"Bác Nguyễn Phú Trọng - Con người của niềm tin và hy vọng." - TG: Hoàng Văn Kính

Ngày đăng: 05:54 01/02/2021 Lượt xem: 496
-----------------------------------------------------------------

BÁC NGUYỄN PHÚ TRỌNG - CON NGƯỜI CỦA NIỀM TIN VÀ HY VỌNG
Hoàng Văn Kính

          Những ngày lịch sử này, nhân dân cả nước hân hoan chào mừng thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, vui mừng đón tin Bác Nguyễn Phú Trọng được BCHTW khóa XIII  bầu tiếp tục giữ chức Tổng bí thư của Đảng nhiệm kì ba liên tiếp.
          Mặc dù chỉ biết được phần nào những chuyện “ thâm cung bí sử ” chủ yếu qua các phương tiện truyền thông. Chưa một lần tôi có may mắn được gặp trực tiếp Tổng Bí thư, Chủ Tịch nước ( TBT, CTN ) Nguyễn Phú Trọng nhưng phẩm chất, đạo đức và tư cách ở con người Bác và những gì Bác đã làm cho Đảng, cho dân, cho đất nước đã để lại trong tôi sự kính trọng với nhiều ấn tượng tốt đẹp.
Tôi gọi ông với danh xưng Bác Trọng với tất cả lòng kính trọng và biết ơn về những gì Bác đã cống hiến cho Đảng, cho dân, cho nước. Về đức độ, nhân cách và sự mẫu mực trong lối sống và cách sống của một người Cộng sản.
          Không rõ suy nghĩ của mọi người thế nào, nhưng với riêng tôi ấn tượng tốt đẹp nhất về Bác Trọng là:
          Một con người trung thực,  giản dị và thật sự liêm khiết. Trong suốt cuộc đời cách mạng ( kết nạp đảng 19-12-1967 ) và đặc biệt 30 năm lại đây ( kể từ tháng 8/1991 đảm nhiệm cương vị Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản ), Bác lần lượt giữ các trọng trách: Ủy viên BCHTW các khóa: IIX, IIIX, IX, X, XI, XII; Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội kiêm Trưởng Ban cán sự Đại học và trực tiếp phụ trách Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội; UVBCHTW Đảng các khóa: VIII, IX, X, XI, XII, XIII; phụ trách công tác Tư tưởng - Văn hóa và Khoa giáo của Đảng; Chủ tịch Hội đồng Lí luận TW, phụ trách công tác lí luận của Đảng; Bí thư Thành ủy Hà Nội; Đại biểu Quốc hội các khóa XI, XII, XIII, XIV; Chủ tịch Quốc hội khóa XI, XII; Tổng Bí thư BCHTW Đảng khóa XI, XII, XIII; Bí thư Quân ủy TW; Trưởng ban chỉ đạo TW về Phòng chống tham nhũng; Tham gia Ban thường vụ Công an TW; Chủ tịch Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 
         Là lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, Bác luôn tận tâm, tận lực vì Đảng, vì dân, giữ  tiếng thơm: thanh liêm, trong sạch, đúng như câu” Ngọc càng mài càng sáng”. Trong lúc các quan lớn bé thi nhau đục khoét, bòn mót của dân thì Bác TBT, CTN lại chỉ ở nhà công vụ, tài sản riêng là một số tiền tiết kiệm nhỏ nhoi.
          Ở cương vị của Bác chắc chắn các thế lực phản động trong và ngoài nước, những kẻ cơ hội, những kẻ đã và sắp vào lò đã dùng mọi thủ đoạn để xăm xoi, đào bới  nhân cách và đời tư, dù chỉ bằng cái đầu kim cũng đủ để chúng thổi phồng, bôi nhọ, xuyên tạc, nói xấu. Nhưng ở Bác Trọng có soi mãi chúng cũng chẳng tìm thấy gì.
