Đừng đổ lỗi cho các quán quân Olympia!
Nguồn: Báo Điện tử Dân Việt
Thay vì mừng vui với chiến thắng của thí sinh nữ duy nhất trong vòng chung kết Olympia vừa qua, dư luận lại nhảy vào chỉ trích cô bé 17 tuổi một cách vô cớ, và càng "đổ dầu vào lửa" khi "soi" ra việc các quán quân đa số ở lại Úc không về Việt Nam.
Những định kiến hẹp hòi khiến không ít người có những phát ngôn thật khó lường khi chê trách các thí sinh. Có người còn mỉa mai đòi đổi tên chương trình thành "Đường lên đỉnh… Australia" hay thậm chí còn "Chúc mừng nước Úc!" và khẳng định đó là một cách "chảy máu chất xám"(!). Suy cho cùng, đây chỉ là một cuộc thi, và các em học sinh sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ có một tấm vé để đến một miền đất mới học tập.
"Chất xám" chỉ ở dạng thô, dạng tiềm năng thì làm sao gọi là "chảy máu"? Và nếu sau này các em có một cuộc sống ổn định, có việc làm thì tại sao lại không thể ở lại xứ người, làm giàu thêm kiến thức và kinh nghiệm cho mình? Sau đó muốn về quê hương, ở lại hay sang nước khác làm việc thì cũng không có gì sai – vì đó là quyền lựa chọn của mỗi người.
Trở lại với Nguyễn Thị Thu Hằng, quán quân Olympia 2020, đứng trước làn sóng chê bai vì thái độ ăn mừng tự tin "thái quá", cô gái nhỏ này khá bình tĩnh. Câu trả lời "Em mới chỉ là học sinh 17 tuổi, niềm vui, nụ cười em không thể kiểm soát hết được mọi thứ…, rất mong mọi người thông cảm" thật chân thành, tự nhiên.Trong một thế giới phẳng như bây giờ, ai cũng có thể đóng góp công sức và trí lực của mình dù ở bất cứ nơi nào, miễn là bằng những bài báo khoa học thực sự, bằng các công trình và bằng chính năng lực và mồ hôi nước mắt của mình chứ không nhờ một tấm thẻ "con ông cháu cha" nào cả.
Và thực sự cô bé đã trưởng thành, vượt qua mọi thị phi. Chỉ những ai mang quá nhiều thành kiến mới đưa ra những lời nhận xét nặng nề như thế với cô bé 17 tuổi. Không chỉ thế, Thu Hằng còn dũng cảm khi trả lời thẳng câu hỏi xoáy của báo chí về việc sau khi du học xong có trở về Việt Nam làm việc hay không. Cô nói mình chưa có định hình cụ thể, nhưng "Dù có học tập hay làm việc ở đâu thì vẫn có thể đóng góp, cống hiến cho quê hương, đất nước nếu mình hướng về".
Ở đâu có trái tim, ở đó có quê hương! Và nơi hướng về đó luôn nằm trong thẳm sâu tâm hồn của những người xa xứ, chưa biết khi đặt lên bàn cân thì họ hay những người ở trong nước, ai yêu Tổ quốc hơn ai. Câu nói đó nếu là phát ngôn của một vị giáo sư hay nhà khoa học, thì chắc chắn cộng đồng mạng đã không "nhảy dựng" lên như vậy. Một cô gái 17 tuổi với suy nghĩ chín chắn và tư duy cởi mở của một công dân toàn cầu phát ngôn như vậy là đáng khen ngợi, chứ không đáng bị lên án.
Trước làn sóng du học sinh là các quán quân Olympia không trở về Việt Nam (chỉ có 3/18 người là làm việc ở trong nước), có một xu thế "đổ tội" cho họ. Nhưng thử nhìn vào gương mặt của 15 cô cậu bé ngày nào đã trưởng thành, nhìn vào ánh mắt tự tin, sáng rực và nhìn vào trọng trách mà họ đang nắm giữ ở các trường đại học hay các công ty lớn của nước ngoài, mới hiểu họ đang hạnh phúc với lựa chọn của mình.
Hãy thử hỏi ngay chính những vị giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học nổi tiếng, vì sao họ cũng chọn một đất nước nào đó có thể giúp họ phát triển rực rỡ tài năng và sự nghiệp của mình. Rất ít người trong số họ quay trở về. Vì quay về cũng không biết xếp họ ở đâu cho đúng chỗ.Họ không lựa chọn trở vềTổ quốc, họ lựa chọn con đường học vấn, trải nghiệm, nghiên cứu trong môi trường thuận lợi hơn và có đất phát triển cho người thực tài. Những nỗ lực và đóng góp của họ nơi xứ người cũng làm ấm lòng hai chữ Việt Nam, và lại tạo uy tín cũng như nguồn nhân lực mới cho một thế hệ công dân toàn cầu. Thực tế, nhiều người trong số họ đã hướng về Tổ quốc bằng những việc làm cụ thể, để thấy, ở đâu đi nữa, họ cũng vẫn có thể đóng góp cho đất nước.
Vài năm gần đây, các tập đoàn lớn của nhà nước và tư nhân ở Việt Nam đang hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nhưng cũng chỉ là một phía của vấn đề. Nhiều cơ quan nhà nước tuyển công chức với những lời hứa, những cơ chế tưởng như rất mở, nhưng thực tế lại dập tắt khát vọng của những người trẻ tài năng bởi đồng lương vài triệu, bởi cơ chế hay văn hóa làm việc rất "mậu dịch"… Bi kịch là ở chỗ đó, chứ không phải ở chuyện đi hay ở lại.
Vậy thì cô gái nhỏ Thu Hằng, hãy mạnh mẽ đi đến chân trời mới với một hành trang là sự tự tin, quyết tâm và lòng kiêu hãnh! Thế hệ của các em sẽ kiến tạo một vũ trụ tri thức tốt đẹp mà không bị định kiến hay giới hạn, vì ở đâu trên trái đất cũng chính là ngôi nhà của mình.
( C. H sưu tầm)