Những màn "đấu khẩu" trong tranh luận tổng thống Mỹ

Ngày đăng: 08:58 29/09/2020 Lượt xem: 274

Những màn "đấu khẩu" trong tranh luận tổng thống Mỹ

Dân trí

 Trong 60 năm qua, các cuộc tranh luận tổng thống luôn được xem là những sự kiện được cử tri Mỹ chờ đợi vì đó là nơi để các ứng viên thể hiện năng lực, khả năng hùng biện để để lôi kéo cử tri.

Những màn đấu khẩu trong tranh luận tổng thống Mỹ - 1
 

Nhấn để phóng to ảnh

Cuộc bầu cử năm 1960 đánh dấu sự ra đời của cuộc tranh luận tổng thống đầu tiên trong lịch sử Mỹ giữa 2 ứng viên John F. Kennedy và Richard Nixon với 70 triệu người theo dõi. Giới quan sát đánh giá ông Kennedy đã “ghi điểm” mạnh mẽ so với đối thủ và nhờ vẻ ngoài điển trai, khả năng diễn thuyết hùng hồn, trong khi ông Nixon vừa ra viện với diện mạo nhợt nhạt và khả năng trình bày lúng túng. Ông Kennedy đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm đó.

Những màn đấu khẩu trong tranh luận tổng thống Mỹ - 2
 

Nhấn để phóng to ảnh

Bắt đầu từ năm 1976, các cuộc tranh luận mới bắt đầu được tổ chức thường xuyên vào các mùa bầu cử. Trong cuộc tranh luận này, ứng viên đảng Dân chủ Jimmy Carter đã đối đầu với Tổng thống đương nhiệm khi đó Gerald Ford. Theo Reuters, dấu ấn của cuộc tranh luận này là ông Ford đã có một phát ngôn về Liên Xô được xem là sai lầm lớn. Năm đó, ông Carter đã giành chiến thắng.

Những màn đấu khẩu trong tranh luận tổng thống Mỹ - 3
 

Nhấn để phóng to ảnh

Năm 1980, ông Carter, lúc này là tổng thống đương nhiệm, đối đầu với ứng viên đảng Cộng hòa Ronald Reagan trong cuộc tranh luận thứ 2. Ông Carter cáo buộc ông Reagan có kế hoạch cắt bỏ chương trình chăm sóc sức khỏe Medicare cho người cao tuổi. Ông Reagan, người từng nhiều lần nói rằng ông Carter xuyên tạc ý mình, đã bật cười và nói: “Ông lại như thế nữa rồi”. Câu nói này đã khiến khán giả bật cười và được xem là một trong những điểm thu hút khiến ông Reagan thắng cử năm đó.

Những màn đấu khẩu trong tranh luận tổng thống Mỹ - 4
 

Nhấn để phóng to ảnh

Năm 1984, ông Reagan, 73 tuổi, đã phản biện thành công khi ứng cử viên đảng Dân chủ Walter Mondale, 56 tuổi, khai thác vấn đề tuổi tác, coi đó là điểm yếu của ông Reagan. Ông Reagan đáp trả rằng: “Tôi sẽ không coi tuổi tác là vấn đề. Tôi sẽ không khai thác nó vì mục đích chính trị, dù nó liên quan tới tuổi trẻ và sự thiếu kinh nghiệm của đối thủ”. Ông Reagan tái đắc cử vào năm đó.

Những màn đấu khẩu trong tranh luận tổng thống Mỹ - 5
 

Nhấn để phóng to ảnh

Năm 1988, ứng viên đảng Dân chủ Michael Dukakis đã bị ứng viên đảng Cộng hòa George H.W. Bush (Bush “cha”) hỏi rằng nếu có người cưỡng hiếp và giết vợ ông Dukakis, liệu ông có ủng hộ hình phạt tử hình với người đó không. Câu hỏi được xem là cơ hội để ông Dukakis, người được đặt biệt danh là “người băng”, có thể thể hiện khía cạnh cảm xúc của bản thân với cử tri. Tuy nhiên, câu đáp trả được xem là cứng nhắc của ông Dukakis đã khiến ông đánh mất cơ hội. Ông Bush "cha" sau đó đã đắc cử.

