Đại biểu Quốc hội: 89% diện tích rừng bị mất là do chuyển đổi mục đích sử dụng

Ngày đăng: 10:24 03/11/2020 Lượt xem: 274

Đại biểu Quốc hội: 89% diện tích rừng bị mất là do chuyển đổi mục đích sử dụng

 Khánh Nguyên Thứ ba, ngày 03/11/2020 10:12 AM (GMT+7)
 
Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2020 tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV trong bối cảnh miền Trung vừa trải qua một đợt lũ lụt, sạt lở đất nghiêm trọng, nhiều đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của phát triển rừng, đồng thời đề xuất cần có đánh giá lại các dự án thủy điện nhỏ.
 
 

 
 

Thống nhất danh mục hóa chất được phép sử dụng giữa các ngành 

Theo đại biểu Trần Văn Cường (Đồng Tháp), hiện nay, việc quản lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật vẫn còn phức tạp, thị trường kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, phân bón như lạc vào mê hồn trận, tình trạng lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật vẫn còn khá phổ biến. 

"Việc kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, phân bón vẫn phức tạp, nạn kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng vẫn còn, thậm chí có loại cấm sử dụng ở Việt Nam vẫn được lưu hành. Việc thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật chưa tốt nên gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, mất cân băng hệ sinh thái nông nghiệp" - ông Cường nêu một thực tế. 

Cũng theo ông Cường, Bộ NNPTNT vừa ban hành Thông tư số 10 ban  hành danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam với 1.795 hoạt chất và trên 4.000 tên thương hiệu. Tuy nhiên, hiện nay, việc kiểm tra, giám sát khâu lưu thông gặp khó khăn.

"Nguyên nhân là do chế tài đối với hành vi sản xuất kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng chưa đủ sức răn đe, người dân chưa được thông tin một cách đầy đủ kịp thời nên vẫn còn lạm dụng. Việc ban hành danh mục hóa chất được phép sử dụng chưa đồng bộ, có hoạt chất lĩnh vực này cấm nhưng lĩnh vực khác lại cho phép sử dụng" - ông Cường nhấn mạnh.

Từ thực tế đó, đại biểu Cường kiến nghị, cần có sự đồng bộ giữa các ngành trong quy định danh mục thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất được phép sử dụng, tăng chế tài xử phạt, thực hiện thí điểm công nghệ truy xuất nguồn gốc hàng hóa nông sản để nâng cao trách nhiệm của người sản xuất.

Đại biểu Quốc hội: 89% diện tích rừng bị mất là do chuyển đổi mục đích sử dụng  - Ảnh 1.

ĐBQH Trần Văn Cường (Đồng Tháp) phát biểu.

89% rừng tự nhiên mất do chuyển đổi mục đích sử dụng

Thảo luận tại hội trường về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, đại biểu Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn) quan tâm đến lĩnh vực bảo vệ, phát triển rừng ở các tỉnh miền núi.

Theo đại biểu Phương, rừng có vị trí vô cùng quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, nhất là hiện nay tình hình biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng. 

Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách hiệu quả trong bảo vệ, phát triển rừng, từ đó nâng cao độ che phủ rừng lên 42%, chính sách giao đất giao rừng là giải pháp mang tính đột phá.

"Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, việc phát triển kinh tế xã hội gắn với phát triển lâm nghiệp chưa hiệu quả. Trong 5 năm qua, theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp, diện tích rừng bị mất do chặt phá là 11%, trong khi 89% rừng bị mất là do chuyển mục đích sử dụng" - đại biểu Phương nêu một con số. 

Đại biểu Phương kiến nghị, Chính phủ xem xét tiêu chí phân bổ ngân sách, sắp xếp ổn định dân cư để đảm bảo an toàn cho người dân. Đầu tư cho hạ tầng lâm nghiệp và sản phẩm lâm nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng, khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Nông nghiệp là giá đỡ

Theo đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau), trong xâm nhập mặn ảnh hưởng đến đời sống người dân, dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, dịch Covid-19 ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, mưa lũ ngập lụt khắp miền Trung nhưng ngành nông nghiệp đã thể hiện vai trò là giá đỡ của nền kinh tế.

Tuy nhiên, thiệt hại của người dân do mưa lũ là khó đong đếm, do vậy, ông Hận đề nghị cần có đánh giá đầy đủ về tình hình mưa lũ, từ đó, đánh giá đúng chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế, thực trạng đời sống của nông dân.

