Những bộ não nhân tạo Chủ nhật, 6/12/2020, 21:05 (GMT+7) Các bạn tôi ở Mỹ đang sử dụng AI viết ra sản phẩm thay đổi nhiều ngành nghề, song các bạn ở Việt Nam vẫn nghĩ Al là khoa học viễn tưởng. Hồi mới vào đại học, như nhiều bạn bè Việt Nam, tôi cũng không hiểu AI là gì. Tôi đã nghĩ mình muốn theo đuổi ngành văn học. Nhưng sau khi học lớp khoa học máy tính đầu tiên theo yêu cầu của nhà trường, tôi đã bị thuyết phục bởi tiềm năng xóa bỏ rào cản ngôn ngữ của AI. Sinh và lớn lên ở một xóm nhỏ miền bắc Việt Nam, nơi hầu hết mọi người không nói tiếng Anh, tôi nhận ra sự thiệt thòi của những người không thể sử dụng ngôn ngữ này. Phần lớn tri thức nhân loại được lưu giữ và truyền tải bằng tiếng Anh. Người thiếu tiếng Anh sẽ không tiếp cận được chúng. Tiếng Anh còn là ngôn ngữ chung đang vận hành thế giới. Bố mẹ tôi không dám tự sang Mỹ thăm tôi vì sợ lạc ở sân bay. Rào cản này có thể cơ bản được giải quyết bằng phần mềm tự động dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ kia. AI đã làm việc đó. Google dịch - chương trình chuyển ngữ phổ biến nhất trên thế giới hiện nay do Al vận hành. Càng tìm hiểu sâu về ngành này trong những năm học ở Stanford, hai nơi làm việc là Netflix và Nvidia, tôi càng bị choáng ngợp bởi tiềm năng của AI không chỉ trong dịch thuật mà còn ở rất nhiều khía cạnh khác của cuộc sống. Ngân hàng sử dụng AI để phát hiện gian lận. Công ty thương mại điện tử sử dụng AI để tự động đặt giá tối ưu. Bác sĩ sử dụng AI để chẩn đoán bệnh nhanh và chính xác... Hôm nay, con người chưa biết hết Al có thể làm được những gì. Ngày cuối cùng của tháng 11 năm nay là ngày quan trọng với ngành Trí tuệ nhân tạo toàn cầu. Alphafold, chương trình Trí tuệ nhân tạo của DeepMind, được xác nhận có thể dự đoán chính xác cấu trúc của Protein sau quá trình cuộn gập. Bước ngoặt này có thể giải quyết những thách thức lớn của ngành sinh học suốt 50 năm qua. Nó có thể là một phần quan trọng để chống lại các đại dịch trong tương lai. Tháng 11 cũng là tháng đặc biệt với ngành Trí tuệ nhân tạo Việt Nam vì có ngày hội Trí tuệ nhân tạo, sự kiện lớn tổ chức bởi nhiều cơ quan. Năm nay, năm thứ hai của sự kiện, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy lặp lại tuyên bố rằng AI "là tâm điểm trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, có thể tạo ra nhiều thành tựu, làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống của con người". Vậy Al thay đổi các nền kinh tế và chúng ta thế nào? Trên thế giới, nhiều chính phủ đã cam kết về việc đầu tư cụ thể vào AI. Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố đầu tư hai tỷ USD trong năm năm tới cho ngành này. Trung Quốc đưa ra "Chiến lược quốc gia AI" với cam kết hàng chục tỷ USD. Các thành phố của nước này cũng công khai kế hoạch riêng, như Bắc Kinh xây dựng khu công nghệ 2,1 tỷ USD tập trung vào AI, Thiên Tân lập quỹ đầu tư 16 tỷ USD. Còn Hàn Quốc đầu tư hai tỷ, Anh cam kết 1,5 tỷ và Pháp 1,8 tỷ USD. Danh sách đang nối dài. Lý do các chính phủ rót tiền vào phát triển AI trước hết vì sự an toàn của quốc gia. Trong lịch sử, đột phá về công nghệ cho phép các quốc gia nắm trong tay công nghệ đó thống trị quốc gia khác. Súng máy, tàu thuỷ bằng hơi nước, máy điện báo, rađa... từng là biểu tượng về sự phát triển của châu Âu. Những phát minh mới đã biến nhiều quốc gia phương Tây thành cường quốc, cho phép họ thám hiểm thế giới, chiếm đóng thuộc địa, biến người