Nhận diện“ công bộc” của dân. TG: Hoàng Văn Kính

Ngày đăng: 06:49 26/10/2020 Lượt xem: 452
Nhận diện“ công bộc” của dân.
Hoàng Văn Kính 

         
          Có một câu nói của một triết gia đại ý rằng: Bản chất của con người chỉ được bộc lộ đầy đủ nhất khi nó được đặt trong một hoàn cảnh cụ thể nào đó. Bình thường anh ta có thể là một người tốt nhưng khi phải lựa chọn giữa sự sống và cái chết, giữa được và mất, giữa lợi ích cá nhân với cộng đồng đòi hỏi phải có sự hy sinh của bản thân thì mọi tính cách, bản chất thật của con người anh ta  mới bộc lộ đầy đủ nhất.
          Sự việc rất, rất đáng buồn xẩy ra lại đúng vào lúc bão lụt đang nhấn chìm các tỉnh miền Trung. Hàng chục Cán bộ, Chiến sỹ và người dân đã dũng cảm hy sinh trong lúc sả thân cứu nạn; hàng vạn đồng bào trong vùng lũ đang khắc khoải trông chờ vào các cấp Chính quyền; cả triệu tấm lòng thiện nguyện đang hướng về miền Trung; bạn bè Quốc tế gửi điện thăm hỏi, chia buồn với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong lúc hoạn nạn.
          Vậy mà, vào đúng thời điểm cam go ấy, theo báo Dân Trí, có gần 15 cán bộ chủ chốt ở vùng rốn lũ Hương Khê thuộc các xã Hương Trạch, Phúc Trạch, Hương Giang, Hương Thủy, Hương Hải, thị trấn Hương Khê, Hương Long, Phú Gia ( trong số này có một số xã nằm ở rốn lũ ) đã cử một đoàn cán bộ đi họp đồng hương tại T.P Hồ chí Minh trong 2 ngày 15 và 16 tháng 10. Trong đoàn có cả Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó chủ tịch HĐND huyện, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy . Và do thời tiết xấu nên phải đến chiều 20/10 hầu hết họ mới trở về đến quê nhà. Trong đó các xã Hương Trạch, Hương Thủy, Hương Giang…là các địa phương nằm trong diện đặc biệt ảnh hưởng của đợt lũ này nhưng các lãnh đạo chủ chốt là Bí thư, Chủ tịch xã đều “ bỏ nhiệm sở” đi họp đồng hương. Thậm chí theo phản ảnh có một xã đi cả 3 gồm Bí thư, Chủ tịch xã và Chủ tịch mặt trận.
          Khi bị dư luận lên tiếng trước sự vô cảm đó, ông Bí thư Huyện ủy Lê Ngọc Huấn đã “ dãi bầy”:  Nào là họ đi theo kế hoạch từ trước; nào là đi để kêu gọi đóng góp xây dựng quên hương; nào là vắng họ cũng chẳng sao vì địa phương năm nào chẳng có lũ nên đã có  phương án dự phòng từ trước; nào là đã có “ 4 tại chỗ” ( trong đó có cán bộ tại chỗ); nào là họ đi vào 2 ngày thứ bẩy và chủ nhật nên chẳng ảnh hưởng gì ( ý nói đấy là 2 ngày của riêng họ vậy thì họ bỏ mặc dân có gì là sai )… Nghĩa là tất cả đã được lập trình sẵn, nghĩa là chỉ rách việc chẳng có gì phải ồn ào cả.
          Ô hay, thế thì sinh ra những quan to, quan bé, những “ công bộc”, Ban nọ bệ kia để làm gì nhỉ, chẳng lẽ chỉ để cho đẹp đội hình, để xài tiền của dân. Chả trách họ cứ để mặc xác dân kêu cứu mà vô tư đi chơi. Trong khi đó cũng ở huyện này, một số xã trong đó có Lộc Yên mặc dù có giấy mời cả Bí thư và Chủ tịch nhưng họ đã thẳng thừng từ chối: “ Xã không ai đi hết, chúng tôi quyết định ở nhà cùng dân đối phó lũ” ( Lời ông Nguyên Văn Hưng Chủ tịch UBND xã.)
          Xin các vị hãy nhớ lại lời dậy của Bác: “ Chúng ta phải hiểu rằng các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân chứ không phải để đè đầu dân…việc gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”.
          Bỏ mặc dân trong lúc hoạn nạn đấy là việc có lợi hay có hại cho dân, họ có còn xứng đáng là “ công bộc”  của dân? Xin các vị lãnh đạo huyện nhà một lời chỉ dẫn.

 
Hoàng Văn Kính
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn VN

tin tức liên quan