Việt Nam nằm trong top 3 nước có chỉ số kỳ vọng kinh tế cao nhất thế giới
Việt Nam nằm trong top 3 nước có chỉ số kỳ vọng kinh tế cao nhất thế giới
Nguồn: Báo Điện tử Thời Đại
Theo kết quả khảo sát của Gallup International, hiện nay Việt Nam xếp thứ 3 trên thế giới về chỉ số kỳ vọng kinh tế với mức 45%.
Cụ thể, chỉ số kỳ vọng kinh tế cao nhất được ghi nhận ở Nigeria (58%), theo sau đó là Azerbaijan (47%). Việt Nam đứng thứ 3 ở mức 45%.
Cũng trong khảo sát, chỉ số kỳ vọng kinh tế của người dân Nga năm 2020 đã tụt xuống tới mức -41%. Trước đó, chỉ số thấp như vậy được ghi nhận tại quốc gia này là vào năm 1998. Chỉ số kỳ vọng thấp nhất trong 23 năm qua của Nga là -43% và được ghi nhận trong năm 2013.
|
Việt Nam xếp thứ 3 trên thế giới về chỉ số kỳ vọng kinh tế. |
Trong số 38.000 người trên 41 nước quốc gia trên thế giới thực hiện khảo sát, có 47% số người được hỏi nhận định rằng năm 2021 sẽ là năm kinh tế gặp nhiều khó khăn, trong khi 6% kỳ vọng kinh tế sẽ khởi sắc trong năm mới.
Cùng với đó, 40% số người Nga được hỏi cho rằng năm 2021 sẽ giống như năm 2020, trong khi 8% cảm thấy khó đưa ra nhận định chính xác.
Theo các nhà phân tích, chỉ số kỳ vọng về kinh tế thế giới năm 2021 là -21%. Cuộc khảo sát trên cho thấy 25% số người được hỏi mong đợi kinh tế phục hồi vào năm 2021, 46% cho biết đã chuẩn bị cho một năm đầy khó khăn.
Tỷ lệ kỳ vọng kinh tế thấp nhất được ghi nhận ở Anh, Bulgaria và Italy với tỷ lệ lần lượt là -62% và -59%. Thêm vào đó, tại Nga, chỉ số kỳ vọng kinh tế cao nhất được ghi nhận vào năm 2006 là 9%.
Năm 2020, dù suy giảm mạnh về tăng trưởng và hầu hết các chỉ tiêu kinh tế, song Việt Nam nằm trong số hiếm hoi các nước vẫn giữ được mức tăng trưởng GDP dương 2,91% (quý 1 tăng 3,68%; quý 2 tăng 0,39%; quý 3 tăng 2,69%; quý 4 tăng 4,48%); lạm phát dù cao nhất trong 5 năm qua, song vẫn trong phạm vi cho phép của Quốc hội đề ra.
Hơn nữa, lạm phát năm 2020 mang nặng yếu tố lạm phát tiền tệ và lạm phát ngoại nhập (do xu hướng chung là nới lỏng tài chính - tiền tệ, tăng đầu tư công và chi tiêu công, hỗ trợ xã hội và doanh nghiệp), giảm thiểu sức ép từ lạm phát chi phí đẩy (do giảm thuế và chi phí tài chính - tín dụng) và lạm phát cầu kéo (do tổng cầu xã hội tăng trưởng âm).
Theo Tổng cục Thống kê, xuất siêu hàng hóa và dịch vụ đạt 7,1 tỷ USD và là năm thứ 6, Việt Nam liên tiếp xuất siêu hàng hóa, với mức kỷ lục 19,1 tỷ USD năm 2020. Dù tăng trưởng tổng bán lẻ hàng hóa dịch vụ năm 2020 là âm, sau khi trừ trượt giá do lạm phát; song thị trường và khu vực doanh nghiệp trong nước vẫn là động lực mạnh duy trì sự tăng trưởng dương cho Việt Nam.
( C. H sưu tầm)