Bí thư Nguyễn Văn Nên: Làm công an phải có lòng trắc ẩn và tính nhân văn
Bí thư Nguyễn Văn Nên: Làm công an phải có lòng trắc ẩn và tính nhân văn
Nguồn: Báo Điện tử Vietnamnet
"Trong đấu tranh với tội phạm, không chỉ nghiêm trị mà phải có phương pháp mang tính nhân văn", Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nói.
Nghiêm trị phải gắn với tính nhân văn
Sáng 25/12, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 48 năm 2010 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tội phạm trong tình hình mới.
|
Bí thư Nguyễn Văn Nên trao đổi với lãnh đạo Công an TP.HCM |
Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên dự và chỉ đạo hội nghị.
Đặt vấn đề về tội phạm, Bí thư Nên nhìn nhận: “Trước hết họ là con người. Không có người mẹ nào sinh con ra lại muốn con mình thành tội phạm. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, ai cũng có ước mơ và hoài bão.
Nhưng do nhiều nguyên nhân mà họ trở thành tội phạm. Vì vậy, phải biết chia sẻ với gia đình, người thân để cùng với họ lôi kéo người sai phạm trở về cuộc sống bình thường”.
Do đó, ông yêu cầu phòng, chống tội phạm phải lưu ý đến việc phối hợp đồng bộ, mang tính nhân văn.
Những chiến sĩ trực tiếp trên mặt trận phòng, chống tội phạm trước hết phải yêu nghề, đam mê, bản lĩnh, mưu trí và dũng cảm, đặc biệt phải có lòng trắc ẩn.
Nếu chùn bước thì... đi làm việc khác
Bí thư Nguyễn Văn Nên cũng cho rằng phòng, chống tội phạm không chỉ tự hào về những chiến công mà cũng cần tự kiểm để thấy được những mặt hạn chế.
|
Công an TP.HCM ra quân trấn áp tội phạm |
Cụ thể, công tác chỉ đạo phòng, chống tội phạm của các cấp ủy, chính quyền có nơi, có lúc thiếu chủ động, thiếu quyết liệt.
Nhiều địa bàn còn lơ là công tác tuyên truyền hoặc còn tuyên truyền thiếu trọng tâm, trọng điểm, thiếu chiều sâu, nhất là những địa bàn có các nhóm tội phạm nguy cơ cao hay vùng ven...
Số vụ phạm pháp được kiềm chế, kéo giảm nhưng con số vẫn còn cao. Tính chất, thủ đoạn, hành vi phạm tội ngày càng tinh vi, rất đáng lo ngại.
Số đối tượng quản lý có mầm mống phạm tội từ ma túy là khoảng 15.000 người, nhưng con số không quản lý được là nguy cơ cho xã hội.
"Số tội phạm truy nã bắt được khoảng 5.000, vẫn còn gần 3.000 đối tượng ngoài xã hội và còn bao nhiêu nữa thì chưa thể biết. Đó là câu hỏi mà lực lượng đấu tranh với tội phạm phải sớm có lời giải", ông Nên nói.
Ông Nên cũng cho biết, trong đánh giá chỉ nói đối tượng gây án, các hoạt động phạm tội ngày càng trẻ, trong khi chưa có số liệu thống kê cụ thể để theo dõi, uốn nắn… thì mục tiêu bảo vệ sự bình yên, an toàn cho TP vẫn đang là thách thức rất lớn.
Theo ông Nên, cần làm cho mọi người thấy được trách nhiệm trong việc bảo vệ an toàn xã hội. Như vậy, mới huy động được toàn dân tham gia.
Người đứng đầu Thành ủy khẳng định, cuộc chiến đấu nào cũng có lực lượng nòng cốt, chủ công. Trong ngành công an có nhiều lĩnh vực, trong đó có những lĩnh vực rất thầm lặng, nhưng có những cống hiến rất giá trị như lực lượng kỹ thuật, tham mưu… Chính họ tạo sự kết nối quan trọng, làm cho quá trình đấu tranh với tội phạm hữu hiệu hơn.
Bí thư Nên cũng cho biết, TP.HCM là địa bàn trọng điểm di dân tự phát, cũng là trọng điểm nhiều đối tượng nhòm ngó… Nếu quản lý không tốt, không hiệu quả sẽ là thách thức.
Do đó, ông yêu cầu đẩy mạnh lồng ghép các chương trình đấu tranh với tội phạm và các chương trình hỗ trợ xã hội… Kết hợp nhuần nhuyễn các biện pháp đồng bộ, đảm bảo đúng pháp luật nhưng phải có tính nhân văn.
"Thiếu bản lĩnh, đam mê, chùn bước thì đi làm việc khác. Chống tội phạm phải có máu, nghe có tội phạm là phải có mặt, có cái đó thì mới làm người dân tin tưởng.
Trong lực lượng, nếu có ai chưa vượt qua chính mình, thấy chưa thật sự trong sạch thì phải rèn luyện, đừng để phát sinh tiêu cực, suy thoái về đạo đức tư tưởng, lối sống, phải kịp thời giáo dục, bồi dưỡng tư tưởng, kịp thời xử lý sai phạm", Bí thư Nên nhắc nhở.
( C. H sưu tầm)