Báo Hoà Bình vừa dẫn lời đồng chí Bùi Thị Niềm, Giám đốc Sở VH-TT&DL để cung cấp thông tin khách quan, đầy đủ, đa chiều về công trình khẩu hiệu 11 chữ “đắt nhất hành tinh” đang gây bão dư luận. Rằng đó là công trình Lắp dựng khẩu hiệu tạo cảnh quan trang trí khu vực đồi ông Tượng... Rằng “Không chỉ đơn thuần là khẩu hiệu, mang tính thẩm mỹ, là một tác phẩm nghệ thuật mà còn mang tính chất giáo dục chính trị, tư tưởng cao...” Tổng giá trị thi công xây lắp khẩu hiệu 11 chữ này theo đồng chí Niềm là “10.000.285.000 đồng (Mười tỷ hai trăm tám mươi năm nghìn đồng)”. (Ngoặc kép là nguyên văn trên báo Hoà Bình). Báo chí đã nói đúng, tính ra, ngót nghét 1 tỉ đồng cho mỗi chữ trên công trình khẩu hiệu này. Đồng chí Bùi Thị Niềm giải thích lý do như sau: Riêng hạng mục chữ gồm gia công giằng mái thép bằng thép hình, gia công giằng thép bằng thép bản, lắp dựng giằng thép liên kết, bulong M16, tấm aluminium, đục lỗ tấm thép bằng công nghệ CNC… Đặc biệt, là công trình trang trí tạo cảnh quan ngoài trời nên công trình có đến 68 nội dung, hạng mục liên quan đến hệ thống cấp điện và chiếu sáng, chống sét...” Tổng cộng 3 loại thép, cả bulong M16, công nghệ đục lỗ CNC, cả chống sét... 68 hạng mục. Phải nói, đúng là một cái khẩu hiệu to, tầm cỡ, và cũng tốn kém tầm cỡ. Cái khẩu hiệu to ở Hoà Bình đang cho thấy có vấn đề ngay trong mục đích “giáo dục chính trị, tư tưởng”. Chưa biết giáo dục được gì không, nhưng thực sự nó đang tạo ra quá nhiều dư luận, tạo ra quá nhiều phê phán về sự phù phiếm, không thiết thực, tốn kém, lãng phí. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Giấy bút, vật liệu, đều tốn tiền của Chính phủ, tức là của dân; ta cần phải tiết kiệm. Nếu một miếng giấy nhỏ đủ viết, thì chớ dùng một tờ to”. Ông cụ cũng bàn: “Nếu hoang phí xa xỉ, thì ắt phải tìm cách xoay tiền. Do đó mà sinh ra hủ bại, nhũng lạm, giả dối”. Dòng khẩu hiệu 10 tỉ 11 chữ ở Hoà Bình đang cho thấy cái thước “sự cần thiết” và yếu tố “hiệu quả” lẽ ra là bắt buộc trong đầu tư các dự án KT-XH - giờ không phải là yếu tố quyết định trong những các công trình, dự án văn hoá, một dạng khác của quảng trường tượng đài. Bởi thực tế: Nếu một cơ quan nào đó bảo nó là cần thiết thì chẳng ai dám nói là không. Dòng khẩu hiệu chục tỉ bạc ở Hoà Bình đang cho thấy dù phong trào “học tập và làm theo” khắp nơi, nhưng nó sẽ mất đi hoàn toàn ý nghĩa với những công trình rất to nhưng không hề rõ hiệu quả, trừ phi những phản cảm, tạo ra sự phản đối cũng là một hiệu quả. Trong Bảo tàng Hồ Chí Minh, có một đôi dép cao su. Đôi dép ấy, cụ Hồ đã dùng để đi suốt qua hai cuộc kháng chiến.