Thủy Tiên và câu chuyện lòng tốt có cần ngã giá
Nguồn: Báo Điện tử Dân Việt
Mấy ngày qua, hình ảnh Thủy Tiên chiếm sóng mạng xã hội với nhiều lời khen ngất trời cũng như tranh cãi dậy đất. Giá như các tổ chức, cá nhân có thể hợp tác, được điều phối để đem lại lợi ích tốt nhất cho người dân bị thiên tai, trong đó luật pháp cũng cần được điều chỉnh.
Khen thì khỏi phải nói, cô đã được tin tưởng giao phó hơn 100 tỷ đồng cứu trợ đồng bào miền Trung chỉ trong hơn một tuần! Và cô gái mảnh dẻ ấy đã quyết đến tận nơi cho bằng được, tới từng ngôi nhà đang bị ngập sâu để trao quà, tiền cứu trợ, chỉ mong họ sống sót qua những ngày bão lũ. Chuyện mưu sinh hay nhà cửa, cầu cống, đường sá, trường học cần sửa sang cô sẽ quay lại tính sau.
Có những người nhiều ngày qua mất sạch tài sản, ôm con, cháu ngồi co ro trong mưa, trong rét mướt và sợ hãi trên mái nhà chờ cứu hộ. Có người khi được đón lên thuyền mặt mày tái mét, thất thần, đói lả vì không có cái ăn suốt 5 ngày trời. Đau xót hơn, có người mẹ chỉ vì lội ra lấy phần cứu trợ mà con nhỏ rơi xuống gác đuối nước rất thương tâm.
Vâng, hôm nay, Thủy Tiên là ân nhân của rất nhiều bà con cô bác miền Trung, là "người hùng" trong mắt đấng mày râu trong ngày phụ nữ, là niềm hy vọng cho lòng tốt được tiếp sức; nhưng cũng có thể, ngày mai cô phải đối diện với một loạt câu hỏi. Nào là vì sao không cứu trợ thức ăn mà còn cho tiền mặt, sao không kê khai từng khoản chi, không sao kê toàn bộ tài khoản giúp đỡ…Những câu chuyện đau lòng ở miền Trung như thế không hiểu sao vẫn khiến người ta không nhìn thấy đích đến của việc cứu trợ cho dân, vẫn tranh cãi không ngừng về chuyện làm từ thiện thế nào cho đúng.
Không những thế, nữ ca sĩ lại có thể bị "kể tội vượt rào" vì những điều ghi trong Nghị định 64/2008, rằng chỉ một số tổ chức nhất định được phép kêu gọi ủng hộ giúp khắc phục thiên tai…
Trước lo ngại của người hâm mộ, bản thân Thủy Tiên cũng cho rằng cô sẵn sàng chấp nhận có thể mất cả sự nghiệp vì không cam lòng để người dân khốn khổ như vậy. Bởi vì cô tin rằng "số lượng người được giúp cũng đáng để mình đánh đổi."
"Người ta sống trên đời, chết đi không mang theo được gì cả, tiền bạc, danh vọng, địa vị, gia đình… Chết đi chỉ mang theo được cái gì người ta tạo ra bằng suy nghĩ hay hành động. Nên yêu thương được ai thì yêu thương, giúp được ai thì giúp", lời chia sẻ của Thủy Tiên khiến nhiều người xúc động.
Nhưng ngay cả trong nghị định 64, vẫn còn một điều khoản khác, điều 2 của Nghị định 64 quy định "Nhà nước khuyến khích các tổ chức cá nhân, trong và ngoài nước đóng góp và tổ chức vận động đóng góp" để thực hiện công tác cứu trợ khẩn cấp.
Một văn bản mâu thuẫn như vậy rất cần được điều chỉnh đúng với yêu cầu của cuộc sống, của sự tử tế, lương tâm và lòng trắc ẩn.
