27 bí thư tỉnh ủy thế hệ 7X

Ngày đăng: 03:30 02/11/2020 Lượt xem: 352

27 bí thư tỉnh ủy thế hệ 7X

Kết quả bầu cử Bí thư tỉnh, thành nhiệm kỳ 2020 - 2025 lần đầu tiên ghi nhận 9 cán bộ nữ; 27 người ở độ tuổi 42 đến 50; 27 lãnh đạo không phải người địa phương.

Theo báo cáo của Ban Tổ chức Trung ương, đến hết ngày 29/10, tất cả 67 đảng bộ trực thuộc Trung ương (gồm 63 đảng bộ cấp tỉnh) đã hoàn thành tổ chức đại hội nhiệm kỳ mới. Các đại hội đã bầu được 3.330 người vào Ban chấp hành các Đảng bộ, trong đó có 1.084 nhân sự tham gia lần đầu (đạt 32,5%).

Ông Nguyễn Đức Hà, chuyên gia Xây dựng Đảng, đánh giá một trong những điểm nổi bật của công tác nhân sự đại hội Đảng bộ 63 tỉnh, thành lần này là tỷ lệ cán bộ trẻ tăng lên.

Kết quả đại hội các tỉnh ghi nhận 27 nhân sự thuộc thế hệ 7x trở thành Bí thư (chiếm 43,08%). Tại Thanh Hóa, cả Bí thư và ba Phó bí thư Tỉnh ủy đều thế hệ 7X.

Độ tuổi bình quân của cấp ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025 là 48,82; trong đó độ tuổi bình quân Bí thư là 52,38, thấp hơn nhiệm kỳ trước 0,05 tuổi.

Nhiệm kỳ trước có hai Bí thư ở độ tuổi 39 là ông Nguyễn Xuân Anh (Đà Nẵng, đã bị kỷ luật cách chức) và ông Nguyễn Thanh Nghị (Kiên Giang). Tuy nhiên, tính tổng số nhân sự đứng đầu đảng bộ cấp tỉnh ở độ tuổi dưới 50 thì nhiệm kỳ trước chỉ 11 người, còn nhiệm kỳ này 27 người.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong. Ảnh: Hồng Ngự.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong. Ảnh: Hồng Ngự.

Bí thư Tỉnh uỷ trẻ nhất hiện nay là ông Lê Quốc Phong (42 tuổi, Đồng Tháp). Hai Bí thư Tỉnh ủy cùng 44 tuổi là ông Đặng Quốc Khánh (Hà Giang) và ông Thái Thanh Quý (Nghệ An).

Hai Bí thư Tỉnh ủy cùng 45 tuổi là ông Hồ Văn Niên (Gia Lai) và ông Vũ Đại Thắng (Quảng Bình).

Bí thư các tỉnh Phú Yên (ông Phạm Đại Dương), Bến Tre (ông Phan Văn Mãi), Cần Thơ (ông Lê Quang Mạnh), Tây Ninh (ông Nguyễn Thành Tâm), Quảng Ngãi (bà Bùi Thị Quỳnh Vân) đều 46 tuổi.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, Sơn La, Hà Tĩnh, Yên Bái, Ninh Bình, Thái Bình, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Sóc Trăng, Lào Cai, Bắc Giang, Điện Biên, Hòa Bình, Quảng Trị, An Giang, ở độ tuổi 47 đến 50.

Kết quả đại hội Đảng bộ các tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 cũng ghi nhận nữ bí thư cấp ủy nhiều nhất từ trước đến nay, gồm 9 người (13,85%). Đây là tỷ lệ cao hơn nhiều so với nhiệm kỳ trước. Nữ Bí thư Tỉnh ủy thời điểm hoàn thành bầu cử nhiệm kỳ 2015 - 2020 chỉ có 3 người, là Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, Ninh Bình, An Giang.

