Góp ý Đại hội Đảng 13: Vì việc chọn người, không để sót nhân tài

Ngày đăng: 03:57 09/11/2020 Lượt xem: 373
 Góp ý Đại hội Đảng 13:

                     Vì việc chọn người, không để sót nhân tài


                                Nguồn: Báo Điện tử TuanVietnamnet

Đại hội Đảng 13 là dấu mốc quan trọng, có ý nghĩa định hướng tương lai, tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế

 

Đặt trong bối cảnh đó, công tác nhân sự cần có sự đột phá nhằm đưa đất nước phát triển nhanh hơn. 

Trước hết, Đảng phải rà soát chấn chỉnh lại trách nhiệm của các cấp ủy, cơ quan tham mưu của Đảng trong việc lựa chọn cán bộ. Cần lựa chọn nhân sự thông qua công việc, nói cách khác là tìm người để giao việc. Nếu chọn sai người thì trách nhiệm thuộc về người chọn và bổ nhiệm cán bộ đó.

Ràng buộc chặt chẽ trách nhiệm người đề cử, tiến cử cán bộ là điểm mấu chốt trong công tác nhân sự để tìm được cán bộ đủ đức, đủ tài vào bộ máy của Đảng, Nhà nước.

Chuyển dần từ cơ chế Đảng cử sang Đảng lãnh đạo tranh cử 

Đất nước ta đang bước vào thời đại công nghiệp 4.0, đòi hỏi sự không ngừng đổi mới, sáng tạo. Công tác cán bộ cũng không nằm ngoài xu hướng đó.

 
Vì việc chọn người, không để sót nhân tài
Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh Yên Bái khóa 19, nhiệm kỳ 2020 - 2025 dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 ra mắt Đại hội

Đã đến lúc Đảng nên xem xét và có bước đi hợp lý để chuyển dần từ cơ chế Đảng cử sang cơ chế Đảng lãnh đạo thi cử, tranh cử nhằm chọn đúng nhân tài phụng sự đất nước.

Khi chuyển sang cơ chế này, Đảng cần cung cấp đủ thông tin cho đảng viên và nhân dân bầu cử, chọn người đủ đức, đủ tài mà đất nước thực sự cần.

Việc chuyển sang cơ chế thi cử, tranh cử các chức danh lãnh đạo có nhiều lợi thế, giúp sàng lọc nhân sự tốt hơn vì bản thân người ra tranh cử họ đã tự sàng lọc mình với hai tiêu chí quan trọng nhất: 1 là có năng lực thực sự , 2 là đời riêng lành mạnh mới dám ra tranh cử. Đây chính là bước sàng lọc quan trọng nhất của mỗi cá nhân.

Sau khi có danh sách ứng cử viên, Đảng tiếp tục theo dõi quá trình tranh cử, định hướng nội dung tranh luận giữa các ứng cử viên để chọn ra những ứng cử viên xuất sắc hơn cả trí tuệ, phương pháp và bản lĩnh. Sau đó đưa các ứng cử viên tiêu biểu nhất ra cho nhân dân lựa chọn để bầu. Nhân tài rất cần một cơ chế minh bạch để thể hiện vì họ không thể làm được những việc mà người kém tài, hám danh vẫn làm.

Thử thách qua thực tiễn

Tìm được người tài rồi thì vẫn cần thử thách qua thực tiễn. Ví dụ, nếu giao 30kg thóc thì ai cũng gánh được, nhưng nếu giao thêm, giao thêm nữa thì càng về cuối sẽ càng ít người làm được.

Kinh nghiệm của Trung Quốc cho thấy, luân chuyển để thử thách cán bộ nhằm chọn ra người giỏi nhất, xứng đáng nhất. Ở Trung Quốc, họ có thể chọn một lúc nhiều thứ trưởng giỏi để cử đi làm chủ tịch, bí thư tỉnh thành ủy ít nhất là 5 năm cho một chức danh để sàng lọc, trước hết là thực nghiệm ở những tỉnh nghèo.

Trong những cán bộ được thử thách và thành công ở những tỉnh nghèo tiếp tục luân chuyển đến những tỉnh thành giàu, để xem những cán bộ đó tiếp tục trưởng thành và thực thi ra sao. Từ đó mà chọn những người thành công nhất để bổ nhiệm cán bộ cao cấp cho Đảng và nhà nước

Chọn nhân tài cần có tầm nhìn mới

Chúng ta có truyền thống chọn cán bộ chủ yếu là đảng viên và những người trong biên chế Nhà nước. Như vậy là đúng nhưng chưa đủ vì dễ bỏ sót nhân tài trên nhiều lĩnh vực, trong đó rõ nhất là hai lĩnh vực: Thứ nhất, khu vực kinh tế tư nhân có rất nhiều người giỏi. Chúng ta chưa dùng mà họ cũng không thể len được vào Nhà nước. Nước ta bây giờ có nhiều thương hiệu sáng giá là nhờ những doanh nhân giỏi. Những người đó nếu được Chính phủ, Nhà nước sử dụng để lãnh đạo kinh tế thì dứt khoát sẽ làm rất tốt. 
 