"Sắc tức thị không, không tức thị sắc". Chỉ trong một khoảnh khắc, một đường ranh, lòng tốt và sự thờ ơ, nhẫn tâm bị đánh đồng. Những ai không cứu trợ, vẫn to tiếng phán xét và truy cứu hành vi làm từ thiện của Thủy Tiên, đó là chuyện của họ. Những ai kêu gọi cứu trợ nhưng không nhận được sự tin tưởng và ủng hộ nhiều như Thủy Tiên cũng có thể có chút hờn ghen, đố kỵ - đó cũng là chuyện của họ.Thủy Tiên hãy cứ làm việc của mình, như cái tâm của cô dẫn dắt. Vì sau lưng cô còn có những luật sư, chuyên gia có thể hỗ trợ, gỡ rối cho cô. Sau lưng cô còn có rất nhiều người yêu thương, ngưỡng mộ và sẵn sàng giúp đỡ cô chống chọi mọi thị phi.
Đằng sau câu chuyện làm thiện nguyện bất chấp tai tiếng, hồ nghi hay tranh cãi của Thủy Tiên còn là câu chuyện của lòng tin.
Nhiều người từ lâu mất niềm tin trong cuộc sống, nên khi thấy người khác làm điều tốt, cũng chẳng tin nổi. Nhìn ở đâu họ cũng thấy cái xấu, cái đáng để xoi mói, để "lên án", dạy dỗ. Họ hiếm có khả năng nhìn ra điều tốt, điều tích cực và truyền cảm hứng.
Cũng có những người vì đố kỵ, vì không thể kêu gọi đóng góp được một khoản tiền khổng lồ như Thủy Tiên, mới sinh ra so sánh. Họ không vui khi Tiên làm được điều họ không làm được. Cũng có những "con sâu làm rầu nồi canh", một số tổ chức bị người ta lợi dụng bòn rút, nên lòng tin vào một ai đó hay một tập thể nào đó cũng trở nên xa xỉ.
Nhiều người tin ở Thủy Tiên, sẵn sàng giao món tiền lớn cho cô mà không cần hỏi cô đã đưa cho ai, làm gì. Không phải ai cũng dễ có được niềm tin trọn vẹn như thế!
Và niềm tin đó mạnh hơn tất cả. Là bởi, có những con người như Tiên không né tránh hay gục ngã trước "đòn roi" dư luận, có lòng tốt không thể bị ngã giá.
Nhưng cũng phải thấy rằng có nhiều người khác lo lắng cho Thủy Tiên là có lý của họ. Việc cứu trợ cần làm sao để thực sự có hiệu quả, đến được với người cần đến, nhất là khi Thủy Tiên đang quản lý một số tiền lớn đến vậy.
Những tổ chức cứu trợ chuyên nghiệp như Hội Chữ Thập Đỏ, các tổ chức được cấp phép sẽ có quy trình hỗ trợ, cứu trợ rất bài bản, từ phòng ngừa, ứng phó khẩn cấp đến phục hồi, tái thiết, giảm nhẹ, tăng khả năng chống chọi của cộng đồng. Các nhóm, các cá nhân là tự phát chỉ có thể dừng ở việc cứu trợ khẩn cấp, khó mà hiệu quả toàn diện.
Giá như các bên có đủ sự tin cậy với nhau để hợp tác trong việc cứu trợ người dân trong lúc thiên tai lũ lụt hay bất kỳ thảm họa nào khác, để có thể tận dụng tốt nhất của sự bài bản một tổ chức cứu trợ chuyên nghiệp với ảnh hưởng của các nhân vật nổi tiếng có khả năng vận động nguồn lực.
Điều quan trọng nhất, Thủy Tiên hay hàng trăm, hàng triệu con người đang làm thiện nguyện khác cũng đang gánh bớt gánh nặng cho nhà nước. Họ gánh trên mình nỗi lo không dễ giải tỏa, làm sao bảo đảm số tiền cứu trợ đến đúng người dân, đưa cho họ cần câu thay vì con cá. Và làm sao trung thực để không phải hổ thẹn với lòng mình. Lúc khó khăn hoạn nạn, sự đoàn kết, đồng lòng ánh lên thật đẹp đẽ.
Hãy đặt lòng tin vào những người đang không quản ngại gian nan, dầm mình trong nước lũ, đối mặt với hiểm nguy để đi cứu hộ, cứu nạn, đi giúp đỡ người dân, giúp đồng bào mình. Sự từ tâm và can đảm – cội nguồn cái đẹp, mà nói như một nhà văn Nga nổi tiếng – chính là điều cuốn thế giới này lại gần nhau!
( C. H sưu tầm)