Những chiếc "phong bì hư hỏng"
Nguồn: Báo Điện tử Dân Trí
Nếu không muốn "thân bại danh liệt", thậm chí là lao lý, thì ngay từ đầu nên tránh những việc làm sai trái. Một vài cái phong bì tưởng như không có gì lớn, nhưng sẽ dần tạo nên "nếp làm việc
Một người bà con đã lớn tuổi gặp vướng mắc về vấn đề đất đai, vừa rồi chia sẻ với người viết câu chuyện của mình với giọng điệu vui mừng, không giấu nổi sự sửng sốt: "Tôi có gửi chút quà cảm ơn mà anh cán bộ kiên quyết không nhận. Anh ấy đóng cửa phòng lại không cho tôi ra ngoài nếu như tôi không cầm phong bì về".
Câu chuyện này đúng là đã phát đi tín hiệu mừng về một thế hệ cán bộ, công chức mới trong bộ máy Nhà nước: vừa hồng vừa chuyên, vừa giỏi chuyên môn nhưng cũng rất chính trực.
Tuy nhiên, tôi sau khi nghe xong vẫn cảm thấy có chút vướng mắc trong lòng. Sự sửng sốt của người bà con ấy rõ ràng cho thấy, trước đó, ông đã nhiều lần gặp phải những sự không hay trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính.
Với nhiều người dân (nhất là những người lớn tuổi), họ mặc định việc giải quyết giấy tờ luôn phải đi kèm "phong bì" mới đầu xuôi đuôi lọt.
"Một bộ phận cán bộ, công chức chưa chấp hành nghiêm sự chỉ đạo, điều hành, quyết định của cấp trên, vi phạm quy định về văn hóa công sở, còn có biểu hiện gây phiền hà, sách nhiễu, vòi vĩnh, yêu cầu doanh nghiệp, công dân phải "chung chi" trong quá trình thực thi công vụ.
Cá biệt có cán bộ, công chức vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến mức phải thi hành kỷ luật, thậm chí phải truy cứu trách nhiệm hình sự; người đứng đầu một số ngành, địa phương, đơn vị chưa làm tốt vai trò, trách nhiệm, quyền hạn được giao..."
Đoạn tổng kết trên là của lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa về hoạt động ở địa phương. Người viết cho rằng, đây cũng là bức tranh chung về tác phong lề lối làm việc của cán bộ, đảng viên tại nhiều địa bàn trong cả nước.
Riêng ở Thanh Hóa trong năm 2020 vừa qua, Phòng Hình sự, Công an tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành bắt ông Nguyễn Ngọc Đính, Trưởng phòng Nghiệp vụ Dự toán Pháp chế thuộc Cục Thuế tỉnh Thanh Hóa khi đang nhận tiền của một doanh nghiệp.
Hay như trước đó, đoàn cán bộ Thanh tra tỉnh này gồm 5 người do ông Lê Mạnh Hà làm trưởng đoàn cũng đã bị phanh phui vụ nhận hối lộ của 5 doanh nghiệp và 1 đơn vị trường học với số tiền hơn 594 triệu đồng.
Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa cho rằng, những hạn chế, yếu kém nêu trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến kỷ luật, kỷ cương hành chính, làm giảm hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp, làm suy giảm lòng tin của tổ chức, công dân và ảnh hưởng đến các chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh của tỉnh Thanh Hóa.
Vượt ra khỏi phạm vi một tỉnh, ngay đầu năm nay, TAND tỉnh Vĩnh Phúc đang đưa ra xét xử vụ án "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản" liên quan đến đoàn thanh tra Bộ Xây dựng, xảy ra hồi tháng 6/2019 ở Vĩnh Phúc.
Thông tin ban đầu về vụ việc này cho thấy, chỉ sau hơn 1 tháng, các bị can đã chiếm đoạt, thu lợi bất chính hơn 2 tỷ đồng. Trong đó, nữ Trưởng đoàn thanh tra Bộ Xây dựng chiếm đoạt khoảng 1,3 tỷ đồng.
Đầu năm nên nói chuyện vui, song cũng phải thấy rằng, với những vụ "chung chi", "vòi vĩnh" bị đưa ra ánh sáng và phân xử trước pháp luật như vậy sẽ có tác dụng răn đe, cảnh báo với nhiều người khác.
"Cái kim trong bọc sẽ có ngày lòi ra". Nếu không muốn bản thân vướng vào "thân bại danh liệt", thậm chí là lao lý, thì ngay từ đầu nên tránh những việc làm sai trái. Một vài cái phong bì tưởng như không có gì lớn, nhưng sẽ dần tạo nên "nếp làm việc".
Người cán bộ phải rèn giũa bản thân. Còn chúng ta, nên chăng cũng cần bỏ tư duy "xin - cho" khi bước đến cửa cơ quan công quyền? Đó là sự tôn trọng bản thân, cũng chính là tôn trọng đối phương vậy!
( C. H sưu tầm)