dân nước yếu hơn thành nô lệ. Lý do thứ hai để quốc gia đầu tư vào AI là kinh tế. McKinsey dự đoán, đến năm 2030, AI sẽ tạo ra thêm 13 ngàn tỷ USD cho nền kinh tế thế giới. Quả ngọt này sẽ thuộc về các quốc gia ứng dụng AI. Bởi AI cho phép tự động hoá nhiều ngành nghề, vừa giảm chi phí sản xuất vừa tăng năng suất. Công việc càng mang tính lặp lại nhiều càng dễ bị tự động hoá như nhiều khâu trong dây chuyền sản xuất, kho vận, đóng gói, lái xe tải, giao hàng, kể cả bán hàng và chăm sóc khách hàng. Nhiều công việc trước đây cần đến chuyên gia như dịch thuật, chẩn đoán bệnh, viết đơn kiện, khám phá thuốc, viết thơ, soạn nhạc, kể cả các bản tin trên báo cũng đang dần được tự động hoá. Nhiều ý kiến cảnh báo rằng tự động hóa sẽ dẫn đến thất nghiệp hàng loạt. Thất nghiệp sẽ dẫn đến giảm tiêu thụ, ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế. Lo lắng này hoàn toàn có lý, nhưng không phải điều bất khả kháng. AI không phải là công nghệ đầu tiên cho phép tự động hóa trên phạm vi lớn. Động cơ chạy bằng hơi nước cho phép sản xuất ra nhiều máy móc, tự động hoá lao động chân tay. Công nghệ thông tin tự động hoá nhiều việc liên lạc, tính toán. Trước mỗi cải tiến tự động hoá ở phạm vi lớn, luôn có người lo lắng về tương lai không có việc làm. Nhưng tương lai luôn có việc để làm, chỉ là yêu cầu và bản chất công việc khác đi. Tự động hoá có thể khiến nhiều công việc trở thành lạc hậu, nhưng nó cũng sẽ khiến nhiều nghề an toàn hơn, dễ chịu hơn, nâng cao chất lượng sống của người làm. Internet đã cho phép xây dựng nhiều ứng dụng và tạo ra nhiều nghề trước Internet không có, AI cũng sẽ cho phép xây dựng nhiều ứng dụng và tạo ra nhiều công việc từng bất khả thi. Alphafold với đáp án Protein cuộn gập có thể thay đổi bản chất của nghiên cứu sinh học, đưa chúng ta đến gần hơn với việc giải mã nhiều bệnh tật. Sau 6 năm từ ngày bước chân vào đại học, tôi đã trở thành một thạc sỹ trí tuệ nhân tạo, xây dựng sản phẩm hiện được sử dụng bởi các ngân hàng và cơ quan chính phủ ở Mỹ. AI cũng không còn là khái niệm của riêng giới nghiên cứu, học thuật. Nó đã trở thành một công cụ sản xuất như máy kéo cách đây nhiều thế kỷ, sẽ đổi thay cách mỗi chúng ta sống. Tin tốt là khác với nhiều ngành khoa học truyền thống, AI rất mở. Phần lớn bài báo nghiên cứu đăng trên mạng, nhiều thư viện phần mềm dùng trong ngành là mã nguồn mở. Tài liệu giảng dạy trực tuyến đa dạng và miễn phí, bao gồm cả nhiều chương trình giảng dạy chất lượng của những đại học hàng đầu. Là một người trong ngành từ lâu chờ nhà nước nhập cuộc, tôi đã khấp khởi mừng khi đại diện các bộ ngành Việt Nam tuyên bố về tầm quan trọng của AI. Song, tôi mới thấy nhà nước cam kết hỗ trợ AI mà không nói rõ sẽ lấy vốn ở đâu, bao nhiêu và hỗ trợ như thế nào cũng như các động thái cụ thể khác. Trong khi chờ đợi sự đầu tư của nhà nước, người dân nào cũng có thể tiếp cận kho tài liệu giảng dạy về AI trên Internet. Hiểu biết về "các bộ não nhân tạo" cho phép ta tự tin đưa ra quyết định hợp thời, tránh việc dành vài năm học một ngành không còn tồn tại khi bạn tốt nghiệp. Những người học sâu hơn về AI có thể tìm cơ hội với vô số công việc trên toàn cầu. Công nghệ phát triển không chờ đợi chính sách. Người dân, nếu không muốn bị lạc hậu, cũng không chờ đợi. Sự chủ động phát triển của mỗi cá nhân sẽ đóng góp vào sự vận động và an toàn của dân tộc. Nguyễn Thị Khánh Huyền (PS st Theo VnExpress.net)