Nhân sự Đại hội và hồng phúc của dân tộc
Nguồn: Báo Điện tử TuanVietnamnet
Hai vấn đề quan trọng nhất của mỗi lần Đại hội Đảng toàn quốc là chính sách phát triển đất nước 5 năm tới và nhân sự Ban chấp hành Trung ương.
Các chủ trương, chính sách lớn về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại... được Đại hội thông qua sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước.
Tương tự quan trọng là vấn đề nhân sự Trung ương. Chính sách tốt mà không có người xứng tầm thực hiện cũng trở thành kém hiệu quả. Ở tầm quốc gia là câu hỏi ai sẽ là Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ... Ở tầm bộ thì ai sẽ về làm bộ trưởng và ở tầm địa phương thì ai sẽ là bí thư tỉnh ủy... Vào được BCH Trung ương, vào được Ban Bí thư, Bộ Chính trị đã trở thành mục tiêu phấn đấu của biết bao người. Nói một cách rất “người” thì mục tiêu này hoàn toàn chính đáng. Đã là con người ai mà chẳng có chí tiến thủ, cầu mong tiến bộ, tiếp tục thăng tiến trong sự nghiệp.
|
Đoàn Chủ tịch biểu quyết thông qua danh sách Ban Thẩm tra tư cách đại biểu Đại hội Đảng 13 |
Tiêu chí để xem xét, đánh giá và lựa chọn người vào Trung ương luôn được đặt ra và có những điều chỉnh kịp thời trên nhiều phương diện.
Về mặt lý thuyết là thông qua đó lựa chọn được những người tốt nhất, phù hợp nhất vào Trung ương để chèo lái con thuyền đất nước đi tiếp 5 năm tới một cách tốt đẹp.
Mấy triệu đảng viên chỉ lựa ra khoảng 200 người vào Trung ương tưởng dễ dàng nhưng hóa không hẳn. Vẫn lọt lưới những kẻ cơ hội, thiếu năng lực, suy thoái, biến chất. Kinh nghiệm 15, 20 năm trở lại đây cho thấy cho dù có chuẩn bị gọi là kỹ đến đâu về nhân sự thì sau này vẫn lộ ra sai lầm trong những nhân sự đã lựa chọn, thậm chí có cả một số sai lầm nghiêm trọng. Trong nhiệm kỳ khóa 12, đã có cả ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Trung ương, bộ trưởng, bí thư tỉnh bị kỷ luật ở mức độ cao nhất.
Không phải ngẫu nhiên mà nhiều nghị quyết Trung ương đã chỉ ra sự tha hóa, biến chất, tự diễn biến, tự chuyển hóa của một bộ phận cán bộ, đảng viên nắm giữ các cương vị, chức vụ cao trong hệ thống chính trị thời gian qua. Người đứng đầu Đảng và Nhà nước đã nhiều lần nhấn mạnh tiêu chuẩn ủy viên Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư là phải có bản lĩnh chính trị thật vững vàng, có phẩm chất đạo đức và lối sống trong sáng, thật sự gương mẫu, không tham nhũng, cơ hội, tham vọng quyền lực, có ý thức giữ gìn và bảo vệ sự đoàn kết trong Đảng, được quần chúng tin cậy, tín nhiệm.
Đấy là nói dưới góc độ người trong hệ thống, người đang là đảng viên khi đề cập người vào Trung ương. Còn dân thường thì sao? Về cơ bản, người dân hầu như không có khả năng tác động đến nhân sự Trung ương, dẫu có khá nhiều thiết chế đang tồn tại, tỷ như qua các kênh dân chủ cơ sở, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, công khai tài sản cán bộ, công chức...
Người dân thường suy nghĩ cũng theo kiểu “thường” về nhân sự Trung ương. Vào Trung ương nôm na phải là những người làm được việc có ích cho xã hội, cho người dân.
Con cái chúng ta đi học thuận lợi, giáo viên ra giáo viên, trường ra trường, học phí vừa phải, thi cử công bằng, bằng cấp đúng thực chất... Nếu được vậy thì ông ủy viên Trung ương, Bộ trưởng Giáo dục trong con mắt người dân là nhất, còn nói theo hệ thống là lựa chọn chuẩn, phù hợp tiêu chuẩn và yêu cầu đặt ra.
Hoặc trong con mắt người dân thì câu chuyện đường sắt trên cao Hà Đông - Cát Linh qua mươi năm còn dang dở dù viện dẫn lý do gì đi chăng nữa vẫn là minh chứng rõ ràng về sự thiếu quyết liệt của ngành Giao thông và của vị tư lệnh ngành này. Người dân kỳ vọng một cách “thực dụng” là người vào Trung ương dự kiến làm Bộ trưởng Giao thông sẽ ra tay kiểu gì đó để nhanh chóng đưa tuyến đường này vào hoạt động.
Tương tự như vậy là sự trông đợi, là những tiêu chuẩn đời thường dân chúng đặt ra cho các vị vào Trung ương để phụ trách các lĩnh vực, ngành như tài chính, kinh tế, nội vụ, văn hóa...
|
Các đại biểu dự phiên họp trù bị Đại hội Đảng sáng 25/1. Ảnh: Phạm Hải |
Từng lĩnh vực do các vị ủy viên Trung ương phụ trách đều tác động ít nhiều đến cuộc sống người dân. Tiêu chuẩn “lòng dân” là thước đo cao nhất, chuẩn nhất khi xem xét người vào Trung ương và kết quả công việc của họ trong thực tế.
Nói một cách dân dã chính là người dân trông đợi mỗi nhiệm kỳ đại hội cuộc sống dễ chịu và khấm khá hơn. Cải cách mà tiền khám, chữa bệnh, học phí gia tăng vượt quá khả năng dân chúng thì cải cách đó là thất bại. Cải cách đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức mà tình trạng tham nhũng, tha hóa của đội ngũ này gia tăng thì cải cách này là thất bại. Và nếu tình trạng đó xảy ra thì người dân mong chờ việc xử lý nghiêm khắc đối với các vị ủy viên Trung ương phụ trách các mảng công việc tương ứng.
Phải khắc phục cho được tư tưởng vào được Trung ương là xong, là yên tâm, là chắc ghế. Đã đến lúc thực hiện nguyên tắc có vào, có ra Ban chấp hành Trung ương ngay trong nhiệm kỳ đại hội.
Để làm được điều đó đòi hỏi phải có sự đánh giá chính xác, khách quan kết quả làm việc của từng vị ủy viên Trung ương. Làm được điều này cũng chính là tạo ra sự công bằng, tạo ra động lực cho các vị Trung ương đang phụ trách các công việc theo phân công.
Chính sách do Trung ương định ra đúng, nhân sự lựa chọn ra đúng và việc thực hiện đúng chính sách là cơ sở quyết định cho sự phát triển của đất nước. Có được 3 cái đúng này chính là hồng phúc của dân tộc, của đất nước.
( C. H sưu tầm)