Bộ Tài chính thống nhất với Bộ Công Thương điều chỉnh giá xăng dầu 10 ngày/lần
Bộ Tài chính thống nhất với Bộ Công Thương điều chỉnh giá xăng dầu 10 ngày/lần
Nguồn: Báo Điện tử Thời Đại
Bộ Tài chính vừa đưa ra một loạt ý kiến góp ý với Bộ Công Thương về thời gian điều chỉnh giá xăng dầu, cũng như hoạt động kiểm soát đầu mối cung cấp. Việc điều chỉnh này sẽ phản ánh sát diễn biến giá xăng dầu trên thế giới hơn trước đây.
Trong văn bản tham gia ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 83/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, Bộ Tài chính thống nhất với Bộ Công Thương giảm thời gian giữa 2 lần điều chỉnh giá xăng dầu liên tiếp từ 15 ngày hiện nay xuống còn 10 ngày.
|
Bộ Tài chính thống nhất với Bộ Công Thương điều chỉnh giá xăng dầu 10 ngày/lần. |
Về mức biến động giá cơ sở giữa hai kỳ điều hành, Bộ Tài chính cho rằng cần báo cáo Thủ tướng trên cơ sở công thức tính giá và cơ chế sử dụng Quỹ bình ổn giá (BOG) đã được quy định trước đó. Điều này nhằm tăng tính chủ động cho cơ quan điều hành giá và bảo đảm tính kịp thời cho thời gian điều hành.
Bộ Tài chính thống nhất tăng mức biến động giá từ 7% lên 10%. Đồng thời, cũng đề nghị Bộ Công Thương đánh giá làm rõ thêm những khó khăn, vướng mắc, ưu, nhược điểm và đánh giá kỹ những tác động ảnh hưởng đến chỉ số CPI.
Đối với công thức tính giá xăng dầu từ nguồn trong nước, căn cứ thực tế giao dịch mua bán xăng dầu và đặc thù của hoạt động kinh doanh này, Bộ Tài chính đồng ý phương án giá xăng dầu từ nguồn trong nước được tính trên cơ sở giá xăng dầu thế giới và các chi phí khác.
Trong hoạt động quản lý, cụ thể là sử dụng Quỹ BOG, Bộ Tài chính cho biết vẫn còn một số ý kiến khác nhau nhưng từ kết quả thực hiện thời gian qua cho thấy đây vẫn là một công cụ kinh tế và giải pháp có tính khả thi, hiệu quả, góp phần bình ổn giá xăng dầu trong nước, qua đó góp phần ổn định mặt bằng giá cả chung.
Cũng tại văn bản góp ý lần này, Bộ Tài chính đề nghị lùi thời hạn áp dụng hóa đơn điện tử và kết nối dữ liệu hóa đơn điện tử từ 1/11/2020 sang ngày 1/7/2022 do còn nhiều vướng mắc ở các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
Do đó, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương sớm có quy định kiểm soát thương nhân, trung gian kinh doanh xăng dầu để không phát triển nóng, khó kiểm soát. Đồng thời, Bộ Công Thương cần bổ sung quy định thực hiện hóa đơn điện tử và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế như một điều kiện trong cấp phép kinh doanh xăng dầu.
( C. H sưu tầm)