Thi người đẹp, bao giờ mới hết lùm xùm. TG: Hoàng Văn Kính

Ngày đăng: 08:45 04/01/2021 Lượt xem: 464
Thi người đẹp,
bao giờ mới hết lùm xùm.

Hoàng Văn Kính

 
          Lại một cuộc thi hoa hậu nữa bị “ bóc phốt” vì dính lùm xùm. Lần này là cuộc thi “ Hoa hậu doanh nhân sắc đẹp Việt Nam”. Nhưng có một điều kì lạ là chính người đoạt vương miện  đã gửi đơn đến Bộ VH-TT&DL, Bộ TT-TT và TAND TP Hà Nội tố cáo đây là cuộc thi hoa hậu rởm và có dấu hiệu lừa đảo thí sinh với số tiền hàng tỷ đông ( Báo Tuổi trẻ ngày 29/12/2020 ). Điều này đã được ông Nguyễn Việt Hưng là thành viên Ban giám khảo cuộc thi thừa nhận đã cầm của bà Q.H.L 800 triệu đồng với cam kết đào tạo, xây dựng hình ảnh để bà L. lọt vào tốp 4 và đoạt giải hoa hậu cuộc thi ( Báo Thanh niên ngày 30/12/2020 ).
          Ngày nay khi mà ta đang sống trong một thế giới phẳng, công nghệ truyền thông bùng nổ, giao thương mở mang, kinh tế phát triển, đi liền với đó là nhu cầu được thưởng thức cái đẹp âu cũng là lẽ thường tình. Trong đó có các cuộc thi người đẹp.
         Đi theo trào lưu chung đó, cuộc thi hoa hậu đầu tiên ở nước ta bắt đầu từ năm 1988 do báo Tiền phong khởi xướng, theo thông lệ cứ 2 năm một lần và thường tổ chức vào các năm chẵn.
          Tối ngày 20/11, chiếc vương miện cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2020 đã gọi tên Đỗ Thị Hà, sinh năm 2001 ở xã Cầu Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa, đang là sinh viên ngành Luật kinh doanh thuộc đại học Kinh tế quốc dân. Cô sở hữu  chiều cao 1,75m, số đo ba vòng: 80-60-90, cùng với đó là gương mặt khả ái với nụ cười tươi tắn.
          Là một nét văn hóa mới, ngay từ đầu, cuộc thi được cả nước nồng nhiệt đón xem. Ai có vinh dự được đội lên đầu chiếc vương miện vàng sẽ trở thành thần tượng ( đặc biệt với lớp trẻ ) được cả nước ngưỡng mộ, biết tên, nhớ mặt bởi mục tiêu của cuộc thi là để tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam.
          Thế nhưng bắt đầu từ năm 2011, các cuộc thi người đẹp bỗng trở thành phong trào rầm rộ trong phạm vi cả nước. Nào là Hoa hậu hoàn vũ, Hoa hậu biển. Đã có Hoa hậu biển nhưng lại phải thêm Hoa hậu đại dương cho đủ độ mặn, rồi Hoa hậu bản sắc Việt, Hoa hậu các dân tộc, Hoa hậu quý bà, Hoa hậu nhí... Chán hậu lại chuyển sang khôi, nào là Hoa khôi thời trang, Hoa khôi du lịch, Nữ hoàng trang sức, Nữ hoàng văn hóa tâm linh, Nữ hoàng từ thiện, Người đẹp các vùng kinh đô Việt Nam …Riêng năm 2017 có tới 20 cuộc thi các kiểu được tổ chức. Tính bình quân mỗi năm ở ta có 10 cuộc thi kiểu như thế.
          Và những lùm xùm từ thí sinh, từ ban tổ chức, từ đơn vị chủ quản cũng nở rộ với đầy tai tiếng.
          Phải kể đến một loạt các cuộc thi Hoa hậu “ chui” như: “ Hoa khôi duyên dáng doanh nhân Việt ”, “ Hoa hậu doanh nhân thành đạt toàn cầu”, “ Hoa hậu doanh nhân Việt Nam”, “ Hoa hậu tài năng duyên dáng toàn cầu”…Nhiều người đẹp đi thi chui tại các cuộc thi Quốc tế cũng góp phần tạo nên một hình ảnh xấu trên các “sân chơi” nhan sắc. Những cái tên người đẹp nhưng chẳng văn hóa tý nào như: Lê Âu Ngân Anh, Nguyễn thị Thành, Quế Vân, Mai Ngô, Huỳnh Tiên…từng làm dậy sóng dư luận một thời về hành vi thi “ chui”, vi phạm quy chế thi và không chấp hành yêu cầu của cơ quan chức năng. Hoa hậu Người đẹp du lịch Quảng Bình bị tước danh hiệu vì làm mất uy tín, hình ảnh của cuộc thi.