Các nữ Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ mới là bà Lê Thị Thủy (Hà Nam); bà Hoàng Thị Thúy Lan (Vĩnh Phúc); bà Lâm Thị Phương Thanh (Lạng Sơn); bà Nguyễn Thanh Hải (Thái Nguyên); bà Võ Thị Ánh Xuân (An Giang); bà Đào Hồng Lan (Bắc Ninh); bà Nguyễn Thị Thu Hà (Ninh Bình); bà Bùi Thị Quỳnh Vân (Quảng Ngãi); và bà Giàng Páo Mỷ (Lai Châu). Trong đó Bí thư Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân trẻ nhất, 46 tuổi.

Bí thư cấp ủy người dân tộc thiểu số có 5 vị, gồm các tỉnh Bắc Kạn, Lai Châu, Tuyên Quang, Gia Lai và Sóc Trăng.

Bà Bùi Thị Quỳnh Vân, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi - nữ Bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: Ngọc Đức.

Bà Bùi Thị Quỳnh Vân, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi. Ảnh: Ngọc Đức.

27 Bí thư tỉnh, thành ủy không người địa phương, đạt tỷ lệ 41,54%, cao hơn nhiệm kỳ trước 23,08%. Ba đảng bộ thực hiện quyết định của Bộ Chính trị về phân công, chỉ định nhân sự tham gia ban chấp hành, ban thường vụ và giới thiệu để hội nghị lần thứ nhất của Ban chấp hành đảng bộ nhiệm kỳ 2020 - 2025 bầu giữ chức bí thư tỉnh, thành ủy (TP HCM, Điện Biên, Đồng Tháp); kết quả, cả 3 nhân sự đều trúng cử với tỷ lệ phiếu 100%.

4 trong số 5 thành phố trực thuộc Trung ương có Bí thư không phải người địa phương, gồm Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng và Cần Thơ; riêng TP Hải Phòng có Bí thư người địa phương là ông Lê Văn Thành.

"Bí thư cấp ủy không phải người địa phương đạt hơn 41% là tỷ lệ rất tốt", ông Nguyễn Đức Hà nói và cho rằng lãnh đạo luân chuyển từ nơi khác đến sẽ góp phần đảm bảo tính khách quan, không bị ràng buộc bởi các mối quan hệ họ hàng, thân tộc, tránh tình trạng nể nang, bè phái.

Bà Đào Hồng Lan, Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Ninh. Ảnh: Hoàng Phong

Bà Đào Hồng Lan (quê Hải Dương), Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Ninh. Ảnh: Hoàng Phong

Trong số 63 bí thư tỉnh, thành ủy khóa mới có 41 người tái đắc cử; 22 tân Bí thư. 29 trong 63 vị là ủy viên Trung ương Đảng (46%); trong đó gồm một ủy viên Bộ Chính trị (Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ), một Bí thư Trung ương Đảng (Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên); 12 ủy viên Trung ương dự khuyết.

Về trình độ, Ban Tổ chức Trung ương cho hay, Bí thư cấp ủy có trình độ từ thạc sỹ trở lên là 51 người, đạt 78,46%, cao hơn nhiệm kỳ trước 13,85%. Một người học hàm GS là Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ; 2 người học hàm PGS bà Nguyễn Thanh Hải, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên, và bà Nguyễn Thị Thu Hà, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình.

Tại hội nghị giao ban trực tuyến toàn Ngành Tổ chức xây dựng Đảng hôm 30/10, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương, đánh giá công tác nhân sự đại hội Đảng bộ trực thuộc Trung ương được "chuẩn bị chu đáo, thực hiện nghiêm túc, bảo đảm dân chủ, khách quan, minh bạch, thống nhất cao".

Lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương cũng nêu rõ "cơ bản không có hiện tượng chạy chức, chạy quyền, vận động, tác động bởi lợi ích nhóm".

Danh sách Bí thư các tỉnh, thành nhiệm kỳ 2020 - 2025

Hoàng Thùy

tin tức liên quan