Thủ tướng nghiêm cấm các biện pháp “ngăn sông, cấm chợ”, hạn chế đi lại, hạn chế giao thương; không yêu cầu xét nghiệm Covid-19 đối với người đến từ địa phương đã hết dịch.
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 sáng ngày 11/9.
Sẵn sàng mọi điều kiện thu hút các đối tác lớn
Thủ tướng lưu ý, nguy cơ dịch bệnh vẫn thường trực và có thể xuất hiện các ca nhiễm mới trong cộng đồng, nhất là khi Việt Nam mở cửa trở lại trong thời gian tới. Vì vậy, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương lớn về thực hiện mục tiêu kép: vừa sẵn sàng phòng, chống dịch, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc |
UBND các tỉnh, thành chỉ đạo thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch, dần hình thành thói quen, nếp sống phù hợp trong tình hình mới để giữ an toàn cho bản thân và xã hội.
Thủ tướng cũng lưu ý, cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung chuẩn bị tốt các biện pháp ngăn ngừa lây lan dịch bệnh, bảo đảm an toàn các sự kiện chính trị, kinh tế - xã hội, các hoạt động đối ngoại, thúc đẩy giao thương quốc tế trong điều kiện bình thường mới; chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện để thúc đẩy, thu hút đầu tư, nhất là từ các đối tác lớn.
Việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phải bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân.
"Nghiêm cấm việc áp dụng các biện pháp có tính chất “ngăn sông, cấm chợ”, hạn chế đi lại, hạn chế giao thương. Không yêu cầu xét nghiệm Covid-19 đối với người đến từ địa phương đã hết dịch trong cộng đồng; chỉ xét nghiệm đối với người có biểu hiện ho, sốt", Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành rà soát, bãi bỏ ngay các quy định không phù hợp.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế tập trung chỉ đạo phối hợp với các Bộ, ban, ngành để phổ biến và hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng chống dịch trong tình hình mới; rà soát, cập nhật các kịch bản, phương án ứng phó khi dịch bệnh quay trở lại...
Cùng với đó, tăng tốc nghiên cứu phát triển vắc xin, tăng cường hợp tác quốc tế với các quốc gia đã có kết quả thử nghiệm lâm sàng vắc xin phòng bệnh Covid-19.
Tất cả người nhập cảnh tự chi trả chi phí cách ly và xét nghiệm
Đối với khách quốc tế nhập cảnh phải có quy định riêng về phòng, chống dịch trong suốt quá trình nhập cảnh, đi lại, làm việc tại Việt Nam. Khi xuất hiện ca mắc bệnh phải thần tốc truy vết các trường hợp có nguy cơ, khoanh vùng và cách ly thật gọn, dập dịch triệt để; nghiên cứu, hướng dẫn việc kiểm tra, theo dõi y tế, lấy mẫu xét nghiệm với các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam khi mở lại các đường bay thương mại quốc tế.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế theo lịch trình kiểm soát tốt dịch bệnh các chuyến bay, không để sơ xuất xảy ra. Lịch bay cụ thể do Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam xem xét, quyết định.
"Tất cả người nhập cảnh tự chi trả chi phí cách ly và xét nghiệm; phải cài đặt ứng dụng khai báo y tế điện tử (NCOVI); đối với người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam làm việc ngắn ngày (dưới 14 ngày) thực hiện theo quy định của Bộ Y tế", Thủ tướng yêu cầu.
Bộ Giao thông Vận tải, phối hợp với các bộ liên quan xem xét, giải quyết các vấn đề khi mở lại đường bay thương mại quốc tế: nhóm đối tượng ưu tiên nhập cảnh, lựa chọn cảng hàng không tiếp nhận chuyến bay thương mại quốc tế, phương án giải tỏa tại các cảng hàng không, phương án quản lý các trường hợp nhập cảnh, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm, cách ly y tế phù hợp và các hướng dẫn khác đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch.
"Từng chuyến bay đều phải có phương án cụ thể, chặt chẽ, bảo đảm an toàn", Thủ tướng yêu cầu phối hợp với Bộ Ngoại giao từng bước, thận trọng tăng tần suất chuyến bay từ các nước ít nguy cơ lây nhiễm bệnh để đưa chuyên gia, nhà đầu tư, lao động tay nghề cao nhập cảnh và đón công dân về nước, lựa chọn các cơ sở lưu trú làm nơi cách ly người nhập cảnh có thu phí.
UBND các tỉnh, thành tổ chức thực hiện cách ly người nhập cảnh tại các cơ sở lưu trú và có thu phí. Các địa phương, trước hết là Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ và các tỉnh lân cận 3 thành phố trên khẩn trương chỉ đạo lựa chọn các cơ sở lưu trú làm nơi cách ly người nhập cảnh có thu phí, bảo đảm cơ số cách ly tối thiểu 10 ngàn người và có thể tăng dần trong thời gian tới.
Bộ Công an và chính quyền các địa phương nhất là ngành y tế tiếp tục thực hiện giám sát chặt chẽ việc cách ly tại cơ sở lưu trú, bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch, không để lây nhiễm chéo và lây nhiễm trong cộng đồng.
Bộ Quốc phòng tiếp tục duy trì việc bố trí và chuẩn bị tốt các cơ sở cách ly tập trung tại các cơ sở quân đội.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu tích hợp các phần mềm ứng dụng phục vụ phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn thông tin cá nhân; tiếp tục thúc đẩy triển khai công việc theo hình thức trực tuyến trên môi trường mạng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính sớm trình Chính phủ việc giải ngân giai đoạn 2 gói an sinh xã hội, nhất là cho người lao động mất việc, mất thu nhập.
Thu Hằng