          Trước sự nở rộ như nấm gặp mưa rào của các cuộc thi người đẹp,  nhiều người ngao ngán lắc đầu chẳng qua đấy chỉ là chiêu trò để mấy em chân dài có cơ hội nhảy vào giới showbiz, đánh bóng tên tuổi dễ dàng kiếm việc nhẹ lương cao. Cũng có người thô lỗ hơn thì bảo: lại một cuộc thi tuyển rau sạch để tạo ra những đường dây kết nối đại gia với chân dài, còn các đơn vị đứng ra tổ chức thì cũng mong kiếm được rủng rỉnh các hợp đồng  quảng cáo, tài trợ… “ Có những đơn vị coi các cuộc thi là một “ thương vụ” làm ăn” ( Lời ông Lê Ngọc Cường Cục trưởng cục Ngệ thuật biểu diễn )
          Dư luận hoàn toàn có cớ vì không ít “ hoa hậu” đã sử dụng dao kéo để làm hoa mắt ban giám khảo. Có “ hậu” chưa tốt nghiệp phổ thông,  có “ hậu” vừa đăng quang đã chuyển ngay sang nghề bán dâm, một số có những cử chỉ, hành động và phát ngôn thiếu chuẩn mực sau đăng quang. Tại cuộc thi năm 2008  cả hoa hậu và ban tổ chức đã vi phạm “ luật chơi” vì đã chấp nhận học bạ giả trung học phổ thông của hoa Trần Thị Thùy Dung.
          Ngay sau khi đăng quang hoa hậu 2020, Đõ Thị Hà đã vướng phải những lùm xùm về những phát ngôn tục tĩu cô viết để đối đáp với bạn bè trên trang cá nhân. Có người thông cảm thì bảo đấy là “ chuyện vặt” của trẻ trâu, nhưng cũng có người cho rằng tư cách như thế không được “ sạch lắm”. Nói đi, nói lại nhưng nếu không có chuyện ấy thì chiếc vương miện sẽ tròn chĩnh hơn.
          Đêm chung kết được được dư luận ví như một chương trình tạp kĩ với thời lượng gần 4 tiếng, nhiều giải phụ và quảng cáo, những câu hỏi ứng xử sáo rỗng, tiết mục của Binz có ca từ nhục dục.
          Chục năm trở lại đây, các lùm xùm trước, trong và sau mỗi cuộc thi hoa hậu đã dần làm hoen ố chiếc vương miện.
          Theo phản ảnh của Zing  news ngày 29/11/2020, mới chỉ sau 2 mùa ( từ ngày được cấp phép), sân chơi sắc đẹp này đã gây nhiều tranh cãi, nhiều tai tiếng. Cuộc thi năm nay không chọn được hoa khôi, phần thi ứng xử thì ngô nghê. Trả lời câu hỏi “ Cuộc thi Hoa khôi du lịch Việt Nam được tổ chức sau mùa Covid-19 kéo dài. Là một thí sinh, bạn có cảm nghĩ gì?”, sau một hồi ấp úng, Á khôi 2 Ngô Mỹ Hải trả lời: “ Cuộc thì này là bước đầu tiên và em sẽ cố gắng để truyền bá hình ảnh Việt Nam đến bạn bè Quốc tế”. Màn công bố kết quả cuối cùng diễn ra như một trò hề, “ theo nguyên lí” thì thí sinh nào cao điểm nhất sẽ trở thành Hoa khôi ấy vậy mà khi 3 cô gái đứng trên bục để nhận kết quả chỉ có Á khôi 1 Bùi Minh Anh và Á khôi 2 Ngô Mĩ Hải, còn hoa khôi thì không có. (Một tiền lệ hy hữu chưa từng có trong bất kì cuộc thi sắc đẹp nào) Một trong ba cô gái và cả khán phòng đều chưng hửng. Nhớ lại  mùa thi đầu tiên năm 2017 hoa khôi Nguyễn thị Thành đã gặp “ sự cố” và cô gái này đã phải thừa nhận từng bọc 8 chiếc răng sứ. Cô này đưa lí do và cung cấp giấy tờ bọc răng vì tai nạn chứ không phải thẩm mĩ, khi cơ quan an ninh vào cuộc bóc mẽ thì hóa ra đấy là giấy tờ giả mạo. Cũng vì sự gian dối này mà cô ta đã bị loại khỏi vòng chung kết cuộc thi Hoa hậu Việt nam năm 2016. Cứ tưởng rằng “ sự cố’ ấy sẽ loại vĩnh viễn cô ta ra khỏi các cuộc thi người đẹp ấy vậy mà chẳng hiểu sao lại nhận được danh hiệu Á khôi 1 cuộc thi Hoa khôi Việt Nam năm 2017 để rồi bị bóc “ phốt” và bị tước danh hiệu.