Đánh giá lại dự án thủy điện nhỏ

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) cho rằng, qua thực tế mưa lũ ở miền Trung vừa qua, Chính phủ, ngành chức năng cần có đánh giá lại các dự án đầu tư thủy điện nhỏ, bởi thực tế, vẫn còn tác động xấu ở những dự án thủy điện nhỏ này, chứng tỏ công tác đánh giá tác động môi trường của dự án thủy điện còn nhiều vấn đề. 

Đồng quan điểm, đại biểu Phan Thanh Bình (Quảng Nam) cho rằng, từ thực tiễn của Quảng Nam nói riêng và miền Trung nói chung sau khi xảy ra sự cố thiên tai, sắp tới trong việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về đồng bào dân tộc thiểu số miền núi nên có cơ chế hỗ trợ thóc gạo cho đồng bào, để nông dân không phải trồng lúa rẫy, giữ rẫy làm rừng.

"Khuyến khích trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa, đặc biệt quan tâm đến các dự án thủy điện, thủy lợi phải chuyển mục đích sử dụng rừng, phải xem lại công tác trồng rừng thay thế, đặc biệt là rừng phòng hộ, bởi thực tế, thu hồi diện tích rừng ở vùng này có chức năng phòng hộ nhưng trồng bù nơi khác không còn chức năng phòng hộ nữa" ng Bình nói. 
Đại biểu Quốc hội: 89% diện tích rừng bị mất là do chuyển đổi mục đích sử dụng  - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường thảo luận tại Quốc hội.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Phát triển rừng được coi là giải pháp trọng yếu để bảo vệ môi trường

Giải trình về một số vấn đề đại biểu Quốc hội thảo luận, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, nền nông nghiệp đang vận hành theo xu hướng tạo ra sản phẩm sạch, nếu như năm 2016 chúng ta cần 10 triệu tấn phân bón, chủ yếu là phân bón vô cơ thì hiện nay, sản phẩm phân bón hữu cơ đã tăng lên 4 triệu tấn; 710 nhà máy sản xuất phân bón vẫn giữ từ năm 2016 đến nay, không cho tăng thêm.

Đáng chú ý, cả nước đã có 243.000ha diện tích sản xuất hữu cơ ở 45 tỉnh, kim ngạch xuất khẩu nông sản hữu cơ đạt 235 triệu USD.

Đối với thuốc bảo vệ thực vật, trước nhập tới 120.000 tấn/năm, nhưng năm 2019 chỉ nhập 75.000 tấn, trong đó có 20% là thuốc sinh học; trong số này còn tái xuất bằng các sản phẩm chế biến.

"Tuy vậy, việc quản lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật còn hạn chế, cần hoàn chỉnh chế tài, hướng dẫn tốt hơn, vận hành nông nghiệp đúng hướng theo hướng sạch, an toàn" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Về phát triển rừng, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, hiện diện tích rừng cả nước đạt 14,6 triệu hecta, trong đó rừng tự nhiên 10,3 triệu hecta, rừng trồng 4,3 triệu hecta. Phát triển rừng được coi là giải pháp trọng yếu để bảo vệ môi trường, hiện hệ số che phủ đạt 42%.

"Đáng chú ý, ngành chế biến, xuất khẩu gỗ với nguyên liệu là rừng trồng trong nước rất phát triển với 4.600 doanh nghiệp tham gia, kim ngạch xuất khẩu năm 2020 dự kiến đạt 13 tỷ USD" - Bộ trưởng Bộ NNPTNT nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT, Chính phủ luôn có chính sách cho khoanh nuôi, bảo vệ rừng, nâng định mức khoán, tiền chi trả cho người dân tham gia bảo vệ rừng. Ngày 20/10, Việt Nam chính thức ký với Quỹ đối tác các bon thế giới để có thêm nguồn tài chính cho phát triển rừng. 

Về xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, đã có Nghị quyết 120 bao trùm, khai thác ĐBSCL theo hướng dựa vào tự nhiên sang hướng thích ứng với tự nhiên; đã có 400.000ha trong tổng số 1,8 triệu tecta đất trồng lúa chuyển sang trồng cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản. 

Việc chỉ đạo né hạn mặn, chủ động linh hoạt trong mùa vụ đã đảm bảo vụ đông xuân thắng lợi. "Một mặt tái cơ cấu thích ứng, căn cứ thị trường, nguồn nước, bố trí thủy sản, cây ăn trái là thế mạnh, đưa khoa học công nghệ vào để Thủy Tinh dâng đến đâu, Sơn Tinh cao lên đến đấy" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.


tin tức liên quan