          Cuộc sống đời tư của Bác là một tấm gương sáng để mọi người noi theo. Nhà tôi ở chỉ cách quê Bác thôn Lại Đà, xã  Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội  một khúc  sông Đuống, đã nhiều lần tôi về đấy một miền quê yên ả, bình dị như bao miền quê khác. Ông bà có 2 người con, một trai và một gái hiện đang làm việc ở những vị trí rất khiêm nhường. Cuối năm 2009 ( lúc Bác đang là Chủ tịch Quốc hội ) anh con trai cưới vợ, Bác không gửi thiệp mời rộng rãi cho cán bộ cấp dưới mà chỉ mời hẹp một số ít người, và cũng chỉ gửi sau khi đám cưới đã kết thúc. Khi ông Nguyễn Minh Thuyết lúc đó đang là Đại biểu Quốc Hội gọi điện hỏi thư kí của bác Trọng thì được trả lời “ Đó là thiệp báo hỷ. Anh Trọng nhờ tôi sau lễ cưới mới gửi thiệp báo hỷ, và cũng chỉ gửi cho một số em thôi”. Ông Nguyễn Minh Thuyết cho rằng: qua cách xử sự này của một lãnh đạo cấp cao, nhiều cán bộ cấp dưới nên xem lại bản thân mình, không nên lấy việc của gia đình để trục lợi.
          Ông Lê Thanh Vân - Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính Quốc hội cho biết: Tôi nhớ khi con ông ra trường, có bạn bè của ông đưa hồ sơ sang xin việc ở Văn phòng Chính phủ, nhưng Chủ nhiệm Văn phòng khi đó trả lời: Cháu chưa đủ điều kiện vì thiếu thời gian công tác thực tế. Khi biết chuyện ông Trọng không những không tác động để con được vào làm việc mà còn cảm ơn người không tiếp nhận.
          Trộm nghĩ: nếu không phải là Bác Nguyễn Phú Trọng thì sau đấy chẳng biết cái anh Chánh văn phòng to gan, lớn mật kia sẽ bị chôn vùi ở đâu!
          Gia đình, vợ con Bác cũng sống rất bình dị, không khác biệt so với mọi người. Khác hẳn với phu nhân của một số lãnh đạo, quan chức mượn uy danh của chồng để vụ lợi, khuấy đảo chính trường, bà Ngô Thị Mân là người rất kín tiếng, rất ít khi thấy bà xuất hiện cùng chồng trong các sự kiện trọng đại của đất nước, hoặc công du nước ngoài ( chỉ khi Bác đảm nhiệm thêm cương vị CTN do yêu cầu của công việc người ta mới thấy bà xuất hiện lặng lẽ cạnh ông nhưng cũng chỉ trong trường hợp đặc biệt). Mặc dù là phu nhân của người đứng đầu Đảng và Nhà nước nhưng bà vẫn rong ruổi trên chiếc xe Cub. Không mượn danh chồng để trục lợi, vênh váo lên mặt, bà là người phụ nữ khiêm nhường phía sau một người đàn ông vĩ đại.
          Nhiều học giả, chuyên gia, chính trị gia cho rằng: Sở dĩ những chỉ đạo của TBT, CTN Nguyễn Phú Trọng có uy lực lớn, có sức hiệu triệu nhân tâm, một phần vì bản thân Bác là một tấm gương thật sự liêm chính trong cả công việc và đời tư.
          - Tôi đã được nghe nhiều chuyện kể, đọc nhiều câu chuyện, xem nhiều hình ảnh, đoạn clíp về các hoạt động của TBT, CTN Nguyễn Phú Trọng. Dấu ấn đặc biệt toát lên ở Bác là một người gần gũi, khiêm nhường và chan hòa thân thiện từ ánh mắt, nụ cười, cử chỉ đến cách ăn mặc, đi đứng.
         Gần đây khi Bác Trọng về thăm trường cũ Nguyễn Gia Thiều – nơi Bác đã học qua cấp II và cấp III từ năm 1957 đến 1963 - người ta không còn thấy cái khoảng cách giữa TBT, CTN với thầy giáo cũ cách đây mấy chục năm qua cái ôm thân thiết và những lời tri ân xúc động. Bác về thăm trường cũ với tình cảm thân thiết của một học sinh xa trường lâu năm. Thầy cô giáo, các em học sinh và Tổng bí thư cùng hòa chung một niềm vui.
