Ngày 20/11 mẹ bối rối nghe con hỏi: 'Sao mẹ tặng cô nhiều tiền thế?'
Ngày 20/11 mẹ bối rối nghe con hỏi: 'Sao mẹ tặng cô nhiều tiền thế?'
Nguồn: Báo Điện tử InfoNet
'Vừa hôm 20/10 cô được nhận tiền, giờ mẹ lại chuẩn bị phong bì để tặng ngày 20/11. Sao mẹ tặng cô nhiều tiền thế? Sau này con cũng làm thầy giáo nhé?' - Câu hỏi của cậu con trai học lớp 2 khiến chị Hải Oanh (Hà Nội) bối rối.
Chị Hải Oanh kể, sáng hôm trước sau khi đưa con đi ăn sáng, chị tạt vào shop đồ lưu niệm để mua phong bì và tấm thiệp chúc mừng 20/11. Nhân tiện chị bỏ tiền vào phong bì với ý định chuẩn bị tặng thầy cô giáo của con.
Vốn dạy con thái độ tôn trọng, biết ơn thầy cô nên chị vẫn rất tế nhị khi tặng quà cô. Khi con học lớp 1, chị dẫn con đến tận nhà cô dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Chị đã cài phong bì vào tấm thiệp đi kèm bó hoa tặng cô. Thằng bé thì vẫn hồn nhiên nghĩ con tới chỉ để tặng cô một bó hoa tươi đẹp.
Thế nhưng lên lớp 2 con đã để ý hơn. Con kể, ở lớp toàn thấy các bạn mang phong thư lên tặng cô. “Trong ấy là tiền đấy mẹ, không phải bưu thiếp đâu”, thằng bé khẳng định. Trước câu nói của con, chị Hải Oanh chỉ biết lờ đi, bởi chính chị cũng tặng quà cho cô giáo theo cách này, chỉ là thằng bé chưa biết thôi.
|
Ảnh có tính chất minh họa |
Chia sẻ về vấn đề tặng quà tế nhị này, cô giáo Trần Hoàng Anh (Hà Nội) cho rằng hạnh phúc lớn nhất của người giáo viên là tình cảm, sự trân trọng của học sinh. Và ngày 20/11 là dịp để các học trò thể hiện điều ấy.
“Tôi không phải là người giàu có. Tôi không chê tiền nhưng với tôi tiền là món quà nhiều giá trị nhưng nó lại không đem lại sự trân trọng và cảm xúc của học trò với người thầy.
Bởi lẽ, từ lâu rồi, ngày 20/11 cha mẹ học sinh đang tranh vị trí tặng quà của con cho thầy cô giáo. Theo đó, các bậc phụ huynh vội vã chuẩn bị phong bì, đến dúi cho cô và coi đó là mình đã hoàn tất nghĩa vụ với con. Trước mặt các con, giữa bục giảng không nhận cũng không được mà từ chối thì cũng không xong”, cô Hoàng Anh tâm sự.
Chỉ còn thời gian ngắn nữa là cô Hoàng Anh đến tuổi nghỉ hưu, người giáo viên già nhớ lắm những ngày đầu tiên đi dạy. Đó là những tháng năm điều kiện kinh tế chưa như bây giờ, học trò nghèo nhưng giàu tình cảm.
Đến giờ nhắc lại kỷ niệm cũ cô vẫn rưng rưng. Những gương mặt học trò ấy mồ hôi nhễ nhại đạp xe đến nhà cô ngày 20/11 rồi đùn đẩy nhau tặng cô... gói thịt quay.
“Nếu gói thịt quay đó kèm theo là cả một trời yêu quý của trẻ thì phong bì ngày nay kèm theo chút khinh thường và sự vội vàng trút trách nhiệm từ phía cha mẹ sang thầy cô”, cô Hoàng Anh buồn bã nói.
Theo quan điểm của cô Hoàng Anh, giáo viên không giàu lên được từ những phong bì bố mẹ tặng dịp 20/11. Nhưng một bó hoa thật đẹp, trong đó có loài hoa cô giáo thích thì chắc chắn sẽ khiến bản thân giáo viên cảm động.
“Một túi quà được gói thật đẹp khiến bản thân cô vui hơn vì nó thể hiện sự trân trọng mà phong bì tiền không thể đo đếm được", cô Hoàng Anh nói.
Trái ngược với quan điểm này, một cô giáo xin được giấu tên lại cho rằng, mỗi dịp 20/11 nhà cô lại “bội thực” hoa và quà tặng. Trong đó nhiều nhất là dầu gội đầu, mỹ phẩm, khăn quàng…
“Thú thực nhà chỉ có 3 người. Những đồ này chúng tôi không dùng đến thành ra cũng không biết để làm gì. Hoa cũng thế, nhiều quá không biết để đâu… mà hoa thì không ăn được, quà không dùng được. Vì thế lãng phí vô cùng”, vị giáo viên này cho biết.
Theo giáo viên này, tặng giáo viên tiền cũng không phải là “xấu” nhưng điều cần lưu ý là cách tặng của phụ huynh như thế nào. Nếu được tặng kèm trong tấm bưu thiếp với thái độ kính trọng của các bậc phụ huynh thì cũng là cách giúp phụ huynh tiết kiệm thời gian, không đau đầu chọn quà.
Trao đổi thêm với phóng viên, chuyên gia xã hội Lê Thị Mộng Phương, nguyên chuyên gia nghiên cứu Viện xã hội học cho rằng, trước đây phụ huynh không tặng thầy cô nhiều tiền mà tình cảm rất ấm áp. Thường thì các em học sinh được tự mình tổ chức ngày 20/11 cho các thầy cô giáo.
“Nếu quan niệm nặng nề về tiền bạc sẽ mất đi sự ấm áp và sự tôn trọng của học sinh với thầy cô", chuyên gia Mộng Phương nhấn mạnh.
Do đó, theo vị chuyên gia này, để tổ chức ngày này một cách ý nghĩa, Ban phụ huynh có thể cùng các em học sinh nam (ở lớp cấp 2, 3) tự làm những món quà có ý nghĩa tặng thầy cô; hoặc các em nữ sinh tập những bài hát, điệu múa có ý nghĩa để tặng thầy cô nhân ngày 20/11.
"Ngày kỷ niệm nên để các em thổ lộ tình cảm của mình với thầy cô thì sẽ ấm áp hơn” - chuyên gia Mộng Phương nói.
Về vấn đề phụ huynh nên tặng hoa hay tặng tiền cho thầy cô trong ngày kỷ niệm, chuyên gia Mộng Phương cho rằng “không nên tặng quá nhiều hoa, hoặc quà không cần thiết gây lãng phí”.
“Theo đó, ban phụ huynh hoặc phụ huynh nên tìm hiểu gia cảnh các cô, tặng các món quà mà các cô đang có nhu cầu sử dụng. Trong trường hợp không tìm hiểu được thì tặng tiền để các cô mua sắm vẫn là hay nhất. Tuy nhiên, việc tặng tiền cũng phải được thực hiện một cách tế nhị với thái độ trân trọng”, bà Mộng Phương bày tỏ.
( C. H sưu tầm)