Tái hiện hình ảnh nữ chiến sĩ Trung đoàn 592 anh hùng

Ngày đăng: 08:49 17/10/2020 Lượt xem: 309


           Tái hiện hình ảnh nữ chiến sĩ Trung đoàn 592 anh hùng


                                                 Nguồn: Báo Điện tử Quân Đội Nhân Dân

Chiếc ô tô đưa các cựu chiến binh (CCB) bộ đội đường ống xăng dầu Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh về thăm lại chiến trường xưa, xuất phát từ Hà Nội, đón đồng đội dọc đường, để đến di tích Tổng kho xăng dầu VK96 thuộc huyện Bù Gia Mập (Bình Phước). Đấy là điểm cuối của “Dòng sông mang lửa” đi giải phóng miền Nam, góp phần quan trọng kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đầy gian khổ mà vô cùng hào hùng.



Với những người được trực tiếp xây dựng, vận hành tuyến đường ống Trường Sơn, thì chuyến "về nguồn" lần này chẳng khác gì chuyến hành quân ngược về quá khứ, với biết bao ký ức bi hùng và hào hùng. Đoạn cuối hành trình, Thượng tá, CCB Phạm Đức Lý, Trưởng ban liên lạc truyền thống Trung đoàn Đường ống Trường Sơn 592 toàn quốc, nêu ý kiến: “Năm 2020, kỷ niệm tròn nửa thế kỷ thành lập Trung đoàn 592 anh hùng. Ngày đó trùng với Ngày Phụ nữ Việt Nam (20-10), do vậy, trong hành trình này, chúng ta cùng tôn vinh những đồng đội nữ của Trung đoàn 592”. Hưởng ứng lời của anh Lý, cả xe nổ tràng pháo tay hòa cùng những tiếng reo vui. Thay cho hoa hồng và thiệp chúc mừng, những câu chuyện về các nữ chiến sĩ tham gia xây dựng, vận hành đường ống xăng dầu Trường Sơn huyền thoại được các nhân chứng kể lại rất xúc động.

Tái hiện hình ảnh nữ chiến sĩ Trung đoàn 592 anh hùng
Nữ chiến sĩ bộ đội đường ống xăng dầu Trường Sơn năm xưa.

Đúng như Đại tá, CCB Mai Trọng Phước, nguyên Cục trưởng Cục Xăng dầu (Tổng cục Hậu cần), nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn Đường ống 592, khái quát: “Các nữ chiến sĩ ấy đã cống hiến trọn thời thanh xuân của họ cho tuyến đường ống lịch sử này. Sống trong hoàn cảnh: Bên nắng đốt, mây vờn, bom địch dội/ Tóc con gái khê nồng, mơ lá bưởi/ Tuổi đôi mươi xanh tái cả trăng tròn (“Con gái ở Trường Sơn” - Thơ Nguyễn Hưng Hải), các nữ chiến sĩ đã vượt qua mọi thử thách, gian khổ, ác liệt, cùng đồng đội lập nên kỳ tích”.   

Nhớ những ngày tháng 2-1972, tuyến đường ống của ta nằm trong khu rừng Pha Băng Nưa và Bản Cọ (tỉnh Xavannakhet, Lào), bị máy bay địch đánh phá, hủy hoại. Không thể để dòng xăng dầu tiếp ứng cho tiền tuyến bị gián đoạn, các chiến sĩ nữ xông xáo tiến hành nghi binh lừa địch. Những cánh tay con gái xúm vào vần một số phuy xăng dầu rải trên tuyến chính rồi châm lửa đốt, thu hút sự chú ý của địch, tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng làm tuyến vòng tránh, vượt sông Sê Băng Hiên bảo đảm vận hành thông suốt.

Thiếu tướng Hồ Sĩ Hậu, nguyên Cục trưởng Cục Kinh tế (Bộ Quốc phòng), nguyên Phó ban Thiết kế-Thi công, Cục Xăng dầu Đoàn 559, kể: “Các nữ chiến sĩ như những bông hoa làm cho đường ống thêm đẹp, cho rừng Trường Sơn thêm ấm áp, khích lệ sự sáng tạo, lòng dũng cảm của bộ đội đường ống nói chung và đội ngũ kỹ sư thiết kế thi công nói riêng”. Ông kể, một lần đoàn cán bộ Trung đoàn 592 đi kiểm tra vận hành ở tuyến ống Tiểu đoàn 668, gặp một chiến sĩ nữ làm nhiệm vụ tuần tra tuyến, ngồi cười ngặt nghẽo. Thì ra cô bị ảo giác do hít phải hơi xăng mà trước đó bom Mỹ đánh trúng tuyến, xăng phun ra, tạo thành màn sương phủ khắp một vùng. Nhìn cô gái trẻ cười liên hồi, lòng các anh như xát muối!

