Tư duy bằng cấp và hệ lụy. TG: Hoàng Văn Kính
Tư duy bằng cấp và hệ lụy.
TG: Hoàng Văn Kính
Có thể nói không ngoa, mấy năm lại đây ngành giáo dục có quá nhiều lùm xùm liên quan đến chương trình đổi mới giáo dục, sách giáo khoa, thi cử và học hành, bạo lực học đường, chuyên môn nghiệp vụ, sự xuống cấp về đạo đức, xa đọa về nhân cách… trong đó có nạn mua bán bằng giả buộc dư luận phải đặt câu hỏi về những lỗ hổng trong chương trình cải cách giáo dục và năng lực quản lí, điều hành của các cơ quan chức năng ngành giáo dục.
Có người đã cay đắng nhận xét: Xã hội ngày nay đến con người cũng giả thì chẳng còn gì người ta không thể làm giả. Nhiều người lầm tưởng uy tín của mỗi cá nhân được tạo dựng bởi cái ghế họ đang ngồi. Điều ấy chỉ là sự ngộ nhận khi sự thăng tiến để được ngồi vào cái ghế ấy được xác lập bằng những thủ đoạn mua bán đê hèn, vô liêm sỉ từ những chiếc bằng giả.
Mới đây, các cơ quan chức năng đã phát hiện: Trường đại học Đông Đô đã bán ra thị trường trên 600 bằng giả, nghe đâu trong đó có 55 người hiện đang làm việc trong bộ máy công quyền đã được xác minh và đã có danh sách cụ thể.
Bỏ tiền ra mua bằng giả, hầu hết họ phải là người khá giả và có nhiều tham vọng quyền lực.Tại sao chưa công khai trước bàn dân thiên hạ tên tuổi của những người này. Theo giải thích bởi vì đây là những người có uy tín, giữ vị trí chủ chốt ở một số cơ quan, địa phương phần lớn đang làm Thạc sỹ và nghiên cứu sinh.
Đấy là những người đang có “uy tín”, nghe gai hết cả người.
Dùng bằng giả là sự gian dối, thậm chí là tội lừa đảo. Bằng giả không thể tạo nên một nhân cách, nó chỉ tạo ra một con người giả, khoác trên mình tấm áo đạo đức giả để che đậy sự dốt nát.
Nhớ lại cái thời còn “ mông muội” mới cách đây vài chục năm làm gì có bằng giả, nạn bằng giả. Hồi ấy học thật, thi thật và bằng thật, các quan chức dù bé hay to đều tiến thân bằng ý chí và sự nỗ lực của bản thân. Nhờ đó mà uy tín của họ rất cao, luôn tận tâm tận lực phục sự Tổ quốc, phụng sự Nhân dân, được người dân ngưỡng mộ, thán phục. Cũng nhờ đó mà rất ít quan chức hư hỏng. Ấy vậy mà từ sau khi đất nước mở cửa, hòa nhập với cộng đồng thế giới, bằng cấp không còn chỉ là phương tiện mà đã trở thành mục tiêu phải có để tiến thân thì cái tệ nạn mua bán bằng cấp, chứng chỉ bùng nổ.
Có cầu ắt có cung, buôn bán bằng giả, chứng chỉ giả bỗng trở thành một ngành kinh doanh đắt khách, nhàn hạ, chẳng cần vốn nhưng có thu nhập rất cao. Chẳng cần phải ngày đêm dùi mài kinh sử vẫn đàng hoàng có tấm bằng để khoe mẽ với thiên hạ, để thăng tiến.
Theo kết luận của Thanh tra, trường Đại học Đông Đô chưa được Bộ GD&ĐT cho phép đào tạo văn bằng 2, trong đó có ngành ngôn ngữ tiếng Anh. Tuy nhiên từ tháng 2/2017 họ đã thông báo tuyển sinh văn bằng 2 tiếng Anh gửi các cơ sở, cá nhân để hợp tác đào tạo. Tại Viện đào tạo của trường này, các nhân viên tiếp nhận hồ sơ học viên nhưng không tổ chức thi đầu vào, không đào tạo theo chương trình, họ hướng dẫn học viên hợp thức các bài thi bằng hình thức phát đề thi và đáp án cho học viên chép lại. Cũng có những trường hợp chẳng cần phải hợp thức hóa bài thi. Họ đã làm giả quyết định công nhận danh sách 486 thí sinh trúng tuyển hệ văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Tiếng Anh ( bản photo).
Tháng 4/2019 trước yêu cầu của Bộ, để che dấu hành vi sai phạm họ đã kí hợp thức các quyết định công nhận tốt nghiệp cho các cá nhân không qua tuyển sinh, đào tạo theo quy định.
