Ông Trịnh Xuân Hòa, Phó viện trưởng Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường), đơn vị thực hiện đề án "Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam", trả lời VnExpress về tình trạng sạt lở đất ở miền Trung thời gian qua.
- Đề án do các ông thực hiện đã đánh giá và đưa ra những cảnh báo như thế nào về sạt lở đất đá ở miền Trung?
- Đề án được làm từ năm 2012 , hiện đã lập được 25/37 bản đồ hiện trạng cấp tỉnh; 15/37 bản đồ phân vùng cảnh báo sạt lở, mức độ cảnh báo đến từng xã với khoảng 15.000 điểm trượt lở. Mặc dù bản đồ cảnh báo hiện chưa hoàn thành, tôi nghĩ rằng các cấp địa phương có thể dựa vào đó đưa ra được phương án phòng tránh hợp lý, hạn chế được phần nào thiệt hại.
Cụ thể như, Hà Tĩnh được điều tra sạt lở vào năm 2017, chỉ ra các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Kỳ Anh, Nghi Xuân có hiện tượng trượt lở mạnh mẽ với 235 vị trí, trong đó 4 vị trí rất lớn (20.000 đến 100.000 m3), 73 vị trí lớn (1.000 đến 20.000 m3). Trượt lở chủ yếu xảy ra dọc vách taluy dương của Quốc lộ 8, đường Hồ Chí Minh.
Chúng tôi đã khoanh được 6 vùng cấp I, nguy cơ trượt lở, tai biến địa chất rất cao với diện tích hơn 50 km2; 4 vùng cấp II với diện tích 588 km2, 8 vùng cấp III với diện tích 1.400 km2 và 3 vùng cấp IV với diện tích 963 km2.
Quảng Bình cũng được điều tra sạt lở năm 2017, với 128 điểm sạt được nghiên cứu. Quy mô lớn có 15 điểm, 74 điểm quy mô nhỏ và 39 điểm quy mô trung bình.
Đề án khoanh vùng được 3 diện tích có nguy cơ xảy ra trượt lở đất đá cao và ảnh hưởng trực tiếp đến công trình xây dựng, đời sống dân sinh, bao gồm khu vực xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy với diện tích 80 km2; khu vực dọc quốc lộ 12A và đường liên thôn xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa với diện tích khoảng 9,5 km2; khu vực dọc theo đường liên thôn đi vào bản Si, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa với diện tích khoảng 7,5 km2.
- Ba tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, nơi vừa xảy ra các vụ sạt lở đồi núi nghiêm trọng, được nghiên cứu như thế nào trong đề án?
- Quảng Trị nghiên cứu hiện trạng năm 2018 với 241 vị trí sạt lở đất đá được xác định, 142 vị trí có quy mô nhỏ, 68 vị trí quy mô trung bình, 27 vị trí quy mô lớn, 2 vị trí quy mô rất lớn và hai vị trí quy mô đặt biệt lớn. Trượt lở đất đá thường xảy ra dọc hành làng đường HCM. Theo nghiên cứu, mức độ sạt lở ở Quảng Trị không cao cả về số lượng và mật độ, tuy nhiên mức độ trượt lở ở những địa bàn cụ thể lại rất cao, ví dụ như huyện Hướng Hoá có 147 điểm sạt lở (chiếm 61%).
Thừa Thiên Huế được khảo sát năm 2019, ghi nhận 151 vị trí có biểu hiện trượt lở, 205 vị trí đã xảy ra trượt lở. Trong đó, bốn vị trí có quy mô đặc biệt lớn (trên 100.000 m3), 61 vị trí có quy mô lớn. Trượt lở ở đây thường xảy ra trên các sườn taluy dọc tuyến đường giao thông chính và khu vực dân cư như đường HCM, quốc lộ 74, 71 và 49.
Tương tự Quảng Trị, mức độ trượt lở ở toàn Thừa Thiên Huế không cao nhưng trên địa bàn cụ thể lại rất cao, ví dụ huyện A Lưới có 122 điểm (59%).
Quảng Nam được điều tra sạt lở đất đá vào năm 2019, các huyện Bắc Trà My, Nam Trà My, Tiên Phước, Phước Sơn được đánh giá có nguy cơ trượt lở rất cao. Toàn Quảng Nam ghi nhận 723 vị trí có biểu hiện trượt lở đất đá, 1.286 vị trí đã xảy ra trượt lở. Trong đó, 353 vị trí quy mô nhỏ, 531 quy mô trung bình, 12 vị trí quy mô rất lớn và một vị trí quy mô đặc biệt lớn. Trượt lở ở Quảng Nam tập trung chủ yếu ở đường Hồ Chí Minh, đường Trường Sơn Đông, quốc lộ 40B và trên các sườn trồng cây lâm nghiệp.
- Những nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng sạt lở đất đá nghiêm trọng ở miền Trung thời gian qua, thưa ông?
- Về nguyên nhân tự nhiên, mưa là yếu tố đầu tiên kích hoạt sạt lở. Theo nghiên cứu, chỉ cần mưa với độ khoảng 100 mm hoặc nhỏ hơn nhưng kéo dài liên tục hàng chục ngày là đủ khiến đất đá bị bão hòa nước. Đợt vừa qua có thể thấy mưa liên tục nhiều ngày, nhiều nơi thậm chí ghi nhận lượng mưa chưa từng có lên tới hơn 2.000 mm. Lượng mưa lớn như vậy đã gây ra lũ quét kéo theo sạt lở đất.
