Nhớ ơn Bác, sao không tiết kiệm?

Ngày đăng: 03:44 01/10/2020 Lượt xem: 268

 

Nhớ ơn Bác, sao không tiết kiệm?
30/09/2020 06:37
Câu chuyện tỉnh Hòa Bình quyết định chi hơn 10 tỷ đồng từ ngân sách làm khẩu hiệu 11 chữ trên đồi Ông Tượng đã trở thành tâm điểm của dư luận.
Công trình tiêu tốn hơn chục tỷ đồng đã thi công được một chữ “Đời” trong 11 chữ khẩu hiệu trên đồi Ông Tượng. Ảnh: Minh Chuyên

Đó là câu hỏi mà nhiều người đặt ra khi hay tin tỉnh Hòa Bình quyết định chi hơn 10 tỷ đồng từ ngân sách để làm khẩu hiệu 11 chữ trên đồi Ông Tượng, TP Hòa Bình: “Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”.

Đến thời điểm hiện tại, công trình đã thi công được một chữ “Đời”. Sau khi báo chí và dư luận lên tiếng, những người có trách nhiệm của tỉnh phân trần rằng, việc làm này nhằm mục đích “để bà con các dân tộc của tỉnh ghi nhớ công ơn của Bác, học tập và làm theo tấm gương Bác”. Cho đến hôm qua (ngày 29/9), theo chỉ đạo của UBND tỉnh Hòa Bình, các sở ngành đã vào cuộc để rà soát tổng thể quá trình đầu tư dự án.

Có thể nói, suốt những ngày qua, câu chuyện nói trên đã trở thành tâm điểm của dư luận. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc làm này của tỉnh Hòa Bình là một sự lãng phí lớn.

Quả thực, đặt trong bối cảnh địa phương này vẫn còn tới hàng chục nghìn hộ nghèo (11%), hộ cận nghèo (14%) thì việc chi 10 tỷ đồng để làm khẩu hiệu khiến nhiều người không khỏi suy nghĩ. Đời đời nhớ ơn công lao Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đó là điều mà mỗi người dân Việt Nam đều luôn khắc ghi trong tâm trí. Vậy thì việc chi một số tiền lớn chỉ để làm khẩu hiệu nhắc lại việc này liệu có thật sự cần thiết?

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi thực hành tiết kiệm là một quy luật đi lên của một đất nước. Theo Người, không phải chỉ nước nghèo mới thực hành tiết kiệm, mà cả nước giàu cũng phải tiết kiệm: “Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm, là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh tiến bộ”. Và bản thân Người đã nêu một tấm gương lớn về thực hành tiết kiệm.

Tiết kiệm, theo quan điểm của Bác là “không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi”, nhưng cũng “không phải là bủn xỉn”, “tiết kiệm không phải là ép bộ đội, cán bộ và nhân dân nhịn ăn, nhịn mặc”, mà chi tiêu ở những việc cần thiết, thể hiện nếp sống văn minh.

Chính vì vậy, trong cuộc sống hàng ngày từ việc ăn, ở, sinh hoạt, mọi lúc, mọi nơi, Bác không nói nhiều, không hô hào đao to búa lớn mà luôn thể hiện tinh thần gương mẫu về tiết kiệm và thực hành tiết kiệm bằng chính những hành động, nếp sống của mình.

Bữa ăn của Bác không có gì khác bữa ăn của mọi gia đình Việt Nam, cũng là bát cơm, quả cà muối, cá kho, đĩa rau muống luộc... Trang phục hàng ngày của Bác cũng rất đơn sơ, vài bộ quần áo kaki, đôi dép cao su cũ... Tiết kiệm đã trở thành nếp sống của Bác.

Đặc biệt, theo tư tưởng của Bác, đi đôi với thực hành tiết kiệm là chống lãng phí, xa xỉ. Bởi lẽ: “Có tiết kiệm, không hoang phí xa xỉ, thì mới giữ được liêm khiết, trong sạch. Nếu hoang phí xa xỉ, thì ắt phải tìm cách xoay tiền. Do đó mà sinh ra hủ bại, nhũng lạm, giả dối”.

Nhớ lời Bác dạy, đối chiếu với sự việc ở Hòa Bình và không ít nơi khác nữa, nhiều người không khỏi băn khoăn. Bởi thay vì dùng tiền ngân sách để đầu tư xây dựng những con đường, cây cầu, trường học, trạm xá... để phục vụ nhân dân, vì sao cứ phải xây cổng chào, dựng tượng đài, làm khẩu hiệu? Nhớ ơn Bác, sao không noi gương Bác về tinh thần tiết kiệm, chống lãng phí, mà lại đi làm những việc không hợp lòng dân?

 

tin tức liên quan