"Lạm thu hay tệ nạn ?". CTV: Hoàng Văn Kính

Ngày đăng: 09:48 08/10/2020 Lượt xem: 401
Lạm thu hay tệ nạn.
CTV: Hoàng Văn Kính

          Bên cạnh một số cái được, bước vào năm học mới 2020-2021 ngành giáo dục vẫn đang gặp phải một số “ vấn đề ” làm phiền lòng các bậc phụ huynh, làm ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường giáo dục. Trong đó có tệ nạn lạm thu.
Đến hẹn lại lên, tình trạng lạm thu vẫn diễn ra đều đều năm này qua năm khác đã trở thành một tệ nạn trong ngành giáo dục. Rất tiếc tệ nạn ấy lại xẩy ra ở nhà trường - nơi ươm mầm tài, nơi các thầy cô giao giảng về lễ nghĩa, về nhân cách và đạo làm người.
        Là “ lạm thu” hay “ tệ nạn” còn tùy thuộc quan niệm của mỗi người, nhưng gọi tệ nạn có lẽ đúng hơn vì: Nó là hiện tượng có tính tiêu cực, biểu hiện thông qua các lệch chuẩn xã hội, vi phạm đạo đức, pháp luật hiện hành, phá vỡ thuần phong mỹ tục, lối sống lành mạnh, tiến bộ xã hội, có thể gây những hậu quả nghiêm trọng cho các cá nhân, gia đình và xã hội. Chỉ khi ta chỉ đúng bản chất của sự vật thì mới hy vọng tìm được phương thuốc đặc hiệu chữa trị hiệu quả.
        Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản quy định rõ về 9 khoản thu, cụ thể: Học phí ( riêng học sinh tiểu học không phải đóng); Bảo hiểm y tế học sinh; Dậy thêm, học thêm trong nhà trường; Quần áo đồng phục, quần áo thể dục thể thao, phù hiệu; Phục vụ bán trú; Học 2 buổi/ngày; Học phẩm cho học sinh mầm non; Nước uống học sinh; Viện trợ, quà biếu, tặng cho.
        Bộ cũng quy định rõ những khoản tiền nhà trường không được phép thu gồm: 1)Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường. 2) Bảo vệ an ninh của nhà trường. 3) Trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh. 4) Vệ sinh lớp học, vệ sinh trường. 5) Khen thưởng cán bộ quản lí, giáo viên, nhân viên nhà trường. 6) Mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dậy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lí, giáo viên, nhân viên nhà trường. 7) Hỗ trợ công tác quản lí, tổ chức dậy học và các hoạt động giáo dục. 8) Sửa chữa, nâng cấp xây dựng mới các công trình  của nhà trường.
        Quy định là như thế, văn bản đã quá rõ ràng, được triển khai từ rất sớm trước mỗi năm học, tuy nhiên qua thực tế cho thấy vẫn còn  tình trạng khá phổ biến ở một số địa phương, ở nhiều cơ sở giáo dục chưa quyết liệt ( hoặc chưa muốn quyết liệt ) thực hiện theo đúng hướng dẫn quy định trong các trường công lập. Nó không những không giảm mà còn tiếp tục được “ phát triển” theo hướng “ dã man hơn” và “ tinh vi hơn”.
        Dư luận có quyền đặt ra câu hỏi: Ngoài những văn bản quy đinh, Bộ đã có giải pháp gì để ngăn chặn tệ nạn ấy.
        Một thực trạng  đáng buồn và quá thất vọng. Tệ nạn lạm thu đã trở thành nỗi nhức nhối trong xã hội và đầu năm học 2020-2021 sự việc vẫn tiếp tục được lặp lại.
        Trường THCS Bình Chánh huyện Bình Chánh TP HCM thu tiền mua ghế ngồi  40.000đ/học sinh của học sinh để ngồi trong giờ chào cờ. Trường Tiểu học Nghĩa Đô ( Quận Cầu Giấy - Hà Nội ) thu 30.000đ/tháng/học sinh để hàng ngày phụ huynh nhận được một tin nhắn thông báo với nội dung chung chung, viết tắt, viết không dấu. Trường THCS Nguyễn Du ( T.P Tam Kì, Quảng Nam) thu tiền ghế mỗi học sinh đầu cấp 25.000đ. Ngoài ra còn cả tiền giấy photo để kiểm tra, tiền tin nhắn…
        Tại trường THCS Lê Quý Đôn ( xã Đắk Djrang, huyện Mang Yang, Gia lai) thu mỗi học sinh 150.000đ để chi trả vệ sinh lớp học và trực đánh trống. Hiệu trưởng giải thích rằng khoản thu này là do đại diện phụ huynh đề xuất và không ai phản đối cả.
        Học sinh lớp 1Trường Tiểu học Lê Hồng Phong ( TP. Ninh Bình) phải đóng góp 17 hạng mục cho Ban đại diện cha mẹ học sinh, gồm: 1) Chổi lau nhà+hót rác: 110.000đ. 2) Xô+chậu+cốc: 260.000đ. 3)Nước giặt+nước lau nhà: 130.000đ. 4) Khăn mặt: 150.000đ. 5) Khăn lau bảng+cắt+vắt sổ: 200.000đ. 6) Giấy vệ sinh: 200.000đ. 7) Túi bóng: 20.000đ. 8) Chổi quét nhà: 30.000đ. 9) Ghế nhựa: 20.000đ x 38 cái = 760.000đ. 10) Giặt chăn, gối, chiếu: 700.000đ. 11) May khăn trải bàn Giáo viên: 150.000đ. 12) Dọn vệ sinh lớp: 150.000đ. 13) Lắp điều hòa+tivi+công: 29.5000.000đ. 14) Mua chăn+gối+chiếu 104.000đ x 38 h/s =3.960.000đ ( Ghi chú: không ăn bán trú trừ 104.000đ). 15) Mua lược+dây buộc tóc 50.000đ. 16) Lắp khóa cửa: 145.000đ. 17) Mua tủ gỗ+Rèm: 140.000đ  x 38h/s = 5.320.000đ. Tổng cộng: 41.835.000đ ( Mỗi h/s phải đóng 1.551.000đ) . Ngoài các khoản trên, mỗi h/s còn phải đóng quỹ lớp một năm là: 450.000đ.