          Theo kể lại khi đoàn cán bộ của trường đến nhà mời dự gặp mặt, Bác đã giành hẳn 90 phút để đón tiếp trong căn phòng chỉ có bàn làm việc và bộ bàn ghế nhỏ tiếp khách. Ấn tượng với đoàn là sự cởi mở, chân tình, giản dị và gần gũi. Bác vẫn nhớ và kể về các thầy cô đã dậy mình, trong đó có thầy Giảng dậy Văn – Sử. Bác kể: “ …sau này thầy về sống ở Bình Định, mỗi lần đi công tác tôi thường ghé thăm thầy và vẫn gắn bó với thầy đến bây giờ. Vợ thầy rất quý và thường gọi tôi là “ Thầy Trọng ”. Thỉnh thoảng có chuyện gì vui, có cuốn sách quý hay có tấm ảnh thầy Giảng cũng gửi cho tôi…”.
         Khi kể về những người bạn thân thuở học trò, Bác tâm sự: “ Tôi có khá nhiều bạn thân, đến bây giờ vẫn thân thiết với nhau trong đó có ông Lộc ( vẫn thường xuyên gọi điện hỏi thăm nhau), thỉnh thoảng ông ấy lại lên đây ( Văn phòng Tổng bí thư ) thăm tôi, nói chuyện vui lắm…”.
         Với trường Nguyễn Gia Thiều, Bác bảo: “ Cả một thời học sinh của tôi gắn liền với ngôi trường này…Tôi rất biết ơn những thầy cô - những người đã dậy dỗ tôi nên người và trở thành người tử tế như ngày hôm nay”. Rồi Bác hóm hỉnh: “ Nhờ các thầy, các cô mà ngày hôm nay em không bị hư hỏng”.
         Khi thầy Lê Trung Kiên hiệu trưởng thay mặt các thế hệ thầy trò trân trọng mời Bác về dự 70 năm thành lập trường, Bác đề nghị: “ Em báo cáo các thầy, các cô bây giờ em là TBT, CTN, nhưng khi về trường em xin phép được các thầy các cô vẫn gọi em là Nguyễn Phú Trọng – cựu học sinh của nhà trường. Trong buổi lễ các thầy cứ giới thiệu em là cựu học sinh Nguyễn Phú Trọng. Em cũng xin phép được phát biểu cảm tưởng về những kỉ niệm thời học sinh, về những kỉ niệm đẹp với các thầy cô và các bạn”.
          Và trong lần về thăm Trường cũ - Bác Trọng đã cảm động họa vần thơ:

         
          Bác đã từng khóc trước hội nghị TW Đảng vì lo lắng cho tương lai, vận mệnh của đất nước. Chuẩn bị cho Đại hội Đảng, mỗi lần Bác xuất hiện, mỗi lần Bác có chỉ đạo ta lại thấy nỗi niềm về những trăn trở, tâm huyết và những kì vọng của Bác trong nhiệm kì tới, đặc biệt là công tác nhân sự để tìm hiền tài cho Đảng, cho dân. Dù đi thăm thú hay xuất hiện ở đâu ta vẫn thấy ở Bác sự gần gũi, cởi mở, thân thiết, bộ quần áo bình dị, ánh mắt và nụ cười thân thiện. 
          - Phải thẳng thắn nhìn nhận, khi bác Nguyễn Phú Trọng tiếp nhận trọng trách TBT của Đảng ( từ nhiệm kì XI) đất nước đang bị giặc “ nội xâm” hoành hành, ngập chìm trong tệ nạn tham nhũng. Lòng dân lo lắng, niềm tin bị đánh cắp. Nhìn vào đâu, nhìn vào chỗ nào cũng thấy tham nhũng, tiêu cực, tha hóa, biến chất; đạo đức xã hội xuống cấp; tệ nạn xã hội bùng phát; các quan chức “ to ăn to, bé ăn bé”.
