Top 10 tỷ phú giàu nhất năm qua: Người thắng lớn bất chấp dịch bệnh, người bay hơi nghìn tỷ
Top 10 tỷ phú giàu nhất năm qua: Người thắng lớn bất chấp dịch bệnh, người bay hơi nghìn tỷ
Nguồn: Báo Điện tử InfoNet
Một năm sóng gió bởi đại dịch trôi qua, có những tỷ phú vẫn thắng lớn nhờ có thêm nhiều nghìn tỷ xét theo giá trị cổ phiếu họ nắm giữ tại các doanh nghiệp do họ gây dựng.
Theo thống kê trong top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán hiện nay, chỉ có 3 người ghi nhận mức sụt giảm về tài sản xét theo giá trị cổ phiếu tại thời điểm hiện tại và thời điểm cuối năm 2019. Đó là vợ chồng ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, và bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng Giám đốc Vietjet Air.
|
Top 10 người giàu nhất Việt Nam trong ngày đầu năm 2021 là những ai? |
Mặc dù vậy, ông Phạm Nhật Vượng vẫn luôn là người giàu nhất Việt Nam nói chung và TTCK nói riêng với khối tài sản tính đến 31/12/2020 là 207.396 tỷ đồng, bỏ xa người đứng thứ hai là ông Trần Đình Long tới 171 nghìn tỷ đồng.
Nếu so về giá cổ phiếu VIC ở thời điểm hiện tại và cuối năm 2019, giá trị tài sản của ông Vượng đã giảm 13.000 tỷ đồng dù trong tháng 12/2020 vừa qua, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã khôi phục được tài sản thoogn qua cổ phiếu là 8.242 tỷ đồng.
Năm 2020 chứng kiến màn chạy nước rút ngoạn mục của ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát. Từ vị trí luôn nằm ngoài top 5, “vua thép” đã lần lượt vượt qua các đại gia khác để nắm giữ vị trí thứ hai trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán.
Giá trị cổ phiếu HPG do ông Long nắm giữ hiện tại là 35.812 tỷ đồng, tăng mạnh 19.200 tỷ đồng sau một năm nhờ việc cá nhân ông sở hữu thêm lượng lớn cổ phiếu, cùng với đó là thị giá của HPG đã tăng tới 115% sau một năm.
Tính riêng trong tháng 12 vừa qua, giá trị tài sản của ông Long cũng đã tăng thêm 5.000 tỷ đồng do cổ phiếu HPG tăng thêm 16% về giá. Mức tăng này cũng giúp cho bà Vũ Thị Hiền, vợ tỷ phú Trần Đình Long ngấp nghé top 10 với lượng cổ phiếu HPG trị giá 10.075 tỷ đồng (đứng thứ 11 trong danh sách).
Sau một năm ngành hàng không gặp khó khăn do ảnh hưởng trực tiếp từ đại dịch, “nữ tướng” Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo đã tụt xuống vị trí thứ ba với khối tài sản trị giá 26.400 tỷ đồng, giảm 3.954 đồng so với đầu năm 2020. Trong đó, riêng việc giảm giá của cổ phiếu VJC khiến bà Thảo mất 4.300 tỷ đồng. Bù lại là sự tăng giá của cổ phiếu HDB giúp bà có thêm 332 tỷ đồng từ cổ phiếu này.
Tuy nhiên, nếu xét riêng trong tháng 12 vừa qua, giá trị tài sản của Madam Thảo lại tăng thêm 1.600 tỷ đồng. Đà phục hồi của VJC cũng là động lực thúc đẩy nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo vượt qua bộ đôi tỷ phú Hồ Hùng Anh và Nguyễn Đăng Quang trên bảng xếp hạng.
Bộ đôi tỷ phú Hồ Hùng Anh và Nguyễn Đăng Quang đang lần lượt nắm giữ vị trí thứ tư và thứ năm trong bảng xếp hạng những người giàu nhất sàn chứng khoán nhờ việc cùng nhau sở hữu lượng lớn cổ phiếu TCB và MSN.
Kết thúc năm 2020, giá trị cổ phiếu TCB và MSN do ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch Techcombank - nắm giữ đạt 22.223 tỷ đồng, tăng 8.500 tỷ đồng sau một năm. Trong khi ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Masan Group - có thêm 8.414 tỷ đồng, nâng tổng giá trị tài sản của ông vua hàng tiêu dùng lên mức 22.715 tỷ đồng.
Chỉ tính riêng trong tháng 12 vừa qua, giá trị tài sản của ông Hồ Hùng Anh và Nguyễn Đăng Quang đã lần lượt tăng thêm 2.200 tỷ đồng và 2.030 tỷ đồng.
Vị trí thứ 6 trong danh sách này thuộc về bà Phạm Thu Hương - Phó Chủ tịch Vingroup, vợ ông Phạm Nhật Vượng – Giá trị cổ phiếu VIC do bà Hương nắm giữ đã giảm 1.000 tỷ đồng trong năm qua, còn 16.344 tỷ đồng. Riêng trong tháng 12 vừa qua, bà Hương đã tích lũy thêm 650 tỷ đồng nhờ việc VIC tăng giá mạnh.
Ở vị trí thứ 7, ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch CTCP Novaland, ghi nhận thêm 1.404 tỷ đồng trong năm qua. Hiện giá trị cổ phiếu NVL của ông Nhơn là 14.258 tỷ đồng.
Đứng ở vị trí thứ 8 là ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch CTCP Phát triển BĐS Phát Đạt, với khối tài sản trị giá 12.500 tỷ đồng, tăng 7.200 tỷ đồng so với cuối năm 2019.
Dù ghi nhận mức sụt giảm gần 700 tỷ đồng về giá trị tài sản trong 1 năm qua, nhưng bà Phạm Thúy Hằng – Phó Chủ tịch Vingroup – vẫn góp mặt trong top 10 với vị trí thứ 9. Hiện giá trị tài sản của bà Hằng là 10.946 tỷ đồng.
Vị trí cuối cùng trong top 10 thuộc về ông Hồ Xuân Năng – Chủ tịch Tập đoàn Phenikaa và Công ty cổ phần Vicostone. Giá trị tài sản của ông Năng thông qua cổ phiếu VCS của Vicostone hiện đạt 10.541 tỷ đồng, tăng 2.500 tỷ đồng trong năm 2020.
Xuất thân từ một nhà khoa học nên ông Năng vốn là người kín tiếng và không mấy khi xuất hiện trước truyền thông. Tuy nhiên, cá nhân ông Năng và Tập đoàn Phenikaa đã có những đóng góp lớn cho lĩnh vực khoa học công nghệ, điển hình là việc tham gia tài trợ các dự án khoa học, đào tạo nhân lực trong lĩnh vực khoa học công nghệ thông qua Đại học Phenikaa và Quỹ Đổi mới sáng tạo Phenikaa.
Kết thúc năm 2020, chỉ số VnIndex tăng +142,88 điểm – tương đương +14,87%, đóng cửa ở mức 1103,87 điểm. Chỉ số có 301 mã tăng và 96 mã giảm.
TTCK Việt Nam đã đóng cửa năm hồi phục ấn tượng với mức tăng xấp xỉ 15% so với cuối năm 2019. Giá trị giao dịch bình quân phiên của cả 03 sàn đạt
tới 7.396 tỷ tăng tới 59% so với năm trước.
( C. H sưu tầm)