Trường này đã cấp 626 bằng giả. Qua xác minh trong số 193/626 người được cấp bằng giả có 60 người đã sử dụng bằng giả, trong đó 55 người sử dụng để xét tuyển nghiên cứu sinh bảo vệ luận án Tiến sỹ, một trường hợp làm điều kiện bảo vệ Thạc sỹ, một trường hợp thi nâng bậc Thanh tra viên, một trường hợp sử dụng xét tuyển Thạc sỹ. Ngoài ra trường này cũng còn một số bê bối khác như tuyển sinh vượt chỉ tiêu được phép, tuyển sinh không đủ điều kiện…
Rất đáng tiếc đường dây này có liên quan đến hầu hết những người có chức sắc cao nhất của Đại học Đông Đô: Hiệu trưởng, 2 Phó Hiệu trưởng, Phó Trưởng phòng quản lí đào tạo và quản lí sinh viên…
Đây là một trường đại học thuộc hàng danh giá của nước ta. Theo bảng xếp hạng đại học thế giới của Webometrics ( CSIC ), Đại học Đông Đô xếp thứ 557 trong tổng số 600 trường Đại học và học viện xuất sắc nhất khu vực đông nam Á. Qua vụ việc này xem ra cái anh CSIC này nếu không phải đã bị…dắt mũi thì cũng chỉ là phường “ ăn tục nói phét”!
Cũng mới đây thôi, ở Lai châu 13 cán bộ chiến sỹ CA đã bị tước quân tịch vì sử dụng văn bằng và chứng chỉ giả và bị đưa ra khỏi ngành. Trong số đó có 2 cán bộ cấp Phòng, một số chỉ huy cấp đội còn lại là cán bộ, chiến sỹ, trong đó có Thượng tá Thái Đình Hoài - Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế bị tước quân tịch và khai trừ khỏi Đảng.
Thái độ kiên quyết của lãnh đạo CA Lai Châu được dư luận hết sức đồng tình và hoan nghênh. Còn ở các cơ quan TW và những địa phương khác thì sao nhỉ? Sự việc đã được công khai, sờ sờ ra đấy mà sao im lặng đến rợn cả người. Dư luận cho rằng đây là vụ việc rất nghiêm trọng, vi phạm luật pháp, phải được xử lí bằng luật pháp, không thể chỉ “ xử lí nội bộ”, không thể xử lí bằng hình thức: chuyển vị trí công tác khác hoặc chuyển lên vị trí cao hơn như “ truyền thống” vốn có. Và danh tính của tất cả họ phải được công khai để nhân dân giám sát.
Thực ra vụ việc ở Đại học Đông Đô chỉ là giọt nước tràn li, gây bức xúc xã hội, làm hoen ố hình ảnh của ngành giáo dục. Còn bao nhiêu trường Đại học, Cao đảng, Trung cấp, Trung tâm trên cả nước kinh doanh bằng giả và có bao nhiêu quan chức đang nắm quyền cao chức trọng được thăng tiến bằng sự che đậy của các tấm bằng giả. Điều ấy không khó để khui ra. Vấn đề ở chỗ các cơ quan chức năng có muốn và có dám làm hay không. Đấy là một phép thử, mọi con mắt đang đổ dồn về một điểm.
Mọi lí lẽ để bao biện cho việc dây dưa, chậm trễ, thiếu kiên quyết, thiếu triệt để trong việc xử lí nạn mua bán bằng giả chỉ là sự ngụy biện thô thiển, là sự bao che, dung túng cho hành vi vô liêm sỉ của một số quan chức. Những người ấy họ làm gì còn tư cách, còn đủ uy tín để làm quan, để chỉ đạo, để dậy bảo người khác. Dù họ là những ông bà gì đi nữa.
Những cán bộ thật sự có đức, có tài chẳng ai làm cái việc xấu xa, đê hèn, bẩn thỉu ấy cả.
Chỉ khi giá trị của những tấm bằng được trả về đúng vị trí của nó là phương tiện để mỗi cá nhân thực thi nhiệm vụ. Chỉ khi năng lực thật sự của cán bộ, công chức được đo bằng mức độ hoàn thành nhiệm vụ và sự tín nhiệm của người dân. Chỉ khi nào vượt qua được tư duy bằng cấp trong tuyển dụng, nhận xét, đánh giá, cất nhắc cán bộ, công chức, nhân viên. Chỉ khi nào làm được như thế thì mới mong có hy vọng chấm dứt được nạn bằng giả.
Chính cái lối tư duy từ chỗ cần có thành cái phải có đã nảy sinh tệ mua bán bằng cấp giả, làm tha hóa một bộ phận cán bộ, công chức.
Người dân đang trông chờ vào sự quyết liệt của các cơ quan chức năng để hóa giải cái nạn bằng giả, làm lành mạnh đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Hoàng Văn Kính
(Hội viên Hội VHNT Trường Sơn VN)