Ngoài ra, địa hình các tỉnh miền Trung thấp dần ra biển nhưng khá đột ngột, tạo ra độ dốc 14-32 %, cộng với địa chất phức tạp, lớp vỏ phong hóa dày; thảm phủ chủ yếu là rừng trồng, rừng tái sinh cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng sạt lở nghiêm trọng.
Tiếp theo là các hoạt động nhân sinh như phá rừng, mở đường, xây dựng công trình... đã thúc đẩy quá trình tai biến địa chất. Để làm đường, làm công trình thì phải bạt núi, xẻ taluy dẫn tới mất chân và mất ổn định sườn dốc, tạo độ dốc cao hơn, mất thảm thực vật dẫn tới nguy cơ sạt lở. Thực tế cho thấy các điểm sạt lở tập trung ở sườn các dãy núi, nơi dân cư sinh sống hoặc dọc các tuyến đường, các công trình nhân tạo.
Mất rừng tự nhiên cũng là nguyên nhân dẫn tới sạt lở. Nhiều nơi tỷ lệ che phủ của rừng lên tới 70-80%, nhưng khả năng giữ nước của rừng tái sinh, rừng trồng rất hạn chế so với rừng tự nhiên. Rừng trồng đa phần là keo, sau một vài năm họ thu hoạch rồi lại trồng cây mới khiến liên kết đất yếu, hệ thống rễ cây trồng này cũng không phát triển để giữ lại nước.
Trong một tháng qua đã có 5 vụ sạt lở lớn vùi lấp nhiều người dân, nhiều cán bộ, chiến sĩ. Như ở Quảng Nam, trong hai ngày 28-29/10 đã xảy ra ba vụ sạt lở. Các khu vực này đều có những đặc điểm chung về địa hình, địa chất, rừng và đã có cảnh bảo nguy cơ trượt lở đất đá cao theo bản đồ hiện trạng cũng như bản đồ cảnh báo khi bàn giao về địa phương.
Ví dụ vụ sạt lở đất đá tại thôn 1, xã Trà Vân (Nam Trà My, Quảng Nam) xảy ra trên địa hình có độ cao 600 đến 900 m, khu vực có nguồn gốc bóc mòn, xâm thực, độ dốc sườn tự nhiên 20-30%; thảm thực vật chủ yếu là rừng trồng với độ che phủ khoảng 65-70%; mạng lưới khe suối đa phần ngắn và dốc, thung lũng suối hẹp ở thượng nguồn, tiết diên ngang hình chữ "V" là những yếu tố nguy cơ cao xảy ra trượt lở, đã được cảnh báo
Trong diện tích khu vực trượt lở ở thôn 1, xã Trà Vân có sự phân bố của đứt gãy chạy theo phương Đông Bắc - Tây Nam và gần nút giao với đứt gãy phương Tây Bắc - Đông Nam. Các khe nứt này đã làm cho đá của khu vực bị cà nát, đập vỡ khiến kết cấu của đất yếu, đồng thời tạo điều kiện cho quá trình phong hóa phát triển sâu 20 đến 30 m. Vỏ phong hóa này giàu khoáng sét khi gặp nước sẽ nhanh chóng bị chảy nhão tạo thành lũ quét, sạt lở.
- Đâu là những giải pháp giúp nâng cao khả năng cảnh báo cũng như ứng phó với sạt lở đất đá?
- Giải pháp hữu hiệu nhất là lắp đặt hệ thống máy quan trắc đa thiên tai. Hệ thống này có thể đưa ra dự báo gần như sát với thực tế. Tuy nhiên, hiện cả nước mới chỉ đầu tư được khoảng 10 máy cho những vùng nhất định. Do số điểm có nguy cơ trượt lở ở Việt Nam rất nhiều, nên việc lắp đặt máy móc này ở khắp các nơi là không khả thi.
Trước mắt ta có thể học hỏi kinh nghiệm của Thái Lan là trang bị cho mỗi làng, bản một cột đo mưa, khi mưa đến một mức nhất định thì di chuyển người dân đến nơi an toàn. Phương pháp này vừa đỡ tốn kém và dễ dàng triển khai.
Ngoài ra, hiện bản đồ phân vùng cảnh báo đã được chuyển đến các địa phương, cơ quan quản lý cần dựa trên bản đồ này nhận biết khu vực nguy cơ cao xảy ra trượt lở để không bố trí định cư, định canh và di dời dân đến nơi an toàn.
Ở mỗi địa phương cần lập vùng tương đối an toàn dựa trên bản đồ để khi có nguy cơ xảy ra thiên tai thì dễ dàng sơ tán người dân đến. Đồng thời khi quy hoạch sử dụng đất cần đặt mục tiêu bảo vệ rừng đầu nguồn lên đầu, trồng rừng ở những nơi có nguy cơ xảy ra trượt lở đất đá.
Gia Chính
(PS st Theo VnExpress)