          Nạn tham nhũng, nguyên nhân hủy hoại tất cả. Ai cũng biết, ai cũng thấy, ai cũng gào thét, cũng hô hào phải chống, nhưng chẳng ai chống cả. Hoặc người ta không dám chống, không thể chống và không được chống.
           Gọi là “ giặc” nội xâm vì nó phá hoại đất nước từ bên trong, không súng đạn, không giáo gươm. Loại “ giặc” này vốn có thể là bạn bè thân hữu, là đồng chí đồng đội cùng chung chiến tuyến nay vì lòng tham mà quay đầu trở giáo. Nếu không biết đặt lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc lên trên, nếu không có cái tâm trong sáng thì không thể chống. Thậm chí còn bị nó lôi kéo, vô hiệu hóa.
          Cuộc chiến phòng chống tham nhũng ( PCTN ) chỉ thực sự quyết liệt từ tháng 6/2016 sau khi Bác Trọng tái đắc cử chưa đầy 5 tháng. Phát súng mở màn khi làm rõ vụ việc Trịnh Xuân Thanh ( Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang ) sử dụng xe tư nhân gắn biển số xanh. Công cuộc “ đốt lò” được khởi xướng và luôn cháy rừng rực, khơi dậy niềm tin, làm nức lòng người dân cả nước. “ Ai bàn lùi thì đứng sang một bên cho người khác làm”. “ Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có điểm dừng trên tất cả các lĩnh vực, kể cả đấu tranh PCTN trong các cơ quan chống tham nhũng và lĩnh vực chính trị…” . Quan điểm rất rõ ràng, thái độ rất kiên quyết, bản lĩnh Nguyễn Phú Trọng  đã tống vào lò cả đống củi, khô có, ướt có, to có, nhỏ có. Chưa bao giờ, chưa có nhiệm kì nào lại có nhiều văn bản về PCTN, chạy chức chạy quyền… được ban hành và đi vào cuộc sống như nhiệm kì này. Các cơ quan PCTN của Đảng, các cấp được củng cố, hoàn thiện và đi vào hoạt động có hiệu quả. Sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ giữa các ngành lập pháp, hành pháp và tư pháp từ trên xuống dưới đã nhận dạng được nhiều cá nhân và tổ chức suy thoai về tư tưởng chính trị, đạo đưc, lối sống.
          Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của TW Đảng, Bộ CT, Ban BT, Ban chỉ đạo PCTN mà trực tiếp TBT, CTN làm Trưởng ban, “ cuộc đấu tranh PCTN  được triển khai quyết liệt, bài bản, đi vào chiều sâu, có bước đột phá và đạt nhiều kết quả cụ thể ”, tham nhũng  từng bước được kiềm chế . Đặc biệt đã phát hiện, điều tra, làm rõ bản chất tư lợi, chiếm đoạt, xử lí nghiêm nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, án kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp được dư luận hoan nghênh. 87.000 cán bộ, Đảng viên đã bị kỉ luật, trong đó có 32.000 người liên quan đến tham nhũng. Các cơ quan có thẩm quyền đã xử lí kỉ luật hơn 113 cán bộ thuộc diện TW quản lí, trong đó có 27 Ủy viên, nguyên Ủy viên TW Đảng ( có 4 UV, nguyên UV BCT )  hơn 30 sỹ quan cấp tướng, xử lí hình sự 18 cán bộ diện TW quản lí. Công cuộc đốt lò cũng đã loại bỏ khái niệm “ hạ cánh an toàn”.
          Tôi dám chắc rằng trong số này có nhiều người, gia đình, người thân, vây cánh của họ tìm mọi cách để chạy tội, để giảm án nhưng với con người Bác Trọng thì không thể. Không vì lợi ích dân tộc, thiếu bản lĩnh thì sẽ bị chúng vô hiệu hóa. Có lẽ đây cũng là đáp án cho câu hỏi: tại sao lâu nay ai cũng thấy, ai cũng biết mà không ai làm, không ai dám làm và không làm được.
