Những cảm xúc được định lượng về phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kì họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV. - Hoàng Văn Kính

Ngày đăng: 06:09 23/11/2020 Lượt xem: 479
Những cảm xúc được định lượng
về phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kì họp thứ 10,
Quốc hội khóa XIV.

Hoàng Văn Kính


(Ảnh minh họa)
          Kì họp Quốc hội nào cũng vậy, chất vấn và trả lời chất vấn luôn là một nội dung được cử tri cả nước đặc biệt quan tâm, theo dõi vì nó đụng chạm đến thực trạng xã hội, tâm tư nguyện vọng của cử tri gửi gắm nơi các đại biểu, và kì họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV cũng không nằm ngoại lệ.
          Là người trực tiếp theo dõi tất cả các hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn qua màn hình tivi, những điều đã cảm nhận được tôi xin lượng hóa bằng thang điểm:
Thứ nhất: Các phiên chất vấn và trả lời chất vấn được dư luận đánh giá cao, đúng như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tổng kết: Dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm, có sự trao đổi, tranh luận sôi nổi để làm rõ thêm những vấn đề mà cử tri quan tâm.
         Cái mới ở chỗ: Chất vấn của mỗi đại biểu không chỉ dừng lại ở từng vấn đề mà là bất cứ vấn đề gì người dân quan tâm, lo lắng. Không chỉ các vị Tư lệnh ngành được lựa chon trước để trả lời chất vấn mà tất cả các thành viên Chính phủ phải tham gia toàn bộ phiên chất vấn và sẵn sàng trả lời chất vấn những vấn đề có liên quan đến ngành mình phụ trách. Điều hành của Đoàn Chủ tịch ngày càng được đổi mới theo hướng: khoa học và tích cực làm cho  hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đạt hiệu quả, đáp ứng được mong mỏi của người dân. Mặc dù tổng lượng thời gian không  nhiều nhưng với 121 lượt đại biểu chất vấn, 41 lượt đại biểu tranh luận. Thủ tướng Chính phủ, 3 Phó Thủ tướng, 15 Bộ trưởng, Chánh án và Viện trưởng VKSNDTC đã trực tiếp trả lời chất vấn, ( nhiều vị phải đăng đàn nhiều lần) đã nói lên tính chất “ quyết liệt ” và mức độ “ nóng” trên nghị trường.
         Hầu hết các đại biểu đăng kí phát biểu và tranh luận đã tranh thủ tối đa thời gian cho phép. Những phát biểu dài, không đúng trọng tâm đều bị rung chuông nhắc nhở. Có nhiều nội dung Chủ tịch đoàn phải nhắc lại và khéo léo gợi ý để người trả lời đi thẳng vào vấn đề. Sau chất vấn và trả lời chất vấn có tổng kết, đánh giá nêu cái được và chưa được,  những vấn đề cần lưu ý để các cơ quan Nhà nước tiếp tục nghiên cứu và tổ chức thực hiện.
         Mặc dù vậy, nhưng tôi  chỉ chấm 7/10 điểm. Tại sao không phải là 8, 9 hoặc 10. Lí do là: Có một số nội dung qua trao đổi giữa người chất vấn và được chất vấn “ giằng co”, không ngã ngũ thì Đoàn Chủ tịch lại không có chính kiến, thể hiện rõ quan điểm như: Vấn đề xây dựng các đập thủy điện nhỏ; nguyên nhân để xẩy ra lũ lụt miền Trung; xử lí bộ sách tiếng Việt lớp1 Cánh diều…; Trách nhiệm của người đứng đầu ở một số sai phạm lớn không được chỉ rõ,  nhiều vấn đề trắng đen vẫn còn mập mờ… Tôi cho rằng đấy mới là vấn đề mà đất nước và người dân đang cần tại các phiên chất vấn.
Thứ hai: Các đại biểu Quốc hội đã thể hiện rõ tính nghiêm túc và tinh thần trách nhiệm trước cử tri cả nước. Câu hỏi ngắn, gọn, rõ, phản ảnh đúng tâm tư, nguyện vọng và những bức xúc của người dân…Sôi nổi, thẳng thắn nhưng rất xây dựng. Nhiều nội dung được tranh luận, được trao đi đổi lại, làm rõ với các thành viên Chính phủ.
         Ngoài những đại biểu đã từng làm dậy sóng nghị trường ở các kì họp trước, đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp với cử tri cả nước ( chủ yếu các đại biểu là nam giới) thì ở kì họp này nổi lên phát biểu của các đại biểu là nữ giới được dư luận hoan nghênh, đặc biệt quan tâm và đánh giá rất cao. Trong đó ấn tượng hơn cả là những câu hỏi chất vấn của đại biểu KSor H.Bơ Khắp với Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Nguyên nhân gây lũ lụt và sạt lở đất do đâu, thiên tai hay nhân tai. Nạn phá rừng làm thủy điện nhỏ có phải là nguyên nhân trực tiếp hay không. Trong thời gian tới Bộ trưởng tiếp tục ủng hộ việc phát triển thủy điện nhỏ đúng không? Sau khi nghe Bộ trưởng phân trần một lức, đại biểu này đã nói: Tôi rất chăm chú lắng nghe và cố gắng thấu hiểu, nhưng Bộ trưởng có nghe mà không hiểu tôi hỏi gì…Câu trả lời là có hoặc không chứ không có nhưng…Với tư cách chuyên gia, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ bộ trưởng thấy trách nhiệm thế nào trong việc bảo vệ môi trường hiện nay tại Việt Nam, câu này Bộ trưởng cũng chưa trả lời. Xin Thủ tướng cho biết: việc phá rừng đúng quy trình thông qua các dự án thì phải điểm tên, chỉ mặt tổ chức nào hay cứ bảo do Quốc hội bấm nút là được. Thủ tướng có ủng hộ văn hóa từ chức hay không. Trao đổi với Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường về diện tích trồng rừng H.Bơ Khắp cho rằng.: Con số Bộ trưởng đưa ra là vô lí, có gì đó thật sự là sai sai khi Bộ trưởng tính cả diện tích cây cà phê, cao su, điều…vào thành tích trồng rừng. đã làm nóng cả nghị trường.
         Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền đoàn Phú Yên; Chính phủ cần thay đổi một thói quen trong các báo cáo hàng năm và nếu không nhận ra rất có thể tạo thành một căn bệnh đùn đẩy, né tránh trong việc làm rõ, xử lí trách nhiệm. Đó là việc đánh giá chung chung những tồn tại, hạn chế mà không chỉ mặt, vạch tên gắn địa chỉ cụ thể…Chính phủ nói: một số địa phương, cơ quan, đơn vị. Chính phủ nêu có lúc, có nơi, Chính phủ nhìn nhận vẫn còn tình trạng thiếu quyết liêt, thiếu tinh thần trách nhiệm…các bộ, ngành địa phương sẽ nhẹ nhàng nghĩ Chính phủ nói ai thôi chứ không phải nói mình đâu …tôi cho rằng cần phải có tinh thần thẳng thắn, quyết liệt gấp đôi, gấp ba.
Về những sai sót của bộ sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1, bà đề nghị: Không thể dừng lại ở việc rút kinh nghiệm và việc trấn an dư luận bằng sợi dây kinh nghiêm, không có người dân nào đủ kiên nhẫn rút mãi sợi dây này bằng sức lực của niềm tin…
         Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền: Có chương trình phòng ngừa giảm thiểu thì kết quả thực hiện thường có nhiều chiều hướng ngược lại…người dân vi phạm nhẹ hay nặng đều bị pháp luật xử lí, cán bộ gây sai phạm nghiêm trọng thì được điều chuyển, vẫn an toàn sau lớp vỏ nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Làm cho người dân hiểu rằng việc áp dụng luật giành cho người dân khác với cán bộ…
 Ngoài ra ý kiến của các đại biểu Đặng Thị phương Thảo đoàn Nam Định. Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đoàn Hà Nội… cũng được dư luận đánh giá rất cao.
         Các phát biểu chất vấn nói chung và của các đại biểu nữ nói riêng đã phản ảnh được tâm tư, nguyện vọng, những bức xúc của người dân, nhiều vấn đề nóng đã được đặt lên bàn nghị sự, truy đến cùng. Trực diện, thẳng thắn và trách nhiệm. Không nể nang, không né tránh họ xứng đáng được điểm 10/10. Sự thẳng thắn và cương trực “ chất như nước cất” đã được cư dân mạng hết lời ca ngợi, suy tôn là Anh hùng trên nghị trường.
Thứ ba: Các thành viên Chính phủ, các trưởng ngành đã cố gắng làm rõ, đưa ra nhiều số liệu, luận cứ khoa học để trả lời nhiều vấn đề mà cử tri đang thắc mắc. Nhiều vị đã thấy được một phần trách nhiệm, những vấn đề còn đang yếu kém của đơn vị, ngành mình. Có nhiều tình huống các đại biểu nêu đã được làm rõ cả về trách nhiệm và giải pháp xử lí tiếp theo. Có nhiều phát biểu được dư luận hoan nghênh và đánh giá rất cao về cả tư duy, tầm nhìn và sự thấu hiểu; về sự thẳng thắn, rành rẽ, rõ ràng, trong đó điển hình là các phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trịnh Đình Dũng... Tuy nhiên phải nói thẳng nhiều vị chưa dám nhìn thẳng sự thật, quanh co, lảng tránh, ngụy biện, không trả lời thẳng vào nội dung các đại biểu nêu, thậm chí có những nội dung thuộc lĩnh vực mình phụ trách nhưng có vị nắm không chắc, chuyền bóng sang sân đối phương. Bài ca muôn thủa “ đúng quy trình”, “ đúng quy định” luôn được lặp đi lặp lại, chỉ nỗi thống khổ là chẳng theo quy trình nào. Trong đó trả lời chất vấn của các Bộ trưởng: Bộ Tài nguyên và môi trường; Bộ Công thương; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được dư luận đánh gia rất thấp.
         Với cách trả lời chất vấn như vậy họ chỉ đạt 6/10 điểm. Anh bạn tôi bảo như thế vẫn: đắt quá!
        Nghị trường đã hòa vào đời sống của xã hội, của mỗi người dân. Sự trông đợi và tin cậy, kì vọng của mỗi người dân ngày càng cao. Có người nói vui rằng Quốc hội đúng là của chúng ta ngày càng quyền lực hơn và “ khó tính ” hơn.
         Tôi rất tâm đắc với câu nói của đại biểu Ksor H.Bơ Khắp với Bộ trưởng Trần Hồng Hà“ Câu trả lời là có hoặc không chứ không có nhưng...”, qua cách đánh giá bằng điểm, tôi muốn gạt bỏ những cảm nhận chung chung theo kiểu: “ nghe cũng hay hay”, “ nói chung là tốt ”, “ hấp dẫn, có tiến bộ”, “ vớ vẩn, thiếu tính thuyết phục”, “ nói mãi quanh đi quẩn lại vẫn bài ca ấy”… mà thay vào đó là lượng hóa những cảm xúc của riêng mình bằng thang điểm 10.

 
Hoàng Văn Kính
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn VN

tin tức liên quan