Vì việc chọn người, không để sót nhân tài
Các đại biểu bỏ phiếu bầu Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Kon Tum khoá 16, nhiệm kỳ 2020-2025

Thứ hai là chúng ta cần tận dụng nhân tài là kiều bào yêu nước. Khi Bác Hồ làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa lâm thời, nước ta lúc bấy giờ chỉ có khoảng gần 20 vạn Việt kiều, chủ yếu ở Pháp. Bác đã mời hàng chục vị về làm Bộ trưởng, Thứ trưởng và nhiều nhà khoa học đầu đàn.

Những người này nếu xét về thành phần thì đều chưa hẳn là công nông. Nhưng Bác chọn nhân tài chỉ có 3 tiêu chí: có đức, có tài và yêu nước. Yêu nước thì thương dân vì nhân dân, vì công nông mà phục vụ. Đó là những người như Nguyễn Văn Huyên, Trần Đại Nghĩa, Tôn Thất Tùng, Tạ Quang Bửu, Nguyễn Xiển… Bây giờ, chúng ta có hơn 4 triệu Việt kiều, trong số đó có rất nhiều người có đức, có tài vẫn chưa có cơ hội về nước phụng sự đất nước và nhân dân.

Chọn, đào tạo, sử dụng nhân tài cần có tầm nhìn mới. Nhân tài trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi phải có tư duy mới, cách làm mới. Trong thời đại ngày nay, nhân tài phải nghĩ ra những cái chưa có trong sách hoặc  chưa có trong đời để làm, để đột phá và tăng tốc.

Nếu trước đây chúng ta chỉ giải thích và cải tạo thế giới thì bây giờ cần nâng lên tầm cao hơn là thay đổi thế giới. Nếu trước đây chúng ta tiến tuần tự thì bây giờ phải tìm cách nhảy vọt. Nếu trước đây chúng ta đặt ra yêu cầu năm sau phải cao hơn năm trước, thì bây giờ vừa phải cao hơn, vừa phải khác biệt năm trước.

Để làm được điều này thì cần tập hợp được nhân tài. Thế hệ trẻ bây giờ rất thông minh. Nếu chỉ tìm nhân tài trong số các đảng viên, trong biên chế Nhà nước thì dễ bỏ sót nhân tài. Nếu tổ chức thi tuyển, tranh cử nghiêm túc, khách quan thì người tài sẽ xuất hiện nhiều hơn đáp ứng tốt mọi mong muốn của Đảng, nhà nước và nhân dân. Người tài không bao giờ từ bỏ danh dự của mình để làm những điều không trong sáng và minh bạch. 

Tận dụng nhân lực toàn cầu

Trong thời đại công nghiệp 4.0, có 5 yếu tố toàn cầu hóa là: thị trường toàn cầu, công dân toàn cầu, nhân lực toàn cầu, ngôn ngữ toàn cầu và doanh nghiệp toàn cầu. Trong nhân sự, chúng ta nên xem xét để tận dụng nhân lực toàn cầu.

Ở Việt Nam, nếu trong lĩnh vực nào chưa có người Việt Nam đủ giỏi để làm được thì ta nên thuê người nước ngoài làm, cử cán bộ trong quy hoạch bám sát để tiếp cận học hỏi và sẵn sàng thay thế khi cần thiết. Cách làm này vừa giải quyết trước mắt, vừa đáp ứng lâu dài. 

Vì sao hãng Hàng không quốc gia Vietnam Airlines vươn lên ngang tầm quốc tế? Là vì  phi công của Vietnam Airlines nhiều người mang quốc tịch nước ngoài. Một ví dụ khác, Vinfast có 365 ngày để làm ra một dòng ô tô hiện đại mang thương hiệu Việt Nam và họ đã thành công. Đấy là nhờ họ thuê người nước ngoài để thiết kế, tổ chức sản xuất dưới sự chủ trì và tự chủ của người Việt Nam.

Tóm lại, Việt Nam có 3 vấn đề cần phải quan tâm để thu hút và trọng dụng nhân tài là kinh tế tư nhân; Việt kiều yêu nước và nhân lực toàn cầu… Nếu có tầm nhìn xa trông rộng, mang tính thời đại và toàn cầu hóa, chúng ta mới có cơ hội đột phá và thành công, đưa đất nước ta sớm sánh vai với các cường quốc 5 châu như mong muốn của Bác Hồ.

TS Lê Doãn Hợp (Nguyên Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông)

( C. H sưu tầm)

tin tức liên quan