         Còn nhiều nhiều lắm, khuôn khổ của bài viết không đủ chỗ để liệt kê tất cả các dẫn chứng. Tệ nạn này đã làm điêu đứng nhiều gia đình, nhiều hộ nghèo, cận nghèo phải bòn nhặt từng con tôm, cái tép để con em mình được đến trường, có được cái chữ để theo đuổi ước mơ có một tương lai tương sáng.
        Tệ nạn lạm thu vẫn tái diễn với nhiều mức độ khác nhau và ngày càng tinh vi hơn. Nó được bọc kín dưới những từ mỹ miều: “ xã hội hóa” và “ tự nguyện”.  Các nhà trường không đứng ra thu các khoản trái quy định mà mượn danh Ban đại diện cha mẹ học sinh để thu. Trước thực trạng ấy từ năm  2011 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Thông tư 55 về Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh và từ đó đến nay năm nào cũng vậy, trước thềm năm học mới Bộ và các Sở cũng phải ra công văn nhắc lại nhưng xem ra phép Vua vẫn cứ thua lệ làng.
         Đã có nhiều phụ huynh lên tiếng đòi bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh. Đòi phải xem lại tư cách của Ban giám hiệu, của những thầy cô giáo đã có lời gợi ý và để xẩy ra tện nạn ấy ở trường, ở lớp do mình phụ trách.
        Có thể khảng định chắc chắn: 1) Không có khoản lạm thu nào mà hội cha mẹ tự ý khi  không được Ban giám hiệu hoặc cô Chủ nhiệm lớp gật đầu, bật đèn xanh. 2) Hầu hết các bậc phụ huynh đều không tán thành nộp các khoản thu ngoài luồng đó nhưng vẫn phải bắt buộc “ tự nguyện”  khi đã được gợi ý ( Bác nào to gan thử cãi lại xem ). 3)Tất cả các khoản thu đó chỉ một phần được sử dụng đúng mục đích còn lại nó được dùng để làm gì và đi về đâu thì ít người biết. 4) Cái gọi là “ tự nguyện” được vẽ ra từ những tờ đơn đánh máy sẵn có các khoản thu và mức thu rất cụ thể, rất chi tiết, “ khổ chủ” chỉ việc điền họ, tên và chữ kí là OK và trong tờ đơn ấy bao giờ cũng có câu: Tôi xin tự nguyện ủng hộ ( đóng góp) và không khiếu nại gì đến số tiền ủng hộ đó. Tất cả sách vở, bút mực, quần áo…nhất nhất đều phải thống nhất, đồng bộ theo một khuôn mẫu do Nhà trường sáng tác ra và việc ấy phải để cho Nhà trường lo vì chỉ Nhà trường mới lo được!
          Khi “ tự nguyện” đã trở thành một trào lưu bắt buộc, người phản đối hoặc  không tự nguyện sẽ thành kẻ cô độc, bị dè bỉu, khinh miệt, sỉ vả, con em họ cũng phải ngượng ngùng  khi đến lớp, phải chịu những ánh nhìn không thiện chí. Mới đây một phụ huynh có con theo học tại trương THPT Trương Định, Q. Hoàng  Mai. TP.Hà Nội bị nhiều phụ huynh  khác sỉ vả là “ rắn độc” vì không chịu đóng 700.000đ quỹ lớp đầu năm học ( khoản quỹ này được thành  lập và xác định mức thu sau khi có lời gợi ý từ giáo viên chủ nhiêm – Lời của lãnh đạo trường THPT Trương Định).
        Mọi tội lỗi, mọi sai trái đều đổ lên đầu phụ huynh học sinh, còn Nhà trường ư, họ vô can.Việc tái diễn tình trạng lạm thu cho thấy những giải pháp, chế tài của ngành giáo dục trong những năm qua chưa đủ mạnh và không hiệu quả. Khi sự vụ lợi, gian dối, thiếu trung thực đang tồn tại ngay trong các Nhà trường thì rất khó để đào tạo cho tương lai những công dân kiểu mẫu “ vừa hồng, vừa chuyên”. Nó để lại trong phụ huynh, trong học sinh  những cảm xúc tiêu cực về thầy cô giáo về Nhà trường, bào mòn lòng tin của xã hội vào thiết chế giáo dục công lập.
        Trường học là một thiết chế công chứ không phải là nơi để thầy/cô chủ nhiệm và cái gọi là Ban đại diện cha mẹ học sinh tùy tiện kêu gọi đóng góp, biến các khoản thu sai quy định thành một tệ nạn trong ngành giáo dục.

tin tức liên quan