Khai mạc QH: Quyết định một số nhân sự, cho ý kiến nhiều dự án luật
Khai mạc QH: Quyết định một số nhân sự, cho ý kiến nhiều dự án luật
Nguồn: Báo Điện tử Vietnamnet
Sáng nay (20/10), kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 14 khai mạc tại Hà Nội. Theo chương trình dự kiến, Quốc hội sẽ làm việc trong 19 ngày.
Kỳ họp thứ 10 chia thành 2 đợt. Đợt 1, họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến các điểm cầu tại đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư từ ngày 20 - 27/10. Đợt 2, Quốc hội họp tập trung tại Nhà Quốc hội từ ngày 2 - 17/11.
Theo chương trình dự kiến, trước giờ khai mạc kỳ họp, Quốc hội tiến hành họp phiên trù bị. Tại phiên họp, các vị đại biểu Quốc hội mặc niệm đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Man, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình.
|
Kỳ họp thứ 10 của Quốc hội sẽ quyết định một số nhân sự, xem xét và thông qua một số dự án luật. |
Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội sẽ nghe Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và 5 năm 2016-2020, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, mục tiêu chủ yếu và một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025.
Tiếp đó, Quốc hội nghe Báo cáo thẩm tra kết những báo cáo nói trên và báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp…
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành 7 ngày cho công tác xây dựng pháp luật (chiếm khoảng 37% tổng thời gian của kỳ họp) để xem xét, thông qua 7 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến đối với 4 dự án luật khác.
Cụ thể, các dự án luật, nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua có dự Luật Biên phòng Việt Nam; Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi); Luật Cư trú (sửa đổi); Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM…
Các dự án luật được Quốc hội cho ý kiến gồm: Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi); Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Quốc hội sẽ dành 2,5 ngày để xem xét các báo cáo và tiến hành chất vấn về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII.
Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ thảo luận, góp ý kiến về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Quyết định ngày bầu cử toàn quốc đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Quốc hội sẽ xem xét, quyết định công tác nhân sự. Cụ thể, Quốc hội phê chuẩn việc miễn nhiệm, bổ nhiệm nhân sự Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; phê chuẩn việc miễn nhiệm nhân sự Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự Bộ trưởng Bộ Y tế, nhân sự Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc, đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM.
Ngoài ra, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết chung của kỳ họp thứ 10 và xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác…
( C. H sưu tầm)