          Nhiều người còn cho rằng các cuộc thi người đẹp không hề tôn vinh mà còn hạ thấp danh dự của người phụ nữ như ở phần thi mặc  trang phục bikini, các cô gái chân dài phải cởi bỏ hết chỉ che ba cái lá nho lên các vị trí nhậy cảm rồi uốn éo, nghiêng bên nọ, dạng bên kia cho bàn dân thiên hạ săm soi. Phải công nhận đấy là phần thi hấp dẫn nhất với nhiều người, cứ đến phần thi này bao giờ quan khách cũng nhấp nhổm, khán phòng bùng nổ những lời bình phẩm các kiểu. Đây là phần thi “ bổ mắt” được nhiều người thích nhất, nhưng nó cũng là phần thi phản cảm, hạ thấp danh dự của thí sinh và xa lạ với văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.
          Thế giới chẳng thấy ở đâu lại có nhiều cái gọi là cuộc thi người đẹp như ở ta và cũng chẳng ở đâu lắm lùm xùm như ở ta. Cái đẹp chưa thấy đâu nhưng sự nhục mạ lại nhiều đến thế.
          Đúng là đang loạn thi Hoa hậu.
          Vẫn biết rằng đấy là sân chơi của tuổi trẻ, cần phải có cái nhìn  “thoáng hơn”, nhưng tuổi trẻ cũng có lòng tự trọng, tuổi trẻ không chấp nhận sự lừa lọc, dối trá. Theo ông Lê Ngọc Cường Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn: “ Phải thừa nhận dù “ chưa nhiều”  nhưng chất lượng các cuộc thi chưa đạt được tầm như tên gọi, đáp ứng sự mong đợi của công chúng. Một số cuộc thi na ná nhau cả về nội dung và hình thức. Nói trắng ra là “ cắt dán”. “ xào xáo” các mảng miếng của nhau khiến người xem thất vọng…Đó là chưa kể sự vội vã, dễ dãi trong công tác tổ chức, tuyển chọn, đánh giá đã khiến chất lượng người đẹp ở một số cuộc chưa xứng với tầm vóc của nó nên những người đẹp đăng quang vì thế mà mờ nhạt”.

 
PHỤ ĐỀ:
         Được biết, sau khi Hoa hậu Đỗ Thị Hà đáp chuyến bay tới sân bay Thọ Xuân đã di chuyển về quê nhà tại xã Cầu Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa). Điểm đến đầu tiên là trụ sở UBND xã Cầu Lộc, nơi chính quyền địa phương và hàng nghìn người dân đang chờ đón.
        Tại đây, nhiều người thân, bạn bè và người dân đã chuẩn bị sẵn các băng rôn, cờ và banner để chào đón Hoa hậu. Do có đến hàng nghìn người dân tập trung, nên khi Hoa hậu về đến UBND xã Cầu Lộc, phải khó khăn lắm lực lượng chức năng mới mở được lối, để Đỗ Thị Hà cùng người thân đi từ cổng vào khu vực hội trường chính...
Người dân quê nhà xếp hàng để chào đón tân Hoa hậu. Ảnh: Q.D 
         Không biết rằng trong trường hợp một người con của vùng quê nào đấy thành công một đề tài khoa học có ích cho đời, cho nhân loại… hoặc một người được phong danh hiệu anh hùng… liệu có nơi nào tổ chức đón họ được thế này chăng… ?
 
Hoàng Văn Kính
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn VN

tin tức liên quan