cũng đã thực hiện thanh tra việc thực hiện pháp luật về PCTN theo quy định, đã phát hiện 2 vụ việc có dấu hiệu tham nhũng.

Ngoài ra, các Cơ quan điều tra trong Công an Nhân dân đã thụ lý điều tra 508 vụ án, 1.186 bị can phạm tội về tham nhũng; trong đó khởi tố mới 286 vụ, 606 bị can (tăng 15 vụ, 58 bị can so với cùng kỳ năm 2019. 

Các cơ quan điều tra trong Công an Nhân dân đã kết luận điều tra, đề nghị truy tố 231 vụ, 650 bị can­­; tạm đình chỉ điều tra 29 vụ, 55 bị can; đình chỉ điều tra 8 vụ; 2 bị can; xử lý khác (thay đổi tội danh, chuyển vụ án, nhập vụ án…) 15 vụ, 21 bị can; hiện đang điều tra 225 vụ, 458 bị can.

Kết quả điều tra và xử lý tham nhũng thuộc Bộ Quốc phòng đã điều tra, xử lý 4 vụ với số tiền thiệt hại hơn 27,7 tỷ đồng; số tiền thu hồi được trong giai đoạn điều tra 2,16 tỷ đồng; đã khởi tố điều tra: 4 vụ/4 bị can; chuyển Viện kiểm sát đề nghị truy tố 3 vụ/3 bị can; đang điều tra 1 vụ/1 bị can. 

Theo Thanh tra Chính phủ, tình hình tội phạm tham nhũng có liên quan đến Quân đội cơ bản đã được phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh.

"Công tác PCTN không những không “chững lại” hay “chùng xuống” mà tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh, khẳng định mạnh mẽ quyết tâm chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” của Đảng, Nhà nước", Tổng Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh.

Điều này được cán bộ, đảng viên, nhân dân, dư luận quốc tế đồng tình ủng hộ, đánh giá cao. Qua đó, góp phần quan trọng giữ vững ổn định, chính trị, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, làm trong sạch bộ máy và hỗ trợ, phục vụ tốt cho công tác nhân sự đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, củng cố thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Thu hồi tài sản tham nhũng đạt hơn 23%

Số tiền thu hồi tài sản tham nhũng đối với vụ án hình sự về kinh tế tham nhũng: 11.390 tỷ đồng (chiếm 23,25% tổng số tiền có điều kiện thi hành).

Ngoài ra, đến hết ngày 31/7, các cơ quan THADS địa phương tổ chức thi hành 58 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo với tổng số tiền phải thi hành án là gần 74.540 tỷ đồng. Trong đó đã thi hành xong hơn 19.261 tỷ đồng, còn phải thi hành hơn 55 tỷ đồng.

Xử lý sau thanh tra, toàn ngành thanh tra đã xử lý, thu hồi 6.676 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 79%), 174 ha đất (đạt tỷ lệ 54%). 

( C. H sưu tầm)
tin tức liên quan