          “ Kỉ luật một người để cứu nhiều người”, “ Thật đau lòng nhưng chúng ta không thể không làm vì sự nghiêm minh kỉ luật của Đảng và vì sự tối thượng của luật pháp Nhà nước, vì sự trong sạch của Đảng, vì ý nguyện của nhân dân. Chúng ta đã làm, đang làm và sẽ tiếp tục làm trong thời gian tới”. Đấy là cái tâm, cái tầm của một vĩ nhân.
           Công cuộc “ đốt lò” không những không làm cho đất nước “ loạn” như nhiều người lo lắng, bọn phản động mong đợi mà ngược lại còn tạo được sự đoàn kết, nhất trí cao trong Đảng, trong dân. Vai trò lãnh đạo của Đảng được củng cố, niềm tin vào Đảng được nâng lên.
          Có thể nói: PCTN và xây dựng, chỉnh đốn Đảng là dấu ấn đậm nét trong nhiệm kì lãnh đạo của Bác Nguyễn Phú Trọng.
          - Nhờ có sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng; sự chỉ đạo xát xao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự vào cuộc của cả hệ thống Chính trị,  sự đoàn kết cùng chung sức, đồng lòng của toàn xã hội, đất nước ta đã vượt qua muôn vàn khó khăn phát triển toàn diện như ngày hôm nay.
          Bên cạnh nguyên tác lãnh đạo tập thể, trong từng thời điểm, từng hoàn cảnh cụ thể vai trò của người đứng đầu mang ý nghĩa quyết định.
          Nhờ có bản lĩnh vững vàng, lập trường kiên định, thái độ kiên quyết và những quyết sách khôn khéo, mềm dẻo cương nhu đúng lúc mà biên giới, đất liền, biển đảo của Tổ quốc được giữ vững trước các thế lực bành chướng, chống phá của cả bên trong và bên ngoài. Đất nước ổn định, kinh tế phát triển, thu nhập bình quân 5 năm qua đạt 6% ( riêng năm 2020 kinh tế thế giới bị khủng hoảng vì đại dịch Covid-19 vẫn tăng trưởng xấp xỉ 3%, là nước có nền kinh tế tăng trưởng đứng đầu châu Á - Theo thống kê của CNBC và IMF ); khống chế thành công đại dịch Covid-19; hạn chế đến mức thấp nhất, khắc phục kịp thời hậu quả do lũ lụt hoành hành; đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện. Việt Nam trở thành điểm sáng trên thế giới. Vị thế, uy tín của đất nước không ngừng được nâng cao trên trường quốc tế. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực và vị thế như ngày nay. “ Năm năm qua nắm bắt thuận lợi, thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, nhất là tác động của dịch bệnh, thiên tai liên tiếp xẩy ra, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết, ý chí quyết tâm, bản lĩnh, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật; đất nước phát triển nhanh và bền vững; củng cố, nâng cao niềm tịn của nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN” ( Báo cáo của BCHTW Đảng khóa XII do TBT, CTN Nguyễn Phú Trọng trình bầy tại ĐH XIII của Đảng)
          Vai trò của TBT, CTN Nguyễn Phú Trọng còn thể hiện nổi bật ở tầm nhìn trong chỉ đạo quá trình chuẩn bị các văn kiện, chuẩn bị nhân sự và tổ chức thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Tất cả những thành tựu trong xây dựng Đảng, thành tựu của đất nước trong những năm qua đều in đậm dấu ấn vai trò thủ lĩnh của TBT, CTN Nguyễn Phú Trọng. Có lẽ cũng vì thế mà Bác Trọng được giới học giả mệnh danh là: “Người phục hưng”.
           Bác Nguyễn Phú Trọng được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII tín nhiệm bầu tiếp tục giữ chức Tổng bí thứ nhiệm kì 5 năm tới là điềm lành, là hồng phúc cho dân tộc ta, làm nức lòng người dân cả nước. Xin kính chúc Bác sức khỏe, vững tay lái cùng toàn Đảng, toàn dân đưa con thuyền Cách mạng Việt Nam vượt qua mọi chông gai, ghềnh thác đến bến bờ vinh quang như mục tiêu Đại hội XIII đã đề ra.

 
Hoàng Văn Kính
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn VN

 
tin tức liên quan