Ngay lập tức, tổ kỹ sư nghiên cứu cách phát hiện sự cố đường ống từ xa. Bắt đầu từ việc dựa vào chỉ số áp suất ở các trạm bơm và các cửa van, đối chiếu với trạng thái áp suất quy chuẩn, suy đoán sự cố ở trong những khoảng đường ống xác định rồi khoanh vùng lại... Đến mùa khô 1971-1972, việc nghiên cứu ấy đã thành công, chấm dứt cảnh các chiến sĩ phải đi dọc tuyến để lần tìm chỗ hư hỏng, lâm vào màn sương xăng rồi cười như cô gái tuần tra hôm ấy.

Tái hiện hình ảnh nữ chiến sĩ Trung đoàn 592 anh hùng
Nữ chiến sĩ bộ đội đường ống xăng dầu Trường Sơn năm xưa và Đại tá, cựu chiến binh Mai Trọng Phước.

Trong những ngày “nước rút”, để dòng xăng kịp thời đáp ứng nhu cầu của chiến trường, các chị ở công trường xây dựng không quản ngại vác ống kim loại dài 6 mét, gánh phụ kiện nặng hơn cả trọng lượng cơ thể mình băng qua trọng điểm đánh phá của máy bay địch, phục vụ thi công tuyến ống. Hình ảnh chị Trần Thị Thanh Kiêm (quê ở Thái Bình) gánh ngoàm, chị Nguyễn Thị Lan (quê ở Hải Dương) vác ống đã được các phóng viên chiến trường ghi lại, như là một biểu tượng của chiến sĩ đường ống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh.

Các nữ chiến sĩ nuôi quân, quân y, thông tin dũng cảm, dù địch đánh phá vẫn không rời nhiệm vụ. Ngày 28-1-1973, tức ngày 25 tháng Chạp năm 1972 (Nhâm Tý), giữa lúc đơn vị đang chuẩn bị để bộ đội đón cái Tết đầu tiên sau khi Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, thì máy bay B52 địch rải thảm bom xuống khu vực Trung đoàn bộ 592 (ở dốc Tà Lao, Xavannakhet trên đất Lào). 19 người, trong đó có 8 nữ chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Có chị bị bom hất cả nồi nước đang sôi lên người. Có chị đang chế biến thức ăn, bị trúng bom, nát toàn bộ thân thể. Hay như tấm gương nữ chiến sĩ thông tin Nguyễn Thị Thanh Xuân và Phạm Kim Lan, trực tổng đài, quyết bám trụ giữ “mạch máu” thông tin của đơn vị, toàn thân bị cháy đen, bàn tay vẫn cầm ống nghe. Nữ chiến sĩ quân y Nguyễn Thị Hương, dù bị thương nặng vẫn lấy thân mình che đạn cho thương binh...

Hy sinh, gian khổ, ác liệt là thế, song, các nữ chiến sĩ vẫn kiên gan hoàn thành những phần việc mà đồng đội đang làm dở trước lúc hy sinh, để góp phần nhanh chóng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Không ít người là chiến sĩ thi đua, chiến sĩ quyết thắng. Nhiều chị được kết nạp Đảng tại đơn vị.

Những cô gái ấy ra khỏi chiến tranh, hầu hết mang theo di chứng do nhiễm chất độc da cam/dioxin của địch và những ác khí nơi “rừng thiêng nước độc”. Không ít chị lấy chồng thì sinh con dị dạng, nỗi đau vô hạn. Hầu hết các chị bắp cơ đầy sẹo vì phải tiêm thuốc chống sốt rét nhiều lần. Song, trên trận tuyến mới, họ vẫn chung tay đền ơn đáp nghĩa, giúp nhau ổn định cuộc sống. Người còn sức lực thì tham gia công tác xây dựng quê hương.

Bài và ảnh: PHẠM XƯỞNG

( C. H sưu tầm)

tin tức liên quan