Về phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ Đại hội XIII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết, trong những năm tới, dự báo tình hình thế giới và khu vực còn nhiều diễn biến nhanh và khó lường, đất nước ta đứng trước nhiều khó khăn, thách thức.
Đó là tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng; năm 2020 kinh tế suy giảm mạnh do tác động của dịch bệnh, thiên tai; tính tự chủ và khả năng chống chịu của nền kinh tế chưa cao…
Vì vậy, theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, đòi hỏi chúng ta phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, quyết liệt hơn nữa, “tuyệt đối không chủ quan, thỏa mãn, mất cảnh giác”.
Trong giai đoạn tới phải tiếp tục đổi mới, sáng tạo. Theo đó, tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt là kiên định và vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định đường lối đổi mới của Đảng, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc.
Động lực, nguồn lực phát triển đất nước chính là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, sức mạnh toàn dân tộc và khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Cùng với đó, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, tập trung khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, niềm tự hào, ý chí tự cường, lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội, khát vọng phát triển đất nước của toàn dân tộc. Trong đó, con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng đề cập đến nhân tố có ý nghĩa quyết định sự thành công trong xây dựng đất nước là xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo; xây dựng Nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ đảng viên, nhất là người đứng đầu phải đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ.
Thực hiện được những nhiệm vụ ấy, Tổng Bí thư. Chủ tịch nước cho rằng “chúng ta sẽ có sức mạnh to lớn, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để lập nên thành tích mới trong xây dựng đất nước”.
Mục tiêu tổng quát là nâng cao năng lực lãnh đạo, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch vững mạnh; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phấn đấu để đến giữa thế kỷ XXI, nước ta thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Các nhiệm vụ này phải được thực hiện trên nguyên tắc bảo đảm tính khoa học và thực tiễn, kế thừa và bổ sung phù hợp với những thay đổi. Việc xác định các mục tiêu cụ thể không chỉ cho nhiệm kỳ khóa XIII mà hướng tới những dấu mốc quan trọng của đất nước.
Mục tiêu cụ thể là đến năm 2025, Việt Nam thành nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Toàn đảng, toàn dân, toàn quân ta phải quán triệt trong cả lý luận và hành động thực tiễn 5 quan điểm chỉ đạo.
Một là, tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta là phải kiên định và vận dụng phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế: bình đẳng, hợp tác và cùng có lợi để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
“Đây là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Thứ hai, chiến lược phát triển tổng thể của đất nước ta là đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát triển nhanh và bền vững, bảo đảm gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hoá là nền tảng tinh thần, bảo đảm quốc phòng - an ninh là trọng yếu, thường xuyên.
Ba là, động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường và khát vọng phát triển. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và văn hoá con người Việt Nam. Thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ, nhất là thành tựu của cách mạng 4.0; kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại…; tận dụng tối đa nguồn lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nguồn lực con người là quan trọng nhất.
Thứ tư, nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc, là tiếp tục tăng cường xây dựng và chỉnh đốn Đảng; nâng cao năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh, toàn diện; xây dựng nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu, phải đủ phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ.
Với một Đảng cách mạng chân chính trong sạch, vững mạnh, có đủ uy tín, bản lĩnh, năng lực lãnh đạo và kinh nghiệm như Đảng ta, được nhân dân hết lòng tin yêu, ủng hộ, chúng ta sẽ có sức mạnh to lớn, vượt qua mọi khó khăn, thách thức.
“Không thế lực nào có thể ngăn cản nổi dân tộc ta đi lên, lập nên những kỳ tích mới trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước”- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định.