Những màn đấu khẩu trong tranh luận tổng thống Mỹ - 6
 

Nhấn để phóng to ảnh

Thông thường, sẽ chỉ có 2 ứng viên từ đảng Dân chủ và Cộng hòa tham gia tranh luận. Tuy nhiên, vào năm 1992, ngoài ông Bush “cha”, ứng viên đảng Dân chủ Bill Clinton, còn có một ứng viên độc lập Ross Perot cùng tham gia. Ông Clinton là người thắng cử năm đó.

Những màn đấu khẩu trong tranh luận tổng thống Mỹ - 7
 

Nhấn để phóng to ảnh

Năm 1996, trong cuộc tranh luận với ông Clinton, ứng viên đảng Cộng hòa Bob Dole được hỏi rằng liệu ông có quá già ở tuổi 73 để hiểu được nhu cầu của giới trẻ hay không. Ông Dole nói rằng, sự thông minh và kinh nghiệm đồng nghĩa với việc ông có lợi thế về sự khôn ngoan. Ông Clinton phản bác: “Tôi không nghĩ ông Dole quá già để làm tổng thống. Điều tôi băn khoăn là tuổi tác của những ý tưởng xuất phát từ ông ấy”. Ông Clinton đã tái đắc cử vào năm đó.

Những màn đấu khẩu trong tranh luận tổng thống Mỹ - 8
 

Nhấn để phóng to ảnh

Năm 2000, trong cuộc tranh luận đầu tiên, ứng viên đảng Dân chủ Al Gore đã có phản ứng không phù hợp là thở dài khi đối thủ George W. Bush (Bush “con”) phát biểu. Ông Bush “con” đã thắng cử năm đó.

Những màn đấu khẩu trong tranh luận tổng thống Mỹ - 9
 

Nhấn để phóng to ảnh

Cuộc tranh luận cuối cùng trong kỳ bầu cử năm 2004 đã phản ánh 2 trường phái diễn thuyết trái ngược nhau. Ông Bush “con” - Tổng thống đương nhiệm khi đó - đưa ra những lập luận đơn giản, trong khi đối thủ đảng Dân chủ John Kerry đưa ra hàng loạt các dữ kiện để bổ sung cho quan điểm của bản thân. Ông Bush “con” đã tái đắc cử.

Những màn đấu khẩu trong tranh luận tổng thống Mỹ - 10
 

Nhấn để phóng to ảnh

Năm 2008, ứng viên Phó tổng thống đảng Cộng hòa Sarah Palin đã có cuộc tranh luận được đánh giá là sôi động với đối thủ đảng Dân chủ Joe Biden. Hai bên được xem đã có một màn trao đổi và phản biện lịch sự, nhưng cung cấp đầy đủ thông tin và quan điểm cho cử tri. Cuối cùng, liên danh tranh cử giữa ông Barack Obama và ông Biden đã thắng trước liên danh giữa ông John McCain và bà Palin.

Những màn đấu khẩu trong tranh luận tổng thống Mỹ - 11
 

Nhấn để phóng to ảnh

Năm 2012, ông Obama được xem đã có màn thể hiện không tốt trong cuộc tranh luận đầu tiên với ứng viên đảng Cộng hòa Mitt Romney và khiến các cử tri lo lắng. Tuy nhiên, trong cuộc tranh luận thứ 2, ông Romney được xem đã có câu trả lời gây tranh cãi về việc bình đẳng giới trong việc trả lương. Ông Obama đã tái đắc cử năm đó.

Những màn đấu khẩu trong tranh luận tổng thống Mỹ - 12
 

Nhấn để phóng to ảnh

Cuộc tranh luận đầu tiên năm 2016 giữa ông Donald Trump và đối thủ đảng Dân chủ Hillary Clinton đã thu hút 84 triệu người, con số phá kỷ lục trong thời đại các mô hình phát sóng trực tuyến lên ngôi. Các cuộc tranh luận trong năm đó đã diễn ra trong bầu không khí căng thẳng khi 2 ứng viên liên tục công kích lẫn nhau. Ông Trump đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử.

Năm nay, cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên giữa 2 ứng viên tổng thống Donald Trump và Joe Biden diễn ra vào tối nay 29/9 giờ địa phương (sáng 30/9 giờ Việt Nam). Sau đó, họ còn 2 cuộc tranh luận khác vào ngày 15/10 và 22/10.

Trong khi đó, 2 ứng viên "phó tướng" của 2 ông là Mike Pence và Kamala Harris sẽ tranh luận vào ngày 7/10.

Đức Hoàng

Ảnh: Reuters


tin tức liên quan